Sau 3 tháng giãn cách xã hội tại TP HCM, nhu cầu chuyển nhà, tìm phòng trọ mới hoặc trả phòng để về quê có xu hướng gia tăng. Nhiều đối tượng đã đánh vào tâm lý ưa rẻ của đông đảo các bạn trẻ để lừa đảo đặt cọc tiền và lợi dụng việc khó khăn trong mùa dịc
Lừa đặt cọc từ vài trăm đến hàng triệu đồng
N.T là sinh viên đại học kẹt lại thành phố vì dịch Covid-19, sau 3 tháng sống một mình trong căn phòng trọ lớn vì các bạn đã về quê, T quyết định tìm một phòng nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí. Lướt trên các hội nhóm môi giới phòng trọ tại quận Phú Nhuận, T. tìm được nơi cho thuê với giá khá rẻ.
Một người đàn ông tên H. tự xưng là nhân viên môi giới của phòng trọ đã rất nhiệt tình tư vấn cho T. và hẹn gặp mặt để chốt phòng. H. nói: “Bây giờ mới hết giãn cách nên mới có giá đó, chủ nhà họ hỗ trợ mùa dịch, em không đi xem sớm là không còn phòng đâu".
Vì cũng đang cần chuyển nhà gấp nên T. lập tức đến theo địa chỉ, nhưng khi đến nơi thì lại được hẹn sang một số nhà khác với lý do chủ nhà cho thuê nhiều chỗ, thấy chỗ này tốt hơn nên giới thiệu trước. Sau khi xem nhà xong xuôi, T. bị yêu cầu cọc 50% số tiền cho thuê nếu muốn được giữ phòng và còn được bồi thêm những câu kinh điển như “phòng này nhiều người hỏi anh lắm rồi đó em, không cọc sớm thì anh cho người khác thuê”, hoặc “anh thấy em nói chuyện lịch sự, dễ thương nên mới đưa em đi coi đầu tiên đó”…
Một người đăng bài cảnh báo hình ảnh của họ đã bị ăn cắp
Nhưng vì đã tham khảo rất nhiều bài cảnh báo về hình thức lừa đảo nên bạn T. đã không đặt cọc. Khi về đến nhà và đọc được bài viết của một bạn khác bị lừa với tình trạng tương tự, T. cảm thấy vui mừng vì đã không mất tiền oan.
Không phải ai cũng may mắn và tỉnh táo như bạn T. Chỉ cần gõ từ khóa “lừa đảo cọc tiền” trong bất kì một hội nhóm cho thuê phòng trọ nào tại TP HCM đều có thể tìm thấy nhiều bài “bóc phốt” trong thời gian gần đây. Số tiền bị lừa đôi khi chỉ từ vài trăm nghìn, nhưng thậm chí có trường hợp tới hàng chục triệu đồng. Chiêu trò của những kẻ lừa đảo là đánh vào tâm lý ham rẻ, muốn thuê được phòng tốt của đại đa số người đi thuê phòng. Chúng thường sử dụng tài khoản facebook ảo nhưng lượt tương tác rất đáng tin cậy, khiến người khác khó có thể nghi ngờ. Liên tục đăng tải những hình ảnh phòng trọ lung linh với giá cả cực kì ưu đãi.
Các bạn trẻ, các bạn sinh viên thường không có nhiều kinh nghiệm, không nắm bắt được giá cả cho thuê của từng khu vực nên thường xuyên bị lừa. Anh Hữu Tình - một nhân viên môi giới lâu năm chia sẻ: "Mấy cái chiêu đặt cọc tiền thuê phòng này không hề mới nhưng mà cứ dăm ba bữa lại có người đăng bài nói bị lừa. Cũng không trách các bạn ấy được vì người đi lừa họ tinh vi lắm, lừa chuyên nghiệp cả một đường dây luôn".
Khi được hỏi kĩ hơn về câu chuyện đường dây lừa cọc tiền này, anh kể thêm: "Không thiếu những nhóm người họ giả danh cả môi giới lẫn chủ nhà, khi dắt "con mồi" đến lại có thêm cả những người tự nhận là hàng xóm, người đi thuê phòng tương tác với nhau để tăng thêm độ tin cậy. Nhiều người thấy thế họ cọc tiền 1,2 tháng luôn mà chẳng nghĩ gì. Người ta đào hố sẵn rồi, chờ mình nhảy vô thôi".
Sau thời gian giãn cách xã hội, những đối tượng này lại càng hoạt động mạnh mẽ hơn, mọi người cần hết sức chú ý, đề phòng để tránh tình trạng tiền mất tật mang.
"Thu đi để lại lá vàng, khách đi để lại… 3 tháng tiền nhà chưa trả!"
Người đi thuê phòng bị lừa tiền nhưng đến cả chủ nhà cũng gặp những trường hợp khách thuê vô cùng oái oăm. Trong nhóm facebook Cộng đồng cư dân của chung cư ở quận Bình Thạnh đã có rất nhiều bài viết phàn nàn về việc người thuê nhà không đóng tiền nhưng vẫn “ở lì không chịu đi”. Chị Quỳnh Giao - một cư dân tại đây cũng kể chuyện của mình dưới bài đăng: “Mình cũng gặp trường vậy như vậy luôn nhưng vì cho thuê lần đầu nên không có kinh nghiệm xử lý. Lúc đi thiếu mình hơn 2 tháng tiền nhà và cái hóa đơn dịch vụ gần 8 triệu".
Sở dĩ xuất hiện tình trạng kể trên vì trong thời gian 3 tháng giãn cách, một số chủ nhà tại khu chung cư cao cấp này đã giảm tiền, tạm thời chưa lấy tiền thuê để chia sẻ khó khăn chung với người thuê. Khách hẹn hết dịch sẽ thanh toán nhưng đến khi lệnh giãn cách được nới lỏng thì họ nhanh chóng “bốc hơi” mà không hề báo trước, khiến chủ nhà không kịp trở tay.
Người bỏ đi trong im lặng, người ở lại nhưng không đóng tiền cũng.... lặng im nốt. Muốn giữ thái độ dĩ hòa vi quý nhưng khách từ chối gặp mặt nói chuyện, chủ nhà đành nhờ ban quản lý chung cư cắt điện nước, khóa thẻ ra vào, xóa vân tay để gây sức ép. Đến cuối cùng, chủ nhà thì rước thêm bực tức, người cho thuê lại cảm thấy không được cảm thông trong những ngày dịch bệnh.
Một trang cộng đồng lớn là Chuyện của Sài Gòn cũng đã đăng một dòng chia sẻ rất hài hước: "Nhiều chủ trọ ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa khi người thuê trọ âm thầm về quê không một lời từ biệt, để lại vài tháng tiền trọ nợ chưa trả".
Xoay quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến vừa chê trách lẫn cảm thông cho những người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian vừa qua. Tài khoản Nga nguyễn bày tỏ: "Nghe buồn cười nhưng lại thấy tội quá. Tội cả chủ nhà và người thuê vì ai cũng khó khăn, thời điểm bây giờ chỉ là ai ít khổ hơn thì hãy chia sẻ với người khác. Nghĩ thì tức nhưng mà chắc họ cũng bị dồn đến đường cùng rồi nên đành phải làm vậy. Mong các chủ trọ cố gắng vượt qua giai đoạn này".
Rất nhiều bình luận chia sẻ câu chuyện tương tự mà chủ nhà gặp phải
Nhưng nhìn từ góc độ của người kinh doanh phòng trọ, chị H.Nguyen cho rằng: "Mình cũng đã hỗ trợ và giảm tiền rất nhiều thì chí ít nếu không trả được cũng nên báo với mình để mình còn tìm cách. Hết lòng với người khác nhưng rồi cuối cùng cả một câu chào khi về mình cũng không nhận được. Ngoài vấn đề là tiền còn là cách hành xử giữa con người với nhau".
Chị H. Nguyen chia sẻ hóa đơn điện của một phòng trọ không thanh toán trong vòng 3 tháng
Nhiều chủ trọ vay tiền ngân hàng để đầu tư nên khi tình trạng này xảy ra họ cũng phải vay mượn các nơi khác để bù đắp những khoản thiệt hại kể trên. Đôi khi số tiền điện nước không nhiều, nhưng cộng dồn 3 tháng với hàng chục phòng trọ thì thành ra một con số khiến nhiều người phải giật mình. Câu chuyện này dường như đi vào bế tắc khi xét về tình và lý, ai cũng có những lập luận của riêng mình.
Vì thế, người đi thuê nhà cần giao dịch trực tiếp với chủ nhà, hoặc thông qua các công ty môi giới uy tín. Gõ địa chỉ phòng trọ lên google xem đã từng bị “bóc phốt” hay chưa. Trước khi xuống tiền đặt cọc cần suy nghĩ kĩ càng, không nên vì nóng vội mà nghe lời ngon ngọt của bên mô giới. Bất cứ điều gì liên quan đến sự thỏa thuận về các chi phí đều phải có giấy cam kết, biên nhận rõ ràng.
Còn về phía người cho thuê, cần kiểm tra giấy tờ của khách và đăng kí tạm trú, tạm vắng với cơ quan công an. Tìm ra những cách giải quyết phù hợp với điều kiện của đôi bên khi xảy ra tranh chấp hoặc có sự cố bất khả kháng. Tránh đẩy bản thân cũng như người đi thuê vào trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích và mối quan hệ của đôi bên.