‘Công tử’ Hà thành bỏ du học về giữ Trường Sa

Ngày 21/06/2014 12:27 PM (GMT+7)

Ở tuổi đôi mươi, lại là con trai một doanh nhân có tiếng ở Hà Nội, nhưng thay vì tiếp tục theo học ở nước ngoài, Đức lại trở về xin đi bộ đội và làm lính đảo Trường Sa Lớn...

Trong chuyến công tác 10 ngày trên quần đảo Trường Sa, tôi may mắn gặp Nguyễn Quốc Đức. Ở tuổi đôi mươi, lại là con trai một doanh nhân có tiếng ở Hà Nội, nhưng thay vì tiếp tục theo học ở nước ngoài, Đức lại trở về xin đi bộ đội và làm lính đảo Trường Sa Lớn...

Lớn lên từ Học kỳ quân đội

5h sáng ngày 25/4/2014, tàu HQ 561 đưa Đoàn công tác chúng tôi hạ neo cách đảo Trường Sa Lớn chừng nửa cây số.

Sau lễ chào cờ, Thủ trưởng Đoàn công tác duyệt binh, chúng tôi tham gia khai mạc triển lãm “Trường Sa, Hoàng Sa: Bản đồ và những tư liệu, chứng cứ lịch sử”, rồi cắt băng khánh thành điểm bưu điện văn hóa đảo. 11h30, đoàn công tác “ăn trưa - giao lưu” (như cách nói của lính đảo) với cán bộ, chiến sĩ của đảo.

Sau bữa trưa, tôi tha thẩn vào khu nhà ở của các chiến sĩ. Khi tới gần chiếc bàn đá kê ngay dưới gốc bàng trên lối đi ra bờ biển, tôi giật mình khi nghe một giọng Hà Nội nhỏ nhẹ: “Mời chú ngồi xơi nước ạ!”. Nói là ngạc nhiên bởi vì đa phần các chiến sĩ ở đây là người miền Trung.

Biết tôi ở Hà Nội, Đức (tên chàng trai) mừng ra mặt. Khác với đa phần các chiến sĩ trên đảo cháy nắng, rắn rỏi, Đức mảnh mai, thư sinh. Đức nói, nhà ở Hoàng Quốc Việt. Cậu là con thứ hai trong một gia đình có 5 anh chị em. Tôi cũng ở Hoàng Quốc Việt, nên chả lạ gì bố của Đức. Ông là một doanh nhân rất thành đạt. Tuy nhiên, điều làm tôi ngạc nhiên là hầu như cả thời phổ thông trung học từ 2006 đến 2010, Đức học ở New Zealand và Australia, nhưng vì sao Đức không học tiếp mà lại… ra Trường Sa.

‘Công tử’ Hà thành bỏ du học về giữ Trường Sa - 1

Ở tuổi đôi mươi, lại là con trai một doanh nhân có tiếng ở Hà Nội, nhưng thay vì tiếp tục theo học ở nước ngoài, Đức lại trở về xin đi bộ đội và làm lính đảo Trường Sa Lớn...

Đức rót nước mời tôi. Chờ tôi uống xong tách trà, Đức nhỏ nhẹ: “Một lần cháu nghe bác bạn của bố mẹ cháu nói chuẩn bị cho con sang New Zealand học. Cháu rất thích ra nước ngoài học tập. Thế là bố mẹ lo cho sang New Zealand học”.

Năm 2006, 11 tuổi Đức sang New Zealand. Đức nói, tính Đức tò mò, rất thích khám phá. Vì vậy mỗi năm Đức chuyển một trường, đến một thành phố khác để vừa học vừa khám phá. 7 năm học, 5 năm ở New Zealand, 2 năm ở Australia đã đủ những trải nghiệm cho cậu học trò 18 tuổi. “Chuyển trường nhiều như vậy, nhưng thành tích học tập của cháu năm nào cũng tốt, nhận giấy khen của trường nữa đấy chú ạ!”, Đức khoe.

Nhấp thêm ngụm trà, tôi trở lại câu chuyện: “Đức ra Trường Sa như thế nào?”. Trầm ngâm một lúc, lấy tay áo gạt mồ hôi lấm tấm trên trán, Đức kể: “Đầu năm 2013, cháu về nước phụ giúp bố cháu công việc kinh doanh. Định bụng là lao ra thương trường một thời gian, có chút kinh nghiệm rồi sẽ đi học tiếp đại học ở nước ngoài. Tuy nhiên một sự kiện đã làm thay đổi tất cả”.

Đức im lặng hồi lâu. Mắt nhìn xa xăm. Chắc Đức đang nghĩ tới một vấn đề gì đấy hệ trọng. “Đầu năm 2013 cùng với bạn bè cháu tham gia một khóa huấn luyện “Học kỳ quân đội” ở Thái Nguyên. Ăn uống, sinh hoạt chế độ như lính và nhất là khi khoác lên mình chiếc áo nhà binh, trong đầu cháu lóe lên một ý nghĩ: “Sao không theo nghiệp nhà binh nhỉ?”. Nghĩ thế, cháu quyết luôn”.

Trở về nhà, Đức trình bày nguyện vọng với gia đình xin cho lên đường nhập ngũ. Bố mẹ thương, không muốn cho đi lính vì sợ con trai vất vả. Đức cố gắng thuyết phục bố mẹ. Rồi Đức nộp đơn lên phường xin nhập ngũ.

Trở thành lính đảo

Tháng 9/2013, Đức lên đường nhập ngũ, tham gia khóa huấn luyện chiến sĩ mới ở Tiểu đoàn 453, Lữ đoàn 957, Vùng 4 Hải quân. “Hôm cháu lên đường nhập ngũ mẹ thương sẽ vất vả nên khóc rất nhiều, mua cho đủ thứ nhét đầy cả một ba lô. Mà mẹ lo là đúng thôi. Ở nhà cháu chả phải làm gì, thậm chí quần áo mặc xong, thay ra, vứt đấy, mẹ giặt”. Cháu động viên mẹ: “Mẹ yên tâm đi, con lớn rồi. Với lại mẹ phải để cho con có môi trường rèn luyện nên người chứ”. Mẹ cười trong nước mắt”.

3 tháng huấn luyện tân binh thực sự là một “cuộc hành xác” đối với Đức. Báo thức, tập thể dục, huấn luyện (lăn lê, bò toài), học chính trị, báo động đêm, hành quân, tăng gia sản xuất, thể thao, văn hóa văn nghệ. Lặp đi lặp lại.

Từ một chàng trai “không biết làm gì” dần dần Đức trở thành anh lính “cái gì cũng làm được”. “Có những lúc cháu kiệt sức, tưởng như mình không qua nổi khóa huấn luyện, nhưng rồi được sự động viên, giúp đỡ của thủ trưởng, đồng đội, cháu đã vượt qua tất cả”, Đức nói, mắt ánh lên niềm tự hào. “Chỉ có ở môi trường quân đội, cháu mới nhận ra được tình cảm bạn bè thực sự. Trong đơn vị, mọi vui buồn đều chia sẻ cho nhau nghe, lúc khó khăn được giúp đỡ, động viên”.

Kết thúc ba tháng huấn luyện tân binh, Đức được gặp gia đình trước khi lên tàu đến với Trường Sa. Một tuần lênh đênh trên con tàu HQ 571 đến với Trường Sa, Đức là người yếu nhất nhưng lại ít bị say sóng nhất. Lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, nơi mà trước đó chỉ biết qua sách báo, Đức hồi hộp không ngủ được.

"Khi còn học ở nước ngoài, cháu có đọc và biết nhiều về Trường Sa, Hoàng Sa là nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc, đang cần những thanh niên có ý chí và sức vóc canh trời, canh biển. Cháu nung nấu ước mơ được một lần ra với đảo, được đóng góp một phần công sức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Nguyễn Quốc Đức

“Đi lính thì rõ rồi, nhưng sao Đức lại chọn ra Trường Sa?”, tôi tò mò. Đức nhặt một hòn đá san hô trắng đưa lên bảo tôi: “Chú đưa vào chùa bảo Thầy cho mấy chữ về làm kỷ niệm chú nhé. Cháu thấy ai ra đây cũng làm vậy cả”. Tôi nhận hòn đá và cảm ơn Đức. Đức nói: “Khi còn học ở nước ngoài, cháu có đọc và biết nhiều về Trường Sa, Hoàng Sa là nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc, đang cần những thanh niên có ý chí và sức vóc canh trời, canh biển. Cháu nung nấu ước mơ được một lần ra với đảo, được đóng góp một phần công sức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Thú thực, nếu như nghe câu này của một thanh niên bất kỳ nào đó giữa Thủ đô Hà Nội thì tôi có thể nghi ngờ, nhưng trước chàng trai Hà Nội, người mà nếu ở nhà “chả thiếu thứ gì, chả phải làm gì” ấy ở ngay trên hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trước một người khách (mà Đức không hề biết tôi là nhà báo) thì tôi tin Đức thực lòng.

‘Công tử’ Hà thành bỏ du học về giữ Trường Sa - 2

Nguyễn Quốc Đức

Đức bảo cái đêm đầu tiên đi gác trên đảo Đức không thể nào quên được: “Một mình đứng gác từ 2h đến 3h30 sáng, thú thực cháu hơi run. Gió biển lạnh mà trong người cứ nóng ran. Tay bồng súng trước ngực thấy mình lớn hẳn lên, trách nhiệm lớn lao và thiêng liêng lắm. Nhớ đất liền, nhớ nhà, nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ bạn bè da diết”.

Rồi Đức kể cho tôi nghe về cái Tết đầu tiên ở Trường Sa: “Tết về, cả đơn vị nhộn nhịp thi làm cỗ, rồi chấm xem cỗ của đội nào đẹp nhất. Cháu và các chiến sĩ mới được giao nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa, tìm những cành cây đẹp để gắn hoa nhựa làm cành đào đón xuân. Cháu còn được tham gia gói bánh chưng. Đây là lần đầu tiên trong đời cháu được gói bánh chưng nhưng cũng gói được 10 cái rất đẹp và vuông vắn nhé”- Đức cười rất tươi.

Cuối buổi chiều, tôi tìm gặp Trung úy Hoàng Anh Tuấn, Phân đội trưởng Phân đội pháo phòng không 37, Chỉ huy trực tiếp của Đức. Khi nhắc tới Đức, anh Tuấn bảo: “Dù sống ở nước ngoài nhiều năm, gia đình lại có điều kiện nhưng Đức không hề có biểu hiện công tử mà rất gần gũi với đồng đội”.

22h, sau khi giao lưu văn nghệ xong Đoàn cán bộ chúng tôi trở lại tàu, Đức ra tận chân cầu cảng tiễn, nắm tay tôi, Đức bảo: “Hồi chiều chú có hỏi về tương lai của cháu. Cháu nói nhé,   cháu mong là sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự cháu được đi học sĩ quan và thành anh lính hải quân chuyên nghiệp”.

Tôi nắm chặt tay Đức, chúc mơ ước của Đức sẽ thành hiện thực.

Tôi tin là Đức sẽ trở thành một sĩ quan hải quân mẫu mực.

Trường Sa, Tổ quốc cần lắm những người như Đức!

Theo Lê Thọ Bình/Giao thông vận tải

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot