Bé dù nhỏ tuổi nhưng “hiểu chuyện” và thương yêu cha mẹ rất nhiều. Bé chấp nhận với hiện thực của bản thân, luôn ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành.
Ở Long An có một bé gái vô cùng đặc biệt, từ hình dáng cho đến tính cách khiến ai gặp gỡ lần đầu cũng phải thốt lên “thật nhiều năng lượng”. Đó là bé Ngọc Quyên (tên thường gọi là Su, 7 tuổi, quê Tiền Giang).
Su có gương mặt tròn trịa, làn da ngăm ngăm, đôi mắt to tròn cùng đôi môi xinh xắn. Đặc biệt ở bé luôn toả ra năng lượng tích cực và vui vẻ, dù số phận không mấy may mắn. Bởi bé không có tay cũng chẳng có đôi chân như bạn bè trong khu trọ.
Chị Hằng - mẹ của Su cho biết: “Su là con gái thứ 2 của vợ chồng mình. Mình sinh bé ra bình thường, có đủ tay đủ chân. Bé lớn lên khoẻ mạnh, chẳng bệnh hoạn gì cả, vì thế gia đình yên tâm lắm.
Năm bé 3 tuổi, sáng ngủ dậy bỗng dưng sốt cao. Vợ chồng tôi cuống cuồng đưa đi bác sĩ khám, được cho thuốc về uống thì ăn được, vui chơi với đám nhỏ trong xóm. Đến 8h tối, bé đột nhiên nôn ói, đi ngoài không kiểm soát và ngất lịm.
Su và mẹ.
Chúng tôi sợ qua đưa bé đến bệnh viện huyện cấp cứu. Bác sĩ cho thở máy rồi chuyển xuống viện tỉnh, tỉnh giới thiệu lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vì đang trong tình trạng nguy hiểm.
Tôi không biết nguy hiểm ra sao, chỉ thấy họ nói với nhau ca này cần phải cấp cứu khẩn cấp, không được ngưng trễ phút giây nào”.
Hơn 3h sáng hôm sau, Su được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng máu bạch tiểu cầu Nhật Bản, tay chân gần như bị hoại tử đen sì, cần phải cắt bỏ gấp để đảm bảo an toàn tính mạng.
Mẹ Su khi nghe bác sĩ thông báo gần như chết điếng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với con gái. Chị chỉ biết cầu xin y bác sĩ giúp đỡ, cứu sống mạng của bé, kể cả cắt bỏ tay chân. “Bé được đưa vô phòng cấp cứu nằm suốt 3 tháng trời, hoại tử khúc nào là cắt bỏ khúc đó. Hiện bé đã cắt bỏ xương đến 3 lần, lọc xong máu. Bác sĩ nói nếu giờ bệnh tái lại là mất luôn, chứ không thể chữa trị như lần đầu được.
Su sở hữu gương mặt xinh xắn và dễ thương.
Bữa nằm viện, có mấy bé mắc bệnh y chang Su nhưng không bé nào mạnh mẽ vượt qua “cửa tử”. Su may mắn được trời thương nên giờ vẫn còn tồn tại trên đời này. Nhiều lúc mình ngắm con ngủ, thấy tay chân chẳng có mà xót xa lắm. Mình ước gì có thể gánh giúp con một phần bệnh tật, như thế có phải đỡ tội hơn không”, chị Hằng rưng rưng.
Mẹ lo lắng cho con gái bao nhiêu thì Su lại hồn nhiên và đáng yêu bấy nhiêu. Bé dù nhỏ tuổi nhưng “hiểu chuyện” và thương yêu cha mẹ rất nhiều. Bé chấp nhận với hiện thực nghiệt ngã của bản thân, luôn ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành.
“Con không buồn vì không có tay có chân như các bạn. Con vẫn có thể đi, làm đủ mọi chuyện cá nhân. Còn còn biết viết chữ, viết tên của con là Lê Thị Ngọc Quyên. Con có bạn chơi cùng ở xóm trọ. Con thấy vui lắm”, bé Su vui vẻ khoe.
Cô bé không tay nhưng vẫn có thể viết chữ.
“Vậy Su có ước mơ gì hay không?”, khi được hỏi bé liền nhanh nhảu trả lời: “Con ước trở thành ca sĩ, thích đứng trên sân khấu cầm míc hát cho mọi người nghe. Con hát hay lắm, rảnh là con hát đó”.
Cô bé không tay chân vừa dứt lời, chị Hằng cho biết Su đi bằng đầu gối rất giỏi, thậm chí nhanh hơn cả chị. Có buổi hai mẹ con đi bán vé số, chị phải dặn dò con đi chậm lại để đuổi theo kịp. “Bé không tay không chân nên hiếm trường học nào nhận. Vì thế tôi phải gửi cô giáo ở ngoài dạy dỗ vào hai ngày cuối tuần và kèm cặp thêm ở nhà. Hiện bé mới học chương trình lớp 1, biết nhiều mặt chữ và số lắm.
Ngày thường, bé ở nhà chơi hoặc phụ giúp việc nhà. 16h30 bé chuẩn bị quần áo “lên đường” đi bán vé số cùng tôi đến 19h mới về. Bé lễ phép lại dễ thương nên được nhiều người giúp đỡ, mua ủng hộ lắm”, người mẹ cho hay.
Bé ước mơ lớn lên trở thành ca sĩ.
Cha mẹ của Su là lao động tự do. Cha ở dưới quê đi phụ hồ, còn mẹ ở lại Long An bán vé số với hi vọng đủ tiền sinh hoạt và thuốc thang cho cô con gái nhỏ. Giờ chị chẳng mong gì ngoài gia đình có sức khoẻ, hai con không ốm đau bệnh tật, nhất là Su luôn vui tươi và hồn nhiên với cuộc đời vốn nhiều thiệt thòi.
Viêm não mô cầu được gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis (còn gọi là khuẩn màng não cầu). Vi khuẩn này được chia thành 13 nhóm huyết thanh ký hiệu bằng các chữ trong bảng chữ cái như A, B và C. Mặc dù ít gặp, nhưng đây là một bệnh nặng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Những nhóm có nguy cơ cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trẻ tuổi từ 15 đến 24 tuổi. |