Công chúa Việt có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử, cưới con trai của chị gái làm chồng

KHAI TÂM - Ngày 07/11/2020 06:00 AM (GMT+7)

Do lịch sử đưa đẩy, công chúa Ngọc Bình trở thành người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam, làm vợ của hai vị hoàng đế của hai triều đại đối địch.

Lê Ngọc Bình (1785-1810) vốn là công chúa nhà Hậu Lê nhưng số phận đưa đẩy trở thành hoàng hậu nhà Tây Sơn với tư cách là chính thất của Hoàng đế Cảnh Thịnh và là phi tần của vua Gia Long. Đây là hai vị hoàng đế của hai triều đại đối địch.

Lấy con trai của chị gái làm chồng

Công chúa Ngọc Bình là con gái út của vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghị Nguyễn Thị Điều; em gái của công chúa Ngọc Hân. Bà nổi tiếng đẹp sắc nước hương trời, cơ thể có mùi hương lạ vô cùng quyến rũ.

Năm 1786, sau khi đánh bại nhà Nguyễn ở Đàng Trong, với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ đã tiêu diệt chúa Trịnh rồi tiến vào Thăng Long yết kiến vua Lê để dâng sổ sách quân dân tỏ ý tôn phò. Nguyễn Huệ được vua phong làm Nguyên súy dực chính phù vận, Uy quốc công rồi cho sánh duyên cùng công chúa Ngọc Hân vừa tròn 16 tuổi.

Hai năm sau, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu cung hoàng hậu. Họ có với nhau 2 con là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức.

Năm 1792, Nguyễn Huệ đột ngột qua đời, con trai là Quang Toản (con trai Quang Trung và hoàng hậu Bùi Thị Nhạn – PV) nối ngôi lúc mới 10 tuổi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh.

Công chúa Việt có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử, cưới con trai của chị gái làm chồng - 1

Tranh vẽ công chúa Ngọc Bình.

Do hoàng đế Cảnh Thịnh tuổi còn nhỏ, quyền lực triều Tây Sơn bị rơi vào tay nhóm quyền thần do Thái sư Bùi Đắc Tuyên – cậu ruột Quang Toản đứng đầu. Vị Thái sư chuyên quyền, độc đoán nên trong hàng ngũ tướng sĩ Tây Sơn có nhiều người bất bình. Những quan nào theo Đắc Tuyên thì được ưu đãi, những quan nào ra mặt chống thì bị hại, đẩy ra làm quan xa.

Đến năm 1795, Thái sư Đắc Tuyên bị dẹp, sau đó Thái hậu Lê Ngọc Hân làm mối Ngọc Bình cho Quang Toản khi vừa tròn 12 tuổi. Cuộc hôn nhân này đã đặt Nguyễn Huệ - Ngọc Hân và Cảnh Thịnh – Ngọc Bình vào mối quan hệ phức tạp. Bởi bà Ngọc Hân và Ngọc Bình vừa là chị em vừa là mẹ chồng nàng dâu, còn vua Quang Trung với vua Cảnh Thịnh vừa là cha con vừa là anh em rể có chung cha vợ là Hoàng đế Lê Hiển Tông.

Tiếp tục trở thành vợ của một hoàng đế khác

Tháng 5/1801, Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long) đánh chiếm Phú Xuân, vua Quang Toản bỏ chạy ra Bắc Hà, Ngọc Bình và một số cung nữ bị kẹt lại Phú Xuân. Thấy hoàng hậu trẻ đẹp, ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha, Nguyễn Ánh muốn lấy làm vợ.

Lúc này các cận thần kịch liệt phản đối vì cho rằng "thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy thừa vợ của giặc" nhưng vua Gia Long vẫn bỏ ngoài tai tất cả. Ông thẳng thắn trả lời bề tôi: "Tất cả giang sơn này, cái gì mà ta không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?".

Công chúa Việt có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử, cưới con trai của chị gái làm chồng - 2

Vua Gia Long - người chồng thứ 2 của công chúa Ngọc Bình.

Quốc sử di biên chép: “Năm Nhâm Tuất, Gia Long năm đầu (1802)... Ngày 21 Canh Thân, Thế tổ (Gia Long) đến kinh thành Thăng Long, hào mục bắt anh em Nguyễn Quang Toản dâng lên vua... Dâng nộp bà phi Lê Ngọc Bình vào trong cung vua”.

Sau đó Ngọc Bình được vua Gia Long phong làm phi và sinh được 4 người con: 2 hoàng tử, 2 công chúa. Năm 1810, bà qua đời khi tuổi còn khá trẻ (25 tuổi), được ban thụy là Cung Thận Đức phi, an táng tại làng Trúc Lâm.

Theo Sách Đại Nam thực lục ghi: “Canh Ngọ, Gia Long năm thứ 9 (1810), Chiêu viên là Lê thị (con gái út của Lê Hiển Tông) mất, tặng Đức phi, an táng ở Trúc Lâm, Hương Trà, Thừa Thiên. Lập từ đường ở Kim Long, sau dời qua làng Phú Xuân, nay thờ tại từ đường của Thường Tín Quận Công”.

Công chúa Ngọc Hân và Ngọc Bình có nhiều điểm tương đồng: Hai bà đều là công chúa con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, hai bà đều sinh trưởng ở ngoài Bắc, lớn lên hai bà đều lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn, cả hai bà đều là Hoàng hậu tại Phú Xuân. Do những điểm tương đồng mà câu chuyện truyền tụng về cuộc đời hai bà gây ra sự lầm lẫn giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình. Từng có người cho rằng người lấy Nguyễn Ánh là Ngọc Hân nhưng trên thực tế Ngọc Hân đã mất từ năm 1799.

Do lịch sử đưa đẩy, công chúa Ngọc Bình trở thành người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam. Dù bà không để lại nhiều dấu ấn nhưng là một phần lịch sử đặc biệt của 3 triều đại Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Bởi vậy, dân gian có câu ca dao nói về bà:

"Số đâu có số lạ lùng

Con vua lại lấy hai chồng làm vua".

Công chúa nổi tiếng Việt Nam: Cả thân thế lẫn cái chết đều bí ẩn, chưa có lời giải đáp
Thân làm công chúa với phận cao quý, sống trong nhung lụa từ bé nhưng công chúa An Tư lại không được quyền tự do lựa chọn hạnh phúc của mình.
KHAI TÂM
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thâm cung bí sử