Dùng lươn lăn trên cơ thể trẻ để hạ sốt sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm như: trẻ sợ hãi dẫn đến hoảng loạn, co giật hoặc sẽ bị nhiễm vi khuẩn lạ từ con lươn.
Mới đây, trên mạng xã hội nhiều chị em chia sẻ cách hạ sốt phát ban cho con bằng lươn, ngay sau khi đoạn xuất hiện cách hạ sốt trên đã nhận được sự quan tâm và chia sẻ của rất nhiều người. “"B.N. bị sốt lên ban đỏ, uống thuốc hoài thấy lâu hết mà con thì sốt cao quá mình nóng ruột. Nhiều người chỉ lấy lươn sống lăn là hết.
Sáng sớm mẹ mình đi chợ mua 3 con lươn sống về lăn, thấy hiệu quả rõ rệt luôn. Mình thấy con lươn chuyển sang hết màu đỏ luôn (đó là chất độc trong ban mà con lươn hút). Mẹ nào có con bị ban đỏ thì làm như thế này nhé, rồi mua rượu nhẹ lau sạch rất nhanh khỏi”, toàn văn đoạn chia sẻ của một bà mẹ trẻ.
Đoạn chia sẻ trên mạng nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh với hơn 8000 lượt chia sẻ.
Trước những thông tin trên, rất nhiều nhà khoa học, các bác sĩ cả đông y và tây y đã lên tiếng cảnh báo và khuyên các bậc phụ huynh không nên dùng phương pháp này để hạ sốt, chữa bệnh cho con.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái (khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về sức khoẻ của mình. Có người thích đi bệnh viện, có người thích chữa đông y, có người thích lăn lươn, có người thích tự chữa... Các bác sĩ sẽ không khuyên lăn lươn, mà sẽ tư vấn cho người bệnh cách chườm ấm để hạ thân nhiệt kết hợp với dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao.
Hiện còn chưa rõ lăn lươn có tác hại gì cũng như có hiệu quả thực sự như thế nào. Bởi vậy, không nên đề cập đến và sử dụng biện pháp này để hạ thân nhiệt.
Còn phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, việc dùng lươn để hạ sốt cho trẻ là rất nguy hiểm, đây là phương pháp phản khoa học. Theo ông Dũng, nguyên nhân gây sốt phát ban hầu hết do nhiễm virus thông thường (70-80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính. Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C, phụ huynh có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol loại đơn chất với liều 10-15 mg/kg cân nặng, 4-6 giờ một lần. Bên cạnh đó, kết hợp chườm mát cho trẻ bằng nước ấm để nhanh hạ sốt.
Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, đây là phương pháp phản khoa học.
Về đông y, trao đổi với phóng viên thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Phòng chẩn trị y học cổ truyền Chùa Cảm Ứng (Hà Nội) cho biết, trong đông y lươn là một vị thuốc nhưng phải với điều kiện được chế biến và nấu chín (hoặc hầm, hấp cách thủy) thì mới có tác dụng. Còn việc dung lươn sống để lăn trên cơ thể trẻ chữa sốt phát ban là bịa đặt và phản khoa học.
Đồng thời, lương y Quốc Trung cảnh báo, các bậc phụ huynh không nên làm theo kẻo “bệnh không khỏe mà lại thiệt thân”. “Khi trẻ bị sốt các bậc phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ trẻ liên tục, tìm các hạ sốt cho trẻ bằng cách cho uống thuốc, nới lỏng quần áo trẻ, nếu sốt cao thì cần phải đưa đến cơ sở y tế ngay”, lương y Vũ Quốc Trung cảnh báo.
Về mặt dinh dưỡng, các chuyên gia cũng cho biết, để đảm bảo cho sức khỏe nên chế biến lươn bằng cách nấu chín, ninh nhừ hoặc hấp cách thủy... bảo đảm sao cho thịt lươn được nấu chín kỹ. Người tiêu dùng cũng lưu ý khi mua lươn ngoài chợ tuyệt đối không được mua lươn đã chết hoặc ươn về chế biến. Trong thịt lươn chứa rất nhiều protein, trong đó có hợp chất Histidine tốt cho cơ thể, nhưng khi lươn chết, hợp chất này bị ô nhiễm bởi vi khuẩn và có thể chuyển hóa thành chất độc Histamine.