Đêm ấy, bà Cúc định sang nhà con gái ngủ. Bà chưa kịp thực hiện thì bị con trai dùng xà beng đánh gây tử vong.
Bà Đặng Thị Cúc (SN 1937, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk) lấy chồng, sinh hạ được bảy người con. Trong đó, Nguyễn Văn Thương (SN 1982) là con trai út. Trong tất cả các đứa con, bà Cúc yêu thương Thương nhất.
Lớn lên, Thương kết hôn với một người phụ nữ trong huyện. Hai vợ chồng sống cùng bà Cúc. Gia đình nghèo khó, chỉ có vài sào rẫy nên hàng ngày gã phải đi làm thuê, làm mướn, kiếm thêm tiền. Mặc dù cực khổ nhưng đối với vợ chồng gã, thấy hai đứa con ngày một lớn khôn là niềm hạnh phúc lớn.
Năm 2004, vợ Thương là chị Nguyễn Thị Q (SN 1983) bàn tính vào trong rẫy nuôi gia súc gia cầm. Gã thấy lời vợ có lý nên gật đầu đồng ý. Dân gian vẫn có câu “thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Nhờ siêng năng, cần cù, hai vợ chồng tích cóp được một số vốn nho nhỏ. Không ít lần, họ bàn, dùng số tiền ấy để nuôi hai con học hành đến nơi, đến chốn.
Cũng trong thời gian này, Thương bỗng thay đổi hoàn toàn tính cách. Gã hay lớn tiếng chửi mắng vợ con. Lắm khi, gã ngồi trò chuyện một mình. Mỗi lúc như thế, chị Q hỏi, gã lại quát tháo ầm ĩ.
Người thân mai táng cho bà Cúc
Chị Q sợ hãi, kể lại sự việc cho bà Cúc. Nhận thấy con có nhiều điều bất thường, bà dẫn con trai đi khám. Nhiều bệnh viện khẳng định Thương có dấu hiệu bệnh tâm thần. Một phần vì thương con, phần khác vì thấy Thương vẫn còn khá tỉnh táo nên bà không cho con vào bệnh viện tâm thần.
Những trận đòn đánh đập vợ con ngày một nhiều lên. Nhiều người dân lẫn bà Cúc vào can đều phải “no đòn”. Thậm chí, có lần, vì can ngăn, bà bị con trai đánh đến mức nhập viện.
Chị Q xót xa, rất muốn tìm cách giúp chồng thay đổi. Nhưng, tình yêu của người phụ nữ không thể thay đổi được gì. Những vết sẹo trên người chị, đặc biệt là vùng đầu cứ thế nhân lên chi chít. Buồn chán, vào tháng 6/2014, chị dẫn hai đứa con về gia đình mẹ ruột sinh sống.
Vợ con bỏ đi, Thương rượu chè nhiều hơn. Mỗi khi say, gã chuyển sang đánh đập bà Cúc. Người mẹ thương con cắn răng chịu đựng. Cả xã ai cũng biết điều này. Do đó, chủ các quầy tạp hóa mỗi khi thấy gã đến mua rượu đều né tránh, không muốn bán.
Cách đây chừng nửa năm, Thương bỗng “mất tích”. Bà Cúc nhờ người dân đi tìm. Hơn một tuần, gã được phát hiện trong khu nghĩa trang. Hàng ngày, gã tìm bánh trái của các gia chủ cúng bái để lại ăn. Hôm nào không có thức ăn, gã lại đào củ sắn, củ mì lót dạ.
Thương được đón về nhà. Lần này, bà Cúc nghe lời mọi người, đưa Thương vào bệnh viện tâm thần điều trị. Hàng tuần, bà vào thăm. Chỉ được vài tháng, lòng người mẹ xót xa nên quyết định đón con về nhà tự chữa trị. Bà không thể ngờ, hành động của mình là một sai lầm lớn.
Vào đêm 8/5/2015, bà Cúc đi đọc kinh ở nhà một người hàng xóm. Trong lúc ngồi trò chuyện, bà cho biết, mấy ngày gần đây Thương đổ bệnh trở lại. Bà dự tính, đêm đó sẽ đến nhà người con gái để ngủ.
Khoảng 21 giờ cùng ngày, hàng xóm nghe tiếng kêu thất thành phát ra từ nhà bà Cúc. Nhanh chóng chạy sang, trước mặt họ là cảnh tượng kinh hoàng, bà Cúc nằm bất động trên giường, máu chảy tung tóe. Gần đó, Thương ngồi bình thản uống bia cạnh một chiếc xà beng.
Bà được đưa đến bệnh viện huyện Krông Pắk cấp cứu. Do chấn thương quá nặng, bà được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Bác sĩ cho biết, ạn nhân bị chấn thương đầu, gây vỡ sọ, dập não. Đến 2 giờ ngày 9/5, bà trút hơi thở cuối cùng.
Ông Huỳnh Duy Khánh (Phó Trưởng Công an xã Hòa Tiến) cho biết: “Gia đình bà Cúc có hoàn cảnh khó khăn. Trước đây, Thương có tiền sử bệnh tâm thần. Vì Thương có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng nên từng bị công an đưa đến bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk điều trị. Cái chết của bà Cúc là một nỗi đau lớn không chỉ cho người thân mà còn của người dân địa phương”.
Luật sư Trương Thị Thu Hà (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước có khá nhiều vụ án giết người hung thủ là người bị bệnh tâm thần. Vụ án Nguyễn Văn Thương sát hại mẹ ruột lại là một hồi chuông đối với tình trạng người mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi gây ra chuyện đau lòng. Để giảm tình trạng người tâm thần gây án, xã hội, pháp luật cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa. Cần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư và chính quyền sở tại trong việc giám sát người bệnh, buộc đưa người bị tâm thần vào các cơ sở chữa bệnh để điều trị và cách ly khỏi xã hội. |