Công chúa Việt đáng thương: Lấy con trai của hoàng hậu làm chồng và cái kết bi thảm không ngờ

K.T - Ngày 05/12/2020 00:08 AM (GMT+7)

Có thể nói, Phất Kim là công chúa có số phận tủi hờn, đáng thương nhất lịch sử Việt Nam: Lấy con trai của mẹ kế, bị chồng xẻo má một cách lạnh lùng và tàn nhẫn...

Công chúa Phất Kim (chưa rõ năm sinh - mất 979) là con gái thứ 3 của vua Đinh Tiên Hoàng - vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh và cũng là đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Bà cùng hai người chị gái khác là Công chúa Minh Châu, Công chúa Phất Ngân là những người con được sinh ra trước khi Đinh Bộ Lĩnh làm vua.

Lấy con trai của mẹ kế làm chồng

Vua Đinh Tiên Hoàng được đánh giá là vị hoàng đế anh minh và chính trực nhưng trong vấn đề hạnh phúc của con cái lại là người áp dụng nghiêm ngặt quy định "cha đặt đâu con ngồi đấy". Công chúa Minh Châu được ông gả cho tướng Trần Thăng - em ruột sứ quân Trần Lãm, người đã trao nhường toàn bộ binh quyền Bố Hải Khẩu cho ông; Công chúa Phất Ngân sau này lấy Điện Tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn - người thay nhà Tiền Lê, sáng lập nên triều Lý vang dội trong lịch sử. Còn Phất Kim được cha gả cho sứ quân đầu hàng dòng dõi quý tộc là Ngô Nhật Khánh.

Duyên tình giữa Công chúa Phất Kim và Ngô Nhật Khánh bắt nguồn từ đám cưới của vua Đinh Tiên Hoàng và mẹ của Ngô Nhật Khánh. Cụ thể, trong đám cưới của mẹ mình với vua Đinh, Ngô Nhật Khánh vốn là dòng dõi của Ngô Quyền - một trong số 12 sứ quân đã miễn cưỡng cùng thuộc hạ của mình dự ngày hôn lễ của mẹ.

Công chúa Việt đáng thương: Lấy con trai của hoàng hậu làm chồng và cái kết bi thảm không ngờ - 1

Tranh vẽ Công chúa Phất Kim.

Khi bữa tiệc diễn ra, vua Đinh cố tình khéo léo sắp xếp công chúa Phất Kim 3 lần đến chúc rượu Nhật Khánh. Khi thấy công chúa, Nhật Khánh đã bị thu hút bởi vẻ đẹp kiều diễm rồi vờ nắm vào bàn tay của nàng. Công chúa kiền e thẹn rút tay lại khiến Nhật Khánh không kìm nổi cảm xúc hỏi:

- Quý danh của nàng, liệu ta có biết được chăng?

- Thưa tướng quân, tên thiếp là Phất Kim.

- A! Phất Kim.

Và đến lần chúc rượu thứ ba, Nhật Khánh táo tợn hỏi: “Ta muốn cùng nàng sum vầy gia thất, liệu nàng có bằng lòng không?”. Sau đó công chúa đáp: "Cảm ơn tướng quân đã có lòng hạ cố” và rảo bước không dám ngoái lại nhìn. Nhưng khi Nhật Khánh nhiều lần ngỏ lời, công chúa đều từ chối.

Đoán biết Nhật Khánh bề ngoài nói cười vui vẻ nhưng trong lòng vẫn ngấm ngầm tính chuyện khởi sự chống lại mình nên vua Đinh đã gọi công chúa Phất Kim đến nói rằng: “Tướng quân Ngô Nhật Khánh là người thao lược vào bậc nhất nhưng chưa thực sự tận trung vì sự nghiệp của cha. Giặc Tống và Chiêm đang lăm le bờ cõi, nếu được Nhật Khánh giúp thêm vây cánh thì Đại Cồ Việt ta còn gì bằng”.

Công chúa Phất Kim lặng lẽ nghe theo cha bảo. Sau đó vua Đinh Tiên Hoàng lại tiếp lời: “Cha muốn con ưng thuận lời thỉnh cầu của Nhật Khánh, để lấy tình phu phụ thuyết phục Nhật Khánh giữ trọn đạo hiếu trung”. Công nghe lời cha dạy bảo liền nhận lời cầu hôn của Ngô Nhật Khánh. Từ đó Nhật Khánh trở thành phò mã của nhà Đinh.

Dã sử chép: "Ngô Nhật Khánh là bà con của Ngô Tiên Chúa (tức Ngô Quyền). Trước kia, Ngô Nhật Khánh từng xưng là An Vương, cùng trong số mười hai sứ quân giữ đất tranh hùng. Khi Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp được Ngô Nhật Khánh rồi, bèn lập mẹ của hắn làm hoàng hậu, hỏi em gái của hắn cho con mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn, lại gả công chúa cho hắn nữa, thế mà Ngô Nhật Khánh vẫn không bớt oán hờn…”.

Bị chồng xẻo má nhưng vẫn trọn đời yêu thương

Ban đầu, công chúa nhà Đinh và phò mã họ Ngô sống khá hạnh phúc. Một hôm, có người lái buôn phương Bắc sau khi bán cho Nhật Khánh một đôi ngọc lưu ly vô cùng quý hiếm, cứ nhìn Khánh chằm chằm rồi nói điều to nhỏ. Người lái buôn này cũng trao cho Khánh một phong thư. Khánh xem thư xong liền bỏ vô miệng nhai nuốt luôn.

Hai ngày sau, Nhật Khánh xin phép vua Đinh cấp 5 chiến thuyền hộ tống mình cùng công chúa Phất Kim đi kinh lý Ái Châu bằng đường thủy. Vua Đinh Tiên Hoàng đồng ý. Thuyền xuôi dòng Vân Sàng, qua Ngọc Thỏ cảng, vượt cửa Thần Phù rồi ra biển Đông. Ngồi trên thuyền Phất Kim hỏi chồng rằng: “Chúng ta đi đâu?”.

Công chúa Việt đáng thương: Lấy con trai của hoàng hậu làm chồng và cái kết bi thảm không ngờ - 2

Đền thờ Công chúa Phất Kim ở Ninh Bình.

Lúc này, Ngô Nhật Khánh mới nói rằng mình sẽ vượt qua nam giới để cầu cứu vua Chiêm, đồng thời hé lộ rằng người Tống sẽ giúp dẫn đường. Theo đó, vua Chiêm sẽ giúp đỡ thuyền bè, binh lính để đánh đường thủy còn quân Tống sẽ hỗ trợ đường bộ. Hóa ra, Khánh vẫn chưa từ bỏ ý định phản nghịch lại vua Đinh Tiên Hoàng.

Để dỗ dành Phất Kim, Ngô Nhật Khánh còn nói rằng, sau này sẽ trở thành chính cung hoàng hậu. Nhưng công chúa không hề quan tâm. Ngược lại bà lại rất đau đớn khi phát hiện ra chồng mình vẫn mang trong lòng âm mưu làm phản vua cha. Bà kiên quyết nói rằng sẽ không phản bội cha rồi tha thiết nói với chồng mình đã nghe theo lời cha để xuất giá, nghĩa là trọn đời chỉ biết đến một mình Ngô Nhật Khánh. Nhưng bà cũng sẽ không vì thế mà phản bội lại cha ruột.

Sau đó, công chúa Phất Kim cầu xin chồng hồi tâm chuyển ý, đừng phản lại vua cha để rồi mang tội bất hiếu, bất trung. Và lời nói của bà đã phần nào tác động đến Ngô Nhật Khánh. Tuy nhiên hôm sau, khi thương nhân phương Bắc lại tiếp tục nhỏ to với Khánh thì Khánh tiến đến phía trước công chúa Phất Kim với bộ mặt giận dữ mà nói rằng:"Vua Đinh Tiên Hoàng đã lừa dối, ức hiếp mẹ con mình. Nay không thể vì yêu quý công chúa Phất Kim mà quên tội của vua Đinh Tiên Hoàng. Công chúa Phất Kim hãy trở về còn mình sẽ tiếp tục đi theo con đường đã chọn". Nói xong, Khánh rút dao xẻo má công chúa một cách lạnh lùng, tàn nhẫn, sau đó giận dữ sang thuyền xuôi xuống nước Chiêm.

Công chúa Phất Kim được đưa về kinh thành Hoa Lư chạy chữa thuốc men. Tuy vết thương trên mặt đã lành nhưng vết sẹo trên má không bao giờ có thể làm nguôi được nỗi đau đớn, tủi nhục trong lòng của một người vợ có chồng theo giặc ngoại bang để chống lại cha mình. Bà liền xuống tóc đi tu trong một ngôi chùa ở Kinh thành Hoa Lư.

Những tưởng số phận khổ đau của công chúa nhà Đinh đến đó là kết thúc, ngờ đâu khi cha và anh trai cả bị nghịch thần sát hại, triều đình trở nên rối ren, các đại thần dàn quân đánh nhau. Sau đó Lê Hoàn lên ngôi vua. Cùng lúc đó, Phất Kim lại nghe tin chồng và vua Chiêm Thành dẫn hơn một nghìn chiến thuyền thuỷ quân xuất chinh theo hai cửa biển Đại Ác và Thần Phù vào đánh Đại Cồ Việt thì bị phong ba nổi lên, nhấn chìm hết cả thuyền bè và chết đuối.

Thương xót cho chồng, công chúa Phất Kim đã nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt, phía Tây Bắc kinh thành Hoa Lư tự vẫn. Nhân dân Hoa Lư vì tiếc thương nàng công chúa bạc mệnh đã lập đền thờ công chúa Phất Kim ngay trên nền nhà của cung Vọng Nguyệt. Đến nay, đền thờ Công chúa Phất Kim vẫn nằm trong khu dân cư làng Yên Thành, thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Hoàng đế Việt bị chỉ trích dữ dội: Bán nước cho giặc, chết trong cô đơn nơi xứ người
Ngày nay, nhiều nhà sử học đã chỉ trích, coi hành vi của vua Lê Chiêu Thống là "bán nước, cõng rắn cắn gà nhà", nhưng dù mang tiếng bán nước, ông vẫn...
K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thâm cung bí sử