Các nhà nghiên cứu dịch bệnh Ebola mới đây cho biết, bệnh nhân đầu tiên của đại dịch Ebola có thể là một bé trai 2 tuổi tại thành phố Gueckedou, Guinea.
Bé trai ở ngôi làng hẻo lánh Meliandou, tỉnh Guéckédou, nước Cộng hòa Guinea tử vong hôm 6/12/2013 sau 4 ngày sốt cao, đi ngoài phân đen và nôn mửa liên tục.
Bảy ngày sau đó, mẹ của cậu bé qua đời. Tiếp đó, chị gái 3 tuổi của cậu bé cũng phát bệnh và tử vong trước ngày đón năm mới 2014.
Gueckedou là khu vực này nằm ngay gần điểm giao cắt của ba quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới là Guinea, Liberia và Sierra Leone, đang trong giai đoạn hồi phục sau chiến tranh và bất ổn chính trị.
Tiến sĩ Kalissa N'fansoumane, giám đốc một bệnh viện tại Gueckedou, cho biết cảm giác sợ hãi đang bao trùm khu vực này, ông phải thuyết phục các nhân viên đến làm việc.
Khu vực bùng phát dịch Ebola.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, virus Ebola đã lây lan cho bà ngoại các bé và bà đã qua đời vào ngày 1/1/2014. 2 người đến dự tang lễ của người bà đã mang virus về làng. Một nhân viên y tế thì mang virus đến khu vực khác, nơi ông tử vong cùng người đồng nghiệp. Tất cả những người này đều lây nhiễm cho họ hàng của mình ở các thị trấn khác nhau. Cứ thế, từ đó đến nay, đại dịch lây lan chóng mặt ở các quốc gia Tây Phi và đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Đến tháng 3/2014, căn bệnh bí ẩn gây chết hàng loạt người mới được công nhận là do virus Ebola gây ra. Những chuyên gia của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới đã gọi đây là điều “chưa từng có tiền lệ”, đồng thời cảnh báo dịch bệnh đã bùng phát tại nhiều khu vực vì vậy việc đối phó với nó là vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đang đặt ra câu hỏi tại sao một đứa trẻ lại có thể trở thành người đầu tiên bị nhiễm virus Ebola. Và họ cũng không loại trừ khả năng có trường hợp lây nhiễm khác trước bé trai 2 tuổi này những vẫn chưa được phát hiện.
Biểu hiện kinh khủng của bệnh Ebola: Mọc mụn nước dưới da
Tính đến thời điểm này, đã có 1.779 trường hợp nhiễm bệnh Ebola, 961 người tử vong. Tâm dịch nằm ở 4 quốc gia Tây Phi. Trước sự bùng phát khó kiểm soát của virus chết người này, hôm 8/8, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ châu Phi.
Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi - đã xác nhận hai trường hợp mới vào ngày thứ sáu, nâng tổng số người nhiễm virus Ebola lên con số chín , trong đó có hai ca tử vong.
Sierra Leone là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất với khoảng 525 trường hợp nhiễm. Tỉ lệ tử vong của dịch hiện nay là khoảng 60% mặc dù Ebola có thể giết chết lên đến 90% những người bị nhiễm.
Không thể xác định ai có thể mắc Ebola từ cách đơn giản như đi chung máy bay hay ở một không gian công cộng với người mắc bệnh. Ebola không lây lan quan không khí như virus cúm hay các bệnh đường hô hấp khác. Ebola lây nhiễm khi tiếp xúc với dịch cơ thể (như mồ hôi, chất nôn, máu, nước tiểu, tinh dịch) của người bệnh, cả còn sống và đã chết.
Những người có nguy cơ mắc phải Ebola là những người phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Đó có thể là: Người nhà bệnh nhân, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người dự tang lễ bệnh nhân và có tiếp xúc trực tiếp với thi thể người nhiễm bệnh, người đi săn tiếp xúc với xác động vật chết do nhiễm Ebola và các cán bộ y tế chăm sóc người bệnh Ebola.
Trước đó, Tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sirleaf, đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 90 ngày. "Tôi xin tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước Cộng hòa Liberia có hiệu lực từ ngày 6/82014 và trong thời gian 90 ngày", bà tuyên bố.
Liberia đã đóng cửa nhiều trung tâm y tế, bệnh viện do các nhân viên y tế lo ngại bị nhiễm bệnh. Chính phủ cũng huy động quân đội thực hiện chiến dịch "Lá chắn trắng," phong tỏa các khu vực nhiễm dịch.
Trong tuần tới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ quyết định cho phép sử dụng một số loại thuốc thử nghiệm điều trị bệnh Ebola. Những loại thuốc này đã được dùng để điều trị 2 người Mỹ bị nhiễm virus Ebola cho kết quả khả quan.