Quan sát vụ khủng bố đẫm máu ở Pháp ngày 13.11, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao nhận định, để giải quyết vấn đề chống khủng bố, phải có giải pháp về mặt chính trị. Nếu không, cứ lực lượng này bị dập xuống thì lực lượng khác lại ngoi lên.
Từ vụ khủng bố Paris, theo ông Trần Việt Thái: “Trật tự thế giới hay còn gọi là nền quản trị toàn cầu về mặt chính trị - an ninh đang bị khủng hoảng, vì thế các nước lớn hiện nay tự do hành động mà không có được tiếng nói từ các nước bản địa”.
Ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao.
Sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, nhiều câu hỏi đặt ra về lỗ hổng an ninh chết người đang khiến Châu Âu đứng trước nhiều thách thức, hiểm nguy khác. Ông nghĩ sao về điều này?
- Sau vụ khủng bố ở Paris, Châu Âu hiện là tâm điểm, bởi vì các lực lượng khủng bố này có mối liên hệ chặt chẽ với các lực lượng nổi lên sau một loạt nhà nước ở Bắc Phi, Trung Đông sụp đổ. Mặc dù vốn là các nhà nước độc tài, nhưng một trong những điều những lực lượng này làm được là kiểm soát được bạo lực. Tuy nhiên, sau mùa xuân Ả Rập, đặc biệt là sau khi Nhà nước Libya sụp đổ đã tạo ra một khoảng trống quyền lực rất lớn, đồng thời với đó là việc Mỹ từng bước rút khỏi Trung Đông, kết hợp với việc sụp đổ hàng loạt nhà nước như Iraq, Lebanon… đã tạo ra khoảng trống rất lớn để cho các lực lượng khác nhau trong xã hội, các mầm mống bạo loạn nhoi lên.
Nhưng, cái nguy hiểm nhất là thế giới ngày nay là thế giới toàn cầu và khi không kiểm soát được các mầm mống bạo loạn đó thì ắt sẽ lây lan, khu vực đầu tiên phải gánh chịu sau Trung Đông, Bắc Phi đó là Châu Âu. Nếu không có biện pháp mạnh để kiểm soát khu vực Bắc Phi, Trung Đông, kiểm soát dòng người nhập cư, nâng cấp hệ thống an ninh của mỗi nước Châu Âu thì Châu Âu sẽ còn phải gánh chịu những hệ quả hết sức sâu rộng.
Bài học sự lây lan đó có nguồn gốc mấu chốt là ở Bắc Phi, Trung Đông. Điều đó phản ánh một vấn đề hết sức quan trọng là trật tự thế giới, hay còn gọi là nền quản trị toàn cầu về mặt chính trị - an ninh đang bị khủng hoảng, vì thế các nước lớn hiện nay tự do hành động mà không có được tiếng nói từ các nước bản địa.
Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ đó vì lực lượng này có tổ chức hơn lực lượng khác. Ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi hiện nay có hơn 100 lực lượng khác nhau, đang đánh lẫn nhau, mà nhiều chuyên gia khu vực của Mỹ, của Châu Âu cũng không biết lực lượng nào thân lực lượng nào.
Đã đến lúc phải nhìn lại toàn bộ bàn cờ ở Trung Đông, Bắc Phi cũng như ở Châu Âu để có những biện pháp cho phù hợp, lâu dài. Châu Âu buộc phải có những bước đi mạnh mẽ để xử lý cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, Bắc Phi, nếu không thì khủng hoảng sẽ còn kéo dài, khủng bố sẽ còn diễn biến phức tạp.
Những hình ảnh trong vụ khủng bố ở Paris đêm 13.11. Ảnh: DM
Vậy Châu Âu sẽ phải làm gì để không bị run sợ trước khủng bố?
- Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải hành động, đã đến lúc Châu Âu phải siết chặt đoàn kết… kể cả bằng quân sự để lập lại trật tự, hoặc xây dựng một trật tự mới ở khu vực; ngăn chặn có hiệu quả hơn dòng người nhập cư từ gốc.
Hiện nay, Châu Âu đang đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ giúp ngăn chặn dòng người nhập cư. Nhưng, biện pháp đó sẽ không có hiệu quả và chừng nào không kiểm soát được dòng người nhập cư, và khu vực Bắc Phi, Trung Đông không lập lại trật tự mới thì sẽ không bao giờ kiểm soát được khủng bố. Đây là cái gốc của vấn đề.
Hiện nay, mục tiêu dễ bị tấn công tiếp theo nhất là Bỉ, vì đây là "thủ đô của Châu Âu", có rất nhiều cơ quan, trụ sở đầu não của Châu Âu và rất dễ thu hút truyền thông, vấn đề nhập cư rất đông, di cư tự do; cùng với đó là Italia vì vấn đề nhập cư rất đông và tiếp đến là thủ đô London (Anh).
Bỉ có điểm khác với Pháp là ở Bỉ thì người Bắc Phi vào ít, họ không có truyền thống quan hệ với đạo Hồi sâu, hay đón dòng người di cư, nhập cư nhiều như Pháp trong những năm qua.
Tuy nhiên, chống khủng bố khó nhất là IS không chỉ có ở Syria, mà còn có mặt ở Iraq và các khu vực khác như Lebanon, Palestine. Mấu chốt hiện nay là xử lý như thế nào các mối quan hệ đa dạng, phức tạp như vậy, đòi hỏi phải có một nỗ lực đa phương, một cơ chế đa phương để đảm bảo.
Thông thường, cơ chế đa phương đó do Liên Hợp Quốc chủ đạo, riêng vấn đề IS này thì không ai muốn dính vào, mà bản thân Liên Hợp Quốc cũng không đủ sức để điều phối tất cả các lực lượng để có một cơ chế. Hiện nay, có một nhóm là “Các người bạn của Syria” thì lại không bao gồm đại diện tiếng nói của các bên, chính vì vậy đã tạo ra những lỗ hổng, những sự thiếu sót. Còn nếu chỉ dùng vũ lực thôi thì không bao giờ giải quyết được triệt để vấn đề. Bởi vì, đây là một vấn đề chính trị - an ninh, an ninh - chính trị chứ không phải là một vấn đề thuần túy về mặt khủng bố. Do đó phải có giải pháp về mặt chính trị. Nếu không thì cứ lực lượng này bị dập xuống thì lực lượng khác lại ngoi lên.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 16.11 cho hay, giới chức trách nước này tin rằng các vụ tấn công khủng bố mới đang được lên kế hoạch thực hiện tại Pháp và nhiều nước khác ở Châu Âu sau loạt vụ tấn công ở Paris. Ông Valls cũng khẳng định rằng, loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris hôm 13.11 “từng được lên kế hoạch tại Syria”. |