Dạy trẻ kỹ năng sống là giúp trẻ sống được bình thường trong cuộc sống hiện đại chứ không phải chỉ để vượt qua những tình huống rất hiếm khi xảy ra.
Dạy trẻ sống bình thường trong cuộc sống hiện đại
TS. Ngô Thị Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ giáo dục (Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam) cho rằng, kỹ năng sống chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của lối sống. Mà lối sống được hình thành từ trong gia đình, trên nền tảng của một phương thức sản xuất nhất định, một nền văn hoá nhất định. Lối sống gia đình cùng với lối sống cộng đồng và thời đại sẽ làm nên lối sống cá nhân. Một đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi đi học đã hình thành tính cách và thói quen mà nhà trường phải chấp nhận và định hướng sao cho trẻ có được lối sống văn hoá, có trách nhiệm, và biết chia sẻ.
TS Ngô Thị Tuyên
Dạy kỹ năng sống là dạy đứa trẻ biết cách ứng xử có văn hoá trong cuộc sống hiện đại (ứng xử giữa trẻ với những người xung quanh, giữa trẻ thế giới đồ vật, giữa trẻ với thế giới tự nhiên – cỏ cây, hoa lá, con vật - và dạy trẻ ứng xử với chính bản thân mình).
TS. Ngô Thị Tuyên khẳng định, dạy trẻ kỹ năng sống là giúp trẻ ứng xử để sống được bình thường trong cuộc sống hiện đại, chứ không phải chỉ là những tình huống rất hiếm, rất đặc biệt. Dẫu trên thực tế có thể xảy những tình huống đó thì điều cần nhất vẫn là dạy cho trẻ sống hài hòa với thế giới và vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống bình thường mà chúng đang sống.
Trở lại câu chuyện giáo dục lòng dũng cảm bằng cách đi trên thảm thủy tinh gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, TS Tuyên cho rằng, nếu giải thích “việc đi trên thủy tinh không có gì nguy hiểm cả” thì mục đích của bài học đã không đạt được. Ở đây không phải là biểu hiện của lòng dũng cảm, đó là sự hiểu biết, khi hiểu biết rằng không nguy hiểm thì người ta sẽ tự tin bước đi”, TS Tuyên nói.
Ngược lại, theo TS. Tuyên, nếu việc đi trên thủy tinh làm nguy hại đến trẻ và chỉ vì muốn thể hiện lòng dũng cảm mà bất chấp cả nguy hiểm thì lại càng không được.
Vì thế, theo TS. Tuyên thì dạy kỹ năng sống hay nói cách khác là dạy lối sống cho trẻ lớp 1 hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Chẳng hạn, khi ở nhà học sinh lớp 1 phải tự làm được một số việc (đánh răng, rửa mặt, ăn sáng…), khi đến trường thì cần tôn trọng thầy cô và các cán bộ nhân viên nhà trường, biết sống chan hoà với các bạn, biết ngồi học như thế nào cho không bị vẹo cột sống hay cận thị, biết cách giơ tay phát biểu ra sao, cách giở quyển sách, quyển vở như thế nào cho không gây ồn ào làm ảnh hưởng đến người khác…).
Bên cạnh việc dạy trẻ tự lập, tự làm những việc nhỏ nhất thì trẻ cũng cần học cách xử lí những tình huống gay cấn - như chẳng may bố mẹ đến đón muộn - ứng xử như thế nào: Có tự động chạy về nhà hay không? Có khóc lóc hay không? Có theo người lạ hay không?...
Bắt đầu từ nhà trường
Trả lời câu hỏi vì sao các trung tâm dạy kỹ năng sống lại nở rộ trong những năm gần đây? TS Tuyên cho rằng, thực chất giáo dục của VN từ trước đến nay thiên về học thuộc lòng mà rất ít kỹ năng. Trẻ con bài nào cũng chỉ dựa vào trí nhớ nhiều mà không có thực hành. Trong khi đó, bản thân trẻ ở mỗi gia đình lại được bố mẹ quá bao bọc, cưng chiều khiến trẻ rất thụ động. Đó chính là lý do các trung tâm đào tạo kỹ năng sống nở rộ.
“Cha mẹ nhiều khi thấy con thích thú khi được tham dự khóa học, được tham gia các hoạt động khác nhau- được đùa được chơi được thảo luận nên hào hứng. Tuy nhiên, việc dạy trẻ học cái này để làm cái gì mới là quan trọng. Còn cứ tổ chức các hoạt động vui vẻ xong là hết chuyện thì cũng… chả có giá trị gì” – TS Tuyên nói.
Vì thế, TS. Tuyên cho rằng dạy kỹ năng sống bắt đầu từ nhà trường với sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Phụ huynh không phải là người dạy lại mà chỉ giám sát, nhắc nhở trẻ thực hiện những điều đã học, và làm gương theo lối sống chuẩn mực để con học theo. Đề án mới của Bộ GD & ĐT cũng đã bỏ môn Đạo đức thay vào đó là Giáo dục lối sống (thay vì 1 tiết Đạo đức trong 1 tuần ở lớp 1, 2, 3 thì Giáo dục lối sống sẽ là 2 tiết/ tuần). Tuy nhiên, theo quan điểm của TS. Tuyên thì Giáo dục lối sống không chỉ có 2 tiết mà là hàng ngày bất kỳ ở đâu, bất kỳ nơi nào. Vì thế cần sự phối hợp của tất cả mọi lực lượng. Cụ thể ở nhà trường thì cần có sự phối hợp của tất cả các thầy cô giáo bộ môn khác và của cả đội ngũ cán bộ nhân viên nhà trường, chứ không phải công việc này chỉ là nhiệm vụ của giáo viên bộ môn chuyên trách.
“Nếu nhà trường làm tốt Giáo dục lối sống thì trẻ không cần phải đi học bên ngoài. Với cá nhân tôi, tôi không cho con đi học ở các trung tâm bên ngoài. Bởi dạy kỹ năng sống phải dần dần chứ không thể chỉ qua một vài khóa học KNS là con đã… trưởng thành. Việc cần làm là cho trẻ làm những việc hàng ngày tại gia đình: từ nấu cơm, rửa bát, quét nhà, tự phục vụ…và trải nghiệm các tình huống thực khác nhau của cuộc sống có sự định hướng của người lớn.
Kỹ năng sống là biết cách sống một cuộc sống bình thường hàng ngày. Đừng nên thấy con sợ cái gì, không làm được cái gì thì không cho làm (giống như việc sợ con đi xe đạp ra ngoài đường nguy hiểm, sợ con bỏng khi nấu ăn, sợ con rửa bát không sạch nên không bắt con làm…) Tất cả những điều ấy khiến con càng trở nên khó thích nghi với cuộc sống khi trưởng thành. Bởi khi con làm được bất kỳ việc gì, con sẽ tự tin, hiểu giá trị của công việc, hiểu giá trị những việc người khác làm cho mình, và sẽ biết chia sẻ quan tâm tới mọi người xung quanh”- TS.
TS. Ngô Thị Tuyên, chuyên gia giáo dục tiểu học, công tác trong ngành giáo dục đã 36 năm, là chủ biên của 8 cuốn sách về Giáo dục lối sống và Kỹ năng sống cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh bậc tiểu học. Hiện,TS. Ngô Thị Tuyên là Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ giáo dục (NXB Giáo dục VN). |