Hôm nay (1-11), lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm 4 thuyền viên mất tích trong vụ lật tàu trên sông Soài Rạp tiếp giáp vùng biển Cần Giờ vào tối 30-10
Đến 15 giờ ngày 31-10, do sóng lớn, thủy triều lên, hoạt động tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên mất tích trong vụ lật tàu chở hàng Hoàng Phúc 18 trên sông Soài Rạp (đoạn tiếp giáp Cần Giờ, TP HCM với Tiền Giang) đã phải tạm ngưng. Dù rất cố gắng nhưng vẫn chưa tìm được tung tích 4 nạn nhân.
Nghẹt thở cứu hộ
Trước đó, tối 30-10, tàu chở hàng Hoàng Phúc 18, biển đăng ký LA 03771, trong lúc lưu thông qua sông Soài Rạp thì bị sóng đánh mạnh, lật úp. Trên tàu có 17 người.
Ngay sau khi tàu bị nạn, Bộ đội Biên phòng TP HCM, Cảng vụ TP HCM, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải KV3, Cảnh sát PCCC TP HCM… huy động toàn lực tìm kiếm người bị nạn. 12 người may mắn được cứu vớt, đưa về Vũng Tàu và Đồn Biên phòng Long Hòa (huyện Cần Giờ) để chăm sóc.
Hiện trường vụ lật tàu tại sông Soài Rạp
Đến sáng 31-10, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM và ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, đã có mặt hiện trường để chỉ đạo cứu nạn, cứu hộ. Sau 9 giờ, lực lượng tìm kiếm xác định được vị trí tàu Hoàng Phúc 18, xác tàu lật úp, nổi phần đáy tàu và chân vịt.
Vừa tiếp cận hiện trường, nghe thấy âm thanh “bốp, bốp, bốp” vang lên từng hồi, mọi người trên tàu kiểm ngư ôm nhau vui mừng. Lúc này, một tàu cứu hộ nhanh chóng tiếp cận nhưng gặp khó khăn do thời tiết xấu, sóng to đành phải thay đổi phương án, cho tàu nhỏ, canô tiếp cận chở người nhái và thợ hàn ra giải cứu. Người tiên phong nhảy xuống tìm kiếm là thợ lặn Trần Văn Dũng. Do áp lực nước khá mạnh nên anh Dũng không thể tiếp cận được tàu.
Trước nguy cơ chiếc tàu có khả năng chìm, đội cứu hộ đã dùng bình hàn gió đá để cắt 2 lớp sắt của thân tàu. Xung quanh hiện trường, hơn 100 chiến sĩ, người nhái chờ sẵn. Một vài người liền tay đập mạnh màn tàu để liên lạc, động viên người bị nạn bên trong giữ vững tinh thần.
Đến hơn 11 giờ 30 phút, thợ lặn Nguyễn Minh Luân đã đưa thành công thuyền viên Hoàng Trung Tường trong trạng thái kiệt sức ra ngoài. Việc anh Tường sống sót càng khiến công tác tìm kiếm khẩn trương hơn. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ tìm kỹ trong 5 căn phòng của chiếc tàu nhưng không thấy ai. Do trời dần tối, thời tiết diễn biến xấu, công tác cứu nạn khó khăn hơn nên lực lượng cứu hộ buộc phải tạm ngưng từ lúc 15 giờ.
Ông Nguyễn Đình Việt cho biết trong hôm nay (1-11), tiếp tục duy trì công tác tìm kiếm 4 thuyền viên mất tích. Nạn nhân gồm: Phan Anh Tấn - chủ tàu (Hà Tĩnh); Nguyễn Văn Sa - thuyền viên (Khánh Hòa); thuyền viên tên Hải (Kiên Giang); thuyền viên tên Quảng (Ninh Bình).
May mắn sống sót
Anh Trần Minh Sang (Khánh Hòa) và Hoàng Văn Biên (Hà Tĩnh) là 2 thuyền viên được cứu đầu tiên. Vừa đến Đồn Biên phòng Long Hòa, 2 anh nằm gục xuống nền nhà, được các chiến sĩ nấu vội nồi cháo để tiếp sức.
Anh Hoàng Văn Biên kể: “Khi anh em vừa ăn xong bữa cơm tối, một số người cầm chén, đũa đi rửa thì nghe tiếng la lớn bên ngoài: “Tàu lật! Tàu lật!”. Liền đó, con tàu chao đảo, nghiêng qua phải, mọi người chạy về phía bên mạn trái. Chỉ trong 2 phút, tàu lật úp, nước chảy xiết vào. Lúc này, một người lớn tiếng bảo tìm đến nơi có ánh sáng. Ai cũng cố gắng bơi về đó còn tôi đứng bên cửa sổ nên đã kịp chui ra ngoài”.
2 anh Trần Minh Sang (trái) và Hoàng Văn Biên được cứu sống
Trong đêm tối, anh Biên nhanh tay bám chân vịt nổi và lên mặt nước. Lúc sau, một người đồng nghiệp khác nổi lên bám vào anh để chờ người đến cứu. Trong lúc mệt lả, may thay một chiếc sà lan gần đó biết có tai nạn đã đến quăng áo phao, thả dây kéo anh Biên và một số người khác.
Còn anh Trần Minh Sang thì đây là lần thứ hai tham gia cùng tàu Hoàng Phúc 18 chở vật liệu. Trong lúc tàu gặp nạn, trong đầu anh lóe lên ý nghĩ: “Phải sống, phải thoát cho bằng được để trở về báo hiếu mẹ già 60 tuổi”. Mẹ anh nhiều lần ngăn cấm không cho anh đi biển vì cực khổ, rủi ro cao nhưng vì cuộc sống khó khăn, không tìm được việc làm thích hợp nên anh đã làm trái lời mẹ...
Khúc sông tử thần Theo nhiều ngư dân huyện Cần Giờ, tại vị trí tàu Hoàng Phúc 18 bị lật cũng từng xảy ra một số vụ tai nạn tương tự. Điển hình, ngày 2-8-2013, ca nô H29 BP chở hàng chục công nhân đi từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu, lúc đến sông Soài Rạp, đoạn tiếp giáp biển Cần Giờ thì bị sóng đánh chìm làm 9 người thiệt mạng. Sông Soài Rạp bắt đầu từ đoạn xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè và xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) theo hướng Nam đổ ra biển Đông tại cửa Soài Rạp. Khu vực này là ranh giới Cần Giờ - Nhà Bè; Cần Giờ - Cần Giuộc (Long An); Cần Giờ - Gò Công Đông (Tiền Giang). |