Tại TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đã xuất hiện 6 ổ dịch COVID-19 với 43 ca bệnh. Gần đây nhất có phát hiện 1 cháu bé 2 tuổi dương tính với SARS-CoV-2.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, trong 2 ngày 29 và 30/5, tại TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) ghi nhận 3 ca mắc Covid-19. Trong đó, 1 ca mắc công bố ngày 29-5 tại phố Phạm Hồng Thái (phường Quang Trung) phát hiện thông qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, 2 ca bệnh còn lại là F1 thuộc ổ dịch Phạm Hồng Thái và phố Hoàng Lộc.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu trong đêm cho người dân khu 4, phường Tân Bình (TP Hải Dương)
Đến nay, TP Hải Dương đã có 43 ca bệnh, phát sinh tại 6 ổ dịch gồm ổ dịch Phạm Hồng Thái, phường Quang Trung; ổ dịch Trương Mỹ, phường Phạm Ngũ Lão; ổ dịch Hoàng Lộc, phường Lê Thanh Nghị; ổ dịch Lương Thế Vinh - Đại lộ Hồ Chí Minh; ổ dịch Gốc Mít, phường Trần Phú và ổ dịch phường Thanh Bình.
Theo CDC tỉnh Hải Dương, mẫu xét nghiệm của các trường hợp F1, F2 và người dân trong vùng phong toả thuộc 5 ổ dịch ở Trương Mỹ, Hoàng Lộc, Lương Thế Vinh - đại lộ Hồ Chí Minh, Gốc Mít và phường Thanh Bình đến nay đều có kết quả âm tính.
Liên quan đến ổ dịch mới phát sinh ở phố Phạm Hồng Thái, các đơn vị đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 234 người. Kết quả có 6 F1 và 57 F2 âm tính, 1 F1 dương tính và đã được công bố là ca bệnh trưa 30/5, số còn lại bao gồm cả người dân trong vùng phong toả đang chờ kết quả.
Theo CDC tỉnh Hải Dương, trường hợp công bố trưa 30/5 là cháu bé 2 tuổi ở phố Trương Hán Siêu, phường Nhị Châu (TP Hải Dương).
Đây là trường hợp F1 của ca bệnh 6739 ở phố Phạm Hồng Thái. Mẹ của bé là bạn của bệnh nhân 6739. Ngày 21-5, bệnh nhân 6739 sang gia đình cháu bé chơi khoảng 30 phút và tiếp xúc với mẹ bệnh nhân cùng mọi người trong gia đình. Ngày 29-5, qua điều tra dịch tễ có 5 trường hợp F1 ở phường Nhị Châu đã được cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 30-5, cháu bé là trường hợp F1 đầu tiên phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương có tổng số 49 ca bệnh, 8 người đã được xuất viện. Hiện toàn tỉnh có 14.562 trường hợp thực hiện cách ly. Trong ngày 30-5, lực lượng chức năng lấy 22.410 mẫu xét nghiệm, trong đó có 21.479 mẫu lấy cộng đồng tại TP Hải Dương.
(Theo Người Lao Động)
Hà Nội có 40 người liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng
Chiều 31/5, tại cuộc họp BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 209 ca mắc ngoài cộng đồng tại 22 quận huyện và khu cách ly tập trung ở Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Ông Hạnh cho biết, khi phát hiện nhiều ca mắc ở khu cách ly tập trung trường quân sự, đơn vị đã chủ động rà soát và xét nghiệm cho 927 người là F1 đang cách ly và cán bộ phục vụ và có 27 ca dương tính và sẽ rà soát tất cả các khu cách ly tập trung để giảm mật độ, tăng tần suất xét nghiệm để phát hiện sớm các nguy cơ.
Từ 27/5 đến nay, 11/11 chùm ca bệnh ở thành phố chưa ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Ông Hạnh cũng thông tin về 3 ca mắc mới ngoài cộng đồng liên quan đến Bắc Ninh và Bắc Giang và Hải Dương.
Cụ thể tại Tây Hồ ghi nhận 1 ca mắc người Nhật Bản là chuyên gia của Công ty TNHH Canon Việt Nam, Quế Võ, Bắc Ninh (ngày 29/5).
Ngày 28/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. 13 F1 của người này này đã xét nghiệm lần 1 âm tính.
Tại Sóc Sơn, ngày 30/5 ghi nhận 1 ca mắc có địa chỉ tại Xóm Chùa, thôn Thu Thủy (Xuân Thu, Sóc Sơn). Bệnh nhân làm nghề thu mua sắt vụn tại Việt Yên, Bắc Giang (gần KCN Quang Châu). Người này có 2 F1, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính; đã tạm thời khoanh vùng cách ly thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu.
Thôn này có 165 người thường xuyên sang tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh thu mua phế liệu tại các khu công nghiệp, trong đó 157 người đang ở địa phương (bao gồm cả bệnh nhân trên), 8 đang ở Bắc Giang.
Sở Y tế đã yêu cầu huyện Sóc Sơn rà soát kỹ và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp này. Kết quả lấy mẫu cho 156/156 người tại địa phương, kết quả: 155 âm tính lần 1; 1 chưa có kết quả.
Tại quận Long Biên, ngày 30/5 ghi nhận 1 ca mắc có địa chỉ tại Tổ 19, Ngọc Thụy, Long Biên. Bệnh nhân nhân viên văn làm việc tại Công ty Nhân Hòa 99 Láng Hạ, Đống Đa. Trước đó, ngày 8/5 người này về quê tại TP Hải Dương. Nệnh nhân này có 17 F1, kết quả xét nghiệm 15 F1 âm tính, còn lại chưa có kết quả.
Ông Hạnh nhận định, Hà Nội đã ghi nhận các ca bệnh ngoài cộng đồng có liên quan đến khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Vì vậy các quận huyện đặc biệt là các quận huyện giáp ranh cần tiếp tục rà soát các trường hợp trở về từ vùng có dịch của các tỉnh.
Ông Hạnh cho biết, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đang rất nóng, số ca mắc chủ yếu liên quan đến hoạt động tôn giáo của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng và từ 27 -29/4 có chức sắc của hội này ra và ở Hà Nội.
Cũng liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, Công an TP Hà Nội cho biết đã khẩn trương xác minh có 40 người liên quan đến Chương Mỹ và đã có 30 người tiếp cận với người trong TP Hồ Chí Minh, các trường hợp này đều đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính ban đầu.
Ông Hạnh đề nghị các quận huyện thị xã giám sát chặt chẽ những người đến từ TP Hồ Chí Minh từ 15 ngày trước; yêu cầu khai báo y tế đầy đủ và tự theo dõi sức khỏe nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế….
"Chúng tôi đã yêu cầu CDC thống kê trên tờ khai y tế trên mạng lập danh sách người từ TP Hồ Chí Minh ra, từ Bắc Giang, Bắc Ninh về để đánh giá nguy cơ cũng như chuẩn bị sẵn dữ liệu để khoanh vùng dập dịch khi cần thiết", Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay.
(Theo Gia Đình & Xã hội)
Truy vết F1, F2 liên quan tới ca nghi nhiễm tại kho hàng thuộc KCN Vĩnh Lộc
Tối 31/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin về ca bệnh nhiễm COVID-19 liên quan tới một kho hàng thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn thuộc Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc. Trường hợp trên được xác định nhiễm COVID-19 vào ngày 30/5, thông qua đợt triển khai lấy mẫu rộng tầm soát toàn bộ người dân cư trú tại phường 15, quận Gò Vấp.
Tại kho hàng trên có số người làm việc khoảng 100 người, có đặc thù môi trường thông thoáng, không khép kín, có khu vực nhà ăn riêng.
Qua điều tra sơ bộ, HCDC và ngành y tế địa phương phối hợp với kho hàng truy vết được 27 trường hợp F1 tiếp xúc gần. Đồng thời, yêu cầu bố trí ngay khu vực cách ly tạm thời đối với F1, điều tra thông tin và lấy mẫu xét nghiệm đơn.
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, tất cả trường hợp F1 sẽ được chuyển cách ly tập trung.
TP đang tích cực khẩn trương điều tra truy vết các trường hợp liên quan các ca nghi nhiễm, việc người dân hợp tác khai báo y tế trung thực sẽ hỗ trợ cho ngành y tế ngăn chặn dịch lây lan.
Tất cả người lao động còn lại làm chung công ty được đánh giá F2 và được bố trí 01 khu vực khác cách biệt với trường hợp F1. Tất cả các trường hợp F2 phải thực hiện cách ly tạm thời tại nơi làm việc, lấy mẫu xét nghiệm gộp 5 để được đánh giá nguy cơ. Sau khi tất cả trường hợp F2 có kết quả xét nghiệm 02 lần âm tính thì mới gỡ phong tỏa kho hàng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành Y tế địa phương cũng đã thông tin ngay địa chỉ 27 trường hợp F1 đến các quận huyện có liên quan để điều tra truy vết F2 trên địa bàn.
(Theo Công An Nhân Dân)
Hà Nội giám sát chặt người về từ TP Hồ Chí Minh từ 16/5
Chiều 31/5, báo cáo tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ 29/4 đến nay TP ghi nhận 209 ca mắc ngoài cộng đồng tại 22 quận huyện và khu cách ly tập trung ở Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Theo ông Hạnh, khi phát hiện nhiều ca mắc ở khu cách ly tập trung trường quân sự, Sở Y tế đã chủ động rà soát và xét nghiệm cho 927 người là F1 đang cách ly và cán bộ phục vụ và có 27 ca dương tính.
Ông Hạnh đề nghị các quận huyện thị xã giám sát chặt chẽ những người đến từ TP Hồ Chí Minh từ 15 ngày trước (từ 16/5). Yêu cầu khai báo y tế đầy đủ và tự theo dõi sức khỏe nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế.
Phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội chiều 31/5.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, TP đã ghi nhận các ca bệnh ngoài cộng đồng có liên quan đến khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Vì vậy, Sở Y tế đề nghị quận, huyện khẩn trương rà soát các trường hợp trở về từ vùng có dịch của các tỉnh.
Ông Hạnh bày tỏ lo ngại với tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang rất nóng, số ca mắc chủ yếu liên quan đến hoạt động tôn giáo của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Đáng chú ý, ông Hạnh thông tin trong 3 ngày 27-29/4, có chức sắc của hội này đến Hà Nội.
Sở Y tế đã yêu cầu CDC Hà Nội thống kê trên tờ khai y tế trên mạng lập danh sách người từ TP.Hồ Chí Minh ra, từ Bắc Giang, Bắc Ninh về để đánh giá nguy cơ cũng như chuẩn bị sẵn dữ liệu để khoanh vùng dập dịch khi cần thiết.
Cũng liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, đại tá Trần Ngọc Dương, Phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết, đơn vị đã khẩn trương xác minh có 40 người liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cư trú tại huyện Chương Mỹ. Trong đó, 30 người tiếp xúc với người trong TP Hồ Chí Minh, các trường hợp này đều đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính ban đầu.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, số ca dương tính vẫn tăng nhưng thành phố vẫn kiểm soát tốt. Chủ yếu các ca mắc mới là F1 đã được cách ly trước đó.
Ông Dũng đề nghị các đơn vị phải tiếp tục tuyên truyền, vận động để mọi người dân cùng chung sức phòng dịch. Chủ động thực hiện tốt khai báo y tế khi về Hà Nội. Các quận, huyện, xã, phường giám sát chặt chẽ người ra vào địa bàn. Nhất là các địa bàn giáp ranh với các tỉnh thành có dịch như: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn…
Phó Chủ tịch TP nêu việc vẫn còn nơi, có chỗ tụ tập đông người và yêu cầu các địa phương phải rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm này. Các khu cách ly tập trung có nguy cơ cao về lây nhiễm và được TP xác định là một nguồn lây. Tại các cuộc họp, TP liên tục yêu cầu quản lý chặt chẽ. Các đơn vị phải rà soát, chấn chỉnh ngay.
Ông Dũng cho hay, việc mà khu cách ly tập trung phải làm là phối hợp với các địa phương phân loại ngay từ đầu để chia người cách ly thành các nhóm nguy cơ. Nguy cơ cao phải xếp vào khu vực riêng phải rà soát, xây dựng quy trình cụ thể, khép kín, một chiều ở từng khu cách ly cho phù hợp với đặc thù. Rà soát các quy định về chuyên môn, lực lượng chức năng phải thực hiện nghiêm túc các quy định, nếu chủ quan sẽ phải khắc phục nặng nề.
Khu cách ly tập trung phải thường xuyên phải khử khuẩn các khu vực dùng chung bởi chủng virus lây lan nhanh. Tập huấn đầy đủ cho các lực lượng phục vụ, quản lý trong khu cách ly
Phó Chủ tịch UBND TP phân công rõ 2 bước. Bước 1: Sở Y tế kiểm tra để thành lập các cơ sở cách ly tập trung ở các quận huyện. Bước 2: Bộ Tư lệnh Thủ đô kiểm tra vận hành hoạt động cả quá trình của khu cách ly tập trung.
Ông Dũng cũng yêu cầu các đơn vị phải làm tốt công tác quản lý nhân khẩu hộ khẩu, phát hiện sớm nhập cảnh trái phép trên địa bàn TP. Phải thực hiện tốt cùng lúc mọi “mũi tiến công” với các nguy cơ lây lan dịch bệnh, tránh việc làm tốt chỗ này lại để lỏng chỗ khác.
(Theo Dân Việt)
Từ ngày mai (1/6), tạm dừng nhập cảnh vào sân bay Nội Bài
Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục có văn bản hỏa tốc gửi các hãng hàng không, Cảng vụ hàng không miền Nam, Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm dừng nhập cảnh hành khách tại hai Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Nhằm tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam thông báo tạm dừng tiếp thu các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng HKQT Nội Bài từ 0 giờ ngày 1-6-2021 đến hết ngày 7-6-2021 (giờ Việt Nam).
Đồng thời kéo dài thời hạn dừng tiếp thu các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến hết ngày 14-6-2021 (giờ Việt Nam) thay vì đến hết ngày 4-6-2021.
Trước đó, ngày 27-5, Cục Hàng không Việt Nam có công văn hỏa tốc thông báo tạm dừng nhập cảnh hành khách tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Đối tượng áp dụng là toàn bộ hành khách.
Thời gian áp dụng từ ngày 27-5-2021 đến hết ngày 4-6-2021 (theo giờ Việt Nam).
(Theo Pháp luật TPHCM)
Hà Nội đề xuất giảm mật độ trong phòng cách ly
CDC Hà Nội cho biết, cộng dồn từ 29/4 đến 9h sáng hôm nay (31/5), Hà Nội đã ghi nhận 209 trường hợp dương tính,
Tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự Sơn Tây, từ ngày 23/5 đến nay ghi nhận 50 trường hợp. Riêng ngày 30/5 là 35 trường hợp.
Trước thực trạng này, CDC Hà Nội đã có báo cáo gửi Sở Y tế Hà Nội đồng thời đề xuất thực hiện giảm mật độ trong khu cách ly, giảm mật độ người/phòng để hạn chế lây lan. Tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch tại khu cách ly.
Được biết, từ ngày 26/2, Trường Quân sự Sơn Tây tiếp nhận cách ly tập trung các trường hợp cách ly y tế bắt buộc trong phòng chống dịch COVID-19. Khu cách ly có 2 tòa nhà TT1 và TT2 gồm 67 phòng, hiện có hơn 900 người là đối tượng tiếp xúc gần đang được cách ly tại đây, trong khi đó, số cán bộ phục vụ là 40 người (28 quân nhân và 12 nhân viên y tế).
(Theo Gia đình & Xã hội)
TP HCM phong tỏa khu Mả Lạng với hàng ngàn người vì liên quan ca nghi mắc Covid-19
Trưa 31-5, bác sĩ Đỗ Thị Tân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận 1, TP HCM - cho biết lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa hẻm 245, khu Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 vì liên quan người người phụ nữ 59 tuổi dương tính SARS-CoV-2 trú tại khu vực này.
Hàng rào chắn đã được đặt tại hẻm 245, khu Mả Lạng thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM. (Ảnh: Huế Xuân)
Theo bác sĩ Tân, qua điều tra dịch tễ cho thấy trường hợp này là F1 (mẹ ruột) của một ca dương tính SARS-CoV-2 trú tại quận Tân Phú (F0) mà ngành y tế TP HCM đã công bố trước đó.
Hiện hẻm 245 khu Mả Lạng đã được cơ quan chức năng phong tỏa, bệnh nhân đã được chuyển đi cách ly.
Chiều cùng ngày, Trung tâm Y tế quận 1 sẽ phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân sinh sống tại hẻm 245.
Bác sĩ Tân cho biết lực lượng chức năng đang khẩn trương khoanh vùng, truy vết những người liên quan ca nhiễm này.
Trước đó, hẻm 245 khu Mả Lạng cũng từng bị phong tỏa từ chiều 26 Tết Tân Sửu 2021 do liên quan ca mắc Covid-19 là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Sau 8 ngày, khu Mả Lạng mới được gỡ bỏ lệnh phong tỏa.
(Theo Người Lao Động)
Bất chấp lệnh cấm, 18 khách Trung Quốc vẫn tụ tập ăn uống ở nhà hàng
Ngày 31-5, đại diện lãnh đạo UBND huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cho hay UBND huyện đang xem xét để xử lý vi phạm đối với nhà hàng Trung Hoa Phát Ký về hành vi không chấp hành quy định phòng chống dịch Covid-19 và buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 29-5, thông qua phản ánh của quần chúng nhân dân, Công an huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã bất ngờ kiểm tra nhà hàng Trung Hoa Phát Ký, địa chỉ tại xã Cộng Lạc.
Tại thời điểm kiểm tra, nhà hàng bất chấp lệnh cấm, mở cửa đón nhóm 19 khách (gồm 1 người Việt và 18 người Trung Quốc). Nhóm khách này sau khi ăn uống, tụ tập tại nhà hàng và không đeo khẩu trang.
Lực lượng chức năng cũng phát hiện nhà hàng này kinh doanh nước giải khát, một số mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua xác minh bước đầu, nhóm khách mang quốc tịch Trung Quốc, đều là chuyên gia làm việc tại một công ty, trụ sở tại xã Cộng Hòa và lưu trú tại đây từ trước.
Vì những người này không bị áp dụng các biện pháp cách ly, do đó lực lượng chức năng chỉ xem xét xử lý về hành vi tụ tập đông người, không đeo khẩu trang.
(Theo Người Lao Động)
Số ca nhiễm Covid-19 ở ổ dịch phía nam Trung Quốc tăng đến mức báo động
Các biện pháp hạn chế người dân rời khỏi địa bàn đã được áp dụng trong khi giới chức tỉnh Quảng Đông tăng cường tiêm chủng và sàng lọc người nhiễm Covid-19 tại một số thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Châu Giang, nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, theo SCMP.
Theo số liệu do Ủy ban Y tế tỉnh Quảng Đông công bố vào sáng ngày 31.5, 20 ca nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận một ngày trước đó. Đây là mức tăng “đáng lo ngại” bởi Trung Quốc trong 10 ngày gần nhất mới ghi nhận 26 ca nhiễm ở thành phố Quảng Châu.
Người dân thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, chờ đợi đến lượt xét nghiệm.
Riêng ở Quảng Châu, 18 ca nhiễm được ghi nhận trong ngày 30.5. Thành phố Phật Sơn lân cận cũng ghi nhận 2 ca nhiễm.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cũng thông báo 6 trường hợp dương tính với Covid-19 sau khi nhập cảnh, bao gồm Campuchia, Indonesia, Tanzania, Cộng hòa Trung Phi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Pháp.
Ổ dịch xuất hiện ở Quảng Đông được truy vết tới một cụ bà 75 tuổi. Cụ bà đi ăn với bạn tại một nhà hàng ở quận Lệ Loan, thành phố Quảng Châu.
Theo kết quả giải mã trình tự gene, các ca Covid-19 lây nhiễm mới nhất ở Quảng Châu đều có liên quan đến biến chủng virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.
Kể từ khi ổ dịch xuất hiện cách đây hơn 10 ngày, số ca nhiễm Covid-19 ở Quảng Đông đã tăng lên 47. Truyền thông địa phương mô tả tình trạng nhiễm rất đáng báo động.
Chính quyền thành phố Quảng Châu đã mở rộng xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người dân ở các quận Lệ Loan, Việt Tú, Hải Châu cũng như một số khu vực đáng lo ngại khác.
Theo nhà chức trách Quảng Châu, chỉ những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ và có mã sức khỏe màu xanh mới được phép rời thành phố.
TP HCM: Gò Vấp lập 10 chốt kiểm soát, trắng đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Từ 0 giờ ngày 31-5, TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 tăng cường; riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc - quận 12 thực hiện cách ly xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16.
UBND quận Gò Vấp đã phối hợp với các cơ quan liên quan lập chốt kiểm soát phương tiện giao thông ra vào quận. Người dân không được ra khỏi quận, trừ các trường hợp được phép theo Chỉ thị 16.
Những chốt được lập ở các cửa ngõ của quận Gò Vấp, gồm: Cầu thép An Phú Đông - phường 5, cầu An Lộc - phường 17, cầu Bến Phân - phường 15, cầu Trường Đai - phường 13, cầu Chợ Cầu - phường 14, số 399 Tân Sơn - phường 12, Phan Huy Ích - phường 14, ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng - phường 1, Lê Quang Định - phường 1, góc Phạm Văn Đồng - Công viên Gia Định. Mỗi chốt về cơ bản sẽ có các lực lượng công an, dân quân, bảo vệ dân phố, cán bộ y tế, đảm bảo đủ lực lượng chia làm 3 ca để trực 24/24 giờ.
Những chốt này đặt ở các cửa ngõ giáp ranh giữa quận Gò Vấp và các địa bàn khác để kiểm soát xe ra vào quận song việc giãn cách "không ngăn sông cấm chợ". Hai chốt kiểm soát tại ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng, Lê Quang Định được thiết lập sớm hơn.
Nhìn chung, người dân đã nắm thông tin và tinh thần chung của yêu cầu giãn cách nên rất hợp tác và tuân thủ quy định nghiêm túc.
Ghi nhận tại chốt kiểm soát đặt ở đường Lê Đức Thọ giáp với quận 12, hàng rào chắn được lập nên vào đúng nửa đêm. Các xe chở hành khách như taxi, grab, phương tiện di chuyển cá nhân đều không được phép ra – vào. Những ai có lộ trình có đi ngang tuyến đường này đều được lực lượng chức năng hướng dẫn chuyển sang những đường khác.
Trung Quốc chạy đua kiểm soát ổ dịch biến chủng Covid-19 nguy hiểm
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, tính đến ngày 30.5, Trung Quốc ghi nhận 26 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến biến chủng lần đầu ghi nhận ở Ấn Độ.
Các chuyên gia nói sự xuất hiện của biến chủng lây lan nhanh ở cửa ngõ phía nam Trung Quốc không làm vô hiệu các chính sách chống dịch hiện có. Nhưng chính quyền địa phương cần hành động nhanh hơn nữa và nỗ lực hơn nữa để chặn đứng làn sóng lây nhiễm.
Kể từ 10 giờ tối ngày 1.6, tất cả những người rời Quảng Châu phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 72 giờ, thông báo mới nhất của cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quảng Châu cho biết.
Tỉnh Quảng Đông từng 6 lần ghi nhận các ổ dịch lây lan trong cộng đồng, nhưng chưa có ổ dịch nào nguy hiểm và phức tạp như ổ dịch lần này.
Người dân Quảng Châu đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hôm 30.5.
“Biến chủng Covid-19 lan nhanh và thời gian ủ bệnh ngắn đang báo hiệu mối đe dọa lớn đối với Quảng Đông, vốn là nơi điển hình trong nỗ lực chống dịch ở Trung Quốc”, Zhang Yuexin, một chuyên gia y tế, nói trên tờ Hoàn Cầu.
Ổ dịch cũng đang có dấu hiệu lây lan ra bên ngoài thành phố Quảng Châu, xuất hiện các ca nhiễm ở các thành phố lân cận như Phật Sơn và Mậu Danh.
Một cụ bà 75 tuổi sống ở quận Lệ Loan, thành phố Quảng Châu, là người đầu tiên được xác định nhiễm biến chủng Covid-19 có nguồn gốc ở Ấn Độ.
Nhưng các chuyên gia y tế địa phương cho biết, cụ bà rất có thể không phải là bệnh nhân F0 đầu tiên, mà bị lây nhiễm từ người khác do tiếp xúc gần.
“Virus lây lan rất nhanh ở cả các trường hợp tiếp xúc trong thời gian ngắn, không tiếp xúc trực tiếp, ví dụ như những người ngồi cùng bàn ăn”, Zhang Zhoubin phó giám đốc cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quảng Châu, nói.
Nguồn gốc ổ dịch Covid-19 mới nhất có thể bắt nguồn từ khách nước ngoài. Tỉnh Quảng Đông đón tới 90% lượng khách quốc tế đến Trung Quốc đại lục kể từ khi đại dịch bùng phát, theo Duan Yufei, Giám đốc Ủy ban Y tế tỉnh.
Quảng Châu còn là thành phố có một trong những sân bay đông đúc nhất trên thế giới, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Ổ dịch ở Quảng Châu bộc lộ một số khó khăn hoặc lỗ hổng tiềm ẩn đối với người hoặc hàng hóa được vận chuyển đến Trung Quốc, vì không có nguồn lây nhiễm rõ ràng, Wang Guangfa, một chuyên gia về hô hấp tại Bệnh viện Đại học Bắc Kinh, nói.
Giới chức hai quận Việt Tú và Châu Hải lân cận của quận Lệ Loan ở thành phố Quảng Châu, đã bắt đầu cho lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 kể từ ngày 30.5 và dự kiến sẽ hoàn thành trong ngày 1.6. Quận Việt Tú và Châu Hải lần lượt có 1,2 triệu dân và 1,7 triệu dân sinh sống.
(Theo Dân Việt)
Nhân viên y tế "vòi tiền" 12 triệu đồng chưa bị đình chỉ vì thiếu nhân lực chống dịch
Sáng 31-5, liên quan đến vụ 1 nhân viên y tế bị tố "vòi tiền" người nhà bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2, một lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) cho biết ngành y tế địa phương đã thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét, đưa ra quyết định kỷ luật đối với bà N.T.T.T., là nhân viên y tế thuộc Trạm Y tế xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên.
Bà T. được xác định đã có hành vi "vòi tiền" người nhà một trường hợp dương tính SARS-CoV-2 đang đi cách ly tập trung. Bà T. sau đó bị người nhà bệnh nhân tố cáo về hành vi của mình.
Theo vị lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Việt Yên, sau khi vụ việc liên quan đến bà T. được đăng tải lên mạng xã hội, Công an huyện Việt Yên đã vào cuộc xác minh ngay. Đồng thời, phía huyện cũng đang yêu cầu bà T. phải giải trình về nội dung này.
Thông tin tố cáo nhân viên y tế "vòi tiền" gia đình bệnh nhân dương tính được lan truyền trên mạng xã hội
Căn cứ vào kết quả làm việc với bà T., Công an huyện Việt Yên đã đề xuất Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt nữ nhân viên y tế này về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân" với mức phạt là 7,5 triệu đồng. Về xử lý công tác cán bộ, hội đồng kỷ luật sẽ đưa ra mức độ xử lý vi phạm tương xứng.
"Trong sáng nay (31-5), chúng tôi sẽ họp kỷ luật luôn, khả năng sẽ cảnh cáo và điều chuyển công tác. Trước mắt, chúng tôi chưa đình chỉ công tác vì dịch, địa phương đang thiếu nhân lực. Anh em trong ngành rất bức xúc, trong lúc anh em đang miệt mài chống dịch lại có chuyện như vậy. Sau khi có kết quả kỷ luật, tôi sẽ cho chấn chỉnh, thông báo toàn ngành để làm gương cho các cán bộ khác, tránh tái diễn sự việc này” - vị lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Việt Yên nói. Ông khẳng định căn cứ vào biên bản và kết quả xác minh của Công an huyện Việt Yên thì đủ căn cứ xác định bà T. có sai phạm, phải kỷ luật.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 30-5, trên mạng xã hội lan truyền thông tin người nhà một bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 tại huyện Việt Yên tố giác 1 nhân viên y tế trên địa bàn yêu cầu người nhà bệnh nhân dương tính chuyển tiền để bệnh nhân được đưa đi điều trị. Nữ nhân viên y tế tên T. có đưa ra nhiều mức giá khác nhau và người này có gợi ý người nhà bệnh nhân nộp 12 triệu đồng để được đưa đi điều trị ở điều kiện tốt.
(Theo Người Lao Động)
Đắk Lắk: Phong tỏa hàng ngàn người dân liên quan cô giáo mắc Covid-19
Sáng 31-5, ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk - cho biết sau một đêm tích cực truy vết, đến sáng nay, lực lượng chức năng đã xác định được 59 trường hợp là F1 của bệnh nhân N.T.T.S. (SN 1996; trú tại xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) và đã đưa đi cách ly tập trung.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng truy vết được hơn 330 trường hợp là F2 của bệnh nhân này. Trong sáng nay, tỉnh sẽ ban hành các quyết định cách ly tại nhà để phòng chống dịch.
Lực lượng chức năng đã phong tỏa gần 10 khu vực dân cư liên quan cô giáo mắc Covid-19
Theo ông Hà, hiện lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa gần 10 địa điểm dân cư theo Chỉ thị 16, gồm: thôn 7, thôn 6A, 6B của xã Cư Mốt, khu vực dân cư quán Ba Khía, khu vực dân cư quán Cây Si, khu vực dân cư quán Thanh Dậu của xã Ea Wy), toàn bộ khu dân cư tuyến đường có quán cà phê Rôta, quán nhậu Đrem… thị trấn Ea Đrăng.
Ngoài ra, UBND huyện Ea H’leo cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với thị trấn Ea Đrăng và xã Ea Wy.
(Theo Người Lao Động)
Hải Phòng sẽ cách ly y tế tập trung 21 ngày với người đi từ vùng dịch đang thực hiện phong tỏa thuộc TP.HCM
Sáng 31/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Hải Phòng ra văn bản thực hiện một số biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố khi liên tiếp xuất hiện những ổ dịch mới tại TP.HCM.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào cộng đồng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, tổ chức, địa phương trên toàn địa bàn áp dụng các biện pháp cách ly tập trung theo quy định (21 ngày) đối với người đến/về Hải Phòng từ khu vực, điểm dịch, vùng phong tỏa thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTG thuộc TP.HCM.
Thành phố cũng yêu cầu những người từ TP.HCM từ các khu vực còn lại thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày khi về Hải Phòng.
Hải Phòng sẽ cách ly y tế tập trung 21 ngày với người đi từ vùng dịch đang thực hiện phong tỏa thuộc TP.HCM khi về địa phương
Ngoài ra, các tuyến vận tải hành khách cố định từ Hải Phòng - TP.HCM và ngược lại sẽ tạm dừng hoạt động. Liên quan việc vận chuyển khách, thành phố cũng đang xem xét, nghiên cứu dừng khai thác các chuyến bay từ Hải Phòng - TP.HCM và ngược lại.
Qua sự việc xảy ra đối với ca mắc COVID-19 mới là nhân viên hành chính của trường THPT Ngô Quyền mới phát hiện ngày 27/5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Hải Phòng yêu cầu các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý các đối tượng đang trong diện cách ly y tế tại nhà, vẫn để cơ sở lưu trú (nhà nghỉ) hoạt động đón khách, vẫn để người dân ra vào công viên… dù đã có văn bản tạm dừng.
Thành phố Hải Phòng yêu cầu BCĐ Phòng chống dịch quận Lê Chân, Ngô Quyền báo cáo cụ thể về trường hợp nhân viên của trường THPT Ngô Quyền vi phạm cách ly y tế tại nhà và trường hợp khách lưu trú tử vong tại nhà nghỉ Nhật Anh (đường Lê Hồng Phong, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng).
Thành phố cũng yêu cầu các địa phương quận, huyện chủ động, chuẩn bị sẵn sàng tối thiểu 500 giường phục vụ cách ly tập trung khi cần thiết.
(Theo Gia đình & Xã hội)