Liên quan trường hợp F0 là thiếu nữ 16 tuổi về từ tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Định đã ghi nhận 39 ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng ở 2 xã Ân Tường Tây và Ân Hữu, huyện Hoài Ân.
Con cách ly tại nhà, mẹ tụ tập đánh bài, vài ngày sau địa phương xuất hiện ổ dịch lớn
Sáng 14-8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Định đã thông tin về 7 ca Covid-19 mới trên địa bàn. Trong đó, huyện Phù Mỹ 4 ca, huyện Tuy Phước 1 ca, huyện Tây Sơn 1 ca và huyện Hoài Ân 1 ca.
Nhân viên y tế Bình Định lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân địa phương
Tại huyện Hoài Ân, ca Covid-19 mới được ghi nhận là nữ bệnh nhân 256020 (40 tuổi, ngụ xã Ân Hữu), là người nhà của 2 bệnh nhân được phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng từ ổ dịch ở xã Ân Tường Tây.
Liên quan đến ổ dịch ở xã Ân Tường Tây, từ ngày 9 đến 13-7, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Định đã thông tin về 38 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng ở 2 xã Ân Tường Tây và Ân Hữu. Nguồn lây đầu tiên xuất phát từ ổ dịch này là thiếu nữ N.T.T (16 tuổi, ngụ xã Ân Tường Tây), bệnh nhân 215843, về từ tỉnh Bình Dương.
Như vậy, sau 5 ngày phát hiện, ổ dịch ở xã Ân Tường Tây đã ghi nhận 39 ca Covid-19. Trong đó, ngoài N.T.T là F0, 38 ca Covid-19 còn lại là F1, F2, F3 và F4 của N.T.T cũng thành F0.
Theo khai báo y tế, ngày 24-7, N.T.T từ tỉnh Bình Dương về đến địa phương vào trưa 25-7, sau đó được cách ly tại nhà. Kết quả xét nghiệm RT-PCR lần 1 ngày 28-7, lần 2 ngày 31-7 đối với N.T.T đều âm tính SARS-CoV-2.
Ngày 7-8, N.T.T được làm xét nghiệm định kỳ bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, kết quả dương tính nên chuyển cách ly tạm thời tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân để lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày 8-8, N.T.T dương tính SARS-CoV-2.
Kết quả điều tra dịch tễ của các cơ quan chức năng cho thấy sau khi từ tỉnh Bình Dương về, N.T.T đã thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà theo quy định. Việc các F1 gồm mẹ, chị và em trai sống chung nhà trở thành F0 có thể do lây nhiễm với N.T.T trong quá trình sử dụng chung nhà vệ sinh, vì điều kiện ở quê không có nhà vệ sinh riêng cho mỗi phòng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính khiến dịch lây lan nhanh ở huyện Hoài Ân trong những ngày qua xuất phát từ nữ bệnh nhân 215844 (49 tuổi, ngụ xã Ân Tường Tây), là mẹ của N.T.T. Cụ thể, trong thời gian con gái thực hiện cách ly tại nhà, mẹ của N.T.T thường xuyên đi ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người ở địa phương. Thậm chí, tại thời điểm địa phương đang giãn cách xã hội, mẹ của N.T.T còn tụ tập đánh bài "thư giãn" với nhiều phụ nữ trong xã.
Có 6 người phụ nữ trong xã Ân Tường Tây được xác định dương tính SARS-CoV-2 sau khi ngồi cùng sòng bài với bệnh nhân 215844 vào ngày 2-8. Điều đáng nói, thời điểm này, toàn tỉnh Bình Định đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có quy định không tụ tập từ 3 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Ngoài 6 trường hợp trên, 2 người phụ nữ khác tiếp xúc gần với mẹ của N.T.T cũng được xác định dương tính SARS-CoV-2. Như vậy, tính đến thời điểm này, đã có ít nhất 8 trường hợp tiếp xúc gần với mẹ của N.T.T dương tính SARS-CoV-2. Từ những ca bệnh này, dịch đã nhanh chóng lây lan trong xã Ân Tường Tây rồi sang xã Ân Hữu như hiện nay.
Liên quan vụ việc trên, ngày 11-8, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân đã ký quyết định về việc tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày ký) đối với Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây Phạm Thị Thu Hà để xem xét, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện các biện pháp về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân, trong thời gian cách ly tại nhà theo quy định, một số thành viên trong gia đình cô gái N.T.T đã không chấp hành tốt quy định phòng chống dịch nên đã khiến dịch lây lan. Cụ thể, họ đã gặp gỡ, tụ tập với nhiều người, tạo thành ổ dịch lớn, khó kiểm soát.
(Theo Người Lao Động)
Đồng Nai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 31/8
Sáng 14/8, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sẽ kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 31/8.
Trước đó, Đồng Nai áp dụng giãn cách toàn xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ từ 0h ngày 9/7. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục ban hành quyết định kéo dài giãn cách đến hết ngày 1/8.
Đến ngày 1/8, tỉnh này tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh thêm 15 ngày, yêu cầu người dân không ra đường từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, TP Biên Hòa.
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 14/8, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, toàn tỉnh đã ghi nhận 13.248 ca mắc Covid-19, 90 ca tử vong. Riêng ngày 13/8 đã có 1.149 ca trong khu cách ly, phong tỏa, 39 ca sàng lọc. Nhiều nhất ở huyện Nhơn Trạch, TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu.
Sở Y tế nhận định, qua test nhanh, tiếp tục phát hiện nhiều ca mới ở các khu nhà trọ công nhân, doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều ca mới rải rác trong cộng đồng, trong nhân viên y tế, cán bộ UBND phường, xã, sinh viên tình nguyện phục vụ trong các khu cách ly, phong tỏa.
Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, hiện ngành y tế đang phối hợp với các địa phương tập trung truy vết, xét nghiệm mở rộng tại các ổ dịch.
Phong tỏa khẩn cấp chợ đầu mối khi phát hiện tiểu thương dương tính SARS-CoV-2
Tối 14-8, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết qua xét nghiệm đã phát hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có thêm 11 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.
Lực lượng chức năng phong tỏa chợ đầu mối Vinh sau khi phát hiện ca mắc Covid-19
Cụ thể, có 3 trường hợp liên quan đến chợ đầu mối Vinh, đó là trường hợp bà L.T.T.X. (SN 1979), bán hoa quả chợ đầu mối Vinh. Hiện trú khối 6, phường Cửa Nam, TP Vinh. Ngày 13-8, bà X. thấy mệt mỏi, ho. Sáng ngày 14-8 xuất hiện sốt, sau đó gọi dịch vụ xét nghiệm LABVIET đến nhà làm test nhanh cho kết quả 2 lần dương tính SARS-CoV-2.
Ngay sau khi nhận được thông báo của nhân viên LABVIET về trường hợp test nhanh dương tính SARS-CoV-2, CDC đã tiến hành đến lấy mẫu xét nghiệm, đến 16 giờ 50 ngày 14-8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 2 là chị H.T.T.M. (SN 2002, con gái bà X., trú cùng địa chỉ). Ngày 14-8, sau khi bà X. có kết quả test nhanh dương tính, chị M. được CDC lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ 3 là ông T.B.T. (SN 1970), làm nghề lái xe. Địa chỉ thường trú khu đô thị Long Châu, phường Vinh Tân, TP Vinh. Ông T. là lái xe giao nhận hàng cho bệnh nhân L.T.T.X.. Ngày 14-8 sau khi nhận được thông tin bà L.T.T.X. có kết quả test nhanh dương tính, ông T. được CDC lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Liên quan đến các ca dương tính SARS-CoV-2 trên, chiều 14-8, lực lượng chức năng đã phong tỏa khẩn cấp chợ đầu mối Vinh. Các tiểu thương được yêu cầu "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi lấy mẫu, tiểu thương được yêu cầu về nhà và hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác trong thời gian chờ kết quả.
Ngoài ra, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 14-8, tại Nghệ An ghi nhận thêm 8 trường hợp ở các huyện Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn, Nghi Lộc có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Như vậy, tính từ ngày 13-6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 495 bệnh nhân mắc Covid-19.
(Theo Người Lao Động)
Lý giải về số ca mắc Covid-19 ở Bình Dương tăng mạnh
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bình Dương, đợt dịch thứ 4 toàn tỉnh ghi nhận 39.592 ca mắc Covid-19; có 8.643 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh và xuất viện.
Riêng ngày 13-8, Bình Dương ghi nhận 2.816 ca mắc Covid-19. Trong đó, những khu vực có số ca mắc tăng nhiều nhất là TP Dĩ An (tăng 174%), huyện Bàu Bàng (144%), Dầu Tiếng (114%) và TP Thủ Dầu Một (18%); các địa phương có số mắc giảm là: Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên.
Hầu hết các ca mắc mới được phát hiện trong khu phong tỏa (60,6%), khu cách ly dành cho các trường hợp test nhanh dương tính (30,2%), còn tỉ lệ ca mắc được ghi nhận tại cộng đồng thấp (4,8%).
Trong ngày có 25 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số tử vong trong toàn tỉnh lên 309 trường hợp. Mặc dù số ca trong ngày 13-8 giảm so với ngày 12-8 nhưng trong những ngày qua số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói chung luôn đạt bốn con số.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, số ca mắc Covid-19 của tỉnh Bình Dương đang tăng mạnh là vì tỉnh tăng cường tách bốc F0 trong cộng đồng cùng với các biện pháp chống dịch đã được tỉnh triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn.
Với hơn 37.000 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4, Bình Dương là tỉnh có số ca mắc cao, chỉ đứng sau TP HCM. Đặc biệt, những ngày gần đây số lượng ca bệnh liên tục tăng lên, cụ thể trong ngày 10-8 ghi nhận 1.954 ca, ngày 11-8 ghi nhận 1.268 ca, thậm chí trong ngày 12-8 con số này lên tới 3.028 ca. Số ca bệnh trong ngày tăng nhưng hầu hết được phát hiện trong các khu phong tỏa, khu cách ly dành cho các trường hợp test nhanh dương tính nên an toàn cho cộng đồng.
Điển hình trong ngày 12-8 ghi nhận 3.028 ca nhưng có tới 2.111 ca phát hiện trong khu phong tỏa, chiếm 69,7% tổng số ca bệnh phát hiện trong ngày; 565 ca phát hiện trong khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính chờ kết quả PCR, chiếm 18,6%.
Trong khi đó, tỉ lệ phát hiện trong cộng đồng rất thấp chỉ 169 ca, chiếm 5,6% số ca mắc trong ngày. Số lượng ca mắc được phát hiện tại khu cách ly tập trung đều được tỉnh quản lý chặt chẽ nên không có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
(Theo Người Lao Động)
Hà Nội khẩn tìm người đến lò mổ Minh Hiền, nơi có 2 ca dương tính SARS-CoV-2
Chiều 14/8, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Thanh Oai có thông báo khẩn tìm người trên địa bàn thành phố liên quan đến ca dương tính SARS-CoV-2 tại Công ty TNHH Minh Hiền xã Bích Hoà.
Lực lượng chức năng lập ràp chắn nơi có ca dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn TP.Hà Nội.
Cụ thể, ngày 14/8, UBND huyện Thanh Oai nhận được thông báo kết qủa dương tính SARS-CoV-2 của 2 trường hợp là nhân viên tại Công ty TNHH Minh Hiền (lò mổ Minh Hiền) tại xã Bích Hoà, Thanh Oai, Hà Nội.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là nữ N.T.T (SN 1971, ở Thanh Oai, Hà Nội), là người đến mua hàng tại lò mổ Minh Hiền.
Trường hợp thứ 2 là nam, Đ.X.M. (SN 1979, ở phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) là nhân viên bảo vệ của lò mổ Minh Hiền.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Thanh Oai thông báo tìm người đi, đến, ở liên quan đến lò mổ Minh Hiền địa chỉ, cụm công nghiệp Bích Hòa, Thanh Oai, Hà Nội từ 31/7/2021 đến 13/8/2021.
Người đã đến, liên quan đến địa điểm trong khoảng thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn, Trung tâm Y tế Thanh Oai (0916.874.282) hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115/0949.396.115.
Lê Phương
Bắc Ninh: 9 nhân viên Viettel Post dương tính SARS-CoV-2
Ngày 14/8, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh này vừa ghi nhận 9 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Cả 9 trường hợp dương tính này đều là nhân viên cửa hàng Viettel Post, chi nhánh huyện Lương Tài, hiện đã được đưa đi cách ly y tế. 9 trường hợp này chưa được Bộ Y tế công bố ca bệnh.
Cửa hàng Viettel Post nơi có 9 ca dương tính với SARS-CoV-2
Cụ thể, trường hợp 1 là anh L.Q.C (SN 1988, ở Thanh Hà, Thịnh An, Lương Tài, Bắc Ninh). Ngày 13/8 ho, sốt, mệt mỏi, anh C. đã tiêm vắc xin 2 mũi. Anh C. là nhân viên ship hàng tại chi nhánh Viettel Post Lương Tài – Bắc Ninh. 14 ngày qua anh T. chỉ sinh hoạt trong gia đình, tiếp xúc với đồng nghiệp giao hàng trong địa bàn huyện Lương Tài, không ra ngoài tỉnh.
Ngày 11/8, anh C. đi tiêm vắc xin mũi 2 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh cùng đồng nghiệp. Chiều 13/8, anh C. sốt 39 độ, người mệt mỏi, ho. Đến sáng 14/8, đến phòng khám sàng lọc COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Lương Tài cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 2 là anh Đ.Đ.H (SN 1994, ở thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh). Ngày 6/8, anh D. theo xe hàng đến kho hàng ở Bắc Từ Liêm, có tiếp xúc với khoảng 10 nhân viên kho hàng nhưng không nhớ tên.
Từ ngày 8 đến 10/8 anh H. giao hàng tại Lạc vệ - Tiên Du – Bắc Ninh không nhớ số lượng người tiếp xúc.
Ngày 11/8, anh H. đi tiêm vắc xin mũi 2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Từ 11/13/8, vẫn đi giao hàng và sinh hoạt cùng mọi người trong gia đình và đồng nghiệp. Đến chiều 13/8, người mệt mỏi, ho. Sáng 14/8, đến phòng khám sàng lọc COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Lương Tài cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 3 là chị N.T.H (SN 1992, ở Tân Lãng, Lương Tài, Bắc Ninh). 14 ngày qua chị H. chỉ sinh hoạt trong gia đình, có đi chợ Thứa mua thức ăn, tiếp xúc với đồng nghiệp, giao hàng trong địa bàn huyện Lương Tài, không ra khỏi tỉnh.
Ngày 11/8, chị H. đi tiêm vắc xin mũi 2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Đến chều 13/8, chị H. bị ho. Sáng 14/8, đến phòng khám sàng lọc COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Lương Tài cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 4 là anh V.V.T (SN 1994, ở Trung Kênh, Lương Tài, Bắc Ninh). 14 ngày qua anh T. chỉ sinh hoạt trong gia đình, có đi chợ mua thức ăn, tiếp xúc với đồng nghiệp, giao hàng trên địa bàn huyện Lương Tài, không ra khỏi tỉnh.
Ngày 11/8, anh T. đi tiêm mũi vắc xin 2 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cùng đồng nghiệp. Chiều 13/8, anh T. đau mỏi. Sáng 14/8, đến phòng khám sàng lọc COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Lương Tài cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 5 là chị N.T.K (SN 1991, ở Tân Lãng, Lương Tài, Bắc Ninh). 14 ngày qua chị K. chỉ sinh hoạt trong gia đình, đi chợ mua thức ăn, tiếp xúc với đồng nghiệp, giao dịch tại chi nhánh Viettel Post Lương Tài, không ra khỏi tỉnh.
Ngày 11/8, chị T. đi tiêm mũi vắc xin 2 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cùng đồng nghiệp. Chiều 13/8, chị T. đau mỏi. Sáng 14/8 đến phòng khám sàng lọc COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Lương Tài cho kết quả dương tính.
Trường hơp thứ 6 là chị V.T.N (SN 1987, ở Trung Kênh, Lương Tài, Bắc Ninh). 14 ngày qua chị N. chỉ sinh hoạt trong gia đình, đi chợ mua thức ăn, tiếp xúc với đồng nghiệp, giao dịch tại chi nhánh Viettel Post Lương Tài, không ra khỏi tỉnh.
Ngày 11/8, chị N. đi tiêm mũi vắc xin 2 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cùng đồng nghiệp. Sáng 14/8, đến phòng khám sàng lọc COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Lương Tài cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 7 là anh N.V.H (SN 1982, ở Trung Kênh, Lương Tài, Bắc Ninh). 14 ngày qua anh H. chỉ sinh hoạt trong gia đình, tiếp xúc với đồng nghiệp, giao dịch tại chi nhánh Viettel Post Lương Tài, không ra khỏi tỉnh.
Ngày 11/8, anh H. đi tiêm mũi vắc xin 2 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cùng đồng nghiệp. Đến sáng 14/8, đến phòng khám sàng lọc COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Lương Tài cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 8 là anh V.B.T (SN 1984, ở Bình Định, Lương Tài, Bắc Ninh). 14 ngày qua anh T. chỉ sinh hoạt trong gia đình, tiếp xúc với đồng nghiệp, giao dịch tại chi nhánh Viettel Post Lương Tài, không ra khỏi tỉnh.
Ngày 11/8, anh T. đi tiêm mũi vắc xin 2 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cùng đồng nghiệp. Sáng 14/8, đến phòng khám sàng lọc COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Lương Tài cho kết quả dương tính.
Trường hợp thứ 9 là anh N.T.N (SN 1983, ở Trung Kênh, Lương Tài, Bắc Ninh). 14 ngày qua anh N. chỉ sinh hoạt trong gia đình, tiếp xúc với đồng nghiệp, giao dịch tại chi nhánh Viettel Post Lương Tài, không ra khỏi tỉnh.
Ngày 11/8, anh N. đi tiêm mũi vắc xin 2 ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cùng đồng nghiệp. Sáng 14/8, đến phòng khám sàng lọc COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Lương Tài cho kết quả dương tính.
Sau khi ghi nhận 9 ca dương tính với SARS-CoV-2, Trung tâm Y tế huyện Lương Tài đã lấy mẫu xét nghiệm PCR gửi CDC tỉnh Bắc Ninh làm xét nghiệm đến tối cùng ngày, cả 9 trường hợp trên đều có kết quả khẳng định dương tính.
Hiện kho hàng Viettel Post ở Lương Tài đã được phong toả tạm thời. Phun khử khuẩn tại nơi cư trú, địa điểm có liên quan ca dương tính theo quy định.
(Theo Dân Việt)
Những trường hợp được ra khỏi nhà từ 8 giờ ngày 16-8 tại Đà Nẵng
Từ 8 giờ ngày 16 đến 23-8 Đà Nẵng quy định chỉ có 6 trường hợp được ra ngoài
Chiều 14-8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định bổ sung và điều chỉnh một số quy định về phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, kể từ 8 giờ ngày 16-8 đến 8 giờ ngày 23-8, TP Đà Nẵng tạm dừng mọi hoạt động, yêu cầu mọi người dân ở nhà với phương châm "ai ở đâu thì ở đó".
Những người được phép ra ngoài trong thời gian trên gồm: người thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; công nhân vệ sinh môi trường đô thị; chăm sóc cây xanh đô thị; xử lý sự cố điện, cấp thoát nước, thông tin, viễn thông; người vận chuyển, cung ứng dược phẩm, vật tư y tế, hóa chất cho các cơ sở y tế; vận chuyển phân phối lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu cho người dân; vận chuyển giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu từ Cảng đến địa điểm giao hàng và ngược lại; vận chuyển công vụ; bưu chính nhà nước; trường hợp đi cấp cứu; khám, chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; xét nghiệm SARS-CoV-2; tiêm chủng Covid-19; người đi cách ly, hoàn thành cách ly y tế tập trung; xuất viện; đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài khi đã có vé.
Hoạt động tác nghiệp báo chí được ra ngoài với số lượng tối đa 6 người/ 1 đơn vị phát thanh, truyền hình và 2 người/ báo in, báo điện tử, trừ loại hình tạp chí. Hoạt động tang lễ được thực hiện theo quy định của Chỉ thị 05.
Những người thực hiện các hoạt động tại nơi làm việc, nơi sản xuất phải đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) và được xem là một điểm cách ly, phải tuân thủ tuyệt đối quy định "5K" gồm:
Làm việc tại các cơ quan, công sở nhà nước với số lượng không quá 10%; làm việc tại các trung tâm thương mại, các siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi (siêu thị mini), công ty thương mại đầu mối; làm việc tại các nhà thuốc/quầy thuốc; các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; các cơ sở cách ly y tế tập trung; làm việc tại các cơ sở cung cấp gas, cấp điện, cấp nước, xăng dầu; ngân hàng; bưu chính, viễn thông; cảng hàng không, cảng biển, nhà ga đường sắt, trạm quản lý đường bộ; cơ sở sản xuất suất ăn công nghiệp; làm việc tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao (chỉ được bố trí tối đa 30% số người làm việc).
Những người được phép tham gia các hoạt động khẩn cấp và quan trọng khác do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hoặc Chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định theo thẩm quyền.
Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thời gian dừng hoạt động phải đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ tại đơn vị. Trường hợp bố trí lãnh đạo, nhân viên trực phải bảo đảm nguyên tắc "3 tại chỗ".
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Sở Công Thương khẩn trương tổ chức thực hiện phương án bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân trên địa bàn; giao Giám đốc Công an TP và Trưởng Công an các quận, huyện hướng dẫn và cấp thẻ nhận diện đối với những người tham gia các hoạt động được phép ra ngoài và tham gia giao thông như quy định nói trên. Đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp các lực lượng từ TP đến xã, phường đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng được giao khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng; đánh giá tình hình dịch và đề xuất các biện pháp phù hợp; hướng dẫn cụ thể cho người dân trong các trường hợp đi cấp cứu; khám chữa bệnh định kỳ, xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm chủng Covid-19; người đi cách ly, hoàn thành cách ly y tế tập trung; xuất viện. Sở Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ lập danh sách phóng viên, nhà báo gửi Công an TP Đà Nẵng để cấp thẻ nhận diện khi thi hành công vụ.
(Theo Người lao động)
Đà Nẵng chính thức dừng tất cả hoạt động từ 8 giờ ngày 16-8
Sáng 14-8, Tiểu ban Truyền thông Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng đã phát thông cáo báo chí về việc tạm dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn để phòng chống dịch.
Theo đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã thống nhất từ 8 giờ ngày 16-8 đến 8 giờ ngày 23-8, dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn, thực hiện nghiêm nguyên tắc "ai ở đâu ở đó", người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà.
Các cơ quan, công sở, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị; tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức "3 tại chỗ" (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).
TP Đà Nẵng sẽ cung ứng thực phẩm tới tận tổ dân phố trong 7 ngày thực hiện "ai ở đâu ở đó"
Trong thời gian 7 ngày áp dụng biện pháp nêu trên, Sở Y tế Đà Nẵng xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng, có độ bao phủ toàn TP để tìm và nhanh chóng đưa các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng. Ngành y tế sẽ khẩn trương khoanh vùng, đánh giá chính xác về mức độ nguy cơ dịch bệnh theo từng khu vực quận, huyện, phường, xã, thôn, tổ dân phố để lãnh đạo TP quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Để thực hiện biện pháp này, TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các ngành và địa phương xây dựng phương án cụ thể, hiệu quả nhằm bảo đảm cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cung ứng đến tận các tổ dân phố, đến người dân cũng như có phương án hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngành chức năng đề nghị người dân không tập trung đông người để mua sắm dự trữ quá nhiều, dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho chính mình và cộng đồng.
"Việc áp dụng biện pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh sẽ tác động không nhỏ đến đời sống của người dân TP, cuộc sống sẽ khó khăn hơn, việc ăn uống, sinh hoạt sẽ có nhiều bất tiện hơn. Trong giai đoạn khó khăn này, TP mong tất cả người dân cùng đồng lòng, chia sẻ và chung tay cùng chính quyền hực hiện tốt các giải pháp về phòng chống dịch trong 7 ngày sắp tới vì mục tiêu chung, vì một TP khỏe mạnh, vì sức khỏe của bản thân mình và những người thân yêu" - thông cáo báo chí nêu.
(Theo Người Lao Động)
Từ 8 giờ ngày 16 đến 23-8 Đà Nẵng quy định chỉ có 6 trường hợp được ra ngoài
Ngày 14/8, Công an TP.Hà Nội cho biết, tính riêng trong ngày hôm nay, các lực lượng chức năng TP.Hà Nội đã xử phạt hành chính 900 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Trong đó, Không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xử lý 28 trường hợp; không tạm dừng kinh doanh có 1 trường hợp. 871 trường hợp bị xử lý do có hành vi vi phạm khác như không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách....
Các chốt kiểm dịch COVID-19 làm nhiệm vụ trên địa bàn TP.Hà Nội.
Cũng trong ngày 14/8, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP.Hà Nội nhận thông tin về việc Công an quận Đống Đa và Công an huyện Ba Vì đang lập hồ sơ, xử lý hai trường hợp có hành vi đánh và mang dao đe doạ, chửi bới cán bộ phòng, chống dịch COVID-19. Cả hai trường hợp vi phạm đều xảy ra vào ngày 12/8.
Cụ thể, khoảng 9h ngày 12/8, Tổ công tác Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại trước số nhà 163 Xã Đàn, Đống Đa yêu cầu bà N.T.T.H (SN 1968; hộ khẩu tại Bạch Mai, Hai Bà Trưng) vào chốt để kiểm tra.
Bà H. không chấp hành và dùng tay đánh vào mặt anh Nguyễn Ngọc Vinh (cán bộ Công an phường Nam Đồng) làm rơi tấm kính chống giọt bắn. Tổ công tác đã khống chế đối tượng, lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Cũng trong ngày 12/8, cơ quan công an đã lập hồ sơ xử lý anh P.C.N (SN 1977; trú Vân Trại, Tây Đằng, Ba Vì). Theo đó, khoảng 9h ngày 12/8, anh P.C.N đi xe đạp đến Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại thôn Vân Trại, tay cầm theo 1 con dao dài khoảng 25cm.
Tại đây, anh N. có lời lẽ chửi tục, dùng dao đe dọa, chỉ vào mặt ông Nguyễn Văn Toàn (cán bộ đang trực tại chốt). Tổ công tác đã khống chế, đưa về trụ sở Công an thị trấn Tây Đằng lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
(Theo Dân Việt)
Hà Nội cần làm gì để không phải tiếp tục giãn cách xã hội?
Để chủ động khống chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch xét nghiệm COVID-19 diện rộng trên địa bàn.
Theo CDC Hà Nội, theo kế hoạch, trước mắt, TP lấy khoảng 300.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 186.000 mẫu tại khu vực nguy cơ, 114.000 mẫu là đối tượng nguy cơ.
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, từ ngày 10/8 đến 18h ngày 13/8, thành phố đã lấy 266.403 mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại các khu vực có yếu tố nguy cơ. Kết quả: 18 mẫu dương tính, trong đó Đống Đa có 14 ca; Thanh Trì: 3 ca và Hoàng Mai 1 ca. Có 177.089 mẫu âm tính, còn lại đang chạy xét nghiệm. Tất cả các mẫu dương tính này đã được công bố trong những ngày vừa qua.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, qua giám sát gần 14.000 trường hợp ho, sốt, thành phố đã ghi nhận ít nhất 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (chiếm 0,7%). Truy vết tiếp xúc, tiếp tục xét nghiệm các trường hợp liên quan, thêm gần 700 ca mắc tại cộng đồng được phát hiện.
Tổng số F0 phát hiện được từ hoạt động giám sát người có triệu chứng nghi ngờ chiếm gần 40% số ca mắc ghi nhận của toàn thành phố.
Chống dịch xuất phát từ bảo vệ từng cộng đồng nhỏ an toàn
Đánh giá về hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch Hà Nội đang triển khai, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng Hà Nội đang chống dịch rất quyết liệt, đúng hướng, xuất phát từ từng cộng đồng an toàn nhỏ.
"Tôi cho rằng chỉ có thế mới bền vững được", vị chuyên gia nhận xét.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Thời gian qua, Hà Nội đã xét nghiệm miễn phí tất cả trường hợp ho, sốt hoặc có dấu hiệu nghi nhiễm tại cộng đồng, mỗi ngày có gần 1.000 người đăng ký. Qua đó đã phát hiện ra các ca bệnh, dù không nhiều nhưng ở rải rác khắp các quận, huyện.
Thêm vào đó, Hà Nội cũng có các ca bệnh lây trong các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ, xí nghiệp, chuỗi cung ứng... Do đó, TP đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội (từ 24/7).
Trong thời gian giãn cách, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả bước đầu tích cực, thể hiện bằng sự quyết liệt của TP và người dân ủng hộ; thứ 2 là con số nhiễm tại cộng đồng dần không tăng lên. Số ca nhiễm mới hiện chưa phải về 0 nhưng có giảm.
"Trong đánh giá dịch tễ của chúng tôi, số ca dương tính mới không thể giảm ngay được. Điều quan trọng là số nhiễm mới, ổ dịch mới ngoài cộng đồng thấp đi, số mắc mới chủ yếu trong khu cách ly, phong toả" - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nói.
Cùng đó, ông Phu đánh giá Hà Nội tiến hành xét nghiệm COVID-19 không tràn lan, lãng phí khi tập trung vào các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ cao. Trong mấy ngày nay, Hà Nội đã lấy và xét nghiệm hàng trăm nghìn mẫu người trong diện này, phát hiện thêm một số ít ca nhiễm mới ở cộng đồng.
Hà Nội cũng truy vết rất nhanh, khi xuất hiện ca F0 là truy vết F1 để khống chế được ổ dịch ngay. Thủ đô phát hiện hàng chục F0 ở chợ, khu công nghiệp, bệnh viện… nhưng đã khống chế được.
(Theo Dân Việt)
TPHCM: Lên phương án cho chợ truyền thống hoạt động trở lại
Văn phòng UBND TPHCM vừa có văn bản gửi các sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận/huyện truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng xét đề nghị của Sở Công thương về tiến độ xây dựng phương án tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.
Chợ truyền thống hoạt động trong điều kiện an toàn phòng chống dịch
Theo đó, UBND TP giao Sở Công thương theo dõi, hướng dẫn UBND TP Thủ Đức và UBND các quận/huyện xây dựng phương án để tổ chức hoạt động chợ trở lại và các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Giao UBND TP Thủ Đức và các quận/huyện bám sát hướng dẫn của Sở Công thương, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương khẩn trương thực hiện khảo sát, đánh giá và xây dựng phương án tổ chức hoạt động trở lại đối với các chợ truyền thống trong điều kiện an toàn hoặc triển khai phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động.
TP Thủ Đức và các quận/huyện đăng ký thời hạn, tiến độ triển khai, kịp thời báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để Sở Công thương kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ. Chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp các đơn vị quản lý chợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh, ngẫu nhiên đối với tiểu thương, người mua hàng tại chợ...
Theo nhận định của Sở Công thương, hiện tiến độ tổ chức các chợ truyền thống hoạt động trở lại tại các quận, huyện quá chậm, ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân.
(Theo Công an Nhân dân)
Quảng Ngãi ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục
Sáng 14-8, Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin vừa ghi nhận thêm 27 người dương tính với virusSARS-CoV-2. Trong đó, 5 ca liên quan đến chùm ca bệnh tiệm áo cưới Trường Sơn, ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn.
Trong số 5 ca Covid-19 liên quan tiệm áo cưới Trường Sơn, 1 người ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh là chồng của BN 233059, đã đi cách ly tập trung từ ngày 11-8. 4 người khác là F1 của các ca Covid-19 trong chùm ca bệnh ở tiệm áo cưới Trường Sơn.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người cách ly. Ảnh: T.Trực
Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, về từ TP HCM, đã hoàn thành cách ly tập trung. Trong thời gian cách ly tại nhà, mẫu xét nghiệm lần 4 của người này được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, còn có 21 ca về từ TP HCM đã cách ly tập trung. Cụ thể, 13 người cách ly tại Trường THCS Võ Bẩm ở xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi; 7 người ở Trường THCS Đức Lân, huyện Mộ Đức; 1 người ở Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, huyện Bình Sơn.
Tính từ ngày 26-6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 459 ca mắc Covid-19.
(Theo Người Lao Động)
Cách ly xã hội toàn TP Nha Trang 1 tuần, người dân và cán bộ làm việc tại nhà
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành thông báo khẩn yêu cầu từ 0 giờ sáng nay (14-8), cách ly toàn xã hội toàn bộ 27 xã, phường của TP Nha Trang.Trước đó, tối 13-8, Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Khánh Hòa và Ban Thường vụ Thành ủy TP Nha Trang đã họp, thống nhất việc cách ly toàn xã hội tại TP Nha Trang từ ngày 14 đến 20-8.
Việc này được đưa ra khi tình hình dịch Covid-19 ở TP Nha Trang tiếp tục diễn biến phức tạp. Đến 7 giờ sáng nay (14-8), toàn tỉnh ghi nhận 85 ca mắc Covid-19 mới - nâng tổng số ca lên 4.234, trong đó TP Nha Trang có 2.197 ca nhiễm. Quá trình tầm soát liên tục phát hiện nhiều ca mắc mới.
UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó có công văn khẩn, yêu cầu toàn bộ người dân ở nhà, thực hiện nghiêm người cách ly người, trừ các trường hợp cần thiết. Cơ quan nhà nước sắp xếp, bố trí công việc cho cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà.
Hà Nội cách ly y tế nhiều khu vực với hàng chục ngàn dân
Sáng 14-8, lãnh đạo quận Đống Đa (TP Hà Nội) cho biết đã có quyết định về việc thành lập vùng cách ly y tế tại 3 phường Văn Miếu, Thổ Quan và Văn Chương để phòng, chống dịch Covid-19.
Lực lượng chức năng thiết lập vùng cách ly 1 khu vực ở quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Ngô Nhung
Theo đó, vùng cách ly y tế tại phường Văn Miếu gồm: Điểm phong tỏa tại ngõ 221 Nguyễn Khuyến với toàn bộ hộ dân thuộc ngõ 221 Nguyễn Khuyến, gồm 226 nhân khẩu. Điểm phong tỏa tại 40 Nguyễn Khuyến từ số nhà 38 đến số nhà 42, gồm 11 hộ gia đình và 50 nhân khẩu. Điểm phong tỏa tại 26 Quốc Tử Giám, từ số nhà 4 đến số nhà 34 Quốc Tử Giám, gồm 14 hộ gia đình và 43 nhân khẩu (không tính 7 nhân khẩu thuộc nhà 26 Quốc Tử Giám). Điểm phong tỏa tại 18 Ngô Tất Tố gồm các số nhà 61, 63, 65, 67, 69, 71 ngõ 38 Ngô Sĩ Liên, gồm 6 hộ gia đình và 19 nhân khẩu; toàn bộ tập thể 18 Ngô Tất Tố gồm 36 hộ gia đình và 148 nhân khẩu; số nhà 35 Ngô Tất Tố gồm 1 hộ và 6 nhân khẩu. Tổng số dân tại 4 điểm phong tỏa là 492 nhân khẩu.
Vùng cách ly y tế được thiết lập tại phường Thổ Quan gồm: Ngách 85 ngõ Trung Tả nhà số lẻ từ 43 đến số 73; số nhà chẵn từ 28 đến 72; hẻm 43/85 ngõ Trung Tả nhà số lẻ từ 3 đến 45; số nhà chẵn từ 2 đến số 10; hẻm 47/85 ngõ Trung Tả nhà số lẻ từ 3 đến 9; số nhà chẵn từ 2 đến số 10; từ số nhà 3 đến số 45 phố Hồ Văn Chương. Trong vùng cách ly có tổng số 106 hộ gia đình với 378 nhân khẩu.
Còn vùng cách ly y tế tại phường Văn Chương được thiết lập 3 khu vực như sau: Khu vực 1 gồm toàn bộ khu dân cư số 3 và một phần dân cư số 6 và số 8; với tổng số 900 hộ gia đình và 2.800 nhân khẩu. Khu vực 2 gồm một phần khu dân cư số 5 và 9 có tổng số 300 hộ gia đình với 1.100 nhân khẩu. Khu vực 3 gồm một phần khu dân cư số 7 và 9 có tổng số 260 hộ gia đình với 850 nhân khẩu. Tổng số hộ dân trong vùng cách ly là 1.460 hộ với 4.750 nhân khẩu.
Thời gian áp dụng cách ly đối với 3 phường trên trong vòng 14 ngày kể từ 19 giờ ngày 13-8.
Trong khi đó, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng ra quyết định tiếp tục cách ly y tế phường Chương Dương đến ngày 28-8 để xét nghiệm diện rộng cho người dân do xuất hiện ca mắc Covid-19 mới. Trước đó, khu vực dân cư gồm khoảng 23.000 người nói trên đã được cách ly y tế từ ngày 31-7 do phát hiện nhiều ca dương tính SARS-CoV-2.
(Theo Người Lao Động)
Tiền Giang họp khẩn lúc rạng sáng chặn ổ dịch ở Trung tâm công tác xã hội tỉnh
Rạng sáng 14-8, Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang và đoàn công tác Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn tìm phương án nhanh chóng kiểm soát dịch ngay khi địa phương này ghi nhận chùm ca bệnh tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Tiền Giang.Trung tâm hiện có 86 nhân viên và 357 đối tượng dễ tổn thương được bảo trợ xã hội với 5 khu: khu A có 39 người; khu B có 101 người; khu C có 72 người; khu D 102 người và khu E là 43 người. Đối tượng dễ tổn thương được bảo trợ xã hội chủ yếu là người già, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em và phụ nữ neo đơn.
Theo ghi nhận của CDC tỉnh Tiền Giang, Ổ dịch này ghi nhận a dương tính đầu tiên là nhân viên Trung tâm tại khu D, có mẹ là F0 vào ngày 9-8.
Qua truy vết đến ngày 14-8, ổ dịch tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Tiền Giang ghi nhận tổng cộng 68 ca F0 trong tổng số 443 cán bộ nhân viên và đối tượng dễ tổn thương.
Trung tâm công tác xã hội tỉnh Tiền Giang nằm trên địa bàn TP Mỹ Tho
TS Nguyễn Vũ Thượng – Trưởng đoàn công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Tiền Giang, cho biết do F0 là nhân viên phục vụ ăn uống tại khu B, có tiếp xúc gần với các đối tượng khiến tốc độ lây nhiễm nhanh. Đây là khu nguy cơ rất cao vì đa số các ca F0 đều dễ tổn thương.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang và đoàn công tác Bộ Y tế đã nhanh chóng đề ra các phương án để sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh tại ổ dịch này.
Theo đó các ca F0, F1 sẽ được cách ly ngay tại chỗ, Trung tâm công tác xã hội sẽ được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến, nếu các ca bệnh có diễn biến nặng sẽ chuyển qua trung tâm hồi sức tích cực của tỉnh.
Hiện các trường hợp F1 được cách ly thành 3 khu bao gồm: Trẻ em – phụ nữ; người già; các đối tượng còn lại. Bên cạnh đó phải tiến hành song song công tác truy vết F1 của các nhân viên F0 ở ngoài cộng đồng.
CDC tỉnh đảm bảo công tác lấy mẫu gộp với tần suất 2 ngày/lần, đồng thời thường xuyên sát khuẩn bề mặt, phòng ốc hàng ngày, kiểm soát nhiễm khuẩn không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.
Tính đến sáng 14-8 tổng số ca F0 tại Tiền Giang là 5.632 ca, có 130 ca đã tử vong.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Quảng Nam thông tin văn bản cho Bí thư Tam Kỳ chở con ra Hà Nội để bay sang Mỹ du học
Liên quan đến văn bản về việc đồng ý cho ông Trần Nam Hưng – Bí thư Thành uỷ Tam Kỳ dùng ô tô chở con đi Hà Nội để bay sang Mỹ nhập học, tỉnh Quảng Nam vừa thông tin chính thức.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại CV số 8272/BGTVT-VT ngày 11/8/21 v/v hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay, theo nguyện vọng của những gia đình có con đi du học, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi cho các địa phương đang có dịch thực hiện quản lý chặt chẽ xe ra vào địa phương, tạo điều kiện cho một số trường hợp có con đi du học nước ngoài từ Quảng Nam ra sân bay Nội Bài.
Ngày 10/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân ký văn bản số 5164 về việc thống nhất để ông Trần Nam Hưng (Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ, Chủ tịch HĐND TP Tam Kỳ) được sử dụng xe ô tô BKS 92A-108-39 di chuyển từ Quảng Nam đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) cho con gái bay chuyến Hà Nội - New York).
Theo đó, xe xuất phát từ Tam Kỳ vào ngày 15 hoặc 16/8, để ông Trần Nam Hưng đưa con gái Trần Thục Uyên nhập học và sau đó quay về Quảng Nam (dự kiến toàn bộ thời gian đi chuyển đi và về là 3 ngày như đề nghị).
Thành viên đoàn trên xe gồm ông Trần Nam Hưng (SN 1973), Đặng Hồng Phong (SN 1976, lái xe), Nguyễn Quang Mỹ (SN 1999, lái xe) và Trần Thục Uyên (SN 2001).
Văn bản này đề nghị các tỉnh, TP là Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng tạo điều kiện thuận lợi để 4 người có tên trên được qua lại các chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19...
Được biết, ông Trần Nam Hưng đã sử dụng xe gia đình và không phải là trường hợp cá biệt.
Theo tỉnh Quảng Nam, hiện nay các gia đình trong tỉnh có người thân, con, em có nhu cầu đến cảng hàng không quốc tế để ra nước ngoài làm việc, học tập… tương đối nhiều.
Sau khi xem xét đơn xin cấp giấy đi đường của người dân, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi các tỉnh, thành từ Quảng Nam đến Hà Nội đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng tạo điều kiện thuận lợi để người dân được qua lại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
(Theo Tiền Phong)