Hết đóng vai bệnh nhân đến giả bác sĩ là chiêu mới của những kẻ lừa đảo để moi tiền trong bệnh viện.
Không ít kẻ lợi dụng sự dễ tin, lòng thương người của thân nhân người bệnh để tìm cách moi tiền đã bị phát hiện. Khi đã nhẵn mặt đối với bảo vệ, nhân viên y tế ở bệnh viện (BV) này thì họ chuyển địa bàn kiếm ăn ở BV khác.
Giả bệnh nhân “chạy sô”
“Tôi đã từng chứng kiến hình ảnh một ông bàn chân băng trắng, tay ôm giỏ quần áo cũ, tay cầm sổ khám bệnh mon men tới thân nhân người bệnh kể khổ, kể nghèo để xin tiền” - ông Huỳnh Ngọc Thành, Đội trưởng Đội bảo vệ BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, nói.
Ông Thành kể người này độ 46 tuổi, dong dỏng cao, thường xuất hiện tại khu vực khám bệnh buổi sáng. Ông ta luôn biểu lộ gương mặt đau khổ khi kể lể hoàn cảnh gia đình với người nhà bệnh nhân. Khi thấy “đối tượng” chịu nghe và đã mềm lòng, ông ta mở miệng xin ít tiền xe về quê.
Lúc đầu tưởng đây là bệnh nhân thật nhưng thấy ông ta xuất hiện thường xuyên nên ông Thành lặng lẽ quan sát. Biết ông ta giả dạng bệnh nhân để xin tiền, bảo vệ mời làm việc nhưng ông ta thẳng thừng từ chối. Khi bảo vệ cương quyết đòi xem vết thương ở chân, người đàn ông mới chịu tháo băng và lộ rõ bàn chân lành lặn. Biết chiêu thức bị lộ, ông này biến mất khỏi BV.
“Một tháng sau, khi đến thăm người quen đang điều trị tại một BV đa khoa ở quận 10, tôi bất ngờ “đụng độ” người đàn ông nói trên. Ông ta cũng ôm giỏ quần áo cũ, cũng cầm sổ khám bệnh rồi kể khổ, kể nghèo với mọi người. Gặp lại cố nhân (ông Thành - PV), ông ta lẳng lặng bỏ đi, không dám ngoái lại” - ông Thành kể tiếp.
Nhân viên y tế khi làm việc đều mặc áo blouse có logo bệnh viện và mang bảng tên. Ảnh: TRẦN NGỌC
Chị Mai, công tác tại cơ quan truyền thông ở TP.HCM, cho biết từng gặp một ông độ 50 tuổi, dáng tiều tụy, tay cầm sổ khám bệnh và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) lê lết từ khoa này sang phòng nọ tại một BV ở Tân Bình. Gặp ai ông ta cũng kể khổ, chìa cuốn sổ khám bệnh và thẻ BHYT rồi ngửa tay xin tiền trị bệnh. “Hầu hết đối tượng của ông ta là những người trẻ giàu lòng trắc ẩn nên dễ móc hầu bao. Cá nhân tôi cũng động lòng nên đã cho 20.000 đồng” - chị Mai kể.
Ngạc nhiên là vài tuần sau, khi đưa người nhà đi khám ở BV Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), chị Mai bỗng gặp lại “bệnh nhân nghèo” này tiếp tục xin tiền. “Ông ta hơi biến sắc khi cũng nhận ra tôi. Chẳng nói chẳng rằng, ông ta lầm bầm vài câu rồi lủi mất” - chị Mai lắc đầu.
Đóng vai bác sĩ tốt bụng
Đề cập đến câu chuyện giả dạng trên, TS-bác sĩ (BS) Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115(TP.HCM), cho biết BV của ông từng phát hiện những trường hợp người xấu giả dạng BS để lừa tiền người bệnh.
“Người nhà bệnh nhân kể vị BS đó độ 40 tuổi, đến tận giường ân cần hỏi han tình hình bệnh tật. Sau đó vị này hứa sẽ giúp người bệnh được mổ sớm để mau xuất viện. Vị BS cũng yêu cầu bà này đưa trước ít tiền để lo trên khoa. Cầm tiền trong tay, vị BS này biến mất” - BS Phú kể.
Theo BS Phú, nắm bắt tâm lý bệnh nhân muốn được phẫu thuật hoặc điều trị sớm để mau về nhà nên một số đối tượng xấu thường giả dạng BS hoặc nhân viên y tế lân la đến gặp. Những đối tượng này cũng mặc áo blouse, đeo ống nghe để bệnh nhân và người nhà nghĩ là nhân viên của BV. Họ giả vờ hỏi thăm, hướng dẫn thủ tục điều trị hoặc phẫu thuật, sau đó gợi ý bệnh nhân muốn được mổ sớm thì sẽ giúp đỡ và đề nghị đưa trước khoản tiền “lót tay”. Sau khi cầm tiền, BS giả cao chạy xa bay, mặc bệnh nhân khốn đốn. “Điều đáng nói, những đối tượng này chỉ xuất hiện ngoài giờ làm việc vì khi đó đa phần nhân viên y tế về nhà nên nguy cơ bị phát hiện rất thấp” - BS Phú nói.
BS Phú cho biết thêm một chiêu bịp khác cũng khiến nhiều bệnh nhân sập bẫy. Cũng mặc áo blouse không logo, các BS giả mon men đến gần bệnh nhân làm bộ hỏi han ân cần, hướng dẫn cách uống thuốc. Cầm thuốc bệnh nhân đang uống, họ tỏ vẻ lo lắng vì tác dụng không cao và gợi ý giúp mua thuốc tốt hơn. Muốn mau hết bệnh, lại gặp BS tốt bụng nên người bệnh chẳng ngần ngại đưa tiền nhờ mua thuốc khác. Khi đã đút tiền vô túi, “BS” hí hửng chuồn thẳng.
Đánh vào tâm lý thương người Một số đối tượng xấu còn giả dạng bị bệnh rất nặng, xòe tay xin tiền chữa trị hoặc mua vé xe về quê do “BS chê”. Các đối tượng này thường cầm theo sổ khám bệnh và thẻ BHYT để lòe mọi người. Tuy nhiên, không loại trừ sổ khám bệnh và thẻ BHYT do họ nhặt được. Muốn xác định nhân thân người xin tiền, có thể xem tên ghi trong sổ khám bệnh và thẻ BHYT trùng nhau không. Cũng có thể hỏi người xin tiền tên, tuổi, địa chỉ… Sau đó đối chiếu với thông tin ghi trong sổ khám bệnh và thẻ BHYT là biết thật, giả ngay. Hiện nay, hầu hết các BV ở TP.HCM đều có phòng công tác xã hội. Do vậy, khi gặp những người xin tiền trong BV thì thân nhân và người bệnh nói họ đến phòng công tác xã hội trình bày hoàn cảnh. Ông VÕ DUY THỨC, Trưởng phòng Hành chính quản trị BV Ung bướu TP.HCM ___________________________ Nhân viên y tế khi làm việc đều mặc áo blouse có logo của BV và đeo bảng tên, kể cả sinh viên thực tập. Bệnh nhân thuộc diện phải mổ đều đã lên lịch và có ngày giờ cụ thể, không thể muốn mổ sớm là được. Tại mỗi phòng bệnh đều ghi tên BS điều trị và điều dưỡng. Do vậy, nếu thấy nghi ngờ giả dạng nhân viên y tế thì người bệnh và thân nhân báo cho điều dưỡng hoặc bảo vệ BV ngay. TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 (TP.HCM) |