Ngoài những đồ vàng mã truyền thống và những gốc quất, cành đào… không ít gia đình còn đốt cho người âm cả đồng hồ, điện thoại, trang sức...
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý, vì thế ngay từ bây giờ rất nhiều gia đình đã bắt đầu đi tảo mộ để mời tổ tiên, ông bà, những người đã khuất về gia tiên đón Tết cùng con cháu.
Tại một số nghĩa trang lớn, nơi có những mộ phần được xây dựng khang trang, nhiều người sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng sắm đồ lễ để mời những người thân đã khuất về ăn Tết.
Theo đó, ngoài những đồ thờ cúng truyền thông như giò, bánh trưng, tiền vàng, … một số gia đình còn chi tiền mua những gốc đào, gốc quất có giá trị hàng triệu đồng về trồng trong các khuôn viên mộ phần.
Đào quất cũng được các gia đình đưa lên mộ phần để có có không khí Tết.
Ngoài ra, có gia đình còn sắm những đồ hàng mã đời mới vì họ quan niệm trần sao âm vậy, như điện thoại iphone, đồng hồ các hãng đắt tiền, thậm chí cả những loại kiềng vàng trang sức vàng mã để đốt cho những người quá cố.
Bà Tuyết (79 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết bà cùng các anh chị em trong gia đình đến mộ viếng người mẹ đã khuất. Bà Tuyết cho biết, tảo mộ cũng là thời điểm để con cháu tỏ lòng thành kính và nhớ về nguồn cội tổ tiên. Những hoạt động như vậy cũng giúp mọi người trong gia đình truyền lại văn hóa cho con trẻ về đạo hiếu và nguồn cội dòng tộc. Lên viếng mộ người mẹ quá cố, bà chỉ chuẩn bị những đồ truyền thống như bánh kẹo và một số vàng mã.
Đại đức Thích Trí Thịnh – Phó Ban Trị sự phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Hòa Bình) cho biết tảo mộ trong những ngày Tết là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời xưa của người Việt. Đây cũng là thời gian để con cháu biết đến cội nguồn, về với quê hương, gia đình và đây cũng là dịp để các con cháu, anh em trong gia đình được đoàn viên, gặp gỡ nhau làm công việc hết sức ý nghĩa, đó là viếng, tu sửa khuôn viên, phần mộ của tổ tiên, ông bà.
Nhiều gia đình mang kiềng vàng, điện thoại đời mới đi đốt cho ông bà, tổ tiên.
Riêng đối với việc nhiều người đốt cho ông bà, tổ tiên những người đã khuất cả những vật dụng như điện thoại, ô tô… vì quan điểm “trần sao âm vậy”, Đại đức Thích Trí Thịnh cho biết tục đốt vàng mã không thuộc về văn hóa Phật giáo, và theo quan điểm của Phật giáo, việc đốt vàng mã cho người đã khuất là không phù hợp.
Tuy nhiên, tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là ở miền Bắc do ảnh hưởng của nhiều tư tưởng, tín ngưỡng lâu đời nên mọi người thường có quan niệm trần sao âm vậy, vì thế nên trong ngày lễ, tết thường biếu tốt cho tổ tiên, người thân như người sống ở trên trần.
“Tôi cho rằng, không có công đức nào, không có sự hiếu thảo nào bằng tấm lòng của con cháu, biết sống có trách nhiệm, sống an vui hạnh phúc…như vậy ông bà, cha mẹ sẽ yên lòng dù đang còn sống hay đã mất”, Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Một số hình ảnh ghi nhận người dân đi tảo mộ cuối năm:
Cuối năm nhiều gia đình đến nghĩa trang để tạo mộ, thắp hương mời người thân quá cố về gia tiên ăn Tết.
Tất cả các nghi thức đều được các con cháu đều thành kính, tôn nghiêm.
Nhiều người đến từ rất sớm để lau dọn, tu sửa khuân viên mộ phần.
Nhiều gia đình đưa con cháu đến phần mộ tổ tiên, ông bà để tỏ lòng thành kính.
Hoa đào cũng được các gia đình đưa đến các mộ phần để thấy được không khí tết.
Nhiều gia đình còn sắm cả những vật dụng hiện đại như đài cát sét, điện thoại, thẻ ngân hàng để đốt cho người âm.
Sau phần lễ, các con cháu hóa vàng cho người thân quá cố.