Ebola diễn biến xấu, VN có thể rút nhân viên ngoại giao về

Ngày 11/08/2014 17:30 PM (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo trong trường hợp dịch do virus Ebola diễn biến xấu thì Việt Nam có thể rút nhân viên ngoại giao về nước.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch do Bộ Y tế tổ chức chiều 11-8, có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, bà Bích Hằng cho biết: Bộ Ngoại giao đã có công điện gửi đến cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước Nigeria, Maroc, Guinea, Siriea Leone thông báo tình hình dịch; đồng thời yêu cầu hướng dẫn công dân sinh sống tại các nước này phòng chống dịch; báo cáo số lượng người Việt Nam đang sinh sống tại đây. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo trong trường hợp dịch diễn biến xấu có thể rút nhân viên ngoại giao về nước.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Hiện dịch diễn biến phức tạp tại 4 quốc gia Tây Phi. Các nước có biên giới với những nước này đã tiến hành đóng cửa biên giới để ngăn ngừa người bệnh sang".

Ebola diễn biến xấu, VN có thể rút nhân viên ngoại giao về - 1

Các nhân viên y tế đưa các bệnh nhân Ebola vào vùng cách ly.

TS. Phu nhận định, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc nào nhưng dịch có thể vào Việt Nam. Bộ Y tế vào cuộc rất sớm, nắm bắt tình hình phức tạp của dịch bệnh. Bộ đã thành lập Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp với các loại dịch bệnh (EOC), trong đó có dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola ngày 11/8. Bộ Y tế sẽ tiến hành định kỳ họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh mới nổi để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Các đơn vị tổ chức thường trực phòng chống dịch bệnh 24/24 giờ. Vì thế, người dân không nên quá hoang mang.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện Việt Nam không có đường bay thẳng từ Châu Phi về nên việc tổ chức giám sát người đến từ vùng có dịch rất khó khăn. Sở Y tế đã chỉ đạo giám sát tất cả những hành khách đến từ châu Phi rải rác tại tại tất cả các chuyến bay thông qua hộ chiếu, đồng thời tiến hành phân loại hành khách.

“Nếu khách đến các khu vực dân cư thì trung tâm y tế các quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm giám sát. Nếu về khách sạn, nhà nghỉ thì chúng tôi cử người phối hợp với cơ chính quyền địa phương. Thời gian giám sát trong vòng 21 ngày. Nếu khách về các tỉnh khác thì chúng tôi báo cáo với Cục Y tế dự phòng để Cục thông báo cho các địa phương đó và ngược lại”, ông Hiền cho biết.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp không đưa lao động sang các nước có dịch hoặc có khả năng lây lan. 4 nước đang có dịch Việt Nam không có lao động.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố; doanh nghiệp du lịch, tạm dừng đưa khách đến các vùng dịch; có biện pháp phòng bệnh và đảm bảo sức khỏe cho hành khách. Đồng thời Bộ cũng xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh trong ngành du lịch.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 10/8 đã có 184 lao động Việt Nam từ Lybia về nước, trong đó có 26 người Hà Nội. Hà Nội đã giám sát tại cộng đồng 26 công dân này và thông báo cho các tỉnh, thành số hành khách còn lại.

Việc cách ly tại cộng đồng do người dân thực hiện nếu chưa biểu hiện bệnh mà chỉ đi từ vùng dịch về. Khi có trường hợp nghi ngờ, trước mắt sẽ được chuyển về cách ly tại những cơ sở có điều kiện tốt nhất. Tại Hà Nội, bệnh nhân sẽ đưa vào thẳng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - nơi có điều kiện cách ly tốt nhất; miền Trung là vào Bệnh viện Trung ương Huế, Đà Nẵng; miền Nam là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Các tỉnh có bệnh nhân đưa về thẳng bệnh viện đa khoa tỉnh. Tất cả nhân viên y tế phải ứng xử như thể đã có bệnh nhân.

Hiện hầu hết các cửa khẩu đã áp dụng tờ khai y tế, sớm hơn so với yêu cầu Bộ Y tế. Sáng 11/8, Bộ Y tế và UBND TP.Hà Nội đã kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh tại sân bay Nội Bài. Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế có 2 phòng cách ly với các thiết bị cấp cứu cần thiết, 2 máy kiểm tra thân nhiệt hoạt động tốt.

An Dũng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot