Việc cho con trẻ đi tảo mộ là tỏ lòng thành kính và cũng là cách giáo dục trẻ luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Thời điểm gần Tết Nguyên đán cũng là lúc các gia đình đi tảo mộ cuối năm, thắp hương mời tổ tiên, ông bà, những người thân đã mất về ăn Tết tại gia tiên. Đây là một nép đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc đến các nghĩa trang thắp hương không nên cho trẻ nhỏ đi cùng.
Lý do nhiều người lo ngại là tại các nghĩa trang thường lạnh lẽo, trẻ tới đó sẽ nhiễm lạnh và rất dễ bị đổ bệnh, nhất là những trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Với những lo ngại trên, Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó Ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Kỳ Sơn, Hòa Bình) cho rằng ở nghĩa trang thì việc có âm khí là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày càng hiện đại, mọi người có ý thức bảo vệ môi trường nên việc đưa người mất đi hỏa táng nhiều hơn, hạn chế việc an táng tươi (hung táng) nên hơi lạnh cũng bớt đi nhiều. Ngoài ra, hiện nhiều nghĩa trang quy hoạch rất bài bản, những một phần an táng tươi ở riêng, mộ phần đã cải táng để riêng khu vực… vì thế mọi người không nên quá lo ngại.
Việc đưa trẻ đến tảo mộ cho tổ tiên, ông bà dịp cuối năm là rất nên làm, vì đây là cách giáo dục cho con trẻ về cội nguồn gia đình.
Đại đức Thích Trí Thịnh cho biết các gia đình khi đưa trẻ đến nghĩa trang để thắp hương cho ông bà, tổ tiên họ thường đưa các trẻ lớn đã biết nhận thức, chứ ít gia đình đưa trẻ nhũ nhi đi theo. “Cá nhân tôi cho rằng chính vì lý do này, lý do kia không cho trẻ đến nghĩa trang để thắp hương cho ông bà tổ tiên, sẽ khiến cho trẻ không nhớ nổi tổ tiên, cội nguồn.
Thậm chí, có gia đình hiện nay an táng mộ tổ tiên, ông bà một nơi nhưng lại sinh sống, làm việc ở một nơi, như vậy nếu cứ kiêng cữ hoặc không cho con trẻ về để giáo dục gốc rễ, cuội nguồn thì chuyện quên mất mộ phần, gốc gác là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn trong một thời gian dài thì chỉ đời thứ 3 thôi nhiều người sẽ không còn nhớ nổi tổ tiên, ông bà mình là ai. Không chỉ quên phần mộ, mà ngay cả ngày giỗ của tổ tiên, ông bà mình cũng không còn nhớ nữa. Nếu vậy thì thật đáng buồn”, Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, việc cho trẻ đi tảo mộ cùng bố mẹ không chỉ là tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên, với người đã khuất, mà đây còn là cách giáo dục, còn là tấm gương cho trẻ nhỏ để sau này con cháu mình noi theo. “Nếu chúng ta làm như vậy, đời sau các con cháu cũng học theo bố mẹ và đó là nét đẹp, bản sắc văn hóa. Vì thế, chúng ta không ngại gì việc đưa trẻ ra mộ thắp hương cho người thân quá cố”, Đại đức Thích Trí Thịnh nói.
Trong dân gian có vài lưu ý khi cho trẻ tảo mộ tại các nghĩa trang:
- Dùng 1 củ tỏi đặt trong túi quần, áo, hay tìm cách xuyên lỗ treo vào cổ trẻ. Lưu ý dùng xong về thì tới ngã ba đường đầu tiên thì vứt củ tỏi đó đi.
- Hoặc dùng quả chuối tây xanh bỏ vào túi áo áp sát người trẻ. Ra về tới chỗ có nước (ao, hồ...) thì vứt xuống.
- Về nhà cần đốt đống lửa bước qua 3 lần (hoặc đốt tờ giấy báo).
- Cẩn thận hơn thì xông thêm lá thơm để đẩy hết khí lạnh ra, có nơi rắc nước lá bưởi lên đầu để bỏ đi nguồn năng lượng xấu.
- Không nên cho trẻ ăn uống nơi mộ phần.
- Chú ý nhắc nhở kẻo trẻ nghịch ngợm tiểu tiện, nhổ bọt, đá vào đồ cúng ở mộ khác.
- Không nên cho trẻ chụp ảnh tập thể ở khu mộ.
- Dạy trẻ thành kính lễ phép.