Chuyên gia tiết lộ thời điểm vàng để học chứng chỉ IELTS: Nhiều bố mẹ ép con học IELTS sớm và thi điểm cao để khoe là chính

H.A - Ngày 11/08/2023 16:21 PM (GMT+7)

Khi con đang học cấp 1, lúc này chứng chỉ IELTS hoàn toàn không cần thiết và không phù hợp với các con. Hiện có nhiều bố mẹ ép con học IELTS và thi điểm cao để khoe là chính chứ không hoàn toàn để phục vụ mục đích học thuật.

Chứng chỉ IELTS hiện nay giống như tờ giấy thông hành qua cửa nhiều trường đại học và được xem là kim bài miễn thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nên học IELTS từ khi nào, bao nhiêu điểm được xem là giỏi và có chứng chỉ ngoại ngữ thì đã thực sự giỏi tiếng Anh chưa?

Liên quan đến vấn đề này, anh Nguyễn Bá Trường Giang, tốt nghiệp Đại học Cornell và Đại học Luật Boston, Mỹ, hiện là giám đốc của một trung tâm Tiếng Anh ở Hà Nội đã có những chia sẻ hữu ích cho phụ huynh và thí sinh.

IELTS là luyện thi chứ không phải học ngôn ngữ

IELTS là tên viết tắt của International English Testing System, được tạm dịch là Hệ thống khảo thí Anh Ngữ Quốc tế, được triển khai đầu tiên vào năm 1980 bởi Tổ chức Khảo thí Cambridge và Hội Đồng Anh (BC) và hiện được tổ chức thi chính thức bởi BC, IDP, IELTS Australia và Cambridge Assessment. IELTS được hầu hết các trường đại học ở các nước Anh, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand và nhiều quốc gia khác chấp nhận.

Anh Giang chia sẻ: “Không có thời điểm cụ thể để học IELTS nhưng thi thì có thể bị giới hạn tuổi tối thiểu. Điều này phụ thuộc vào quy định cơ quan khảo thí như IDP và BC. Trong một số trường hợp học sinh cấp 1 đăng ký thì IELTS có thể bị BC và IDP từ chối.

Anh Nguyễn Bá Trường Giang chia sẻ học IELTS quá sớm thực sự là áp lực với bọn trẻ nhỏ và nhiều khi có tác dụng phụ tiêu cực tới sự yêu thích ngôn ngữ vốn đã mong manh ở trẻ.

Anh Nguyễn Bá Trường Giang chia sẻ học IELTS quá sớm thực sự là áp lực với bọn trẻ nhỏ và nhiều khi có tác dụng phụ tiêu cực tới sự yêu thích ngôn ngữ vốn đã mong manh ở trẻ.

Trước hết các phụ huynh cần xác định là học IELTS để làm gì và IELTS đo lường khả năng ngôn ngữ gì ở con em mình. Khi con đang học cấp 1, lúc này chứng chỉ IELTS hoàn toàn không cần thiết và không phù hợp với các con. Hiện có nhiều bố mẹ ép con học IELTS và thi điểm cao để khoe là chính chứ không hoàn toàn để phục vụ mục đích học thuật.

Trẻ nhỏ nên học theo các chương trình học chuẩn Cambridge như KET, PET hay FCE với những nội dung và kiến thức phù hợp với lứa tuổi. Học IELTS quá sớm sẽ khiến các con vô cùng vất vả vì phải bàn tới những vấn đề xã hội phức tạp mà các em chưa có chút trải nghiệm hay suy nghĩ nào. Ví dụ như bàn đến những vấn đề như đánh thuế vào rượu hay thuốc lá, nhân bản vô tính, cha mẹ nên giáo dục con cái thế nào, viện trợ phát triển, thậm chí cả những vấn đề vai trò của truyền thông, du học… không phù hợp với học sinh lớp 5, 6. Những vấn đề này ngay cả một sinh viên đại học còn ôm đầu vò tai, giật tóc.

Hơn nữa, lượng từ vựng và nội dung các bài đọc, bài nghe tương đối khó với các em nhỏ. Thế nên học IELTS quá sớm thực sự là áp lực với bọn trẻ nhỏ và nhiều khi có tác dụng phụ tiêu cực tới sự yêu thích ngôn ngữ vốn đã mong manh ở trẻ.

Như vậy, IELTS là luyện thi chứ không phải học ngôn ngữ và hoàn toàn không phù hợp với trẻ từ lớp 1-7. Tất nhiên, trong quá trình luyện thi sẽ có bổ sung ngôn ngữ nhưng học ngôn ngữ là một quá trình khác hẳn với luyện thi. Học ngôn ngữ là thấm dần qua thời gian, không thể chín ép, không thể ăn vã, không thể định dạng ngay.

Việc thi IELTS nên bắt đầu từ khi nào?

"Với các em học sinh từ lớp 8, việc học IELTS có thể hợp lý hơn. Trước hết, đây là độ tuổi mà chứng chỉ IELTS có thể cần thiết cho mục đích học thuật. Ví dụ, các em muốn đi du học cấp 3 ở các nước nói tiếng Anh thì cần phải thi IELTS để đáp ứng điều kiện đầu vào.

Thêm nữa, về năng lực nhận thức và tiếp thu, lứa tuổi này có thể cũng già dặn hơn. Các em có thể manh nha những suy nghĩ về các vấn đề xã hội hoặc ít ra cũng hiểu phần nào khi được giảng về các vấn đề. Đây là những đánh giá chủ quan của tôi qua quá trình quan sát học sinh.

Phụ huỵnh chỉ nên cho con học IELTS khi con cần chứng chỉ này cho một mục đích cụ thể nào đó

Phụ huỵnh chỉ nên cho con học IELTS khi con cần chứng chỉ này cho một mục đích cụ thể nào đó

Kể cả như vậy, phụ huynh cũng chỉ nên cho con học IELTS khi con cần chứng chỉ này cho một mục đích cụ thể nào đó, ví dụ như du học hay nộp làm điều kiện môn tiếng Anh cho các trường chuyên hoặc các điều kiện học thuật khác", anh Giang chia sẻ quan điểm.

Với các học sinh cấp 3, luyện thi IELTS có tác dụng là vì nhiều trường đại học Việt Nam chấp nhận kết quả IELTS như một điều kiện cần cho tuyển sinh đầu vào. Nhiều nơi còn coi như một điều kiện đủ. Các em lớp 10 có thể tham gia một lớp luyện IELTS, nhưng việc tự học tiếng Anh, nâng cao năng lực tiếng Anh không thể trông chờ vào mấy buổi luyện thi IELTS. Các em vẫn nên tập nghe đài, đọc báo lấy từ vựng, lấy thông tin, đọc các báo chính thống về các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, khoa học, tìm tòi thêm các sách giáo khoa chuyên đề về các môn khoa học để biết thêm từ chuyên ngành.

Điểm IELTS cao có phải là giỏi tiếng Anh hay không?

“Tôi nói luôn rằng tiếng Anh là thứ ngôn ngữ mà học cả đời không giỏi được. Học ngoại ngữ là phải tích cóp từ vựng hàng ngày. Nên nhớ, IELTS chỉ là chứng chỉ năng lực ngôn ngữ tối thiểu cho một học sinh vào học một trường cấp 3 hay đại học ở nước nói tiếng Anh.

IELTS không có điểm tối thiểu nhưng có điểm tối đa là 9.0. Các em đi thi có thể được 5.0 đến 9.0. Do ngày nay trẻ được học tiếng Anh từ sớm và cha mẹ đầu tư luyện IELTS nhiều nên có rất nhiều em mới lớp 7, 8 đã đạt tới 8.0, thậm chí có em đạt tới 8.5.

Tuy nhiên, đạt điểm IELTS cao chưa chắc là năng lực tiếng Anh tốt và ngay cả khi năng lực tiếng Anh tốt cũng chưa hẳn đã đạt điểm IELTS cao như mong muốn. Vì IELTS là dạng bài thi cố định, không thay đổi định dạng qua hàng ngàn lần thi. Những dạng bài kiểu này có một đặc điểm là càng luyện nhiều thì thành tích thi càng cải thiện. Thi IELTS đòi hỏi các kỹ năng làm bài thi nhiều hơn là kỹ năng ngôn ngữ.

IELTS không phải là thước đo năng lực ngôn ngữ phù hợp với mọi lứa tuổi

IELTS không phải là thước đo năng lực ngôn ngữ phù hợp với mọi lứa tuổi

Học sinh Việt Nam có một đặc điểm chung khi thi IELTS là đạt điểm đọc và nghe rất cao và thường kém bài thi nói và đặc biệt kém bài thi viết. Bài thi nghe và bài thi viết không đòi hỏi ngôn ngữ tái sinh, mà chỉ đòi hỏi ngôn ngữ nhận biết và kỹ năng làm bài. Còn bài thi viết đòi hỏi ngôn ngữ tái sinh. Nghĩa là học sinh phải thuộc từ vựng, cấu trúc và tái hiện lại từ vựng và cấu trúc trong khung logic thể hiện cấu trúc bài luận, tư duy, lập luận và phân tích. Bài thi viết cũng đòi hỏi kiến thức xã hội và từ vựng phù hợp với từng chủ đề.

IELTS không phải là thước đo năng lực ngôn ngữ phù hợp với mọi lứa tuổi vì một chủ đề lại áp cho nhiều lứa tuổi nên sẽ ra nhiều sản phẩm khác nhau nhưng lại được chấm bởi một khung giống nhau. Khung chấm IELTS thường bao gồm: task achievement (hiểu đầu bài), lexical range (lượng từ vựng), grammatical accuracy (ngữ pháp chính xác), và cohesion/coherence (viết mạch lạc).

Một hệ lụy nữa của việc lấy điểm IELTS làm mốc giỏi tiếng Anh là vấn đề tự mãn. Nhiều khi học IELTS “cố sống cố chết” rồi thi lấy điểm 7, điểm 8 rồi tự mãn với kết quả này là điều đáng lo nhất. Hay chính cha mẹ cũng có tâm lý này rồi buông xuôi kệ con làm gì thì làm, việc học tiếng Anh liên tục không còn quan trọng. Đây là một sai lầm cực nghiêm trọng. Nên nhớ là điểm IELTS chỉ đo năng lực ngôn ngữ tại một thời điểm nhất định. Có thể một tháng sau lơ là đọc và nghe, tiếng Anh sẽ bị hao mòn và chính đứa trẻ ấy sẽ không thể giữ được thành tích điểm số nếu thi lại IELTS.

Phân biệt IELTS và TOEIC: Đều là chứng chỉ tiếng Anh nhưng khác nhau một trời một vực, nhiều người chưa biết
Khác với nhiều người lầm tưởng, hai loại chứng chỉ IELTS và TOEIC sở hữu nhiều điểm khác nhau mà có thể bạn chưa biết. 

Bí quyết tuyển sinh

Theo H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục