Bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy con có dấu hiệu bất thường như quấy khóc, lăn thở khó chịu, li bì, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, chảy máu cam, chảy máu chân răng, phân đen, tay chân vã mồ hôi, bỏ bú, bỏ ăn uống… phụ huynh cần đưa đến cơ sở y tế gấp.
Sống sót sau ba tuần ngưng thở
Bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, sau ba tuần nguy kịch, sức khỏe của cháu H (quận Tân Bình) đã có diễn biến tốt. Người nhà chia sẻ, cháu bị sốt bốn ngày thì bệnh trở nặng. Lúc này, phụ huynh cho cháu nhập viện tại bệnh viện quận. Bác sĩ nhận định, cháu bị sốt xuất huyết.
Lúc chữa trị, cháu ổn định và có dấu hiệu giảm bệnh. Bất ngờ, cháu lên cơn sốt cao dẫn đến suy hô hấp và ngưng thở. Bác sĩ tuyến quận sơ cứu rồi chuyển sang cho bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng suy hô cấp cấp, bác sĩ liền vận dụng quy trình chống sốc cùng các phương tiện hiện đại khác nhằm hỗ trợ hô hấp, đo áp lực tĩnh mạch. Do cháu không thể tự thở nên bác sĩ quyết định đặt nội khí quản để phục hồi chức năng thở.
Số lượng trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết trong thời gian này vẫn tiếp tục tăng cao
Sau đó không lâu, cháu H còn bị rối loạn đông máu kèm xuất huyết tiêu hóa ồ ạt. Để cứu sống tình mạng cho trẻ, bác sĩ cho truyền máu liên tục, huyết tương tươi đông lạnh và tiểu cầu đậm đặc. Ngoài ra, cháu cũng được chọc dò dẫn lưu dịch ổ bụng nhằm cải thiện tình trạng suy hô hấp cấp.
Hơn một tuần trôi qua, H vẫn trong tình trạng nguy kịch, không tỉnh. Nguy hiểm hơn, cháu xuất hiện hội chứng suy đa cơ quan. Không còn cách nào khác, bác sĩ quyết định tiến hành lọc máu.
Mỗi ca lọc máu có chi phí từ 18 đến 20 triệu đồng. Dù chi phí khá cao nhưng với mong muốn cứu sống con, gia đình cũng chấp nhận.
“Việc lọc máu sẽ giúp thải loại độc chất và các hóa chất trung gian gây viêm, tổn thương cơ quan ra khỏi máu của bệnh nhân. Đây là phương pháp tốt và hiệu quả nhất trong tình trạng nguy kịch khi ấy”, bác sĩ chia sẻ.
Ba tuần trôi qua, cháu H lúc nào cũng được chăm sóc trong phòng đặc biệt 24/24. Bất kể có dấu hiệu gì bất thường, ekip lại phải báo động cao. Mới đây, cháu đã có thể tự thở, đặc biệt, các cơ quan như gan, thận đã dần phục hồi.
Thoát “lưỡi hái tử thần” ngoạn mục
Trước ca bệnh của cháu H vài ngày, bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đã cứu sống một trường hợp hy hữu vì sốt xuất huyết. Cháu D (8 tuổi, tỉnh Long An) sốt ba ngày thì được người thân cho nhập viện tuyến tỉnh. Đến ngày thứ tư, cháu ói ra máu lợn cợn nâu, khóc ré liên tục và cho biết đau bụng. Lo lắng cho sức khỏe của con, phụ huynh quyết định đưa cháu lên bệnh viện Nhi Đồng 1.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Trưởng khoa hồi Sức tích cực và chống độc) cho biết, cháu D nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, tay chân lạnh, mạch nhẹ 128 lần/phút, huyết áp đo kẹp 80/60 mmHg. Cháu bị cô đặc máu nặng. Ngay sau đó, cháu được điều trị bằng cách thở máy oxy và chống sốc tích cực.
Cháu D cùng mẹ trong phòng bệnh
Khai thác tiền sử, phụ huynh cho biết, D có bệnh tim bẩm sinh, teo van động mạch phổi và thông liên nhĩ. Đây là trường hợp đặc biệt, vì bệnh tim bẩm sinh nên cháu có diễn biến bệnh phúc tạp. Cháu sốc kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa…
Đáng báo động hơn, dung tích hồng cầu của những bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh thường rất cao nên khi mắc sốt xuất huyết, nhất là lúc sốc, bác sĩ cần khai thác hồng cầu nền để quyết định tốc độ truyền dịch thích hợp.
Bác sĩ theo dõi suốt hai tuần liên tục và sử dụng nhiều phương pháp hỗ trợ tối ưu nhất thì sức khỏe của D mới có dấu hiệu cải thiện. Đến nay, cháu vẫn còn điều trị tại bệnh viện nhưng đã qua khỏi cơn nguy kịch. Đến nay, cháu đã được cai thở máy.
Bác sĩ Tiến cho hay, đây là hai trường hợp bệnh đặc biệt và được ekip của bệnh viện cứu sống. Ông khuyến cáo, thời gian này, sốt xuất huyết tăng cao, nếu thấy con có dấu hiệu bất thường như quấy khóc, lăn thở khó chịu, li bì, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, chảy máu cam, chảy máu chân răng, phân đen, tay chân vã mồ hôi, bỏ bú, bỏ ăn uống… phụ huynh cần đưa đến cơ sở y tế gấp.