Cụ bà 82 tuổi sống lại 'thần kỳ' sau khi tắt thở, ngừng tim

Ngày 10/06/2015 12:47 PM (GMT+7)

Bệnh viện Bạch Mai vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim, tổn thương não…bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Đó là bệnh nhân, Nguyễn Thị X. (82 tuổi, ở TP Yên Bái), bệnh nhân được chuyển đến Khoa cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) vào hồi 20h, ngày 24/4/2015 trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim. Ngay sau đó, các bác sỹ, điều dưỡng của khoa đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân.

Sau khi cấp cứu, mặc dù BN phục hồi nhịp tim và huyết áp nhưng vẫn hôn mê sâu do thương tổn não sau ngừng tuần hoàn, ngay sau đó bệnh đã được tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não cho bệnh nhân.

Sau liệu trình 24h hạ thân nhiệt chỉ huy, huyết áp của bệnh nhân đã ổn định hơn, có nhịp tự thở, ý thức cải thiện tốt hơn. Ngày thứ 3 sau can thiệp kỹ thuật bệnh nhân đã mở mắt và há miệng theo lệnh. Đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, phục hồi vận động.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Quân, Khoa cấp cứu, BV Bạch Mai, về mặt lý thuyết, việc ngừng tim trên 3 phút mà không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Với những bệnh nhân bị ngừng tim, dù cấp cứu ngừng tim thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỉ lệ sống sót cũng chỉ dưới 10%.

Cụ bà 82 tuổi sống lại #039;thần kỳ#039; sau khi tắt thở, ngừng tim - 1

Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Bạch Mai.

“Ở Việt Nam, tỉ lệ cứu sống bệnh nhân ngừng tim ngoài cộng đồng thấp hơn rất nhiều (cơ hôi cứu sống có thể chỉ từ 1-2%). Nguyên nhân bởi vì trong khi ngừng tim, não không có máu nuôi dưỡng bị tổn thương nặng nề. Các phản ứng có hại do thiếu máu não gây ra tiếp tục gây huỷ hoại tế bào não mặc dù đã phục hồi được máu lên não. Hậu quả là não sẽ bị phù nề, viêm, và hoại tử dẫn tới chết não và tử vong”, bs Quân cho biết.

Còn đối với các bệnh nhân được cứu sống sau ngừng tuần hoàn thường để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Mức độ nhẹ là mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh. Mức độ nặng là liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật).

Hậu quả sẽ làm tăng gánh nặng chăm sóc, chi phí lên gia đình và xã hội. Điều này vẫn xảy ra, mặc dù các bệnh nhân này đã được cấp cứu kịp thời đúng cách bằng các biện pháp tích cực như cấp cứu ngừng tim, thở máy, cung cấp oxy, dinh dưỡng.

Riêng đối với kỹ thuật hạ thân nhiệt điều trị cho bệnh nhân ngừng tim, tổn thương não, BS Quân cho biết: “Thời gian vàng cho người bệnh để tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt là trước 6 giờ. Nếu bệnh nhân đưa vào cấp cứu sau 6 tiếng thì hiệu quả sẽ không như mong muốn”, bác sĩ Quân chia sẻ.

Đánh giá về phương pháp này TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, từ đầu tháng 5/2015, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt cho trên 10 bệnh nhân. Nhờ kỹ thuật này, các bệnh nhân ngừng tim sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn, khả năng phục hồi ý thức và vận động tốt hơn.

Đây là một hướng điều trị nhiều triển vọng có thể áp dụng cho nhiều bệnh nhân rơi vào tình huống nguy hiểm liên quan đến thương tổn não cấp như thương tổn não sau ngừng tuần hoàn, sau thương tổn não nặng do bị chấn thương hoặc tai biến mạch não…

Trên thực tế, cấp cứu ngừng tim bằng phương pháp hạ thân nhiệt đã được thực hiện thường quy trên thế giới, còn được khuyến cáo trong Hội tim mạch Hoa Kỳ sử dụng. Theo chứng minh trên thế giới, dùng phương pháp này giảm tỉ lệ tử vong xuống 14% và giảm độ di chứng tàn phế xuống là 11%.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những ca bệnh đặc biệt