Nghe tưởng chuyện đùa nhưng ở Tây Ninh có một phiên chợ mà người mua hàng bằng lá thay vì trả tiền.
Cứ mỗi năm vào rằm tháng Giêng (tức 15/01 Âm lịch), người dân ở Tây Ninh lại đổ xô đến một phiên chợ kỳ lạ, nơi mà người đi chợ không dùng tiền để mua thức ăn, nước uống, người bán cũng không nhận tiền để bán những món hàng của mình. Đó là chợ lá, hay còn gọi là chợ tiên, nơi mà lá cây được thay thế cho tiền mặt. Ngày 5/2/2023 (tức ngày 15 tháng Giêng năm nay), phiên chợ lá ở Tây Ninh lại nhộn nhịp, thu hút hàng ngàn người dân khắp nơi đến tham quan và trải nghiệm mua sắm.
Phiên chợ đặc biệt ở Tây Ninh.
Người mua dùng lá để trả tiền, có đầy đủ các món ăn từ bánh ngọt, sữa, nước…
Phiên chợ lá ở Tây Ninh đã được tổ chức liên tục trong suốt 10 năm nay. Ban đầu, chợ có quy mô nhỏ và người “khởi xướng” là bác sĩ Bùi Quốc Thái – một thầy thuốc nam hay làm việc thiện cứu người ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Vốn dĩ ban đầu ông chỉ đơn giản là muốn tổ chức một phiên chợ “mang tính chất nội bộ” chuyên mua bán đồ ăn, thức uống một lần mỗi năm để tiếp đãi và có cơ hội gặp gỡ những người anh em, bè bạn đã vất vả đồng hành cùng ông trong suốt chặng đường vừa qua. Bên cạnh khoản chi phí tự thân “vận động”, cộng thêm bạn bè ông góp sức, ai có gì góp nấy để buổi “chợ” thêm phong phú.
Thế nhưng sau vài năm tổ chức, người dân địa phương, khách du lịch... đều biết đến và rất yêu thích phiên chợ đặc biệt này. Lâu dần trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của miền đất Hòa Thành. Khoảng 3 năm nay, nhờ nhiều người chia sẻ lên mạng xã hội nên phiên chợ độc đáo này mỗi năm càng đông đúc hơn. Từ chỗ chỉ có vài chục gian hàng, họp từ 5h30 sáng đến 6h-7h sáng là đã tan chợ thì bây giờ chợ lá quy mô hơn hẳn.
Ngày càng nhiều bạn trẻ biết đến phiên chợ đặc biệt này.
Phiên chợ thường sẽ họp trong hai buổi sáng 14 và 15 tháng Giêng. Mọi năm, địa điểm họp chợ không cố định mà di chuyển nhiều điểm trong khu vực TX.Hòa Thành (Tây Ninh) để bà con ai cũng có thể mua hàng. Như ở cửa 8 chợ Long Hoa, gia trang của lương y Thái ở đường Hốc Trâm, hoặc ở Điện thờ Phật Mẫu Long Hải, TX.Hòa Thành... Thậm chí sau này, do nhu cầu tăng cao mà mỗi buổi họp chợ sẽ di chuyển đến 2 - 3 địa điểm trên để bán. Năm nay, phiên chợ được tổ chức dọc theo con đường Nguyễn Quốc Gia (cửa 8 Chợ Long Hoa, Trung tâm thương mại Long Hoa).
Nếu ghé thăm phiên chợ đặc biệt này, bạn sẽ có thể thưởng thức đủ các loại món ăn, nước uống truyền thống của Nam Bộ. Tại đây, những quầy hàng xếp san sát nhau bán trái cây, xôi, chè, sữa đậu nành, trái cây của nhà trồng được… Người bán có gì bán nấy, chỉ lấy lá làm lộc chứ không lấy tiền. Các mặt hàng không được định giá và khách đến chợ thay vì trả tiền thì lại trả bằng những chiếc lá họ mang theo và “trả” cho người bán hàng. Tuy nhiên mỗi món chỉ nhận về một phần nho nhỏ, như vậy để những người đến sau còn có mà mua. Không cần biết “mặt hàng” mệnh giá là bao nhiêu, người mua cứ mua, người bán cứ bán và họ gửi đến nhau những lời cảm ơn, nụ cười cùng lời chúc tốt lành đầu năm mới.
Theo như chia sẻ của bà con "tiểu thương" trong chợ lá, ý nghĩa của phiên chợ lá Tây Ninh này chính là muốn nhắn nhủ tới mọi người tiền chỉ là phương tiện phục vụ cho cuộc sống mưu sinh, cũng chỉ là vật chất phù du như chiếc lá. Đồng thời trong phiên chợ đặc biệt này, người bán cũng như người mua muốn trao đi nhiều "lộc lá", cầu mong cho một năm mưa thuận gió hoà, vạn sự bình an. Để cầu mong cũng vào dịp này năm sau, mọi người lại về đây, cùng mua bán, trao đổi bằng lá cây, và bằng cả tấm chân tình.
Phiên chợ lá ở Sài Gòn.
Năm nay, tại Sài Gòn cũng đã có chợ lá diễn ra tại Thánh thất Sài Gòn, quận 5 - được coi là cái nôi của đạo Cao Đài (Tây Ninh). Chương trình do thọ đạo Sài Gòn liên quận 5 quận 8 tổ chức với mong muốn được lan toả giá trị tốt đẹp của chợ lá Tây Ninh đến bà con tại Sài Gòn. Phiên chợ có 70 gian hàng bán đủ loại thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm và thu hút hơn 7.000 lượt khách tham quan dù chỉ diễn ra trong vòng 3 tiếng vào ngày 15 Âm Lịch vừa qua. Đại diện Hội thánh Cao đài TP HCM cho biết chợ lá sẽ được tổ chức mỗi năm một lần, để phiên chợ lá sẽ được lưu truyền và phát huy ý nghĩa, giá trị truyền thống tốt đẹp của nó.