Đau mắt đỏ đang vào mùa dịch tại Hà Nội. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Mắt Trung ương có khoảng 25-40% bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ.
Bác sĩ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt TƯ cho biết, mọi năm dịch thường xuất hiện vào tháng 6-7, tuy nhiên năm nay diễn biến có vẻ muộn hơn, dù vậy tốc độ lây lan có phần nhanh hơn.
Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, số bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ cũng tăng nhẹ từ đầu tháng 9 tới nay.
Sở Y tế Hà Nội cũng vừa có công văn yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành tuyên truyền cho người dân cách phòng tránh và tăng cường bàn khám, thuốc, nhân lực để phục vụ người bệnh. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện vì bệnh viện cũng là một nguồn lây lan dịch đau mắt đỏ, đặc biệt lưu ý khâu giám sát dịch đau mắt đỏ tại các nhà trẻ, trường học.
Theo bác sĩ Cương, đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh do virus adeno gây nên. Triệu chứng ban đầu thường là ngây ngấy sốt, mệt, đau họng, sưng hạch trước tai, 5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, ra gỉ, chảy nước mắt, 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại.
Dịch đau mắt đỏ đang lây lan nhanh tại Hà Nội. Ảnh: Hà Linh.
Bệnh đau mắt đỏ hay xuất hiện vào mùa nước lụt, độ ẩm cao, khí hậu thất thường, đến tháng 11 gió mùa lại hết. Đây là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Có trường hợp tự chữa không đúng cách, bệnh có thể kéo dài hơn. Điều trị cũng phải mất từ 1 đến 3 tuần mới khỏi.
Theo bác sĩ, vẫn còn tình trạng một số người tự ý dùng thuốc, trong đó chủ yếu là kháng sinh, thậm chí có người tiêm vào mắt vì cho rằng kháng sinh là thuốc chữa bách bệnh, đau đâu tiêm đấy. Điều này rất nguy hiểm vì không phải kháng sinh nào cũng tiêm được vào mắt, thậm chí còn làm mắt sưng nề hơn. Đặc biệt, việc tự ý mua thuốc chứa corticoid về nhỏ mà không biết dùng nhiều có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến thời gian điều trị lâu hơn. Bệnh nhân đau mắt đỏ chưa đến mức phải dùng corticoid, nếu lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù mắt.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh lây lan dễ dàng do virus có tính kháng cồn, tồn tại trên các bề mặt dụng cụ gia đình và cả dụng cụ y tế tới 35 ngày. Lây nhiễm có thể trực tiếp từ người bệnh sang người lành, cũng có thể từ người mang virus nhưng chưa biểu hiện bệnh sang người lành, qua trò chuyện hoặc cầm nắm vào các đồ vật trung gian. Có trường hợp bệnh nhân đến viện để chích chắp khi về nhà thì bị đau mắt đỏ.
Ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần. Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
Người bệnh sau khi tự tra thuốc, lau mắt cũng cần chú ý đi rửa tay ngay bằng nước sạch và dung dịch sát khuẩn. Bên cạnh đó, người nhà cũng chú ý vệ sinh tay sạch sẽ, chủ động làm sạch mắt bằng nước mắt sinh lý để phòng bệnh lây lan, hú ý là không dùng chung nhau để tránh lây bệnh qua đầu nhỏ thuốc. Người dân cũng không nên tự pha nước muối loãng để rửa mắt vì nếu nồng độ muối không phù hợp có thể gây bỏng rát.
Những người đã khỏi bệnh cũng không nên chủ quan vì tuýp virus gây bệnh có thời gian miễn dịch rất ngắn, trong vòng hai tháng. Vì thế, có người mắc bệnh đến 2 lần trong một đợt dịch. Khi thấy có biểu hiện của bệnh như nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ..., người dân nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được điều trị, dùng thuốc đúng cách.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo, bệnh đau mắt đỏ thường diễn biến lành tính, các biến chứng nặng ít gặp nhưng có thể xảy ra. Hiện nay chưa có vacxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế, cách phòng bệnh hiệu quả là giữ vệ sinh sạch sẽ. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ mắc đau mắt đỏ thì nên nghỉ học 5-7 ngày để tránh lây lan.