Chuyện về thiếu nữ gọi 1.400 cuộc điện thoại cho cảnh sát

Ngày 07/05/2015 19:00 PM (GMT+7)

Tính tình của T không được bình thường. Sau khi công an đến, bà ngoại hỏi tại sao lại gọi quấy phá tổng đài 113. Cháu tỉnh bơ khi trả lời: “Gọi để làm quen”.

Mới đây, phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (công an tỉnh Vĩnh Long) bất ngờ cho hay, từ 6/2 đến 6/4/2015, có một số điện thoại liên tục gọi điện đến tổng đài 113 với 1.400 cuộc. Lúc đầu, cuộc gọi rải rác. Về sau, cuộc gọi dày hơn. Thậm chí, có ngày, lên đến 50 cuộc.

Đầu dây bên kia là nữ, có nhiều lời lẽ thô tục. Không ít lần, cảnh sát tư vấn, khuyên đối tượng không nên có hành vi quấy rối tổng đài 113 như thế. Tuy nhiên, những cuộc gọi điện vẫn tiếp tục xuất hiện.

Chuyện về thiếu nữ gọi 1.400 cuộc điện thoại cho cảnh sát - 1

Hàng ngày, tổng đài 113 tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại của người dân

Nhận thấy sự việc nghiêm trọng, công an đã điều tra, phát hiện địa chỉ số thuê bao gọi đến có tên là Nguyễn Thị Thanh L, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, cơ quan chức năng đã đến trực tiếp nhà của chủ thuê bao để làm việc. Cháu L chỉ mới 14 tuổi. Trước mặt người thân, cháu thừa nhận, mình chính là người liên tục gọi điện quấy rối tổng đài 113.

Do cháu L chỉ mới 14 tuổi nên chỉ bị giáo dục, viết kiểm điểm, cam kết không tái phạm. Cháu được bàn giao cho chính quyền, đoàn thể của địa phương lập hồ sơ, quản lý.  

Sau đó, bà Nguyễn Thị G (55 tuổi, bà ngoại cháu L) cho biết, hoàn cảnh rất khó khăn. Từ khi sinh ra, tâm trí của cháu không được bình thường. Cháu thích làm gì là làm, không ngại bất kì ai. Lắm khi, cháu ngồi cười, nói một mình.

Sáu năm trước, cha cháu L qua đời vì bị ốm nặng. Sau đó, mẹ cháu sống chung với em chồng. Riêng cháu được ông bà ngoại đón về nuôi. Trước đây, cháu có chuyển về sống với mẹ và cha dượng. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn, hàng ngày phải ra đồng, mò cua, bắt ốc đổi lấy tiền đong gạo nên không chịu nổi. Cháu lại quay về sống cùng ông bà ngoại.

Dù nhà nghèo nhưng vợ chồng bà G vẫn cho cháu gái đi học. Do tâm trí không được bình thường nên chỉ học đến lớp 5 thì nghỉ học. Từ đó, cháu ở nhà, sống bám vào ông bà ngoại.

Trước đây, cháu L thường lang thang ngoài đường không ngại mưa, nắng. Vợ chồng bà G la mắng, căn dặn không được như thế. Bà khuyên cháu phải ở nhà. Nếu buồn, cháu có hát karaoke tại nhà.

Thấy cháu ngoại nghe lời, ở nhà, bà G mừng. Thế nhưng, khi cảnh sát đến tận nhà, thông báo vụ việc bà không thể tin nổi. “Tôi có thấy cháu hay cầm điện thoại. Khi hỏi, cháu trả lời là gọi cho bạn. Tôi cũng không hỏi thêm gì. Không ngờ, bạn mà cháu nói lại là cảnh sát”, bà kể.

Theo lời bà G, sau khi cảnh sát ra về, có hỏi cháu gái tại sao lại gọi điện chọc phá tổng đài 113. Cháu không chút ngần ngại cho hay: “Gọi để làm quen”. Từ khi công an đến, cháu không còn cầm đến điện thoại nữa. “Gần nửa tháng nay, cháu L đi đâu người thân cũng không rõ. Chúng tôi gọi điện nhưng không liên lạc được”, người bà chia sẻ.

Nhiều hàng xóm xác nhận, tính tình của cháu L không được bình thường. Cháu không thích ai là lại chửi, mắng. Riêng về việc cháu L đi khỏi địa phương, họ cho hay: “Tôi nghe thông tin cháu theo bà con lên TP.HCM xin việc làm.

Chuyện về thiếu nữ gọi 1.400 cuộc điện thoại cho cảnh sát - 2

Nếu quấy phá, xúc phạm các tổng đài có thể bị xử lý hình sự

Theo phòng cảnh sát phản ứng nhanh 113 (Công an TP.HCM) cho biết, mỗi ngày có hàng trăm cuộc gọi đến cho tổng đài. Trong số đó, khá nhiều cuộc gọi có nội dung dung tục, thách đố, chửi bới… Do các đối tượng gọi bằng sim rác nên việc định vị, xác định khó. Trước đây, trung tâm cũng đã lần ra một số số địa chỉ điện thoại quấy phá nhưng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở.

Luật sư Trương Thị Thu Hà (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, hành vi gọi điện thoại cho các số tổng đài để quấy rối là vi phạm pháp luật. Theo quy định tại điều 121, Nghị định 142/2004, nếu xác định người gọi có lời lẽ thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự làm nhục người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù đến 2 năm. Nếu tái phạm nhiều lần, mức phạt cao nhất có thể lên đến 5 năm.

Trong khi đó, theo điều 9, Nghị định 142/2004, nếu xác định người gọi có hành vi xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự người khác mà chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng.

Nam Kì
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot