Sách sử không chép rõ về cuộc đời của bà nhưng dã sử lại lưu truyền câu chuyện vô cùng lạ lùng về lễ cưới chấn động Thăng Long thời bấy giờ.
Vệ Quốc Trưởng Công chúa (1439 - ?) tên thật Lê Ngọc Đường là con gái cưng của Hoàng đế Lê Thái Tông, chị gái cả của Lê Nhân Tông. Từ khi chào đời, bà đã mắc bệnh câm, không nói được.
Theo luật lệ thời Hậu Lê, công chúa đến tuổi 16 sẽ được vua kén tuyển phò mã rồi đứng ra lo liệu việc tổ chức lễ cưới nhưng công chúa Lê Thị Ngọc Đường lại khác. Bà xuất cung, hạ giá lấy chồng khi mới 10 tuổi.
Dù không nói được nhưng công chúa Ngọc Đường sớm được vua Lê Nhân Tông xuống chiếu gả cho Lê Quát – con trai của đại thần Lê Thụ vào năm 1448. “Tháng 11, đem chị cả của vua là Vệ Quốc Trưởng Công chúa gả xuống cho Lê Quát là con trai của quan Thái úy Lê Thụ. Bấy giờ, công chúa mới lên mười, mắc chứng câm không nói được. Vua xuống chiếu giao cho quan Tư khấu là Khắc Phục làm chủ hôn”, Đại Việt sử ký toàn thư cho hay.
Không chỉ vậy, hôn lễ của công chúa Ngọc Đường cũng là sự kiện khiến triều thần nhà Hậu Lê và dân chúng chấn động. Theo sách sử, hiếm có một lễ cưới của công chúa nào lại có ảnh hưởng lớn đến xã hội đương thời như lễ cưới của bà.
Ảnh minh họa.
Trước tiên cần phải kể đôi nét về gia thế của phò mã Lê Quát. Ông xuất thân trong gia đình có thế lực lớn, là con trai của bậc khai quốc công thần Lê Thụ. Có lẽ với thế lực quá lớn của Lê Thụ nên Thái hậu Nguyễn Thị Anh đã nhân danh vua ban chuyện hôn nhân giữa công chúa Ngọc Đường với Lê Quát để kết tình thâm giao, có thêm chỗ dựa đảm bảo sự vững chắc cho ngai vàng của vua Lê Nhân Tông.
Theo quy định trong Hội điển, hôn lễ của công chúa phải có 6 lễ đi cưới do Khâm Thiên giám chọn, tổ chức trong 6 ngày khác nhau, mỗi lễ có vật phẩm riêng như: tràu cau, rượu, trâu bò, vàng bạc,… Và để đám cưới cho cho con trai trở nên hoàng tránh, tướng Lê Thụ đã sai người đi mua sắm rất nhiều. Quan lại ở Thăng Long cũng đua nhau mua lễ phẩm đến mừng khiến các mặt hàng nhất là gấm lụa trở nên khan hiếm.
“Khi ấy, Lê Thụ lo sắm lễ cưới, những kẻ ưa cầu cạnh hay tin liền tranh nhau đem nạp của cải để mong được hưởng phú quý. Gấm thêu, lĩnh, là, vóc, lụa... đang bày bán ngoài phố đều bị chúng tranh mua hết cả.
Lê Thụ còn bắt quan lại ở khắp các trấn, lộ phải sắm đủ trâu, bò và các thứ lễ vật khác. Các quan địa phương cũng muốn lấy lòng Lê Thụ nên bắt quân lính và nhân dân đóng góp rất nhiều.
Đài quan lúc ấy là Hanh Phát dâng sớ tâu. Lê Thụ cởi mũ để tạ tội, nhưng lệnh đã trót gửi đi khắp nơi rồi nên các quan địa phương vẫn đưa lễ vật tới nhà Lê Thụ. Lê Thụ không từ chối mà Hanh Phát cũng không nói đến nữa. Sau đó, Hanh Phát cũng mang lễ vật đến nhà Lê Thụ lạy tạ. Kẻ thức giả đều lấy đó mà chê bai”, Đại Việt sử ký toàn thư biên.
Chân dung vua Lê Nhân Tông - em trai Công chúa Ngọc Đường.
Về chuyện chỉ vì một lễ cưới của công chúa câm khiến dân chúng cả nước chấn động, Việt sử giai thoại bàn: “Con gái thứ dân mà mắc bệnh câm thì ôm phận cô đơn suốt đời là điều không sao tránh khỏi nhưng là công chúa, số phận của Vệ Quốc khác hẳn: Chẳng những làm dâu quan Thái úy mà còn làm dâu ngay khi mới lên 10. Thái úy Lê Thụ chắc chẳng mong con mình lấy vợ câm, con trai của Lê Thụ chắc càng không mong hơn nữa. Nhưng cơ may vơ vét của cải khắp thiên hạ bỗng dưng mà đến, kẻ tham lam như Lê Thụ chẳng thể bỏ qua”.
Sau đám cưới của con trai với công chúa câm, uy tín của Tể tướng Lê Thụ giảm sút nghiêm trọng. Ông bị bắt giam vào ngục tù vì tội “không biết dạy con”. Năm 1456, ông được tha tội, cho phục chức thái úy. Năm 1459, vua Lê Nhân Tông bị anh trai Nghi Dân sát hại, cướp ngôi. Lúc này Lê Thụ cùng một số đại thần lập mưu lật đổ Nghi Dân nhưng không thành, bị giết sạch.
Trong biến cố ấy, sử sách không nói rõ cuộc sống cũng như số phận của công chúa Ngọc Đường cùng chồng ra sao? Có lẽ rằng, chỉ có lễ cưới chấn động của họ mới được dã sử lưu truyền trong dân gian như một sự kiện hiếm có.