COVID-19 22/3: Đi học trở lại, sinh viên mắc COVID-19 tăng nhanh, trường đại học vất vả ứng phó

H.A - Ngày 22/03/2022 12:14 PM (GMT+7)

Hiện nay, với ca F0 tăng nhanh trong trường học, nhiều cơ sở giáo dục phải đối mặt với áp lực chưa từng có khi vừa dạy học trực tiếp, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

6 diễn biến

Sinh viên mắc COVID-19 tăng nhanh, các trường đại học vất vả ứng phó

Thành lập Trạm y tế lưu động trong trường

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, với số lượng hơn 8.000 học sinh, sinh viên, nhà trường đã chia ca học làm hai buổi sáng – chiều. Phương pháp chia ca học sẽ hạn chế được tình trạng tụ tập đông đúc và giúp nhà trường dễ dàng hơn trong công tác quản lý trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhà trường còn thiết lập trạm y tế lưu động ngay trong trường nhằm đáp ứng kịp thời các ca F0 hoặc sinh viên có dấu hiệu nghi mắc COVID-19.

PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường đã có kế hoạch chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp. Trong trường lắp đặt hệ thống đo thân nhiệt tự động. Trường hợp sinh viên là F0, F1, nhà trường có nhiều hỗ trợ thiết thực cho SV như: tạo lập kênh vừa trực tuyến vừa trực tiếp để SV có thể học online tại nhà để không bị nhỡ các lịch học trên lớp. Trước những hạn chế của việc học online, việc đến trường để tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn là mong muốn của hầu hết các sinh viên. Tuy nhiên, sĩ số lớp học thường thiếu đi 2/3 sinh viên do mắc COVID-19. Để ứng phó với F0, F1, nhà trường chuẩn bị và luôn sẵn sàng linh động, kết hợp các phương pháp dạy giúp SV không bị hổng kiến thức".

Công tác phòng, chống dịch tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Công tác phòng, chống dịch tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Việc trở lại trường học trực tiếp cũng là điều mà các thầy cô và SV mong mỏi từ lâu, tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh và số ca mắc là SV chưa có dấu hiệu giảm, nhiều trường ĐH đã có nhiều phương án chủ động triển khai hỗ trợ SV

Tại Trường ĐH Thương mại, ông Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông biết, bất kể sinh viên F0 nào có nhu cầu đều có thể vào ở khu cách ly của trường, kể cả những sinh viên có nhà ở Hà Nội nhưng gia đình không đủ điều kiện cách ly. Nhà trường hỗ trợ toàn bộ thuốc men, có đội hỗ trợ mua nhu yếu phẩm theo nhu cầu. Nhà trường sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành tối đa với các sinh viên nên các em hoàn toàn yên tâm điều trị nếu nhiễm COVID-19.

Tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, trong hai tuần đầu mở cửa trở lại, số ca nhiễm COVID-19 trong sinh viên tăng lên rất nhanh, khoảng gần 70 ca mỗi tuần. Theo ông Võ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông nhà trường cho biết: Ban đầu, trường chỉ mở một tầng của khu cách ly nhưng sau đó phải tiếp tục mở thêm các phòng, các tầng khác. Có rất nhiều sinh viên ở ngoài, khi bị nhiễm COVID-19 chủ nhà trọ không đồng ý cho ở khu trọ nên xin vào khu cách ly của trường.

Ngoài ra, nhà trường hỗ trợ một triệu đồng cho mỗi sinh viên bị F0. Sinh viên được phát thuốc điều trị miễn phí, phục vụ cơm tận phòng và có đội ngũ cán bộ y tế túc trực bất kể ngày đêm để kịp thời hỗ trợ xử lý các tình huống phát sinh đồng thời động viên tinh thần cho các em.

Đại học Ngoại thương Hà Nội tiếp sức cho sinh viên vượt qua dịch COVID-19.

Đại học Ngoại thương Hà Nội tiếp sức cho sinh viên vượt qua dịch COVID-19.

Đối với Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, theo bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng quản lý đào tạo Đại học Ngoại thương thông tin, ngoài quan tâm đến sức khỏe thể chất của các em SV, ban lãnh đạo trường đã cùng phân tích để có các giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho các em và nhận thấy bên cạnh việc điều trị bệnh thì tâm lý là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng khi các sinh viên đi trọ học xa nhà, không có người thân bên cạnh. "Chúng tôi thường xuyên họp các lớp trưởng, đội nhóm để lắng nghe các đề xuất vì các em sẽ biết được những nhu cầu thiết yếu của sinh viên", bà Hiền cho biết.

Đại học Ngoại thương đã kích hoạt một loạt hệ thống với nhiều đội nhóm xung kích hỗ trợ từng vấn đề cụ thể. Cụ thể như hệ thống y tế có đội hỗ trợ cấp phát thuốc, đội tư vấn điều trị, đội tư vấn hậu COVID-19… Để hỗ trợ tâm lý và nhu yếu phẩm, trường lập các nhóm online các F0, ngoài nhóm toàn trường còn có nhóm theo đơn vị với giáo viên chủ nhiệm để sinh viên có thể dễ dàng hơn trong việc chia sẻ những vấn đề riêng tư hơn mà không thể chia sẻ trên nhóm lớn. Trường cũng có đội xung kích với số lượng khá lớn, thay phiên nhau trực, có số điện thoại nóng để các F0 có thể đề nghị hỗ trợ nếu ngại liên hệ với giáo viên về mọi vấn đề trong cuộc sống.

Tình nguyện viên xông xáo hỗ trợ F0 điều trị ngay tại KTX

Nhiều SV tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội sau khi quay trở lại trường học tập trung đã mắc COVID-19, trước tình hình đó, Đoàn Thanh niên và nòng cốt là các đội thanh niên xung kích, các câu lạc bộ đã trở thành mũi nhọn đắc lực giúp việc thu dung, điều trị, cách ly các F0.

Từ tháng 2, trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã lên kế hoạch chi tiết để đón SV đảm bảo thích ứng an toàn trước đại dịch, trong đó nhấn mạnh công tác sàng lọc F0 để tạo ra môi trường học tập, giảng dạy an toàn. Công tác đón các SV nội trú cũng được đặt lên hàng đầu bởi với hàng nghìn SV nội trú từ nhiều địa phương khác nhau quay lại kí túc xá khiến khu vực này trở thành nơi có nguy cơ rất cao nếu công tác sàng lọc không được làm tốt.

Trước tình hình trên, Câu lạc bộ (CLB) An ninh xung kích đã hỗ trợ từng SV đến làm thủ tục khai báo, đo thân nhiệt, làm thủ tục nhận phòng. Sợ hỗ trợ kịp thời ấy đã giúp công tác sàng lọc, phòng chống dịch tại khu vực Nội trú của trường đại hiệu quả cao, tạo tinh thần an tâm, thoải mái cho các SV trước khi quay trở lại việc học trực tiếp.

Anh Vũ Hoàng Hiệp – Đội trưởng CLB An ninh xung kích cho biết: "Có thời điểm trong ký túc xá phát hiện từ 30-40 ca F0 nên các thành viên đã phối hợp để thu dung, hỗ trợ các F0 điều trị ngay trong khuôn viên. BQL đã trưng dụng tầng 5 của đơn nguyên A làm khu vực cách ly, đảm bảo an toàn cho các SV khác".

Ngoài ra, trong những ngày các F0 điều trị đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện. Mọi công tác hỗ trợ đều được lên kế hoạch rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, mỗi ngày sẽ có 2 ca tiếp nhận/xử lý thông tin từ các F0 qua các nền tảng mạng xã hội, từ đó có báo cáo, tổng hợp gửi lên BQL để nắm tình hình.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho F0 cũng được chú trọng nhằm giúp người bệnh có đủ dưỡng chất, tinh thần để sớm khỏi bệnh. Đội trưởng CLB An ninh xung kích vui mừng nói: "Mỗi suất ăn không chỉ đảm bảo dưỡng chất giúp các F0 sớm khỏi bệnh mà còn thể hiện tấm lòng, sự tương thân tương ái của các tình nguyện viên gửi gắm vào".

Về vấn đề thu gom, phân loại rác thải cho khoảng 100 F0 trong Ký túc xá, các thành viên trong CLB cũng phân nhau để thực hiện việc này làm sao đảm bảo đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao nhưng nụ cười, sự nhiệt huyết vẫn nở trên môi mỗi thành viên của CLB khi góp chút công sức vào công tác hỗ trợ các SV mắc COVID-19.

Dù mới chỉ thành lập và đi vào hoạt động được hơn 1 tháng nhưng đội thanh niên xung kích hỗ trợ F0 đã cho thấy hiệu quả nhất định. Minh chứng rõ nét nhất là số F0 điều trị tại khu nội trú từ con số hàng trăm SV tới thời điểm hiện tại chỉ còn 16 SV đang cách lý và điều trị.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/sinh-vien-mac-covid-19-tang-nhanh-cac-truong-dai-hoc-vat-va-u...

F1 ở TP.HCM tiêm đủ 3 mũi vaccine Covid-19 sẽ đi làm, đi học bình thường

Chiều 21/3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở đã họp với chuyên gia, bộ phận chuyên môn đánh giá lại tình hình Covid-19 trên địa bàn. Từ đó trình UBND TP kế hoạch công tác phòng chống dịch trong điều kiện mới.

F0 tái nhiễm vẫn phải tiếp tục cách ly 7 ngày

F0 tái nhiễm vẫn phải tiếp tục cách ly 7 ngày

Theo hướng, cho phép F1 thuộc diện cần theo dõi, đã tiêm đủ 3 mũi vaccine ngừa Covid-19 có thể quay trở lại làm việc, học tập, bình thường.

Riêng đối với các F0 dù là tiêm đủ 3 mũi vaccine và tái nhiễm lần 2 vẫn phải thực hiện cách ly 7 ngày theo quy định của Bộ Y tế.

Bởi theo nghiên cứu, người nhiễm biến chủng Omicron sẽ có lượng kháng thể nhất định và giảm dần trong 90 ngày sau khi khỏi bệnh.

Liên quan đến phần mềm khai báo F0, bà Mai cho rằng trong giai đoạn đầu đã gặp phải một số khó khăn. Phần mềm chậm hơn so với yêu cầu của người sử dụng, Sở Y tế đang phối hợp cùng các đơn vị nâng cấp phần mềm để mở rộng vấn đề lưu trữ. Thống kê từ các trạm y tế trong tuần qua đã có trên 21.000 lượt tiếp cận với phần mềm.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/f1-o-tphcm-tiem-du-3-mui-vaccine-covid-19-se-di-lam-di-hoc-...

Đồng Nai: Tuần qua gần 16.000 học sinh, giáo viên dương tính với SARS-CoV-2

Ngày 22/3, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết trong tuần qua, số ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn Đồng Nai có xu hướng giảm (giảm 21,33% so với tuần trước), trung bình ghi nhận 3.439 ca mắc/ngày. 

Học sinh Đồng Nai nhiễm Covid-19 với số lượng nhiều. Ảnh: Tuệ Mẫn

Học sinh Đồng Nai nhiễm Covid-19 với số lượng nhiều. Ảnh: Tuệ Mẫn

Trong đó, tiếp tục ghi nhận 15.854 ca nhiễm ghi nhận từ cán bộ, giáo viên, học sinh đi học trực tiếp tại các trường học trên địa bàn tỉnh (chiếm 65,48% tổng số ca mắc mới), bao gồm 1.865 ca nhiễm là các cán bộ, giáo viên và 13.989 ca nhiễm là học sinh.

Tuần qua, tỉnh Đồng Nai tiếp tục duy trì cấp độ dịch ở cấp 2, nguy cơ trung bình. Ở cấp huyện có 7 huyện, thành phố cấp độ 2 và 4 huyện, thành phố cấp độ 1, ở cấp xã số xã phường cấp độ 2 đã giảm đáng kể so với tuần trước.

Ông Vũ cho biết: “Hiện biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế lưu hành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với khả năng lây lan mạnh khiến số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên số ca tử vong và chuyển nặng vẫn duy trì ở mức thấp. 

Như vậy đây là một tín hiệu khá tốt và dịch bệnh tại Đồng Nai vẫn trong tầm kiểm soát. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục chú trọng tổ chức công tác tiêm mũi 3 vaccine Covid-19 và sẽ triển khai tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 – 11 tuổi ngay khi có hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế”.

Cũng theo lãnh đạo ngành y tế, Đồng Nai vẫn phải duy trì 9 khu cách ly tập trung với tổng số 1.320 giường tại các địa phương phục vụ người dân không đủ điều kiện thực hiện cách ly tại nhà. Vào thời điểm này, số trường hợp thực hiện cách ly tập trung tăng 62,41%, chủ yếu là người lao động tại các khu nhà trọ đông người không đủ điều kiện thực hiện cách ly tại nhà.

Nguồn: https://danviet.vn/dong-nai-tuan-qua-gan-16000-hoc-sinh-giao-vien-duong-tinh-voi-sars-c...

Bí thư Hà Nội: Tỉ lệ ca F0 nặng, ca tử vong do Covid-19 ở mức thấp

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa họp, cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã bám sát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp chủ động, sáng tạo, hiệu quả, kịp thời ngay khi dịch tăng cao, tập trung vào 3 hướng chính là: Tiêm vắc-xin; tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3 và đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.

Hà Nội đã phát huy cao độ vai trò, hiệu quả hoạt động của hơn 4.600 tổ hỗ trợ theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà và hơn 5.000 tổ Covid-19 cộng đồng, thường xuyên tiếp nhận thông tin, tư vấn, quản lý và cấp phát thuốc cho người nhiễm Covid-19; báo cho nhân viên y tế những trường hợp có triệu chứng nặng; tiếp nhận thông tin về nhu cầu cấp giấy hưởng bảo hiểm xã hội để phối hợp với trạm y tế cấp giấy tại nhà cho người dân...

"Nhờ thực hiện tốt các biện pháp đúng, trúng, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, Hà Nội luôn giữ vững tình hình từ cơ sở. Tuần qua, số ca mắc có chiều hướng giảm mạnh, đặc biệt tỷ lệ ca tăng nặng, người tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, hạn chế rủi ro sức khỏe cho người dân" - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu cả hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở nhận thức rõ tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là không được chủ quan, phải tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và TP với quyết tâm cao nhất, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền.

Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện 3 giải pháp trọng tâm là tiêm vắc-xin (đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao), tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3; đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị từ sớm, chú ý ứng dụng các nền tảng công nghệ. Ngành Y tế và các địa phương phải chú ý quản lý, điều trị người bệnh là trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền; theo sát kế hoạch của Chính phủ, Bộ Y tế về việc tiêm vắc-xin cho trẻ, kể cả từ 3 tuổi trở lên, chuẩn bị các phương án cần thiết, bảo đảm an toàn để khi được phân bổ vắc-xin có thể triển khai được ngay.

Các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP; đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch ở địa bàn dân cư, nhất là yêu cầu đeo khẩu trang, khử khuẩn; hướng dẫn chăm sóc, khám chữa bệnh nhân Covid-19 tại nhà; xử lý rác thải y tế không để phát tán mầm bệnh; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ hỗ trợ theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà và các tổ Covid-19 cộng đồng bảo đảm thực chất, đem lại niềm tin cho nhân dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng TP đã mở lại hoạt động du lịch và cho phép các dịch vụ hoạt động sau 21 giờ hằng ngày. Hiện nay, lượng khách du lịch chưa nhiều, các hoạt động dịch vụ cũng còn có mức độ. Tuy nhiên, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phải có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng khi các hoạt động du lịch, dịch vụ sôi động trở lại. Đặc biệt, Hà Nội là nơi sắp diễn ra SEA Games 31 với số lượng lớn vận động viên, quan chức, cổ động viên trong và ngoài nước sẽ có mặt tham gia.

Do đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị, xây dựng phương án, tổ chức diễn tập để bảo đảm ứng phó kịp thời, bình tĩnh, hiệu quả trong mọi tình huống dịch bệnh; bố trí sẵn sàng tổ chức xét nghiệm cho vận động viên, cổ động viên nước ngoài, nơi thu dung, điều trị bảo đảm các điều kiện tốt về vật chất, cũng như công tác hướng dẫn, quản lý... Tất cả phải được triển khai khẩn trương, bảo đảm tiến độ, vì mục tiêu tổ chức thành công toàn diện các môn thi đấu SEA Games 31 tại Hà Nội, đáp ứng yêu cầu của trung ương, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của TP trước bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban Cán sự đảng UBND TP có trách nhiệm chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các nhà trường tổ chức hình thức dạy và học, bao gồm cả việc học bán trú phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn, bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.

Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo tổ chức phương án chủ động, sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trọng tâm trước mắt là ngành Du lịch, dịch vụ, thương mại; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tinh thần chung là phải đồng hành cùng doanh nghiệp, quyết tâm với ý chí cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 mà TP đã đề ra.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/bi-thu-ha-noi-ti-le-ca-f0-nang-ca-tu-vong-do-covid-19-o-muc-...

Hồng Kông thay đổi chính sách “zero Covid”?

Động thái trên được bà Carrie Lam tiết lộ hôm 20-3, chỉ vài ngày sau khi thừa nhận rằng nhiều tổ chức tài chính đã "mất kiên nhẫn" với các chính sách Covid-19 ở Hồng Kông, theo Reuters.

Hồng Kông đang là một trong những nơi áp dụng qui tắc phòng ngừa Covid-19 nghiêm ngặt nhất thế giới. Đặc khu này áp lệnh cấm các chuyến bay đến từ 9 quốc gia, bao gồm cả Úc và Anh, đồng thời yêu cầu cách ly lên đến hai tuần đối với du khách quốc tế.

Chính quyền của bà Carrie Lam cũng đã ban hành lệnh cấm tụ tập nhiều hơn 2 người, trong khi hầu hết các tụ điểm công cộng đều phải đóng cửa, bao gồm cả bãi biển và sân chơi. Cư dân Hồng Kông bắt buộc phải đeo khẩu trang và học sinh không được đến trường học trực tiếp.

Hồng Kông vốn theo đuổi chính sách “zero Covid” nhằm dập tắt tất cả các đợt dịch nhưng các hành động chưa hiệu quả. Ảnh: Reuters.

Hồng Kông vốn theo đuổi chính sách “zero Covid” nhằm dập tắt tất cả các đợt dịch nhưng các hành động chưa hiệu quả. Ảnh: Reuters.

Giới chức Hồng Kông hôm qua (19-3) báo cáo có 16.597 trường hợp nhiễm mới Covid-19 - mức thấp nhất trong ba tuần qua, giảm so với hơn 20.000 ca một ngày trước nữa. Đợt bùng phát vừa qua khiến ngành y tế Hồng Kông rơi vào trạng thái quá tải, nó cũng làm tê liệt nhiều nơi trên khắp đặc khu.

ADVERTISING

iTVC from Admicro

Trong những tuần gần đây, các đường phố ở Hồng Kông yên lặng một cách kỳ lạ, các nhà hàng và quán bar đóng cửa hoặc chẳng thấy một bóng người. Các kệ hàng trong siêu thị cũng trống trơn khi mọi người tranh thủ mua sắm hàng hóa về dự trữ, do lo ngại việc phong tỏa đặc khu.

Việc các cơ sở kinh doanh trên khắp thành phố khoảng 7,5 triệu dân buộc phải đóng cửa khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, phải vay mượn tiền để sống. Do đó, họ mong mỏi chính quyền cần xem xét giảm bớt các lệnh hạn chế Covid-19 như đã áp dụng trong thời gian qua.

Hồng Kông vốn theo đuổi chính sách "zero Covid" như Trung Quốc đại lục, nhằm mục đích dập tắt tất cả các đợt bùng phát dịch bệnh.

Tuy nhiên, các hành động và điều chỉnh chính sách gần đây cho thấy đặc khu hành chính này đang xoay chuyển khỏi chiến lược đó vào thời điểm hầu hết các thành phố lớn khác trên toàn cầu đang học cách sống chung với vi-rút SARS-CoV-2.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/hong-kong-thay-doi-chinh-sach-zero-covid-20220320170...

F0 dương tính với COVID-19 trong bao lâu?

Đa phần F0 có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong vài ngày đầu tiên nhiễm virus. Trong thời gian cách ly điều trị tại nhà theo quy định, tùy theo triệu chứng, thường F0 sẽ âm tính trở lại (trong vòng 5 ngày, hoặc trong vòng 10 ngày). Và sau đó, có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, đối với một số F0, phải mất từ vài tuần tới vài tháng để có kết quả âm tính trở lại. Thậm chí một số trường hợp vẫn chưa âm tính trở lại dù đã hết các triệu chứng.

Theo CDC Mỹ, F0 chỉ nên xét nghiệm lại sau 5 ngày kể từ khi phát hiện mắc COVID-19. Nếu kết quả dương tính, thì tiếp tục cách ly thêm 5 ngày nữa.

CDC Mỹ: Chỉ cần cách ly 5 ngày với F0 không triệu chứng, đeo khẩu trang hết ngày thứ 10

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ vừa đưa ra hướng dẫn cần phải làm gì trong vòng 10 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19:

- F0 không triệu chứng chỉ cần cách ly 5 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính.

- F0 có triệu chứng  có thể không cần phải cách ly sau 5 ngày nếu khỏe lại và không còn sốt trong vòng 24 giờ.

- Khi không còn cách ly, F0 được khuyến cáo tiếp tục đeo khẩu trang cho đến ngày thứ 10 tính từ khi mắc bệnh.

Tuy nhiên, theo CDC Mỹ, F0 vẫn có thể dương tính với COVID-19 cho đến 3 tháng sau nhiễm virus. Trong trường hợp này, thì khuyến cáo cách ly thế nào? Trường hợp kết quả dương tính dai dẳng nghĩa là bạn vẫn chưa khỏi bệnh? Sau đây là những thông tin bạn cần biết.

F0 thường dương tính trong vòng bao nhiêu ngày?

TS. Matt Binnicker, chuyên gia virus học lâm sàng của Mỹ cho biết phần lớn F0 có kết quả xét nghiệm kháng nguyên hay test nhanh dương tính có thể lên tới 10 ngày. Tuy nhiên, khi xét nghiệm PCR, một vài người có kết quả dương tính  tới 2 tháng.

Theo thông tin của CDC Mỹ, vào tháng 8/2020, CDC Mỹ cập nhật hướng dẫn cách ly rằng F0 có thể tiếp tục có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 lên tới 3 tháng kể từ lần chẩn đoán đầu tiên, tuy nhiên lại không gây lây nhiễm cho người xung quanh nếu đã hoàn toàn khỏe mạnh không triệu chứng.

Sự khác biệt giữa xét nghiệm và kết quả dương tính trong bao lâu tùy thuộc vào từng loại xét nghiệm và độ nhạy của nó.

Theo chuyên gia David Dowdy- Trường Y tế công Johns Hopkins Bloomberg, xét nghiệm PCR tìm kiếm RNA virus, hay vật liệu gene di truyền của virus.

"Kể cả khi virus đã chết, RNA vẫn có thể quẩn quanh đâu đó, vì vậy bạn có thể nhận kết quả dương tính giả (đối với xét nghiệm PCR) cho tới tận 2 tháng sau khi nhiễm virus.", TS. Dowdy nói. "Dù không phải là trường hợp phổ biến, nhưng đây là khả năng có thể xảy ra."

Trong khi đó, xét nghiệm kháng nguyên, hay còn gọi là test nhanh tại nhà, thường tìm kiếm protein cụ thể của virus.

Theo CDC, phần lớn F0 sẽ tiếp tục dương tính với xét nghiệm COVID-19 ngay kể cả khi đã khỏi các triệu chứng, vì vậy không nhất thiết phải lo lắng về khả năng lây nhiễm virus cho người khác. Tuy nhiên, đối với người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các triệu chứng COVID-19 nặng và tiếp tục có kết quả xét nghiệm dương tính với virus thì nên thận trọng.

"Ở một vài người, đặc biệt ở người suy giảm miễn dịch vẫn có thể gây lây nhiễm COVID cho người khác một khoảng thời gian dài hơn, đặc biệt nếu tiếp tục có triệu chứng.", chuyên gia Binnicker lý giải. Theo TS.Dowdy, đó là do "hệ miễn dịch không loại bỏ được virus hiệu quả, cũng có thể khiến F0 lâu có kết quả âm tính trở lại so với thông thường.

Đối với trường hợp này, CDC Mỹ cũng khuyến cáo thời gian cách ly lên tới 20 ngày đối với người suy giảm miễn dịch hoặc mắc các triệu chứng COVID-19 nặng. Những người này cũng được khuyến cáo xét nghiệm COVID-19 khi quyết định bỏ cách ly, tái hòa nhập cộng đồng để tránh lây cho người khác.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/f0-duong-tinh-voi-covid-19-trong-bao-lau-169220318201825322.h...

Dân văn phòng quên quên nhớ nhớ, mệt mỏi, làm việc kém vì hậu COVID-19
Sau khi nhiễm COVID-19, nhiều người đối mặt với tình trạng mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ dẫn đến chất lượng cuộc sống giảm sút, công việc bị ảnh hưởng...

Dịch COVID-19

H.A (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19