Sau khi bị ngã xe máy rơi xuống sông, 3 ông cháu bị đuối nước tử vong, thi thể 2 cháu nhỏ được tìm thấy trước, sau đó vài tiếng mới tìm thấy thi thể của ông.
Sự việc trên xảy ra tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc vào chiều ngày 16/9. Lãnh đạo UBND thị trấn Hợp Hòa cho biết khoảng 17 giờ ngày 16/9, khi ông Nguyễn Văn Hoan (59 tuổi) đi đón các cháu (3 cháu) từ trường về nhà, đến cầu bắc qua sống Đào ông Hoan bị mất lái nên 4 ông cháu bị ngã.
Cú ngã khiến ông Hoan cùng 2 người cháu khác rơi xuống sông Đào, 1 cháu nhỏ khác cùng chiếc xe máy mắc kẹt trên bờ. Ngay sau đó người dân địa phương đến ứng cứu và báo chính quyền địa phương, tuy nhiên 2 cháu nhỏ đã tử vong do đuối nước, thi thể được vớt lên sau đó. Đến rạng sáng ngày 16/9, thi thể ông Hoan cũng đã được tìm thấy trên sông Đào. Hiện thi thể 3 ông cháu đã bàn giao cho gia đình để an táng theo phong tục địa phương.
Đoạn sông nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm.
Thời gian vừa qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn đuối nước, đặc biệt là trẻ nhỏ. BS Nguyễn Trọng Dũng, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết chỉ trong 1 tháng qua, khoa tiếp nhận hơn 10 trẻ bị đuối nước, nhiều trường hợp tử vong.
Điển hình như trường hợp 3 trẻ ở Bắc Giang được tìm thấy khi đã đuối nước trước đó 30 phút. Dù khi tìm thấy đã được sơ cứu, chuyển đến bệnh viện nhưng cả 3 sau đó đã tử vong.
“Thực sự đây là câu chuyện quá thương tâm và đáng tiếc. Chúng tôi đã cố hết sức nhưng không thể cứu được cháu”, BS Dũng chia sẻ.
BS Dũng cho biết với trẻ em chỉ sau 3-5 phút chìm dưới nước đã gây ngừng tim, để lại di chứng tổn thương não không thể phục hồi. Do vậy, việc phát hiện sớm trẻ đuối nước và sơ cứu kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Bác sĩ Dũng chia sẻ về các ca đuối nước tử vong thương tâm.
Tuy nhiên, dù đã được truyền thông rộng rãi nhiều năm nay nhưng hầu hết người dân vẫn chưa nắm được kỹ năng sơ cứu khi gặp người đuối nước. Chỉ có khoảng 40-50% trường hợp chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương được sơ cứu đúng cách.
“Một nửa trường hợp vẫn dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy hoặc đang ép tim, hà hơi thổi ngạt cho trẻ nhưng khi tim chưa có nhịp đã dừng lại để tiếp tục vác. Đây là cách sơ cứu hoàn toàn sai, làm lỡ cơ hội vàng cứu sống trẻ”, BS Dũng cảnh báo.
Cách cấp cứu đúng là ngay khi vớt trẻ lên, cần đặt trẻ nằm thẳng trên nền cứng, quan sát nhanh tình trạng trẻ, móc tất cả dị vật trong mũi, họng, sau đó nhanh chóng thực hiện ép tim và hà hơi thổi ngạt.
Với người chưa có kỹ năng sơ cứu, cần thực hiện ép tim 15 lần, hà hơi 2- 5 lần, với nhân viên y tế chỉ cần thực hiện 2 lần hà hơi, ép tim 5 nhịp lặp lại liên tiếp cho đến khi trẻ có phản xạ.
Sau đó cần gọi thêm 1 người hỗ trợ, 1 người hà hơi thổi ngạt, 1 người ép tim. Vị trí ép tim nằm 1/2 dưới xương ức giữa. Khi ép, đặt thẳng tay lên ngực.
Sau 1 phút đánh giá lại xem bệnh nhân đã thở hay chưa và thực hiện bắt mạch. Người lớn bắt mạch cảnh, trẻ con bắt ở cánh tay, mạch quay, mạch bẹn vì cổ trẻ ngắn hơn. Sau 10 giây kiểm tra, nếu vẫn không thấy mạch thì tiếp tục lặp lại động tác ép tim ngoài lồng ngực.
Trong lúc ép tim, cần duy trì nhịp 100 lần/phút, cố gắng ép sâu và mạnh, độ lún bằng khoảng 1/3 bề dày lồng ngực.