Cơ thể không lành lặn, Nhàn vẫn lạc quan tự nhận bản thân may mắn hơn bao người. Cô nàng vẫn “tỉnh”, có khả năng ăn nói lưu loát và tự xúc cơm ăn ngon lành.
Ai sinh ra cũng muốn được bình thường, khỏe mạnh để vui sống hết tháng năm cuộc đời. Song trên bước đường trưởng thành, một số người không may mắn rẽ sang hoàn cảnh bi thương, phải chịu đựng những đớn đau cơ thể. Nhiều người trong số họ không thể vượt qua nổi khó khăn thể chất và nản lòng. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những cá nhân vượt lên chính mình, coi khiếm khuyết cơ thể là một phần của cuộc sống và làm mọi thứ ý nghĩa hơn.
Trần Thị Nhàn (SN 1991, quê Hải Dương) – hiện sinh sống và làm việc tại Bình Dương được người ngoài nhận xét là cô gái dễ thương, hoạt ngôn và rất có duyên. Nhưng số phận không may mắn với cô nàng khi hình dáng nhỏ nhắn như đứa trẻ lên 5 – nặng có 19kg, không thể đi lại như người bình thường.
Nhàn bộc bạch: “Em mới vào trong này hôm Mùng 5 Tết Nguyên đán 2023. Em cùng mấy anh chị chung cảnh ngộ khiếm khuyết dự định lấy vé số bán. Tuy nhiên đầu năm đại lý đông khách, khó lấy, vì thế em đi bán tăm bông ở gần khu nhà trọ. Em mới bán được 2 bữa, kiếm chút tiền trang trải tiền nhà trọ”.
Trần Thị Nhàn (SN 1991, quê Hải Dương) – hiện sinh sống và làm việc tại Bình Dương được người ngoài nhận xét là cô gái dễ thương, hoạt ngôn và rất có duyên.
Nghe cô nàng nặng 19kg kể, chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên: “Vậy em không có người thân ở trong đây à?”. Cô cười: “Em quê ở Nam Sách. Bố em mất cách đây hai chục năm. Em ở với mẹ và anh trai. Mẹ em không đồng ý cho con gái vào đây. Em xin và thuyết phục mẹ để có cơ hội kiếm tiền báo hiếu mẹ lúc về già.
Anh trai và chị dâu của em ở trong này, cách nhà trọ chừng 10km. Anh là người tìm chỗ ở cho chúng em. Thi thoảng anh có chạy qua đây thăm và cơm nước phụ mọi người. Vì thế em cũng cảm thấy bớt cô đơn và tủi thân ở nơi xứ người’.
Vào Bình Dương, Nhàn đã tự kết nối với người đàn ông khiếm thị và cô gái liệt nửa người. Cả 3 sống chung, cùng nhau giúp đỡ mọi việc trong cuộc sống. Ví dụ như cô gái đảm trách việc nấu nướng, tắm giặt cho cô nàng; còn người đàn ông vì không thấy đường đi nên đẩy xe cho cô nàng những lúc đi bán tăm bông.
Vào Bình Dương, Nhàn đã tự kết nối với người đàn ông khiếm thị và cô gái liệt nửa người.
“Chúng em ở các tỉnh khác nhau nhưng chung hoàn cảnh nên yêu thương và thông cảm lắm. Hai anh chị giúp đỡ và động viên em suốt tháng ngày vào đây. Nhờ có họ em đỡ cảm thấy nhớ nhà nhớ mẹ, có động lực làm việc để nuôi bản thân và có tiền gửi về cho mẹ”, Nhàn tâm sự.
Nhắc đến chuyện tự điều khiển xe lăn điện, Nhàn khẳng định cô nằng có thể tự lái. Nhưng ở khu công nghiệp, người đông xe cộ nhiều, vì thế cô chẳng thể tự tin và sợ nguy hiểm. Cô đành phải người anh cùng phòng đi cùng. “Ở quê, em vẫn tự lái xe từ làng này sang làng khác hoặc lúc đau ốm vẫn đi đến nhà bác sĩ tiêm. Vào đây em chưa đủ tự tin để lái xe”, cô nàng chia sẻ.
“Nhàn liệt như vậy là bẩm sinh?”, khi được hỏi cô nàng cho biết: “Em sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Em được hơn 1 tuổi, ở trạm y tế xã thông báo đi tiêm phòng bại liệt. Đúng lúc đó em đang sốt mọc răng, mẹ không rõ nên đưa đi tiêm. Em về sốt cao hơn và cứ thế yếu dần đi.
Mẹ đưa em đến bác sĩ thì được chẩn đoán là sốt bại liệt bởi em yếu quá cơ thể không kháng lại thuốc. Sau đó cơ thể em cứ teo dần và không thể đi được nữa. Hồi em 10 tuổi được 19kg, giờ hơn 3 chục vẫn chỉ 19kg”, Nhàn chia sẻ.
Cơ thể không lành lặn, Nhàn vẫn lạc quan tự nhận bản thân may mắn hơn bao người. Cô nàng vẫn “tỉnh”, có khả năng ăn nói lưu loát và vẫn xúc cơm… ngon lành. “Em suy nghĩ tích cực lắm. Vì em có nghĩ ngợi như thế nào đi chăng nữa cũng chẳng thay đổi số phận. Em phải sống vui thì mẹ và anh trai mới hạnh phúc. Giờ em chỉ mong mẹ thật nhiều sức khoẻ, bản thân buôn bán thuận lợi, kiếm được tiền trang trải cuộc sống. Em cũng muốn kết bạn với những người có chung hoàn cảnh, để cùng nhau sẻ chia và thấu hiểu, cố gắng trong cuộc sống này”, Nhàn thành thật.