Con rum biển, còn gọi là hải sâm, được ví như thần dược có ở vùng biển Nghệ An, mấy năm gần đây nhiều người tìm mua về thưởng thức.
Ở vùng biển Nghệ An có một loại đặc sản quý hiếm mà không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức, đó là con rum biển.
Con rum biển, còn gọi là hải sâm, chúng có màu xám đất, thân dạng ống và dài như quả dưa chuột, quanh mình có nhiều chất nhớt, trơn. Phần thân của rum biển phình to ra, hai đầu thon nhỏ, phần đầu có nhiều tua. Nhìn bề ngoài, loài hải sản này có vẻ đáng sợ nhưng thực chất đây là đặc sản vô cùng thơm ngon và bổ dưỡng.
Cận cảnh con rum biển
Được biết, rum biển thường xuất hiện dọc các bãi ngang của huyện Diễn Châu như Diễn Hải, Diễn Hùng, Diễn Kim... hay ở huyện Quỳnh Lưu. Đến mùa, người dân nơi đây lại mang lưới theo thuyền ra biển, sáng hôm sau mới cập bến trở về. Thuyền nào gặp may sẽ săn được 40-50 kg, còn lại trung bình từ 10-30 kg.
Anh Thái (một ngư dân ở xã Diễn Hải, Diễn Châu) cho biết ngoài dùng lưới, vào mùa hè người dân còn lặn xuống biển, dùng cào bằng kim loại để xúc rum trú dưới lớp cát. Bằng cách này, những con rum biển thu được thường to hơn so với dùng bằng lưới nhưng cũng rất nguy hiểm và nhiều rủi ro. Sau khi khai thác, rum biển sẽ được thương lái thu mua tận nơi với giá từ 100-200 nghìn đồng/kg tùy vào kích cỡ.
Nhìn bề ngoài, loài hải sản này có vẻ đáng sợ nhưng thực chất đây là đặc sản vô cùng thơm ngon và bổ dưỡng.
"Trước đây, rum biển ít người biết tới, bán ở chợ với giá vài chục nghìn/kg thì vài năm gần đây chúng bỗng lên "cơn sốt", thuyền về có bao nhiêu thương lái cũng thu mua sạch. Nhờ đó mà những ngư dân ở đây có thêm một khoản thu. Đây là loài hải sản hiếm, số lượng ít và chỉ có theo mùa, xuất hiện từ khoảng đầu tháng 2 cho đến tháng 6", anh Thái chia sẻ.
Anh Thái nói thêm, con rum biển rất trơn, dễ bị tuột khỏi tay, vì thế ngư dân phải hết sức khéo léo, nhanh nhẹn và có kinh nghiệm. Nếu không có kinh nghiệm, chỉ cần chạm vào rum một cái là mất dấu ngay.
Chị Linh - chủ nhà hàng hải sản ở Diễn Châu cho biết: "Dịp Tết vừa rồi, giá rum biển tăng mạnh nhưng cũng không có nhiều hàng để mua, các nhà hàng phải đặt thợ lặn từ trước. Nếu trước đây mõi ngày nhà hàng tôi thu mua được khoảng 2-3 yến rum biển thì giờ chỉ có khoảng 1 yến thôi".
Theo chị Linh, giá rum biển dịp Tết tăng cao là người tìm mua nhiều nhưng việc đánh bắt lại phụ thuộc vào thủ công và kinh nghiệm của thợ lặn, tuy nhiên, thời điểm này, số lượng thợ lặn đã giảm đi, phần vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hơn nữa, rum biển trong tự nhiên cũng dần khan hiếm nên nguồn hàng cung cấp giảm mạnh.
Được biết, sau khi khai thác, rum biển được sơ chế hết sức kỳ công. Theo đó, người dân đem rum ngâm với nước ngọt tầm 30 phút để xả mặn, sau đó dùng dấm hoặc chanh bóp đều, cạo sạch nhớt bên ngoài và bỏ nội tạng. Sau đó, cắt bỏ những hạt trắng nhỏ trong khoang bụng rồi rửa lần cuối cùng bằng nước gừng sả.
Từ rum biển, có thể chế biến thành nhiều món ngon như rum biển nấu chè, cơm cháy rum biển, làm súp, om nấm... Những món đặc sản này có mặt trong các nhà hàng và rất được ưa chuộng.
Ngoài ra, người dân cũng lấy rum đem phơi khô, tán bột dùng dần. Giá bột rum rất cao, khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Trước đây, rum ở ven biển xứ Nghệ rất nhiều và rẻ, nhưng do bị săn bắt quá nhiều nên nguồn rum ngày càng ít.
Theo y học, hải sâm - rum biển có vị mặn, tính ấm, tác dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh, dưỡng huyết, nhuận táo, chống lão hóa, giảm ho, tiêu độc, cầm máu... Rum biển thường được dùng trong các trường hợp tâm khí hư, thận khí suy, khí huyết kém, suy nhược cơ thể...