Thực tế rau trồng ở nghĩa địa không độc hại hơn so với những loại rau trồng ở nơi thông thường khác, có chăng chỉ là yếu tố tâm linh khiến người tiêu dùng lo lắng.
Thông tin rau trồng xanh, non mơn mởn ở nghĩa địa trong thời gian qua khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng. Nhất là khi mua rau ở ngoài chợ, họ không thể phân biệt đâu là rau trồng ở nghĩa địa, đâu là rau trồng ở những nơi an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu giấy – Hà Nội), cứ khoảng 4-5 giờ sáng là nông sản khắp các huyện ngoại thành đổ về khu chợ này sau đó sẽ được đổ mỗi đi các chợ lẻ. Tại đây, nhiều người đến lấy hàng không hề quan tâm rau được trồng ở đâu, được chăm sóc như thế nào mà họ chỉ cần biết nhìn rau xanh, giá rẻ là họ mua.
Thật khó để phân biệt rau nào trồng ở nghĩa địa khi đã đến tay người tiêu dùng.
“Tôi mua đầu chợ, bán cuối chợ nên khi nhập hàng chỉ cần nhìn rau xanh, non, bắt mắt đổ mối rẻ là được rồi. Siêu thị họ mới cần điều tra nguồn gốc, chứ những người bán lẻ như tôi ai mà về tận nơi họ sản xuất để xem họ trồng, họ rửa như thế nào”, chị Hoa vừa nhập hàng vừa nói.
Đợi đến khoảng gần 6 giờ sáng, cũng tại khu chợ này những khách mua hàng lẻ bắt đầu đến. Theo họ chia sẻ thì đi sớm ra chợ đầu mối sẽ vừa mua được rẻ, vừa mua được rau non, không bị dập nát.
Tuy nhiên, khi hỏi về việc lo ngại rau trồng ở những nơi có nguồn nước ô nhiễm, thậm chí là trồng ở cả nghĩa địa, n hiều người mua hàng tỏ ra lo lắng và cho rằng, không có chuyện đó.
“Nghĩa địa bây giờ có như ngày xưa đâu, làm gì có đất trống để mà canh tác rau đem đi bán. Với lại, các nghĩa trang giờ đều có người trông coi, ai lại để người dân trồng rau như vậy”, cô Hoài cho hay.
Một số người khác thì cho rằng, việc trồng rau ở nghĩa địa rồi mang ra chợ bán là không chấp nhận được, điều đó không chỉ liên quan đến vấn đề tâm linh mà rau khi trồng ở đó chắc chắn cũng bị độc hại vì nguồn đất và nguồn nước bị ô nhiễm.
Trước những lo ngại của người dân, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về vấn đề này. Chia sẻ với phóng viên PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết, việc trồng rau ở nghĩa địa không phải là việc làm đại trà, nếu có cũng chỉ là người dân tận dụng để trông rau phục vụ chăn nuôi.
Việc trồng rau ở nghĩa địa không phải là phổ biến.
Còn về vấn đề rau trồng ở nghĩa địa có độc hại hay không, vị chuyên gia này chia sẻ, đất ở nghĩa địa không khác đất ở các khu vực khác, nên nguy cơ về vi sinh vật, kim loại là như nhau.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, rau hấp thụ có chọn lọc, không phải chất nào cây cũng tự đưa vào trong. Tuy nhiên, mỡ người chết nếu bám vào rau sẽ có một số vi khuẩn độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
“Nguồn nước gần nghĩa địa, nếu dùng để ăn uống mới đáng lo ngại, còn tưới cho rau không quá lo vì rau cũng hấp thụ có chọn lọc, không phải chất nào cũng đưa vào cây. Tuy nhiên để hạn chế các vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh, nên rửa rau bằng nước sạch”, GS Dũng khuyến cáo.
Về những băn khoăn của người tiêu dùng, GS Dũng cho biết thêm: “Về mặt tâm linh không ai muốn mua các loại rau màu trồng tại những nơi như vậy tốt nhất nên trồng hoa, đặc biệt là hoa cúc, vừa đẹp cho nghĩa trang vừa có thể làm thành hàng hoá. Loại sản phẩm thứ hai đang có nhu cầu của thị trường là cỏ đẹp để bán cho các nhà mới xây ở các khu chung cư, biệt thự hay công viên”.