Sáng ngày 24/2, Ban tổ chức lễ hội đền Trần năm 2024, bắt đầu phát ấn cho người dân và du khách từ 5h sáng, mặc dù trời mưa nhưng các địa điểm phát ấn luôn đông nghịt người.
Khoảng 5h sáng ngày 24/2 (tức sáng 15 tháng Giêng), theo ghi nhận của phóng viên Gia đình và Xã hội, Ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần bắt đầu phát ấn cho người dân và du khách tại 4 cửa gồm 3 nhà Giải Vũ và nhà trưng bày đền Trùng Hoa.
Tại thời điểm phát ấn trời bắt đầu mưa nặng hạt, mỗi lúc một to nhưng người dân vẫn ùn ùn kéo về để xin ấn, dâng lễ lúc 5h sáng. Tại các địa điểm phát ấn đông đảo người dân ra vào xin ấn, các hoạt động diễn ra xuyên suốt.
Tiếp đó, khoảng 6h sáng ngày 24/2, theo ghi nhận ngoài trời tiếp tục mưa nặng hạt, thế nhưng du khách và người dân vẫn không quản ngại đường xa, mưa gió để đổ về đền Trần xin ấn, dâng lễ.
5h sáng ngày 24/2, đông đảo người dân đến đền Trần xin ấn.
Theo ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần, ngoài phát ấn ngày hôm nay (15 tháng Giêng), từ ngày 16 tháng Giêng (25/2), hoạt động phát ấn tiếp tục được tổ chức tại các nhà Giải Vũ từ 7h sáng hằng ngày.
Được biết, khai ấn ở đền Trần là một lễ hội lớn diễn ra vào đầu mùa Xuân, thu hút rất nhiều du khách thập phương đến tham gia. Nhiều hộ gia đình, du khách ở phương xa còn về trong đêm chỉ mong muốn xin ấn và dâng lễ vào những ngày này,...
Trao đổi với phóng viên, anh Đỗ Thắng (ở Hà Nội) cho biết, anh và gia đình đến đền Trần từ 22h đêm hôm qua (tức 22h ngày 23/2), sau khi đứng chờ ở ngoài đến 00h10 Ban tổ chức mở cửa anh và gia đình vào dâng lễ, thắp hương.
Các địa điểm phát ấn đông kín người ra, vào xin.
"Sau khi thắp hương và dâng lễ xong cũng đã hơn 2h sáng, tôi và mọi người trong gia đình chờ luôn ở trong đền đến 5h sáng để xin ấn luôn. Mặc dù trời mưa nhưng mong muốn xin được ấn để cầu bình an, sức khoẻ, may mắn nên cố chờ rồi đi về nhà một thể" - anh Thắng chia sẻ.
"Tôi đến đền trần từ lúc chiều nên đã vào dâng lễ, cầu may, sau 00h tôi vào thắp hương rồi tranh thủ ra xe ngủ một lúc 5h kém dậy đi vào để xin ấn. Đến với đền Trần chỉ mong muốn xin được ấn cầu bình an, sức khỏe cho gia đình" - anh Đức Văn ở Hà Nam vừa xin ấn xong tâm sự với phóng viên.
Theo tư liệu lịch sử, lễ khai ấn đền Trần bắt đầu được tổ chức vào năm 1239, thời vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần. Đây là nghi lễ cúng tế tổ tiên của các vua nhà Trần tại nơi dòng tộc Trần phát tích là làng Tức Mặc, sau này là phủ Thiên Trường. Trong sự kiện đặc biệt này, các vua Trần còn tổ chức tiệc chiêu đãi và phong hầu cho các vị quan có công với đất nước. Từ khi giặc Nguyên Mông xâm lược thì lễ hội bị gián đoạn, đến năm 1269 mới được vua Trần Thánh Tông mở lại.
Lễ khai ấn đền Trần được diễn ra hàng năm vào rằm tháng Giêng, thường vào ban đêm từ 23h ngày 14 tháng Giêng đến 1h (giờ Tý) ngày 15 tháng Giêng.
Từ đó, lễ khai ấn đền Trần được diễn ra hàng năm vào rằm tháng Giêng, thường vào ban đêm từ 23h ngày 14 tháng Giêng đến 1h (giờ Tý) ngày 15 tháng Giêng. Khai ấn vào thời điểm này mang ý nghĩa như tín hiệu đánh dấu kết thúc những ngày Tết cổ truyền dân tộc, nhắc nhở nhân dân tiếp tục công cuộc lao động sản xuất.
Nghi lễ trong lễ khai ấn đền Trần đặc sắc. Các bậc bô lão truyền lại rằng vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu,... đúng rằm tháng Giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn với sự tham gia của bảy làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc. Tại đền Hạ, các bô lão khoác lên mình áo dài khăn xếp cùng dân làng tề tựu đông đủ để tham dự lễ tế thánh rồi dự lễ khai ấn.
Hòm ấn được đặt nghiêm trang trên bàn thờ, trong hòm có hai con dấu bằng gỗ. Mặt ấn nhỏ khắc chữ "Trần Miếu", mặt ấn lớn khắc chữ "Trần Triều tự điển" và "Tích phúc vô cương". Đúng đến giờ Tý thì chủ tế làm lễ ở đền Hạ để xin rước ấn lên kiệu sang đền Thượng, dâng hương cáo thiên địa ở bàn thờ Trung thiên, rước ấn vào nội cung và đặt tại ban công đồng để làm lễ xin khai ấn.
Kiệu ấn được rước vào giờ Tý.
Bồi tế đặt giấy điệp trịnh trọng trước chủ tế. Khi chiêng trống vang lên, chủ tế nghiêm trang đóng ấn mực đỏ vào tập giấy điệp, ghi rõ ngày tháng năm để chữ cuối cùng luôn rơi vào chữ sinh trong thứ tự "sinh - lão - bệnh - tử".
Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông dựng nước và giữ nước. Bản chất của bốn chữ khắc trên ấn là "Tích phúc vô cương" mà vua Trần ban cho con cháu là muốn muôn dân lan rộng cái phúc, dạy dỗ trăm họ giữ gìn gia phong, kỉ cương, đạo đức, phải tích phúc cho thật tốt, thật đủ đầy thì mai sau lộc hưởng mới bền vững. Đây là ý nghĩa giáo dục sâu sắc của việc ban ấn mà các vua Trần muốn truyền tụng cho con cháu ngàn đời.
Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, người xin được tờ giấy điệp có đóng ấn đỏ treo về đền, phủ, từ đường hay tại gia đều trừ được "ma quỷ", hóa giải rủi ro và điều xấu, thu hút may mắn và thuận lợi trong đường công danh,...