COVID-19 29/9: Bí thư phường lên tiếng vụ cảnh sát phá cửa, cưỡng chế người dân xét nghiệm SARS-CoV-2

K.T - Ngày 29/09/2021 12:10 PM (GMT+7)

Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú khẳng định không muốn cưỡng chế bất kỳ người dân nào nhưng để phòng chống dịch thật tốt phải làm quyết liệt.

Bí thư phường lên tiếng vụ cảnh sát phá cửa, cưỡng chế người dân xét nghiệm SARS-CoV-2

Tối 28/9, đoạn clip ghi lại nội dung một đoàn công tác gồm lực lượng Cảnh sát cơ động, dân phòng, cùng một số người mặc thường phục đứng trước cửa căn hộ ở chung cư Ehome 4 (phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương). Một người tiến hành mở khóa căn hộ, sau đó nhóm lực lượng đưa người phụ nữ bên trong nhà ra ngoài test nhanh COVID-19.

Cảnh sát phá cửa, cưỡng chế người dân xét nghiệm COVID-19. 

Theo đoạn clip, một người phụ nữ hỏi: "Các anh làm gì ở đây?". Một người trong tổ đáp trả: "Đi test".

Người phụ nữ nói lại: "Tôi đang làm việc mà, tôi đang làm việc mà". Clip cũng ghi lại tiếng khóc của trẻ em. Liền sau đó, một phụ nữ bị 2 cảnh sát cơ động giữ tay, đưa tới bàn xét nghiệm COVID-19 đặt ngoài sân chungcư.

Tại đây, giọng một người đàn ông nói lớn: "Tôi hỏi ý thức ở đâu, tôi lập biên bản xử phạt chị bây giờ, chị chống đoàn thi hành công vụ hả?".

Liên quan đến clip lan truyền trên mạng xã hội, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Phú (TP.Thuận An) xác nhận có sự việc. Người phụ nữ trong clip là chị Hoàng Thị P.L. (38 tuổi, ngụ Block B, chung cư Ehome, phường Vĩnh Phú).

Ông Võ Thanh Quan, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Phú cho biết, ông có mặt cùng tổ công tác chứng kiến việc lực lượng chức năng phá khóa, đưa chị L. ra ngoài để test nhanh.

Theo Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Vĩnh Phú, sáng 28/9, khi phường tiến hành test nhanh COVID-19 cho người dân địa phương, dù được phát phiếu, thông báo đầy đủ nhưng 2 lần trước chị L. đều không thực hiện.

Lần này đại diện địa phương tới tận nơi động viên, khuyên nhủ công dân tiến hành test nhanh nhưng chị L. vẫn không đồng ý và đóng cửa phòng, cho rằng mình đang bận dạy học. Do đó, lực lượng chức năng đã nhờ thợ khóa đến mở cửa đưa người phụ nữ này ra để test.

Ông Võ Thanh Quan khẳng định, do khu vực chị L. sinh sống đã có 2 ca dương tính nên việc test nhanh toàn dân là rất cần thiết.

"Chúng tôi không muốn cưỡng chế bất kỳ người dân nào. Tuy nhiên, để phòng chống dịch thật tốt, không để bùng phát dịch, trong giai đoạn này chúng tôi phải làm quyết liệt, chỉ cần vài phút là lấy mẫu test xong, ai cũng chấp hành nhưng người này lại không chịu hợp tác", ông Quan thông tin.

COVID-19 29/9: Bí thư phường lên tiếng vụ cảnh sát phá cửa, cưỡng chế người dân xét nghiệm SARS-CoV-2 - 1

Trong khi đó, tối 28/9, chị L. cho biết, trước khi bị đoàn kiểm tra ập vào nhà, bà có nói với đoàn là lâu nay gia đình ở trong nhà, tự xét nghiệm. Mọi người trong gia đình không tiếp xúc với ai ở ngoài nên không muốn ra xét nghiệm cộng đồng.

Chị L. cho rằng, không nghe đoàn thông báo phát hiện hai trường hợp dương tính qua test nhanh ở khu vực trong sáng nay.

"Việc phá cửa vào nhà khống chế tôi là sai. Mấy ngày trước họ tự ý vào nhà tôi lấy mẫu xét nghiệm", chị L. nói và cho biết khi đoàn đứng ngoài cửa vận động, bà đang dạy yoga, mở loa to nên không nghe rõ.

Hiện, các cơ quan chức năng TP.Thuận An làm rõ vụ việc, trong đó có chi tiết lực lượng chức năng phá khóa cửa căn hộ, cưỡng chế lấy mẫu có đúng quy định pháp luật hay không.

Bình Dương đến nay ghi nhận 206.564 ca nhiễm, 1.938 bệnh nhân tử vong. Toàn tỉnh có 179.153 người khỏi bệnh, xuất viện về nhà. Các địa phương dịch vẫn phức tạp như TP.Thuận An, Dĩ An, thị xã Tân Uyên đang triển khai xét nghiệm diện rộng để sau 30/9, toàn tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới.

(Theo Người Đưa Tin)

Từ 0h ngày 30/9, Kiên Giang dỡ bỏ nhiều chốt, giãn cách theo Chỉ thị 19

Bắt đầu từ 0h ngày 30/9, Kiên Giang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 trên toàn tỉnh cho đến khi có quyết định mới. Kiên Giang dỡ bỏ tất cả các chốt trong phạm vi huyện, thành phố, trừ vùng đỏ đang áp dụng theo Chỉ thị 16; riêng các chốt kiểm soát liên tỉnh, liên huyện, thành phố vẫn tiếp tục duy trì.  

Có 11 khu phố, thị trấn và phường vẫn còn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, gồm: Phường An Thới (TP. Phú Quốc), phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên), khu phố Minh An (thị trấn Minh Lương, Châu Thành), khu phố Võ Thị Sáu, Nguyễn Trãi, khu phố Nam Cao (TP. Rạch Giá); các ấp Hòn Chông, Bãi Giếng, Ba Trại, Hòn Trẹm và thị trấn Kiên Lương thuộc huyện Kiên Lương.

Ngoài ra, 3 xã, thị trấn thuộc huyện Hòn Đất là xã Bình Giang, thị trấn Hòn Đất và thị trấn Sóc Sơn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15.

Tại cuộc họp ngày 29/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cho UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quy định các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động khi áp dụng thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo mức độ áp dụng giãn cách xã hội.

Phú Quốc sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Phú Quốc sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Ngoài ra, Kiên Giang thống nhất học sinh các cấp học sẽ đến trường học từ ngày 18/10/2021. Trong thời gian này, học sinh các cấp tiếp tục học trực tuyến, học qua truyền hình.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang, tính đến 19 giờ ngày 27/9, trên địa bàn tỉnh có tổng số 5.594 ca mắc COVID-19. Trong vòng 7 ngày (từ 21-27/9) phát sinh 782 ca mắc mới, trong đó có 65 ca trong cộng đồng.

Tại TP. Phú Quốc đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Theo kết quả sàng lọc diện rộng trong 31.457 mẫu toàn thành phố, trừ phường An Thới đều cho kết quả âm tính.

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc, qua 2 lần sàng lọc trong cộng đồng đều cho kết quả âm tính, ngoại trừ phường An Thới và khu cách ly.

“Hôm nay, phường An Thới tiếp tục sàng lọc để tìm F0. Các ca F0 tăng là chỉ tăng trong khu phong toả và đặc biệt là khu vùng đỏ, khu cách ly tập trung, còn ngoài cộng đồng không có ca mới. Có thể nói, việc kiểm soát được ổ dịch ở Phú Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và thực hiện mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trong thời gian tới”, ông Hưng nói.

(Theo Tiền Phong)

Đà Nẵng dự kiến 4 phương án đón học sinh trở lại trường

Cụ thể, chiều 29/9, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp. Đà Nẵng, cho biết dự kiến từ ngày 15 đến 20/10, học sinh sẽ trở lại trường học tập trung. Ngành giáo dục thành phố đã lên 4 phương án về việc tổ chức dạy và học trực tiếp trở lại.

Phương án 1: Cho học sinh khối lớp 9 và 12 đi học lại đầu tiên để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, sau đó mới tới các lớp còn lại.

Phương án 2: Các khối lớp 1, 6, 9 và 12 đi học trước.

Phương án 3: Học sinh các khối 1, 6, 9 và khối THPT đi học trở lại.

Phương án 4: Toàn bộ học sinh đi học trở lại.

Tùy tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, ngành giáo dục sẽ có những phương án điều chỉnh để thích ứng an toàn. "Dù chọn mốc thời gian hay phương án nào, các nhà trường, phòng giáo dục cũng phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh và giáo viên", ông Thành nhấn mạnh.

Về việc tiêm vắc-xin, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cho biết đến nay 97% giáo viên các trường đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin phòng Covid-19, số còn lại chủ yếu là giáo viên đang mang thai, mắc bệnh nền đặc biệt hoặc ở ngoài tỉnh chưa về kịp.

"Hiện các trường học đã vệ sinh lớp học, sẵn sàng cho việc đón học sinh trở lại. Chương trình học của các em khi đi học tại trường sẽ nối tiếp với kiến thức học trực tuyến từ đầu năm học đến nay. Vấn đề còn lại là chốt thời gian khi nào tổ chức dạy học trực tiếp", ông Linh nói.

Thống kê sơ bộ, hơn 17.000 giáo viên, học sinh của Đà Nẵng đang kẹt ở các địa phương khác do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngày 29/9, chính quyền Đà Nẵng đã cho phép những trường hợp này trở lại thành phố để chuẩn bị cho việc dạy và học trực tiếp. Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng đặt ra khả năng có những giáo viên, học sinh đang ở vùng dịch, không thể về Đà Nẵng trong đợt này. Sở GD&ĐT Đà Nẵng sẽ có phương án dạy phụ đạo cho các em theo kịp chương trình vào thời điểm thích hợp.

(Theo Người Đưa Tin)

Bí thư Đồng Nai: Người dân đã rất khổ vì dịch, cán bộ cần ứng xử khéo léo

Tại cuộc họp giao ban phòng chống dịch COVID- 19 của tỉnh Đồng Nai, sau khi bàn về việc phải thực hiện test tầm soát dịch COVID lần 7 ở những vùng đỏ, cam vàng trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã nhắc lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phải mềm mỏng với dân.

Bí thư Tỉnh ủy lấy dẫn chứng về sự việc xảy ra ở Bình Dương, khi lực lượng chức năng phá cửa xông vào nhà dân đưa một phụ nữ đi xét nghiệm. Từ vụ này, ông Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý lực lượng phòng chống dịch ở tỉnh Đồng Nai: "Mình không nên làm vậy. Đừng xâm phạm nơi ở của công dân như thế, bởi có cách để vận động tuyên truyền, thuyết phục người dân hợp tác, thực hiện nhiệm vụ của công dân trong việc phòng chống dịch”, Bí thư Tỉnh ủy nói thêm.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý lực lượng chống dịch ở địa phương phải mền mỏng, thuyết phục người dân thực hiện việc test COVID. Ảnh: VŨ HỘI.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý lực lượng chống dịch ở địa phương phải mền mỏng, thuyết phục người dân thực hiện việc test COVID. Ảnh: VŨ HỘI. 

Trong trường hợp người dân lo ngại xuống khu vực đông người test bị lây nhiễm, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đưa ra phương án khác như: “Cho người dân tự test trong nhà, cử một nữ nhân viên y tế vào giúp họ test rồi mang kết quả ra. Cách làm quan trọng, mục đích là để xem công dân đó có bị F0 hay không, có nhiều cách để làm lắm, không nhất thiết phải làm như thế. Tôi lưu ý việc này".

Theo Bí thư Tỉnh ủy, cuộc sống người dân đã quá khổ vì dịch bệnh rồi, vì vậy khi xử lý công việc phải thật tốt, thật mềm mỏng nhưng phải hiệu quả.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Khách đi máy bay, tàu hoả không cần xét nghiệm nếu đã tiêm một mũi vaccine

Tại buổi họp giao ban công tác 9 tháng năm 2021 của Bộ GTVT diễn ra sáng nay (29/9), Bộ GTVT cho biết, Bộ Y tế vừa có văn bản góp ý dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại các địa phương nới lỏng biện pháp chống dịch Covid-19.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên gửi Bộ GTVT nêu rõ về cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, với đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, Bộ Y tế đề nghị có kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc và đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định; Có cán bộ/bộ phận y tế để phối hợp với y tế địa phương xử trí khi có trường hợp mắc tại nơi làm việc.

Khách đi máy bay chỉ cần tiêm một mũi vaccine mà không buộc phải xét nghiệm Covid-19

Khách đi máy bay chỉ cần tiêm một mũi vaccine mà không buộc phải xét nghiệm Covid-19

Với phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải (trừ đường hàng không áp dụng theo văn bản riêng), Bộ Y tế đề nghị cho phép hoạt động tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp và trung bình; hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất tại địa phương/vùng có nguy cơ cao và dừng hoạt động tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử).

Phương tiện giao thông công cộng phải được trang bị nước sát khuẩn tay, khẩu trang y tế; phải vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi lần phục vụ.

Người điều khiển và người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng phải tuân thủ thông điệp 5K, khai báo y tế khi tham gia phục vụ; Xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan. Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần).

Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao, người điều khiển phương tiện taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ.

Với hành khách,ngoài việc tuân thủ 5K và khai báo y tế, Bộ Y tế yêu cầu phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ khi tham gia giao thông đường hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo và ngược lại).

Đáng chú ý, Bộ Y tế khẳng định không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.

Với bến xe, bến tàu, nhà ga, địa điểm bán vé, trạm dừng nghỉ, Bộ Y tế yêu cầu phải xây dựng các phương án đón trả khách ra vào bến, trạm dừng nghỉ theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR.

Khu vực bán vé, phòng chờ và nơi lên, xuống phương tiện bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế; Tổ chức điểm xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2; Bố trí phòng khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng.

Ứng dụng duy nhất phòng, chống dịch Covid-19 đã sẵn sàng hoạt động

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/9, Thông tin từ Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, PC Covid - ứng dụng thống nhất phòng chống dịch trên toàn quốc đã sẵn sàng hoạt động.

Bằng sự phối hợp của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế, Bộ Công an, các doanh nghiệp công nghệ và những đơn vị liên quan, hiện ứng dụng này đã hoàn thiện về mặt kỹ thuật và gửi lên hệ thống của Apple Store và Google Play để chờ xét duyệt. Khi được hai chợ ứng dụng này đưa PC Covid lên, người dùng có thể tải về sử dụng.

Ứng dụng PC Covid là ứng dụng tích hợp ứng dụng phòng chống dịch hiện nay (Ảnh minh họa)

Ứng dụng PC Covid là ứng dụng tích hợp ứng dụng phòng chống dịch hiện nay (Ảnh minh họa)

Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 chia sẻ, ứng dụng PC Covid được thiết kế để thay thế và tích hợp các ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 hiện đang do Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế triển khai như: Bluezone, NCOVI, Tờ khai y tế, khai báo mã QR, quản lý xét nghiệm…

Còn các ứng dụng về phòng chống dịch của một số địa phương đã triển khai sẽ vẫn tiếp tục hoạt động.

PC Covid sẽ không thay thế ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử vì Sổ sức khỏe điện tử được xác định sẽ thay thế sổ khám sức khỏe giấy, theo mỗi cá nhân cả đời, phục vụ công tác khám chữa bệnh đa dạng, chứ không chỉ riêng về Covid-19

Quá trình hoạt động, ứng dụng PC Covid sẽ được liên thông để thực hiện đối soát, xác thực với bốn nguồn dữ liệu lớn, quan trọng, gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, phòng ngừa Covid-19 (do Bộ Y tế quản lý) và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm Covid-19.

Trong số đó, ba nguồn dữ liệu đầu là tập trung và thống nhất, riêng nguồn thứ tư hiện đang phân tán ở các địa phương, bệnh viện, cơ sở xét nghiệm cần tập hợp và thống nhất lại.

Do đó, việc cập nhật thông tin xét nghiệm Covid-19 lên hệ thống đang được Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế cùng Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 khẩn trương đề nghị các địa phương hỗ trợ.

Theo thiết kế, PC Covid cũng sẽ đưa ra 3 loại thẻ "xanh-vàng-đỏ". Cụ thể về mức độ đánh giá, hiển thị màu thẻ sẽ dựa vào quy trình về thông tin dữ liệu dịch tễ do Bộ Y tế cung cấp.

(Theo Báo Giao Thông)

Tìm tài xế cho thiếu nữ mắc Covid-19 đi nhờ xe "luồng xanh"

Ngày 29-9, tin từ Công an huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp vừa công bố 1 ca dương tính với SARS-CoV-2. Theo thông tin ban đầu, người mắc Covid-19 là N.T.K.P (16 tuổi; ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình).

Tài xế cho cô gái 16 tuổi đi nhờ. Ảnh: Công an huyện Thanh Bình

Tài xế cho cô gái 16 tuổi đi nhờ. Ảnh: Công an huyện Thanh Bình

Theo trình bày của P., vào khoảng 20 giờ ngày 25-9, em nhờ một tài xế xe tải “luồng xanh” chở từ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An về Đồng Tháp. Đến 23 giờ cùng ngày, tài xế chở P. đến chân cầu Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp rồi bỏ xuống.

P. tiếp tục đi xe về nhà ở huyện Thanh Bình. Khi P đến chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại TP Cao Lãnh, lực lượng chức năng test nhanh thì phát hiện dương tính nên đưa đi cách ly tập trung. Sau đó, CDC Đồng Tháp công bố P. mắc Covid-19.

P. cho biết trong suốt quá trình đi nhờ xe thì không rõ tên tài xế, chỉ nhớ người này nói có nhà ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; chở hàng về giao tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Vì vậy, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp thông báo trên các phương tiện thông tin để truy tìm tài xế này nhằm tránh lây lan Covid-19 trong cộng đồng.

(Theo Người Lao Động)

Người trở lại TPHCM làm việc lần đầu phải có ‘Thẻ xanh COVID-19 và xét nghiệm âm tính’

Theo đó, Bộ tiêu chí này có 7 tiêu chí thành phần. Nếu đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chí thì sẽ được xếp loại Đạt; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ sẽ bị xếp loại: Không đạt. Cụ thể, đối với người lao động:

Tiêu chí yêu cầu bộ phận tiếp xúc trực tiếp với người ngoài tổ chức phải có “Thẻ xanh COVID-19”. Các bộ phận còn lại tối thiểu có “Thẻ xanh COVID-19 (giới hạn phạm vi hoạt động)”; Nhân sự trở lại làm việc lần đầu tối thiểu phải có “Thẻ xanh COVID-19 (giới hạn phạm vi hoạt động)” và có kết quả xét nghiệm SARS- CoV-2 âm tính (xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR) theo quy định của ngành y tế

Tiêu chí 2: Về khoảng cách giữa hai người ngồi trong phòng làm việc, phòng họp, phòng khách tối thiểu là 2m hoặc có bố trí vách ngăn giữa hai chỗ ngồi; nhiệt độ trong phòng không thấp hơn 25 độ C

Tiêu chí 3: Bố trí nhân lực để kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế, khoảng cách tối thiểu 2m làm việc; Có kế hoạch, tổ chức giám sát nội bộ về việc phòng chống dịch COVID-19 tại đơn vị.

Tiêu chí 4: Văn phòng làm việc từ 100 lao động trở lên phải bố trí phòng y tế và tủ thuốc y tế để chăm sóc và cách ly tạm thời người lao động có dấu hiệu nghi và nhiễm COVID-19….

Tiêu chí 5: Đảm bảo tối thiểu 1 nhà vệ sinh/10 lao động nữ (15 lao động nam); đồng thời đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 1 bồn rửa tay/10 lao động và đảm bảo nguồn nước sạch, xà phòng tại khu vực nhà vệ sinh; Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn tại các khu vực theo quy định của ngành y tế.

Tiêu chí 6: Tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc; Công khai thông tin liên lạc của cán bộ phụ trách đầu mối về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị và của cơ quan y tế địa phương…

Tiêu chí 7: Có kế hoạch phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị theo hướng dẫn của ngành y tế. Trong đó, có phương án xử lý khi đơn vị có ca nghi và nhiễm COVID-19, có kế hoạch tổ chức xét nghiệm, tầm soát SARS- CoV-2 cho nhân viên, người lao động theo hướng dẫn của ngành y tế…

(Theo Tiền Phong)

Các khu du lịch ở Hải Phòng mở cửa trở lại từ tháng 10

UBND thành phố Hải Phòng vừa đồng ý cho các địa phương mở khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nhưng chỉ phục vụ khách là người địa phương kể từ 1/10.

Thành phố yêu cầu, khách đến các điểm du lịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh hoặc RT-PCR trong 72 giờ; người có chứng nhận đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã được công bố khỏi bệnh.

Cơ sở lưu trú được tổ chức ăn uống tại chỗ nhưng phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Nhân viên phục vụ phải có xác nhận tiêm vắc xin ít nhất mũi 1, xét nghiệm định kỳ 1 tuần/lần.

Cơ sở lưu trú, ban quản lý các khu du lịch, di tích lịch sử, doanh nghiệp lữ hành chịu trách nhiệm kiểm tra khách vào tham quan trong phạm vi quản lý.

Bãi biển Đồ Sơn trước thời điểm xuất hiện dịch bệnh COVID-19.

Bãi biển Đồ Sơn trước thời điểm xuất hiện dịch bệnh COVID-19.

Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự được hoạt động 50% công suất để phục vụ nhu cầu của người dân. Hoạt động thể dục thể thao ngoài trời, công cộng, các câu lạc bộ phòng tập gym, yoga, bể bơi… được hoạt động trở lại.

Đám cưới hỏi tổ chức nhanh gọn, không mời khách từ vùng đang có dịch, vùng thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng.

Lái xe container, vận tải hàng hóa, xe du lịch, xe khách liên tỉnh ra vào thành phố phải có xác nhận tiêm vắc xin mũi 1 và kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

TP Hải Phòng tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh karaoke, massage, quán game, quán bar-pub, vũ trường; Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim… tập trung đông người.

Thành phố yêu cầu Sở Y tế chủ trì với Sở Du lịch, các ban ngành và địa phương xây dựng hướng dẫn bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch với hoạt động cơ sở lưu trú du lịch. Lực lượng công an tiếp tục duy trì các tổ kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố.

TP Hải Phòng cũng điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Theo đó, kể từ ngày 1/10 người từ địa phương khác vào Hải Phòng phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR.

Đối với người trở về từ vùng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng phải cách ly tập trung 14 ngày và phải trả phí liên quan. Sau đó, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 7 ngày. Người được công bố khỏi bệnh trở về địa phương tiếp tục cách ly y tế tại nhà 7 ngày

(Theo Tiền Phong)

Bạc Liêu: 9 người trong cùng gia đình dương tính với SARS-CoV-2

Ngày 29/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Bạc Liêu vừa có thông cáo báo chí về 18 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trên địa bàn TP Bạc Liêu và khu cách ly huyện Vĩnh Lợi trong 24h qua (từ 6h ngày 28/9 đến 6h ngày 29/9/2021).

Cụ thể, 5 trường hợp ghi nhận tại phường 2 (TP Bạc Liêu), trong đó, 4 trường hợp là người thân, thường trú tại 2 nơi khác nhau gồm 1 trường hợp trú tại khóm 5 và 3 trường hợp trú tại khóm 3 (người chồng làm nghề buôn bán, có liên quan dịch tễ với người từ Hậu Giang đến). Qua điều tra, truy vết hiện tại ghi nhận 23 F1 từ 4 ca F0 này.

Còn 1 trường hợp thường trú tại khóm 3, là người có tiếp xúc với bệnh nhân (BN770658). Trong quá trình điều tra, truy vết, người này chủ động test nhanh dương tính.

Sau đó, xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính. Hiện tại đang tiếp tục điều tra, truy vết.

Một tuyến đường thuộc địa bàn phường 1 (TP Bạc Liêu) được lập chốt chặn để kiểm soát phòng dịch bệnh COVID-19.

Một tuyến đường thuộc địa bàn phường 1 (TP Bạc Liêu) được lập chốt chặn để kiểm soát phòng dịch bệnh COVID-19.

11 trường hợp ghi nhận thường trú tại khu vực hẻm 2, đường Hoàng Diệu (khóm 9, phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Trong đó, 9 trường hợp trong cùng gia đình, 2 trường hợp ở gần và có tiếp xúc gần với ca dương tính được ghi nhận lúc 23h ngày 27/9 (cùng khu vực trên).

Qua điều tra, truy vết, các trường hợp này có liên quan dịch tễ đến 1 trong 3 trường hợp được ghi nhận tại phường 2 nêu trên, đó là “người chồng làm nghề buôn bán, có liên quan dịch tễ với người từ Hậu Giang đến”. Qua quá trình điều tra, truy vết hiện tại ghi nhận 37 F1 từ 11 F0 này.

2 trường hợp là F1 của bệnh nhân (BN737223) đã được cách ly tập trung trước đó tại huyện Vĩnh Lợi.

Hiện tại, chưa ghi nhận các trường hợp có liên quan đến 2 trường hợp trên do đã được cách ly tập trung trước đó.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu, ngoài 2 trường hợp đã cách ly tập trung tại huyện Vĩnh Lợi, các trường hợp còn lại có khả năng lây lan ngoài cộng đồng, do trước khi có kết quả dương tính các trường hợp trên có đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, tính đến 6h ngày 29/9, trên địa bàn tỉnh này còn 207 trường hợp dương tính với Covid-19 đang được cách ly điều trị tại các cơ sở y tế (lũy kế 458 ca, trong đó, có 52 ca nhập cảnh), lũy kế có 2 trường hợp tử vong.

Đang cách ly tập trung 1.734 trường hợp (480 trường hợp F1, về từ vùng dịch 1.254 trường hợp); đnag cách ly tại nhà 2.358 trường hợp; lũy kế đến nay đã tiêm 141.037 mũi 1 và 48.724 mũi 2.

(Theo Báo Giao Thông)

Nha Trang: Vùng "cam, vàng" tăng mạnh sau nới lỏng giãn cách

Qua hơn 2 tháng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0 giờ ngày 9/7, TP Nha Trang từng có thời điểm không có xã, phường "vùng xanh" tăng lên 19 (trên tổng số 27) xã, phường bình thường mới.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện nới lỏng giãn cách có lộ trình từ 0 giờ ngày 24/9, số xã phường "vùng xanh" liên tục giảm, đến cuối ngày 28/9 chỉ còn 12.

Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân phường Phước Long, TP Nha Trang.

Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân phường Phước Long, TP Nha Trang.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, gần đây địa phương này đã xuất hiện những ca mắc COVID-19 có yếu tố dịch tễ phức tạp, có nguyên nhân từ sự chủ quan trong công tác quản lý cũng như ý thức phòng ngừa dịch bệnh của người dân chưa cao.

Ông Nguyễn Hải Ninh cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương trong tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mà tỉnh Khánh Hòa đang triển khai, siết chặt quản lý các khu cách ly y tế.

Theo số liệu đánh giá, phân loại mức độ nguy cơ dịch COVID-19 của 27 xã, phường và 363 thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Nha Trang, tính đến 16 giờ 30 ngày 28/9, thành phố có 12 xã, phường đạt mức bình thường mới, tức "vùng xanh"; giảm 7 xã, phường so với ngày 23/9, là thời điểm số xã, phường trở lại trạng thái bình thường mới nhiều nhất trong 1 tháng qua.

Hiện tại các xã, phường "vùng xanh" tại Nha Trang gồm có Vĩnh Thọ, Vĩnh Thạnh, Phước Tiến, Lộc Thọ, Vạn Thắng, Phước Hòa, Xương Huân, Vĩnh Hòa, Phước Long, Tân Lập, Vạn Thạnh, Phước Tân.

Bên cạnh đó, mức nguy cơ tức "vùng vàng", cũng tăng từ 6 lên 11 xã, phường là Phước Hải, Vĩnh Phước, Vĩnh Trường, Vĩnh Lương, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, Phương Sài, Phước Đồng, Phương Sơn, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Phương.

Mức nguy cơ cao, tức "vùng cam" từ 2 lên 4 xã, phường là Ngọc Hiệp, Vĩnh Hải, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Nguyên. Đến thời điểm này, thành phố không còn xã, phường nào là "vùng đỏ".

Cũng tính đến chiều 28/9, so với thời điểm 23/9, trong tổng số 363 thôn, tổ dân phố của thành phố có 332 thôn, tổ "vùng xanh", giảm 15 thôn, tổ; 13 thôn, tổ "vùng vàng", tăng 8 thôn tổ; 6 thôn, tổ "vùng cam", tăng 5 thôn, tổ; và 12 thôn, tổ "vùng đỏ", tăng 2 thôn, tổ.

(Theo Sức khỏe và Đời sống)

Quân khu 9: Đưa tro cốt người tử vong vì COVID-19 về 12 tỉnh miền Tây

Bộ Tư lệnh Quân khu 9 vừa phê duyệt kế hoạch phối hợp tiếp nhận tro cốt nhân dân tử vong do dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 sẽ phối hợp các cơ quan chức năng Quân khu 7, cấp ủy chính quyền địa phương và Bộ Chỉ huy quân sự 12 tỉnh, thành trên địa bàn Quân khu 9 để rà soát, xác định thân nhân gia đình có người tử vong do dịch COVID-19; tổ chức bàn giao trang trọng, chặt chẽ phù hợp với phong tục tập quán truyền thống của địa phương.

Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đánh giá việc làm này nhằm thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam với tình cảm, lương tâm, trách nhiệm và chia sẻ nỗi đau thương mất mát to lớn của nhân dân tử vong do dịch COVID-19.

Cụ thể, từ ngày 2-10, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 sẽ cơ động thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và bàn giao tro cốt cho thân nhân các gia đình tại 12 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 9.

Địa điểm nhận tro cốt tại Nhà tang lễ TP.HCM (số 949 Quốc lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM).

Lực lượng thực hiện nhiệm vụ gồm 18 cán bộ, chiến sĩ chia làm hai bộ phận trên hai hướng. Hướng thứ nhất gồm chín cán bộ, chiến sĩ do thượng tá Phan Văn Hiệp, Đội trưởng Đội K90, tổ trưởng phụ trách các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh.

Hướng thứ hai gồm chín cán bộ, chiến sĩ do Trung tá Đinh Văn Linh, Phó Đội trưởng Đội K90, tổ trưởng phụ trách địa bàn các địa phương gồm TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Hải Dương: Tài xế xe ôm dương tính sau khi chở hai lái xe F0

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, tối 28/9, Hải Dương ghi nhận 1 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đó là ông Đ.V.T. (sinh năm 1962), ở thôn Nghiên Phấn, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương).

Trường hợp nhiễm COVID-19 đã được cách ly y tế tại Đại học Hải Dương.

Trường hợp nhiễm COVID-19 đã được cách ly y tế tại Đại học Hải Dương.

Ông Đ.V.T là F1 của hai F0 T.L.T. và Đ.K.C. - là lái xe từ miền Trung chở hàng hóa ra chợ đầu mối nông sản Hải Dương và đã được cách ly tập trung.

Hàng ngày ông Đ.V.T. chạy xe ôm tại cây xăng Tân Bình, xã Gia Tân (Gia Lộc). Ngày 17/9, ông Đ.V.T. chở hai lái xe T.L.T. và Đ.K.C từ chợ đầu mối nông sản đến gara ô tô Minh Huế làm lốp xe.

Ngày 22/9, sau khi trường hợp T.L.T. và Đ.K.C xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, ông Đ.V.T. được xác định là F1 và chuyển đến cách ly y tế tập trung tại Ký túc xá Trường Đại học Hải Dương.

Ông Đ.V.T. được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần và đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, đến lần xét nghiệm thứ 3, kết quả khẳng định ông Đ.V.T. dương tính với SARS-CoV-2. Liên quan đến trường hợp này, có 2 người tiếp xúc gần, đều ở cùng phòng cách ly trong khu Ký túc xá Trường Đại học Hải Dương.

(Theo Báo Giao Thông)

Thêm một địa phương ở TP HCM đạt tất cả các tiêu chí kiểm soát dịch

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Tân Bình vừa có báo cáo UBND TP HCM về kết quả xét nghiệm tầm soát trên địa bàn quận từ ngày 22-9 đến ngày 27-9.

Theo báo cáo, quận Tân Bình đạt 6/6 tiêu chí kiểm soát dịch theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Cụ thể:

- Số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 0% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Từ ngày 25-8 đến ngày 31-8 có 4.200 ca; từ 1-9 đến 7-9 có 3.225 ca; từ 8-9 đến 14-9 có 2.623 ca; từ 15-9 đến 21-9 có 2.035 ca; từ 22-9 đến 28-9 có 601 ca. Như vậy, tuần qua số ca mắc mới của quận giảm so với 2 tuần liền kề trước đó và đã giảm 85% so với tuần cao nhất.

- Tỉ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính/số người lấy mẫu xét nghiệm trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày. Trong 5 tuần qua, tỉ lệ mẫu dương tính tại cộng đồng giảm liên tục, từ 3,3% xuống 0,2%.

- Quận Tân Bình không ghi nhận thêm chuỗi, chùm ca bệnh mới xuất hiện trong vòng 7 ngày.

Quận Tân Bình cũng đạt 3 chỉ số ở nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm:

- Giảm tối thiểu 30% các tổ dân phố ở mức độ nguy cơ rất cao: đã giảm 77%, từ 267 tổ xuống còn 44 tổ.

- Giảm tối thiểu 30% các tổ dân phố ở mức độ nguy cơ cao: đã giảm 56,2%, từ 146 xuống còn 64.

- Giảm giảm tối thiểu 30% các tổ dân phố ở mức độ nguy cơ: đã giảm 33%, từ 318 xuống còn 213.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Tân Bình cũng cho biết 70% số người trên 18 tuổi của quận Tân Bình đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin.

Trước đó, một số địa phương khác tại TP HCM cũng đạt tất cả các tiêu chí kiểm soát dịch, như quận 7, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Phú Nhuận... Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

(Theo Người Lao Động)

Điều tra hành vi xuất nhập cảnh trái phép, làm lây lan dịch bệnh của một tài xế

Ngày 29-9, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết đã chỉ đạo Công an huyện Cam Lộ điều tra làm rõ 2 hành vi xuất nhập cảnh trái phép và làm lây lan dịch bệnh đối với ông L.P.T (37 tuổi, nghề nghiệp lái xe; ngụ xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ).

Ông L.P.T được xác định mắc COVID-19 vào ngày 27-9. Qua xác minh, điều tra dịch tễ cho thấy ông T. khai báo y tế không trung thực, vòng vo và có dấu hiệu nhập cảnh trái phép từ Lào. Khi lực lượng chức năng vào cuộc điều tra thì phát hiện ông T. xuất cảnh sang Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) vào ngày 15-6 nhưng không tìm được hình ảnh của ngày về.

Học sinh cùng các giáo viên ở xã Cam Thủy đi cách ly tập trung.

Học sinh cùng các giáo viên ở xã Cam Thủy đi cách ly tập trung.

Liên quan đến ca bệnh L.P.T, chiều 28-9, thêm 4 F1 (cùng ngụ thôn Lâm Lang) đã được công bố mắc COVID-19, trong đó có 2 người cháu của ông T. học tại Trường Mầm non Hoa Sen và Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Cam Thủy (xã Cam Thủy). 

Vào chiều 28-9, 59 học sinh và 6 giáo viên tại 2 trường này đã được đưa đi cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cam Lộ. Trong quá trình các học sinh tiểu học, mầm non cách ly tập trung có phụ huynh, người thân đi theo để chăm sóc.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay đã giao công an tỉnh này làm rõ mục đích, sự không trung thực của ông L.P.T trong quá trình khai báo y tế, làm lây lan dịch bệnh, củng cố hồ sơ để khởi tố nếu xác định vi phạm.

(Theo Người Lao Động)

Nghẹn ngào hình ảnh người cha già khoác balo đi cách ly COVID-19, khi về chỉ còn hũ tro cốt
Đến đêm ngày 21, bệnh viện thông báo cha của chị N đã mất do ngưng tim. Đặc biệt lúc nhập viện, bác sĩ mới phát hiện ông bị bệnh tiểu đường nặng.

Tin tức TP.HCM

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h