Lần đầu tiếp xúc với cô Irina Khmilnikova (người Belarus), chúng tôi rất ấn tượng với nụ cười thật tươi và thân thiện. Khuôn mặt xinh, nước da trắng của người châu Âu cùng với dáng người cao ráo khiến “cô nàng” Irina không khác gì một hoa hậu đang xuống phố tham gia chương trình thực tế nào đó...
Từ tháng 2 đến nay, người dân ở khu vực chợ Tân Định (quận 1, TPHCM) thường xuyên bắt gặp một người phụ nữ ngoại quốc với gương mặt khả ái đi bán bánh dạo trên đường phố. Câu chuyện “cô Tây” bán bánh dạo cũng được lan truyền trên mạng xã hội.
Tò mò, chúng tôi quyết định tìm đến khu vực chợ Tân Định để tìm gặp “cô Tây” ấy. Một số tiểu thương ở chợ cho biết, người phụ nữ ngoại quốc bán bánh từ thứ Hai đến thứ Bảy, buổi sáng từ khoảng 7- 8 giờ và chiều từ 16-17 giờ, tại một trường học cạnh bên chợ này.
Từ 7 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại chợ Tân Định và đứng ở góc đường Hai Bà Trưng giao Nguyễn Hữu Cầu để chờ đợi. Gần 7h30, chúng tôi nhìn thấy một người phụ nữ ngoại quốc đeo chiếc thùng xốp trước ngực, trên chiếc thùng là những miếng bánh kem đã được chuẩn bị ngay ngắn.
Áo quần đơn giản, gương mặt luôn tươi cười thân thiện là hình ảnh quen thuộc của “cô Tây” bán bánh trong mắt nhiều người.
Nhìn thấy chúng tôi từ xa, người phụ nữ nở một nụ cười làm quen kèm theo câu nói “xin chào” bằng tiếng Việt mà cô mới học được trong thời gian lưu trú tại Việt Nam. Có lẽ đã tiếp xúc với nhiều người Việt và họ cũng từng ngỏ ý mong cô cho phép chụp ảnh, quay phim, nên khi chúng tôi ra dấu hiệu muốn xin chụp ảnh, cô “ok” ngay. Đứng ngay ngắn và vuốt lại đầu tóc cho gọn gàng, cô ra dấu hiệu cho tôi chụp ảnh.
Do cô không nói được tiếng Việt cũng không rành tiếng Anh, cuộc giao lưu giữa chúng tôi phải dùng “Google dịch”. Thông qua phần mềm phiên dịch, chúng tôi biết được người phụ nữ ngoại quốc này tên đầy đủ là Irina Khmylnikova, cô là người Belarus năm nay 47 tuổi. Cô đã có gia đình và hai con, con lớn đã đi làm và con nhỏ còn đi học.
Theo cô Irina, khi còn sống ở quê nhà, cô làm công việc bán hàng cho một cửa hàng nhỏ tại quê nhà trong khoảng 20 năm. Cuộc sống lặp đi lặp lại như vậy đến một ngày cô cảm thấy quá tẻ nhạt nên đã sắp xếp công việc của gia đình và mua một chiếc xe máy tự đi “phượt” khắp mọi nơi trong nước, trước khi đi nghĩ đến việc đi du lịch ở các quốc gia trên thế giới.
Cô Irina cho biết bản thân rất vui vì món bánh của mình được nhiều trẻ em Việt Nam ủng hộ.
Cô Irina cho biết bản thân đã đi đến nhiều quốc gia khác nhau như Chile, Ai Cập, Thái Lan, Israel, Ukraine, Nga… nhưng vào năm 2019, khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam, cô đã có một tình cảm đặc biệt đối với đất nước này.
“Con người nơi đây rất thân thiện, văn hóa đa dạng, thức ăn ngon… Tôi rất thích phở, cà phê, bánh mì… và văn hóa nơi đây”, cô Irina chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ từ cô Irina, lần đầu tiên đến Việt Nam, cô đã có quãng thời gian nghỉ dưỡng ở Nha Trang, hết thời gian du lịch vì cảm thấy quá cảm tình với mảnh đất này nên đến tháng 2/2020, cô đã quyết định quay lại Việt Nam lần thứ hai. Và lần này, cô Irina mong muốn có một công việc để làm và sống tại Việt Nam, coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.
Sau đó, cô Irina bắt đầu kinh doanh bánh ngọt cùng một bạn người Nga và lập ra thương hiệu lữ hành nhỏ dành cho khách du lịch Nga và Belarus. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến cho công việc bán tour gặp khó khăn khi không có khách du lịch đổ về Nha Trang như trước. Sau đó, cô quyết định một mình vào Sài Gòn để bán bánh ngọt. Mỗi tuần cô nhận bánh kem được gửi từ Nha Trang vào Sài Gòn để bán.
Các loại bánh mà cô Irina đang bán bao gồm: socola đôi, bánh cacao, bánh mật ong, bánh kem xốp, socola phô mai,… với giá từ 25.000 – 35.000 đồng.
Khi chúng tôi thắc mắc lý do nào khiến cô đi bán bánh dạo và lại chọn bán bánh kem chứ không phải là thứ khác? Cô Irina chia sẻ: “Bán bánh chỉ là việc làm tạm thời trong thời gian khó khăn do dịch bệnh. Bản thân tôi bán các tour du lịch cho khách nước ngoài chủ yếu là cho khách Nga, Belarus, Ukraine đến Việt Nam. Còn việc chọn bánh kem để bán là một sự tình cờ, trong quá trình làm tour cho khách Nga, tôi thấy họ dùng nhiều loại bánh này nên chọn chúng để bán”.
Tất cả các loại bánh này do chính cô Irina và các bạn của mình tự làm ở Nha Trang. Việc làm bánh để bán của nhóm cô được thực hiện khoảng một năm qua.
“Không có xe nên tôi mang thùng bánh đi dạo bán, sáng thì bán khu chợ Tân Định, chiều thì bán tại một trường học gần đó, rồi bán ở công viên… Nhiều người chào tôi mỗi khi tôi đi bán bánh trên đường, nhiều người xin chụp hình chung và cũng rất nhiều người mua bánh giúp tôi, mời tôi uống nước, đi ăn… tôi rất biết ơn họ", cô Irina bày tỏ.
Theo chia sẻ của cô Irina, bán bánh này chỉ là việc làm tạm thời trong thời gian khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Mặc dù phải buôn bán dưới cái nắng nóng của thời tiết Sài Gòn những ngày tháng 4, nhưng khi được hỏi về công việc, cô Irina niềm nở nói: "Đây là công việc này không tệ".
“Không phải du khách hay người nước ngoài nào khi đến Việt Nam cũng có cơ hội tìm hiểu và hiểu văn hóa của người Việt như tôi được. Thông qua việc bán bánh, tôi hiểu đất nước các bạn từ bên trong, từ đó tôi thấy con người Việt Nam quá thân thiện, mến khách…”, cô Irina nói.
Mỗi tuần, cô Irina chỉ bán bánh từ thứ Hai đến thứ Bảy, còn ngày Chủ nhật cô dành thời gian để đi khám phá và tìm hiểu văn hóa địa phương. Theo cô Irina, tại Việt Nam, cô đã đi rất nơi như mũi Cà Mau, Đà Lạt, Hạ Long, Hà Nội… mọi nơi đi qua, cô cho biết đều thích tất cả như con người, văn hóa, khí hậu, ẩm thực…
Cô Irina cũng bày tỏ mong muốn được học tiếng Việt, bởi lẽ khi biết được tiếng Việt, cô có thể trò chuyện nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về con người bản địa. Người dân Việt Nam quá thân thiện, hiếu khách và đầy long trắc ẩn… nếu biết được tiếng Việt cô sẽ trò chuyện với họ nhiều hơn.
“Nếu dịch bệnh qua đi, du khách trở lại thì cuộc sống của tôi sẽ dễ dàng hơn rất nhiều", cô Irina nói.
Mỗi ngày cô Irina bán số lượng bánh không cố định,có ngày bán được cũng có ngày bán ít hơn. Nhưng điều quan trọng trên khuôn mặt của người phụ nữ này luôn hiện diện một nụ cười thật tươi mỗi khi gặp bất kỳ ai, điều đó làm cho nhiều người thích thú.
“Nếu dịch bệnh qua đi, du khách trở lại thì cuộc sống của tôi sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, cô Irina nói.
Vừa bán bánh, vừa “trò chuyện” với chúng tôi qua Google dịch, thùng bánh của cô Irina đã hết lúc nào không hay. Cười thật tươi trước khi rời gót khỏi nơi bán kèm theo tiếng “xin chào”, cô lại bước nhanh trên còn đường quen thuộc để về lại nơi trọ chuẩn bị cho buổi làm việc tiếp theo.