“Lá dừa, thân dừa, gáo dừa, mo dừa, rễ dừa… đều được tận dụng triệt để. Tôi không bỏ phí bất cứ thứ gì bởi chúng rất hữu dụng. Và để hoàn thành quần thể này tôi tốn khoảng 4.000 cây dừa với tổng kinh phí gần 6 tỉ đồng”, ông Thưởng tiết lộ.
Ở Vĩnh Long hiện còn lưu giữ nhiều căn nhà truyền thống của người dân miền Tây Nam bộ. Tất cả đều toát lên vẻ thôn quê, bình yên và mang đậm chất vùng sông nước. Trong số đó có một ngôi nhà vô cùng đặc biệt, có thể coi là “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam bởi được dựng từ 4.000 cây dừa.
“Căn nhà dừa thuộc quyền sở hữu của cặp vợ chồng đại gia đã ngoài 80 tuổi. Mọi thứ trong khuôn viên đều được làm bằng dừa, từ cái ghế ngồi ngoài sân vườn, đèn treo trước cổng… cho đến bàn ghế, đồ trang trí trong nhà. Đặc biệt căn nhà thiết kế theo kiểu miền Tây được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ dừa, gáo dừa… Chỉ cần đến đây một lần, tôi tin chắc ai cũng sẽ choáng ngợp bởi độ hoành tráng của công trình này”, chị Nhật Lệ (29 tuổi) – một người dân tại cù lao An Bình (Hoà Ninh, Long Hồ) – nơi toạ lạc của căn nhà dừa cho hay.
Căn nhà làm bằng dừa nhìn từ trên cao.
Một góc trước của căn nhà.
Một du khách tại Tây Ninh từng đặt chân đến ngôi nhà này liên tục dành lời khen có cánh đến chủ nhân của ngôi nhà này: “Tôi khâm phục họ vô cùng. Họ không chỉ giàu có mà còn mạo hiểm! Ai ở miền Tây cũng biết rõ cây dừa thân thuộc với làng quê Nam bộ, song xưa nay chỉ lấy quả để uống, còn các bộ phận khác đâu sử dụng được gì, nhất là thân rất dễ mục. Vậy mà họ dám xây dựng thành căn nhà đồ sộ đến vậy. Đặc biệt mọi ngóc ngách đều được làm từ dừa khiến tôi và đám bạn ngạc nhiên lắm”.
Chủ nhân của ngôi nhà dừa gây ấn tượng mạnh đối với nhiều người là vợ chồng ông Dương Văn Thưởng (82 tuổi) và bà Nguyễn Ngọc Giác. Ông Thưởng cho biết tuổi thơ của ông vốn gắn liền với cây dừa nên đi bất cứ nơi đâu cũng có cảm giác thân thuộc. Khi các con lập gia đình và ổn định cuộc sống, ông đã ấp ủ ước mơ làm một thứ gì đó gắn liền với cây dừa.
Ông Thưởng - chủ nhân của ngôi nhà.
“Nhiều người đến đây từng đặt ra câu hỏi: “Vì sao tôi lại lựa chọn cây dừa để làm nhà vì gỗ dừa rất dễ mục ruỗng?”. Khi ấy tôi chỉ cười và từ từ giải thích cho họ hiểu rằng nếu xây nhà bằng bê tông, sắt thép thì bình thường vô cùng. Tôi muốn làm một căn nhà độc lạ bằng gỗ dừa để “nâng đỡ” cây dừa lên một tầm cao mới.
Quan trọng hơn, trước giờ tôi thấy mọi người luôn nghĩ trong cây dừa chỉ có quả cho trái, còn lại đều… vô dụng. Nhưng thực tế từ ngọn đến gốc, không bỏ cái gì cả. Tất cả đều hữu dụng, không thua gì các loại mộc khác”, ông Thưởng lý giải lý do lựa chọn cây dừa để dựng nhà.
Ông vừa dứt lời, bà Giác nói tiếp: “Thực ra, ý tưởng xây nhà dừa là của con gái tôi đó. Chục năm trước, nó thấy người dân trong ấp trồng nhiều dừa mà chỉ dùng mỗi quả nên muốn làm nhà dừa để lưu giữ căn nhà truyền thống của người miền Tây. Nó bảo giờ ai có tiền cũng xây biệt thự, vila để ở… Vì vậy nó đã khích lệ vợ chồng tôi làm nhà bằng dừa, góp một phân công sức nhỏ cho quê hương có một cái gì đó đặc biệt để thu hút khách du lịch”.
Toàn bộ nội thất của căn nhà đều được làm từ dừa.
Năm 2009, sau khi vợ chồng ông Thưởng cùng con gái bàn bạc đã bắt đầu lên ý tưởng, tiến hành quy hoạch khu đất rộng 4000 m2 trồng dừa theo hàng, theo lối để tạo cảnh quan đẹp mắt. Sau đó ông đi săn tìm những cây dừa lão có tuổi thọ từ 80 - 100 năm, mua về xây nhà.
Ông Thưởng cho biết để có được nguyên liệu quý hiếm này đã phải đi rất nhiều vườn dừa ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long... Năm 2017, ông mời hơn 30 nghệ nhân, thợ lành nghề ở Bến Tre về xây dựng ngôi nhà và phải mất gần 2 năm mới hoàn thiện.
“Dừa già nhìn tưởng dễ “xơi” nhưng nó cứng lắm. Thợ xẻ hư không biết bao nhiêu cái lưỡi cưa. Xẻ xong, thợ tiến hành xử lý xớ dừa bởi chúng rất bén, phải bào gọt rồi lấy giấy nhám chà cho đến khi sờ vào không còn thấy xớ gồ ghề thì mới làm được”, vị đại gia miền Tây nói.
Cột kèo, các con tiện... đều được chế từ thân cây dừa.
Chiếc đèn cũng được làm từ dừa.
Nhắc đến chuyện mua dừa già có tốn nhiều tiền hay không, bà Giác cho biết: “Dừa già gần trăm năm tuổi không còn cho quả nữa, vì thế nó rẻ, chỉ độ 1 triệu/cây thôi. Công vận chuyện rồi chế tác nó mới tốn kém”.
Điểm đặc biệt của căn nhà là xây dựng theo kiểu Nam bộ truyền thống với 3 gian 2 chái. Từ cột, kèo, vách nhà đến nội thất đều làm từ dừa. Hơn cả, ông Thưởng còn nhờ nghệ nhân tạo 4 tượng phật phúc – lộc – thọ và Di Lặc bằng rễ dừa; tủ thờ, bộ trường kỷ, hoành phi,... cùng đèn trang trí, màn cửa, tranh ảnh,... cũng được làm từ dừa.
“Lá dừa, thân dừa, gáo dừa, mo dừa, rễ dừa… đều được thợ tận dụng triệt để. Tôi không bỏ phí bất cứ thứ gì bởi chúng rất hữu dụng. Và để hoàn thành quần thể này tôi tốn khoảng 4.000 cây dừa với tổng kinh phí gần 6 tỉ đồng”, ông Thưởng tiết lộ.
Một bức tranh được vẽ từ dừa.
Hiện tại, căn nhà dừa đã hoàn thiện được 3 năm song vẫn còn mới và “đặc mùi” dừa. Ông Thưởng đã mở cửa tham quan, thu hút du khách trong và ngoài nước với hi vọng có thể đẩy mạnh ngành du lịch của tỉnh nhà.