COVID-19 28/8: 41 ca dương tính SARS-CoV-2 tại một phường, thần tốc xét nghiệm 8.000 người

HÀ ANH - Ngày 28/08/2021 12:14 PM (GMT+7)

UBND phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) đã tổ chức lấy 8.000 mẫu xét nghiệm để sàng lọc F0 ra khỏi cộng đồng.

41 ca dương tính SARS-CoV-2 tại một phường, thần tốc xét nghiệm 8.000 người

Sáng 28/8, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hiện chùm ca bệnh tại phường còn rất phức tạp, ca dương tính SARS-CoV-2 vẫn tăng.

Theo bà Hoa, tính đến đêm 27/8, trên địa bàn đã ghi nhận 41 ca dương tính SARS-CoV-2. Các ca bệnh đều liên quan đến 4 ca mắc COVID-19 là tài xế “luồng xanh” đi từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội được phát hiện ngày 23/8. 4 tài xế này là nhân viên Cty TNHH Hiền Phước.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội).

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội).

Bà Hoa cho biết, sáng nay, chính quyền đang gấp rút tổ chức triển khai lấy 8.000 mẫu xét nghiệm tại 18 điểm trên địa bàn phường để sàng lọc ca F0 ngoài cộng đồng.

Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND phường Giáp Bát cho biết, tổng dân số phường Giáp Bát hơn 16.000 người.

Trước đó, ngày 27/8, UBND quận Hoàng Mai đã ra quyết định thiết lập vùng cách ly y tế từ 12h ngày 25/8 đến 12h ngày 8/9 với 492 hộ, 1.903 nhân khẩu tại các khu vực phường Giáp Bát.

Cụ thể, toàn bộ ngõ 24 phố Kim Đồng (203 hộ), toàn bộ ngõ 897 Giải Phóng (17 hộ), toàn bộ ngõ 6 Kim Đồng (41 hộ), ngách 1 ngõ 4 Kim Đồng (từ số 2 đến số 88, gồm 33 hộ), đường Giáp Bát (dãy lẻ từ số 231 đến 315, dãy chẵn từ số 194 đến 286 gồm 184 hộ), đường dọc sông Sét: Từ đầu cầu Kim Đồng đến đầu cầu Sét đường Trương Định (từ số 2 đến số 12 gồm 14 hộ).

UBND Quận Hoàng Mai giao UBND phường Giáp Bát xây dựng phương án cách ly cụ thể, tổ chức thực hiện cách ly y tế, đảm bảo công tác an sinh xã hội cho người dân. Phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận trong công tác xử lý rác thải y tế tại vùng cách ly.

(Theo Dân Việt)

Hà Nội mở "chiến dịch" xét nghiệm cao điểm, nhận định kịch bản sau ngày 6/9

Theo văn bản, thành phố đã kết thúc đợt xét nghiệm diện rộng triển khai từ ngày 9/8 đến 22/8. Đối tượng xét nghiệm là người sinh sống trong các khu vực phong tỏa, các khu vực nguy cơ cao có nhiều ca bệnh, ổ dịch và người thuộc các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như: shipper; người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Theo báo cáo, số mẫu đã lấy được tại 30 quận, huyện là 1.128.424/1.300.000 mẫu, (đạt 97,5% so với kế hoạch); phát hiện 83 trường hợp dương tính, còn lại đều âm tính. Các trường hợp F0 được phát hiện tập trung chủ yếu tại 14 phường của 8 quận, huyện như sau: Đống Đa 48 ca (Văn Miếu: 33, Văn Chương: 12, Hàng Bột: 1, Láng Hạ: 1, Quốc Tử Giám: 1), Hoàng Mai 14 ca (Hoàng Liệt: 13, Lĩnh Nam: 1), Hà Đông 6 ca (Quang Trung: 5, Nguyễn Trãi: 1), Hoài Đức 6 ca (An Thượng: 6), Hoàn Kiếm 4 ca (Đồng Xuân), Thanh Trì 3 ca (Liên Ninh), Thanh Oai 1 ca (Bích Hòa), Hai Bà Trưng 1 ca (Minh Khai).

Theo đánh giá chung, tình hình dịch đợt 4 phức tạp hơn các đợt trước về quy mô số bệnh nhân và mức độ lây lan ở 29/30 quận, huyện, thị xã với nhiều chùm ca bệnh không xác định rõ nguồn lây, xuất hiện các ổ dịch quy mô phường (Văn Miếu, Văn Chương - Đống Đa, Chương Dương - Hoàn Kiếm...); ghi nhận sự lây lan trong cộng đồng mạnh tại một số nơi (Liên Ninh - Thanh Trì; Thị trấn Thường Tín...); ghi nhận sự lây lan trong khu chung cư (HH4C Linh Đàm, Hoàng Liệt - Hoàng Mai) lây nhiễm trong chuỗi vận chuyển cung ứng hàng hóa, thực phẩm (Công ty Thanh Nga - Hai Bà Trưng; Công ty Viettel Logistic - Bắc Từ Liêm); nhiều cán bộ y tế bị nhiễm bệnh hơn,...

UBND thành phố nhận định, trên địa bàn thành phố còn xuất hiện những ca bệnh rải rác, tản mát trong cộng đồng, đặc biệt là các ca bệnh phát hiện qua ho, sốt (từ ngày 1/8 đến nay đã phát hiện được 85 ca ho, sốt nguyên phát và 1.290 ca ho, sốt thứ phát); đã xuất hiện các ca bệnh, chùm ca bệnh trong các chuỗi cung ứng, công sở, chợ, khu dân cư, khu chung cư...

Hơn nữa, chủng vi rút biến thể Delta lây lan mạnh, chu kỳ lây ngắn (khoảng 2 ngày) nên còn những ca bệnh có thể còn lấn khuất trong cộng đồng chưa phát hiện được...; lây nhiễm chéo từ các khu cách ly và còn những nguồn lây nhiễm từ những trường hợp nhập cảnh và đi về từ vùng dịch của các địa phương khác.

Xét nghiệm 200 nghìn mẫu

Theo Kế hoạch, UBND thành phố yêu cầu triển khai xét nghiệm diện rộng có trọng điểm (chiến dịch), đợt cao điểm từ 27/8/2021 đến 04/9/2021. Tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số khoảng 200.000 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR, chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ ngày 27/8 đến 30/8, dự kiến triển khai lấy 80.000 mẫu xét nghiệm với mục tiêu bóc tách kịp thời các trường hợp F0 khỏi cộng đồng để thực hiện cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế; đánh giá lại các khu vực nguy cơ. Các đơn vị cần lựa chọn địa bàn xã/phường nguy cơ cao tiếp giáp với các ổ dịch phức tạp; khu tập thể cũ đông người, chật hẹp (mật độ dân số cao, nhà/ngõ chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều) đế lấy mẫu xét nghiệm theo hình thức đại diện hộ gia đình (dự kiến 1-2 người/hộ gia đình).

Giai đoạn 2 từ 31/8 đến 4/9, dự kiến triển khai lấy 120.000 mẫu xét nghiệm với mục tiêu bóc tách kịp thời các trường hợp F0 khỏi cộng đồng để thực hiện cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế; đánh giá thêm về khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ theo yêu cầu dịch tễ và đánh giá lại các khu vực nguy cơ.

Giai đoạn này sẽ thực hiện xét nghiệm tại khu vực nguy cơ cao (Lựa chọn địa bàn/xã phường nguy cơ cao tiếp giáp với các ổ dịch phức tạp; khu tập thể cũ đông người, chật hẹp (mật độ dân số cao, nhà/ngõ chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều) đế lấy mẫu xét nghiệm theo hình thức đại diện hộ gia đình (dự kiến 1-2 người/Hộ gia đình) và đối tượng nguy cơ cao (là người làm các ngành nghề như shipper; người làm dịch vụ vận tải (lái xe các loại); người làm tại các công ty cung ứng hàng hóa, thực phấm; người bán hàng tại chợ, siêu thị...).

Nhận định kịch bản sau ngày 6/9

Ngoài việc thực hiện công tác xét nghiệm thường quy theo dịch tễ; tăng cường hoạt động xét nghiệm mở rộng và có trọng tâm, trọng điểm theo đối tượng nguy cơ và theo địa bàn; tùy theo tình hình diễn biến dịch trên địa bàn, thành phố dự kiến xây dựng 2 kịch bản xét nghiệm sau ngày 6/9.

Với kịch bản 1, UBND thành phố nhận định, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các quận, huyện, thị xã đã có nguy cơ cao từ trước, với các ca mắc tăng cao, phải thực hiện phong tỏa. Dựa vào kết quả xét nghiệm của đợt cao điểm từ 27/8 - 4/9/2021 dự kiến ghi nhận tỉ lệ dương tính nguyên phát dưới 1% tổng số mẫu xét nghiệm (tương đương 2.000 ca bệnh), trong đó xuất hiện các chuỗi lây nhiễm với số mắc lớn, tập trung khu trú tại một số địa phương khu vực nội thành, vòng lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp liên quan trong khu vực dân cư sinh sống và rải rác rất ít các ca bệnh ngoại thành.

Với kịch bản này, thành phố dự kiến lấy 800.000 mẫu trong vòng 7 ngày tại khu vực nguy cơ cao ở 12 quận, huyện (Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín) và các đối tượng nguy cơ như người hay di chuyển nhiều, người làm nhiệm vụ tại các chuỗi cung ứng, người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác.

Phương thức thực hiện sẽ lấy theo hình thức cuốn chiếu theo hộ gia đình, theo khu vực các nhà trọ, công sở, nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp... Mục tiêu để đánh giá dịch tễ, bóc tách kịp thời các trường hợp F0 khỏi cộng đồng để thực hiện cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế khi tiến hành phong tỏa toàn bộ một số quận nội thành và một số khu vực tại các huyện ngoại thành.

Kịch bản 2, theo UBND thành phố Hà Nội, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các quận nội thành và một số khu vực của các huyện ngoại thành với các ca mắc lớn, phải thực hiện phong tỏa thành phố. Theo kịch bản này, kết quả xét nghiệm của đợt cao điểm từ 27/8-4/9/2021 ghi nhận tỉ lệ dương tính nguyên phát lớn hơn 1% tổng số mẫu xét nghiệm (tương đương lớn hơn 2.000 ca bệnh), trong đó xuất hiện các chuỗi lây nhiễm với số mắc lớn tại nhiều quận, huyện, thị xã; kết quả điều tra dịch tễ, xét nghiệm sau đó ghi nhận việc lây lan đã không khu trú ở một nhóm người nhất định, có xu hướng lây lan rộng, dẫn tới việc giãn cách khu trú một vài điểm không còn hiệu quả, phải tiếp tục giãn cách toàn thành phố để đảm bảo phòng, chống dịch.

Với kịch bản này, thành phố sẽ thực hiện lấy 1,5 triệu mẫu xét nghiệm trong vòng 7 ngày, tập trung tại khu vực nguy cơ cao gồm 12 quận (Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông, Ba Đình, cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Tây Hồ); khu vực nguy cơ gồm các huyện còn lại; đối tượng nguy cơ là người hay di chuyến nhiều, người làm nhiệm vụ tại các chuỗi cung ứng; người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác với mục tiêu khẩn trương, kịp thời đánh giá dịch tễ, bóc tách các trường hợp F0 khỏi cộng đồng để thực hiện cách ly, điều trị theo quy định khi tiến hành phong toả toàn thành phố.

(Theo Tiền Phong)

Vào nhà nghỉ rồi nhiễm Covid-19, hai tài xế khai gian dối lịch trình

Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong những ngày qua, Quảng Ngãi liên tiếp phát hiện nhiều tài xế, người đi trên các phương tiện vận tải hàng hóa dương tính với Covid-19.

Đáng lo, mặc dù có cam kết phòng chống dịch bệnh nhưng có tài xế vẫn không chấp hành, trốn tránh và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khiến dịch bệnh tiếp tục xuất hiện, lây lan trong cộng đồng.

Điển hình, tối ngày 24/8, lực lượng chức năng phát hiện 2 tài xế ô tô tải BKS 76H-010.., gồm V.N.K, (quê huyện Trà Bồng) và L.D.S (quê huyện Mộ Đức) dương tính với Covid-19.

Tiếp tục truy vết dịch tễ, ngày 25/8, lực lượng chức năng phát hiện một số tình tiết mới, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Quảng Ngãi liên tiếp phát hiện nhiều tài xế dương tính với Covid-19 trong những ngày qua

Quảng Ngãi liên tiếp phát hiện nhiều tài xế dương tính với Covid-19 trong những ngày qua

Theo thông tin 2 tài xế khai báo, lịch trình của xe là đi từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi khoảng 10h ngày 24/8. Lúc này, cảm thấy trong người mệt nên họ tìm chỗ nghỉ (tại nhà nghỉ thuộc phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi), sau đó đi gội đầu (tiệm đối diện nhà nghỉ). Xong xuôi, họ đón taxi đến bệnh viện tư nhân để test nhanh Covid-19 thì phát hiện dương tính.

Tuy nhiên, trong ngày 25/8, cảnh sát phát hiện thông tin khai báo của 2 tài xế chưa đúng sự thật.

Cụ thể, ngoài 2 tài xế này, còn có thêm 2 xe tải khác có liên quan đến vụ việc này, đó là xe tải BKS 76C-07..., do N.T.S (SN 1992) và Q.D.Đ (SN 1990) cùng tham gia điều khiển.

Theo lịch trình, xe tải BKS 76C-077... đi từ Bình Định ra Quảng Ngãi trong ngày 23/8, lái xe đã khai báo y tế và cam kết giao hàng xong sẽ rời khỏi Quảng Ngãi.

Còn xe 76H-010.. do L.D.S điều khiển cùng V.N.K cũng cam kết không dừng, đỗ giao nhận hàng ở Quảng Ngãi.

Thế nhưng, cả hai xe nói trên đều dừng, đỗ tại khu vực chợ tạm Quảng Ngãi cũ (đường Phạm Văn Đồng, phường Nghĩa Chánh).

Làm việc với cơ quan chức năng, cả 4 tài xế này khai, sau khi dừng xe, khoảng 18h tối 23/8 có tổ chức nhậu ngay trên xe tải.

Đến 20h cùng ngày, L.D.S gọi xe taxi đến chở những tài xế này đến nhà nghỉ ở phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi để nghỉ qua đêm. Tại đây, những tài xế này có tiếp xúc với 3 cô gái, trong đó có 1 cô gái ở lại qua đêm.

Ông Phong cho hay, không riêng gì 4 trường hợp trên, thời gian qua, các chốt kiểm soát y tế trên QL1 địa bàn Quảng Ngãi liên tục phát hiện tài xế dương tính với Covid-19.

Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát chặt các phương tiện vận tải vào ra địa bàn Quảng Ngãi có ý nghĩa quyết định trong bảo vệ thành quả phòng chống dịch bệnh hiện nay. Do vậy, hiện nay Quảng Ngãi vẫn tiếp tục siết các biện pháp phòng chống dịch trong lĩnh vực vận tải hàng hóa.

(Theo Báo Giao Thông)

Hà Nội khẩn tìm người từng đến chợ Ngọc Hà sau khi một tiểu thương dương tính SARS-CoV-2

Ngày 28/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Ba Đình (Hà Nội) đã có thông báo khẩn, yêu cầu tất cả những người từng đến chợ Ngọc Hà, phường Đội Cấn từ 3h sáng 21/8 đến 17h chiều 27/8, cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế gần nhất.

Những người từng đến mua hàng, trao đổi hàng hóa tại chợ Ngọc Hà, phường Đội Cấn, quận Ba Đình trong khoảng thời gian trên cần tự cách ly ngay tại nhà và liên hệ với Trạm Y tế gần nhất hoặc liên hệ với Khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế quận Ba Đình (02438432113) hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn.

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát dịch COVID-19.

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát dịch COVID-19.

Sáng 28/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phát hiện 1 ca dương tính SARS-CoV-2 qua sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng, là nữ, 53 tuổi, trú tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, bán hàng tại chợ Ngọc Hà.

Ngày 26/8, người này sốt, mệt mỏi, đến ngày 27/8 được test nhanh dương tính, sau đó được lấy mẫu PCR gửi CDC Hà Nội, kết quả khẳng định dương tính.

Từ đêm 27/8, quận Ba Đình đã tạm thời dừng hoạt động chợ Ngọc Hà cho đến khi có thông báo mới, đồng thời phun khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ tiểu thương.

(Theo Dân Việt)

Nhờ đâu Bắc Giang "thần tốc" khống chế được 2 ổ dịch Covid-19 mới?

Chỉ sau hơn 1 tuần ghi nhận các ổ dịch Covid-19 mới trong cộng đồng, UBND tỉnh Bắc Giang đã lập tức khoanh vùng, khống chế thành công.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh này đã hoàn toàn khống chế 2 ổ dịch Covid-19 mới phát sinh trong cộng đồng tại TP Bắc Giang và huyện Lục Ngạn từ ngày 18/8.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang (giữa) kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: BGP.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang (giữa) kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: BGP.

“Đến nay, mỗi ngày tỉnh vẫn ghi nhận một vài ca nhiễm mới nhưng đều là những trường hợp F1, đã được cách ly, phong tỏa ngay từ khi phát hiện ổ dịch.

Do vậy, có thể khẳng định các ổ dịch này đã được khống chế hoàn toàn, qua xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng cho thấy đến nay không còn khả năng và nguy cơ lây lan ra cộng đồng”, ông Mai Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, phát huy những kinh nghiệm đã tích lũy được từ đợt chống dịch lần trước, ngay từ khi mới ghi nhận các ổ dịch lần này, ngay lập tức Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh tỉnh Bắc Giang đã có chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt.

Trong đó, cơ quan chức năng đã lập tức tổ chức khoanh vùng trên diện rộng, tổ chức xét nghiệm để tầm soát nhanh các đối tượng có nguy cơ cao để cách ly y tế theo quy định.

Công tác phòng dịch tại các khu vực cách ly y tế tập trung cũng được thực hiện nghiêm ngặt, các đối tượng có nguy cơ cao đều được cách ly riêng để phòng lây nhiễm chéo.

“Qua phân tích cho thấy, biến chủng mới Delta rất nguy hiểm. Theo đó, những người tiếp xúc gần như ăn cơm, uống nước cùng mâm; ở, làm việc chung nhà, chung phòng, đi chung xe với F0... đều có nguy cơ cao bị lây bệnh.

Do vậy, công tác khoanh vùng, tầm soát, cách ly những người này là rất quan trọng, giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan trong cộng đồng”, ông Sơn khẳng định.

(Theo Báo Giao Thông)

TP HCM: Vẫn còn một số nơi giãn cách chưa nghiêm

Chiều 27-8, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP HCM, đã chủ trì họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. 

Ông Hải cho biết sau 5 ngày thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội cho thấy ý thức chấp hành của người dân được nâng lên, lưu lượng tham gia giao thông giảm mạnh. Công tác xét nghiệm được đẩy nhanh. An sinh xã hội được nhanh chóng triển khai, bước đầu bảo đảm đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi giãn cách chưa nghiêm. TP đã xử lý 2.491 trường hợp vi phạm, phạt hơn 3,4 tỉ đồng. Về an sinh xã hội, một số nơi hỗ trợ cho người dân còn chậm, chưa kịp thời. Từ 18 giờ ngày 25-8 đến 18 giờ ngày 26-8, TP đã lấy 377.390 mẫu xét nghiệm; tiêm 5.741.654 liều vắc-xin.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám Sở Thông tin Truyền thông (TT-TT) TP HCM, cho biết tổng đài 1022 của TP hiện là kênh tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh từ người dân đến chính quyền nhằm kịp thời xử lý nhanh nhất về các vi phạm, các yêu cầu hỗ trợ người dân trong phòng chống dịch. Hiện Sở TT-TT đã tăng cường lực lượng tổng đài viên lên đến 50 người/ca, triển khai hệ thống tương tác tự động callbot, miễn cước gọi cho người dân, nâng cấp công cụ quản lý và điều phối thông tin, chatbot trên website/Zalo... nên đã cơ bản giải quyết tình trạng nghẽn, quá tải.

Cùng ngày, nói về việc tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi ở quận 10 mà một số báo đăng, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết hiện hướng dẫn của Bộ Y tế chỉ tiêm vắc-xin Pfizer cho người trên 18 tuổi nên TP HCM chưa tiêm cho người dưới 18 tuổi. Theo Sở Y tế TP HCM, TP vừa thực hiện 1.117.000 test nhanh ở vùng đỏ, phát hiện 42.400 trường hợp dương tính, tỉ lệ 3,5%, là tín hiệu có thể yên tâm.

Cùng ngày, đoàn y - bác sĩ gồm 180 người của các tỉnh, thành miền Trung từ TP Đà Nẵng di chuyển vào TP HCM để chi viện cho miền Nam chống dịch Covid-19. Đoàn gồm 49 người của Bệnh viện C Đà Nẵng, 19 người thuộc Bệnh viện 199 - Bộ Công an, 50 người của Bệnh viện Trung ương Huế, 62 người của đoàn cán bộ y tế tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi.

Đây là các y - bác sĩ có chuyên môn giỏi, được đào tạo kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức, cấp cứu. Các y - bác sĩ này đã được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, cách chăm sóc người thở máy, dinh dưỡng, phục hồi chức năng cho bệnh nhân Covid-19. Trong số này còn có đội ngũ xét nghiệm để thực hiện việc truy vết.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, cho biết lần này các y - bác sĩ của bệnh viện sẽ chi viện cho tỉnh Bình Dương. Các đoàn còn lại sẽ do Bộ Y tế phân bổ đến các địa bàn. 

(Theo Người Lao Động)

Cho thôi việc nữ bác sĩ khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh

Ngày 28-8, nguồn tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết đơn vị vừa thống nhất chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Q.T.B (38 tuổi; trú xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong), là nữ bác sỹ Khoa Sản của bệnh viện, liên quan hành vi khai báo không trung thực, khiến lây lan dịch Covid-19.

Quyết định thôi việc được đưa ra sau buổi họp của Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận về việc xử lý trách nhiệm đối với bác sỹ B, có hiệu lực kể từ ngày 31-8. 

Vào đầu tháng 8-2021, bà Q.T.B cũng bị UBND huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận, nơi bà cư trú) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng vì không thực hiện khai báo y tế tại điểm kiểm dịch khi từ các tỉnh khác về địa phương.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận từng phải phong tỏa vì liên quan ca bệnh của nữ bác sỹ B.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận từng phải phong tỏa vì liên quan ca bệnh của nữ bác sỹ B.

Trước đó, vào tối 13-6, bà Q.T.B đi từ Đồng Nai về Bình Thuận và được xác định nhiễm Covid-19 từ người trên xe khách Trung Đức tuyến TP HCM - Hải Phòng. Trở về địa phương, bà B. không khai báo y tế tại điểm kiểm dịch Covid-19. 

Sáng hôm sau, bà B. nhận việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận nhưng khai "không đi đâu" trong 14 ngày qua, sau đó vào làm việc tại Khoa Sản. Ít ngày sau, bà B. được xác định mắc Covid-19 và là nguồn lây ra chùm ca bệnh phức tạp tại một số địa phương trong tỉnh.

(Theo Người Lao Động)

'Ổ dịch' Thanh Xuân Trung (Hà Nội): Xét nghiệm diện rộng vẫn không phát hiện

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội ngày 27/8 cho biết, trong vòng 24h, thành phố ghi nhận thêm 59 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó 37 ca tại cộng đồng, 22 ca tại khu cách ly.

Riêng “điểm nóng” dịch bệnh ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) ghi nhận thêm 24 trường hợp, nâng tổng số ca mắc từ ngày 23/8 đến nay là 134.

Quận Hoàng Mai cũng ghi nhận hơn chục ca dương tính SARS-CoV-2 trong ngày 27/8, chủ yếu tập trung ở hai điểm nóng thuộc hai phường Giáp Bát, Hoàng Liệt, liên quan một số lái xe đường dài trở về từ TP HCM. Cùng ngày, quận Hoàng Mai cũng ban hành Quyết định mở rộng khu vực cách ly y tế trên địa bàn phường Giáp Bát với gần 2.000 nhân khẩu để phòng chống COVID-19, tránh lây lan diện rộng.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện, trên địa bàn thành phố có 5 khu vực trọng điểm về dịch bệnh ở 3 quận gồm: Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), Văn Miếu và Văn Chương (quận Đống Đa), Hoàng Liệt và Giáp Bát (quận Hoàng Mai).

Để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, CDC Hà Nội liên tục phát đi thông báo, đề nghị tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về việc Hà Nội đã hai lần xét nghiệm diện rộng, lấy và xét nghiệm hơn 1 triệu mẫu, nhưng chưa bóc tách triệt để được các trường hợp F0, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, việc lấy mẫu được triển khai ở các khu vực nguy cơ và những trường hợp có nguy cơ trên địa bàn. Nhưng hiện nay, có khu vực không nằm trong diện nguy cơ, nhưng vẫn phát sinh ca bệnh như khu vực phường Thanh Xuân Trung. “ Thanh Xuân Trung vừa qua không nằm trong khu vực nguy cơ, không thuộc diện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng vì không có yếu tố liên quan đến dịch bệnh. Nó khó ở chỗ đó”, ông Tuấn phân tích.

Ông Tuấn cũng cho biết, Hà Nội chưa cần thiết triển khai xét nghiệm từng người để phát hiện nguy cơ dịch bệnh, bởi hiện nay, qua hai đợt xét nghiệm diện rộng, tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng của thành phố rất thấp. Các khu vực đang là ổ dịch như phường Văn Chương hay khu chung cư HH Linh Đàm đã được khoanh vùng, nếu có lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp F1,có liên quan. Tuy vậy, theo ông Tuấn, “ Hiện nay tại Hà Nội vẫn có nguy cơ trong cộng đồng. Nhiều khu vực không có yếu tố dịch bệnh, không thuộc diện lấy mẫu xét nghiệm nhưng lại phát sinh thành ổ dịch như khu vực Thanh Xuân Trung. Nếu người dân phối hợp, khai báo thông tin tốt thì vẫn có thể phát hiện được từ trước".

(Theo Tiền Phong)

TP.HCM đề xuất huy động 25.000 shipper hoạt động

Sở Công thương TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép những shipper đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19 được tham gia hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo Sở Công thương, tính đến nay, ở TP ước tính có 17.449 shipper đã tiêm mũi một vắc xin. Thời gian tới số lượng được tiêm tăng lên và có thể huy động được 25.000 shipper.

Sở Công thương TP.HCM đề xuất 25.000 shipper chạy liên quận

Sở Công thương TP.HCM đề xuất 25.000 shipper chạy liên quận

Để đảm bảo an toàn chống dịch, Sở đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ shipper chịu trách nhiệm lập danh sách shipper đủ điều kiện gửi về sở. Thông tin này được đưa vào dữ liệu "tra cứu shipper", phục vụ cơ quan chức năng tra cứu trực tuyến khi cần thiết.

Cũng theo Sở Công thương, cần tăng cường phương thức “mua hàng trực tuyến - giao hàng không chạm” để hạn chế tiếp xúc. Bởi hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa không còn phân bổ tương xứng với mật độ dân cư, cần có sự luân chuyển hàng hóa để phục vụ người dân tốt hơn.

Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các website, sàn giao dịch thương mại điện tử có nguồn hàng cũng là đối tác của các doanh nghiệp shipper nên việc phối hợp sẽ thuận lợi.

Trong điều kiện hiện nay, nếu huy động được 25.000 shipper, có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000 - 650.000 hộ gia đình mỗi ngày.

“Đội ngũ shipper vốn thông thạo mạng lưới giao thông sẽ giúp vận chuyển hàng hóa đến từng hộ dân tốt hơn khi được hoạt động. Trong điều kiện giãn cách, mỗi shipper có thể giao nhận 20-25 đơn hàng/ngày”, đại diện Sở Công thương cho hay.

Theo các doanh nghiệp thương mại điện tử, giải pháp cho phép shipper giao hàng liên quận sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề lưu thông hàng hóa hiện nay.

Cùng ngày, UBND TP.Thủ Đức cũng thông báo việc triển khai phối hợp với Grab để mua hàng hóa thiết yếu phục vụ dân trong những ngày giãn cách xã hội.

(Theo Báo Giao Thông)

Sản phụ mang thai con đầu lòng ở Đắk Lắk tử vong vì COVID-19

Tối 28/8, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thông tin trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do mắc COVID-19. Đó là bệnh nhân D.H.H.G (33 tuổi, trú tại phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột).

Bệnh nhân G. tử vong lúc 16 giờ 50 phút ngày 28/8; chẩn đoán do sốc nhiễm trùng biến chứng suy đa tạng (tổn thương thận cấp, rối loạn toan-kiềm, rối loạn đông máu, suy gan...)/ARDS nặng/Viêm phổi nặng/Nhiễm SARS-CoV-2 ngày thứ 19/tăng natri máu, thiếu máu mức độ nặng, hạ albumin máu thai. Bệnh nhân tử vong khi đang mang thai con đầu lòng khoảng 24-25 tuần.

Trước đó, ngày 11/8, G. được xác định dương tính với SARS-CoV-2, có yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp bệnh nhân P.L.T.U (29 tuổi, thôn 20, xã Cư Bông, huyện Ea Kar). Sau đó, G. được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1, hai ngày sau, được chuyển qua Bệnh viện Lao và Bệnh phổi điều trị. Đến ngày 16/8, bệnh nhân diễn tiến nặng, được chuyển vào khu điều trị COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc được, mệt nhiều.

Sau 18 ngày theo dõi, điều trị tích cực, thở máy, lọc máu liên tục tại các bệnh viện nhưng do tình trạng bệnh nặng, suy hô hấp, viêm phổi nặng do SARS- CoV-2, sốc nhiễm trùng biến chứng suy đa tạng, rối loạn đông máu và toan chuyển hóa dẫn đến tử vong. Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiến hành các thủ tục cần thiết để xử lý thi hài người bệnh theo đúng quy định.

Đây là ca tử vong thứ 6 vì COVID-19 của tỉnh Đắk Lắk, là bệnh nhân đầu tiên tử vong khi mang thai.

Cùng ngày, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đắk Lắk ghi nhận thêm 27 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong 27 ca dương tính có 3 người là công nhân Công ty điện gió An Huy (Buôn KDrô 1, xã Cư Né, huyện Krông Búk) gồm: L.H.C (SN 1987), V.V.N (SN 1982) và Đ.V.H (SN 1982).

Ngày 27/8, Trung tâm Y tế huyện Krông Búk gửi mẫu xét nghiệm của 3 người này cho CDC Đắk Lắk. Cả 3 người trên đều có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR dương tính SARS-CoV-2.

Ngoài 3 trường hợp công nhân điện gió trên, Sở Y tế Đắk Lắk còn phát hiện thêm 14 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại Buôn Pu Huê, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin.

Đến nay, Đắk Lắk có 970 ca mắc COVID-19. Trong đó, có 693 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, 272 bệnh nhân đã khỏi bệnh và 6 bệnh nhân tử vong. Hiện, TP Buôn Ma Thuột và huyện Krông Búk đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

(Theo Tiền Phong)

Hoả tốc: Quảng Ngãi áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg với 9/13 huyện, thành phố

Trưa 28/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký Quyết định hỏa tốc về việc áp dụng Chỉ thị 16 CT-TTg tương ứng với mức "nguy cơ rất cao" trong thời gian 14 ngày, kể từ 12 giờ ngày 28/8 đối với các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Trà Bồng, Sơn Hà, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi.

Theo đó, cấm hoạt động các chợ tự phát, mua, bán trên vỉa hè, lòng, lề đường, không tập trung trên 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đối với 9 địa phương này. Phương tiện giao thông đường bộ được đi qua nhưng không được dừng đỗ, đón trả khách và giao nhận hàng hóa (trừ trường hợp hàng hóa thiết yếu).

Người dân không được ra khỏi nhà từ 20 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau, trừ các trường hợp cấp thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác hoặc các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn… hoặc làm việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình, dịch vụ thiết yếu.

Các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao, tôn giáo, tín ngưỡng, đám cưới, mừng nhà mới, thôi nôi, sinh nhật… cũng tạm dừng. Đám tang được tổ chức nhưng không quá 10 người tham dự, phải được cơ quan y tế địa phương tổ chức giám sát nghiêm ngặt.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân Công ty Hoya Lens Việt Nam, chi nhánh Quảng Ngãi.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân Công ty Hoya Lens Việt Nam, chi nhánh Quảng Ngãi.

Đối với 4 huyện còn lại bao gồm: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây và Lý Sơn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg cho đến khi có thông báo mới.

Một diễn biến khác liên quan, trong sáng cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi thông tin, qua xét nghiệm sàng lọc đã ghi nhận thêm 9 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả các ca mắc mới đều liên quan đến chùm ca bệnh ở Công ty TNHH Hoya Lens Việt Nam, chi nhánh Quảng Ngãi nằm trong khu công nghiệp này.

Cụ thể, trong số 9 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 có một trường hợp là người dân ở tổ dân phố Trường Thọ Tây C, phường Trường Quang Trọng, TP Quảng Ngãi. 8 trường hợp còn lại đều là công nhân, người lao động làm việc tại Công ty TNHH Hoya Lens Việt Nam, chi nhánh Quảng Ngãi.

Các công nhân này cư trú tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, gồm TP Quảng Ngãi (3 trường hợp) và các huyện: Bình Sơn (2 trường hợp), Tư Nghĩa (1 trường hợp), Nghĩa Hành (1 trường hợp), Sơn Tịnh (1 trường hợp).

Như vậy, chỉ trong hai ngày 26 và 27/8, cơ quan chức năng đã ghi nhận 18 ca mắc COVID-19 liên quan đến chùm ca bệnh tại Công ty TNHH Hoya Lens Việt Nam, chi nhánh Quảng Ngãi. Trong đó, có 14 công nhân, người lao động Công ty TNHH Hoya Lens Việt Nam, chi nhánh Quảng Ngãi.

Cú sốc Covid-19 tại Việt Nam: Ông chủ bỗng chốc hóa shipper
Từng có thu nhập ổn định từ việc kinh doanh quán cà phê, nhưng sau hơn một năm chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến anh phải xuống đường làm...

Tin tức 24h

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19