Cuộc đời nữ điệp viên xinh đẹp, từng yêu Fidel Castro, liên quan tới vụ ám sát tổng thống Mỹ

Bảo Linh - Ngày 06/12/2020 00:08 AM (GMT+7)

Sống sót sau một vụ tàn sát, người phụ nữ này đã trở thành điệp viên CIA, người tình và kẻ ám sát Lãnh tụ Cuba Fidel Castro. Cuộc đời của bà thật sự là một hành trình vô cùng ly kỳ và hấp dẫn.

Bà Marita Lorenz là một phụ nữ Mỹ gốc Đức, sinh năm 1939 tại thành phố Bremen, Đức. Năm 1944, khi mới 5 tuổi, Marita và mẹ là Alice Lofland bị đưa đến trại tập trung Bergen-Belsen. Sau khi trại được giải phóng, gia đình Marita được đoàn tụ và chuyển đến sống ở thành phố Bremerhaven một thời gian. Sau đó, cả nhà chuyển đến định cư tại quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ.

Có vẻ như gián điệp đã ngấm vào máu của Marita nhờ di truyền. Sau chiến tranh, mẹ cô làm việc cho OSS (tiền thân của CIA), Quân đội và Lầu Năm Góc, trong khi bố cô, ông Heinrich Lorenz điều hành một con tàu du lịch. Marita Lorenz làm việc trên con tàu này từ thời niên thiếu và tại đây, cô đã gặp được Fidel Castro (Cựu Thủ tướng Cuba) lần đầu tiên. Theo lời kể của Marita, vào năm 1959, bà khi ấy 19 tuổi và đang làm việc cùng bố trên con tàu du lịch MS Berlin. Ngày 27/2, họ cập cảng Havana, Cuba và được Fidel cùng người của ông vẫy vào, muốn được lên tàu. Với Marita, đây chính là mối tình sét đánh.

Cuộc đời nữ điệp viên xinh đẹp, từng yêu Fidel Castro, liên quan tới vụ ám sát tổng thống Mỹ - 1

"Tôi sẽ không bao giờ quên lần đầu tiên tôi nhìn thấy ánh mắt sâu thẳm, gương mặt điển trai, nụ cười ma mị và quyến rũ đó. Anh ấy tự giới thiệu bằng tiếng Anh: "Tôi là Tiến sĩ Castro, Fidel. Tôi là người Cuba". Tôi đã đề nghị đưa anh ấy đi quanh con tàu. Fidel chạm vào tay tôi và một luồng điện chạy qua người tôi", Marita nhớ lại.

"Tôi đã cho anh ấy xem phòng riêng của mình. Tôi mở cửa, anh ấy nắm lấy tay tôi và đẩy vào trong. Chẳng quan tâm lễ nghĩa, anh ấy ôm rồi hôn tôi. Chúng tôi đã yêu trong vô vọng”, người phụ nữ xinh đẹp nói.

Cuộc đời nữ điệp viên xinh đẹp, từng yêu Fidel Castro, liên quan tới vụ ám sát tổng thống Mỹ - 2

Fidel đã đưa Marita đến Havana bằng máy bay riêng và 2 người bắt đầu có một cuộc tình dài, đầy biến động. Họ yêu nhau thắm thiết tại Havana Hilton vào ngày cô đến. Marita từng phát hiện ra một bệ phóng tên lửa bazooka được giấu dưới gầm giường. Nhưng “Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy mình như một nữ hoàng”, Marita nói.

Gần như chắc chắn bà Marita từng có thai nhưng các chi tiết xung quanh điều này rất mơ hồ, bị che khuất bởi chính những lời kể mâu thuẫn cùa bà. Marita khẳng định Fidel chính là bố của con trai mình dù không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy đứa trẻ được sinh ra khi họ yêu nhau.

Cuộc đời nữ điệp viên xinh đẹp, từng yêu Fidel Castro, liên quan tới vụ ám sát tổng thống Mỹ - 3

Marita tuyên bố rằng vào năm 1959, khi bà đang mang thai được 7 tháng thì Fidel nói ông không muốn dính líu đến đứa bé. Sau đó, bà bị một phụ tá của Fidel đánh thuốc mê, tỉnh dậy trong bệnh viện và đứa bé đã không còn. Sau khi bị Fidel từ chối, Marita cũng đã quay lưng lại với người tình. Bà trở về Manhattan, nơi mà mẹ bà đang là điệp viên 2 mang của CIA. Lúc này, cô gái trẻ được CIA tuyển dụng làm việc cho các nhóm chống lại Fidel Castro.

Chính tại đây, Marita bị thuyết phục ám sát Fidel. Sau khi trải qua nhiều tuần đào tạo và huấn luyện tại Miami, Marita lên máy bay trở về Havana dưới vỏ bọc “giải quyết các vấn đề cá nhân” vào mùa đông năm 1960. Trong cuốn sách của mình, bà nhớ lại: “Ông ta mở một chiếc hộp, bên trong là một gói có 2 viên thuốc và tuyên bố: "Điều này sẽ thay đổi lịch sử". Họ đưa cho tôi vũ khí để biến tôi thành sát thủ. Nó sẽ khiến tôi ghi nhớ suốt đời và được ghi dấu trong lịch sử". Nhiệm vụ của Marita chính là gặp Fidel, thả 2 viên thuốc vào đồ uống của ông ấy. Nếu thành công, ông sẽ chết trong vòng 1 phút.

Cuộc đời nữ điệp viên xinh đẹp, từng yêu Fidel Castro, liên quan tới vụ ám sát tổng thống Mỹ - 4

Khi Marita gặp lại Fidel, ông ấy biết bà tới đây để ám sát mình. Kỳ lạ, ông lại cho người tình cũ một cơ hội. "Anh ấy rút súng ra khỏi bao da rồi đưa cho tôi. Tôi nhặt nó lên, nhìn nó rồi nhìn về phía anh. Anh nhắm mắt lại và nói: "Không ai có thể giết được anh. Không ai cả". Và anh ấy đã đúng. Tôi đã không làm điều đó, tôi thả súng xuống", Marita nhớ lại.

Sau khi "ân ái" với nhau, Fidel rời đi để đọc bài phát biểu còn Marita quay trở lại Miami, nhiệm vụ thất bại. Ít nhất thì Marita không đơn độc bởi các chuyên gia khẳng định Fidel Castro đã sống sót sau hơn 600 lần thập tử nhất sinh. Ông còn tiếp tục sống thêm nửa thế kỷ nữa và qua đời vào năm 2016 ở tuổi 90.

Trước khi ra đi, Fidel đã thừa nhận với Marita rằng đứa con của họ bị bắt đi vào năm 1959. Ông không bao giờ tiết lộ lý do tại sao nhưng xác nhận bà có một đứa con trai tên Andrés. Bà Marita tha thiết được gặp con nhưng ông Fidel đã ngắt lời, nói rằng cậu bé đang được những người tốt chăm sóc. Giờ đây, Andrés là "một người con của Cuba", ông Fidel nói thêm. Vào năm 1981, khi trở lại thăm Fidel Castro, bà Marita đã được gặp Andrés khi anh đang học để trở thành bác sĩ. Đó cũng là lần cuối cùng bà được nhìn thấy con trai mình.

Cuộc đời nữ điệp viên xinh đẹp, từng yêu Fidel Castro, liên quan tới vụ ám sát tổng thống Mỹ - 5

Vào tháng 3/1961, Marita nhận nhiệm vụ mới là tiếp cận nhà độc tài Marcos Pérez Jiménez của Venezuela. Khi đó, ông này đang sống lưu vong tại Florida. Nhiệm vụ của Marita là dụ dỗ Marcos để ông đổ tiền vào cho các nhóm tại Trung và Nam Mỹ. Dù sống lưu vong nhưng tại thời điểm đó, tài sản của Marcos lên đến 600 triệu USD và là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới.

Trở thành vợ của Marcos, bà Marita hạ sinh cô con gái tên Monica Jiménez vào năm 1962. Nhưng bất ngờ đến năm 1963, Mỹ đồng ý cho dẫn độ Marcos về Venezuela để xét xử nhiều tội ác. Trước khi đi, nhà độc tài này đã để lại một quỹ tín thác hàng trăm nghìn USD cho con gái với điều kiện là không được để lộ tên người lập quỹ.

Thế nhưng mọi chuyện đen đủi vẫn đeo bám Marita khi vợ cả của Marcos ở Tây Ban Nha là Flor Chalbaud không chịu ngồi yên. Bà ta xúi luật sư của chồng tiếp cận Marita và khuyên bà đâm đơn kiện đòi nhận bố cho con gái để trì hoãn việc dẫn độ. Tuy nhiên, chính vụ kiện này đã khiến hai mẹ con Marita mất trắng quỹ tín thác.

Cuộc đời nữ điệp viên xinh đẹp, từng yêu Fidel Castro, liên quan tới vụ ám sát tổng thống Mỹ - 6

Đến năm 1964, hai mẹ con bà Marita bất ngờ được mời đến Venezuela thăm chồng đang ngồi tù. Chiếc máy bay cỡ nhỏ chở 2 người phụ nữ khi bay giữ rừng rậm Amazon thì bất ngờ hạ cánh. Cả 2 bị phi công ép rời khỏi máy bay. Đây cũng được cho là âm mưu của bà vợ cả Flor. Con gái của Marita nhớ lại: “Lúc đó tôi mới gần 2 tuổi nhưng nhớ rõ xung quanh mình chỉ toàn một màu xanh. Tôi ôm chân mẹ và cảm giác được bà đang run bần bật”. May mắn thay khi cả 2 mẹ con bà gặp được một bộ lạc hiền hòa và được họ cưu mang. Họ đã giúp liên lạc với giới chức địa phương và Hội chữ thập đỏ để đưa 2 mẹ con về Mỹ.

Ngoài nhiệm vụ ám sát Fidel Castro, bà Marita còn nghi dính líu đến cái chết của Tổng thống Mỹ Jonh F.Kennedy. Bà Marita từng khai mình và cấp trên là Frank Sturgis thường xuyên làm việc với một nhóm khoảng 10 người đàn ông tại Miami. Đa số những người này là nhân viên CIA và một số người Cuba. Ngày 18/11/1963, bà Marita cùng một số người trong nhóm này lái xe xuyên đêm từ Miami đến Dallas. “Chúng tôi mang theo súng trường và ống nhòm. Frank Sturgis không cho biết rõ về nhiệm vụ mà chỉ nói một đám đàn ông đi với nhau sẽ gây nghi ngờ nên cần có phụ nữ đi theo”, bà Marita nói trong cuốn tự truyện. Và chỉ 2 ngày sau đó, Tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas gây chấn động thế giới.

Cuộc đời nữ điệp viên xinh đẹp, từng yêu Fidel Castro, liên quan tới vụ ám sát tổng thống Mỹ - 7

Khi ra làm chứng trước Hạ viện, Frank Sturgis đã tố Marita "bị các gián điệp Liên Xô dụ dỗ để vu cáo". Tuy nhiên, con gái của bà là Monica đã khai việc Frank Sturgis thường xuyên gọi điện đe dọa để mẹ cô phải thay đổi lời khai.  Cuối cùng, Hạ viện kết luận lời khai của Marita không đáng tin và kết thúc điều tra năm 1979.

Sau khi sóng gió chính trường qua đi, gia cảnh nhà bà Marita cũng dần xuống dốc. Con gái bà phải bỏ học năm 17 tuổi và trải qua nhiều nghề khác nhau trước khi trở thành một huấn luyện viên thể hình. Đời tư của Monica cũng truân chuyên không kém gì mẹ mình. Còn Marita Lorenz, sau một cuộc đời quá nhiều phiêu lưu và thăng trầm, bà đã qua đời vì bệnh tim ở tuổi 80.

Người phụ nữ đẹp nhất thế giới: Người đầu tiên nude trên màn ảnh, phát minh ra Wifi và Bluetooth
Từng được mệnh danh là "người phụ nữ đẹp nhất thế giới", góp mặt trong nhiều bộ phim nổi tiếng nhưng không phải ai cũng biết rằng, Hedy Lamarr còn là...
Bảo Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật