Sau khi khoan phải dây điện, bệnh nhân bị điện giật bất tỉnh, hôn mê sâu và ngừng tuần hoàn…ngay lập tức bệnh nhân được sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Bị điện giật khi khoan bê tông
Đó là bệnh nhân N.V.C (25 tuổi), đang làm công nhân xây dựng. Theo Ths. BS Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân nhập viện khoảng 20 giờ, ngày 24/08/2015 vì hôn mê sau ngừng tuần hoàn do điện giật.
Trước đó, khoảng 17 giờ cùng ngày, khi đang khoan bê tông thì mũi khoan chạm phải dây điện, bệnh nhân bị điện giật. Ngay sau khi điện giật bệnh nhân bất tỉnh và thở ngáp, được người xung quanh đưa ngay vào Bệnh viện đa khoa Phố Nối trong tình trạng ngừng tuần hoàn.
Ngay lập tức các y bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân: bóp bóng có oxy qua mask, ép tim ngoài lồng ngực, tiêm thuốc adrenalin tĩnh mạch nhằm trợ tim, sốc điện nhiều lần vì rung thất, đặt ống nội khí quản và thở máy.
Bệnh nhân C sau khi hồi tỉnh tại BV Bạch Mai. Ảnh: BS Lương Quốc Chính.
Sau khoảng 10 phút cấp cứu thì tim bệnh nhân đập trở lại. Khoảng vài giờ sau, khi tình trạng ổn định hơn, bệnh nhân được liên hệ chuyển đến Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Khoa Cấp cứu A9, bệnh nhân ở trong tình trạng hôn mê sâu (GCS: 6 điểm), mạch rất nhanh (130 lần/phút), huyết áp ổn định (110/80 mmHg) vì đang được truyền hai loại thuốc co mạch và trợ tim liều cao, đồng tử mắt hai bên co nhỏ và cố định, thở máy có an thần qua ống nội khí quản.
Nhận thấy bệnh nhân mới hồi phục nhịp tim sau cấp cứu ngừng tuần hoàn do điện giật giờ thứ 3, và vẫn còn cơ may cứu chữa dù rất nhỏ, y bác sĩ trực đêm ngay lập tức đã xin ý kiến lãnh đạo khoa và huy động một ê kíp kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy cho bệnh nhân.
“Điều đáng lo ngại nhất lúc này là bệnh nhân ở trong tình trạng quá nguy kịch, toan chuyển hóa nặng, tiêu cơ vân cấp và suy tim cấp do tổn thương cơ tim sau điện giật cũng như cấp cứu ngừng tuần hoàn... và đang phải truyền hai thuốc co mạch và trợ tim với liều rất cao cho nên rất dễ tử vong”, BS Chính cho biết.
Áp dụng nhiều kỹ thuật để cứu bệnh nhân
Theo BS Chính, sau một thời gian ngày điều trị tại Khoa Cấp cứu A9 (bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân N.V.C đã phải chịu đựng rất nhiều kỹ thuật hồi sức can thiệp sâu mà ngay bản thân bệnh nhân và người ngoài ngành y khó có thể hình dung được như an thần và thở máy, đặt các đường truyền lớn vào các mạch máu trung tâm để đưa dịch và thuốc vào cơ thể cũng như theo dõi bệnh cảnh huyết động được chính xác hơn (kỹ thuật theo dõi huyết động PICCO), lọc máu liên tục vì toan chuyển hóa nặng và suy thận cấp do tiêu cơ vân, hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ tế bào não do thiếu oxy sau ngừng tuần hoàn...
“Chỉ vài giờ sau khi được áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, toàn thân bệnh nhân bắt đầu run bần bật, nhịp tim bắt đầu chậm xuống (có lúc chỉ còn 50 lần/phút), và một vài biến chứng khá nguy hiểm của kỹ thuật hạ thân nhiệt là rối loạn đông máu, nhiễm khuẩn do suy giảm miễn dịch...
Lúc này y bác sĩ phải theo dõi hết sức sát sao, điều trị triệu chứng như run bần bật bằng an thần giãn cơ, theo dõi sát nhịp tim và xử trí ngay khi nhịp hạ xuống tới mức nguy hiểm, theo dõi sát tình trạng đông máu, và đặc biệt mọi kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị trên bệnh nhân phải đảm bảo vô trùng hết sức có thể”, BS Chính kể lại.
Tính đến thời điểm này, sau gần 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh lại hoàn toàn, huyết động ổn định. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản, và có thể nói chuyện cũng như ăn uống đường miệng được.