Sợ bị cha đánh, đứa bé 5 tuổi ngày ấy không dám về nhà rồi thất lạc đến 2 lần. Khổ tâm cho người chị cứ ngỡ mình có lỗi, tìm em suốt cả cuộc đời…
Trong số mới nhất của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, khán giả đã được chứng kiến câu chuyện cảm động của gia đình bà Phạm Thị Mỹ Não (sống tại U Minh, Cà Mau) trong hành trình tìm em trai suốt 52 năm. Trong những năm tháng qua, bà Não luôn tự trách bản thân, vì mình mà em trai mới thất lạc.
Bà Mỹ Não lên chương trình tìm em trai.
2 lần em bỏ nhà đi, có phải là lỗi của chị?
Ông nội bà Mỹ Não là cụ Phạm Hữu Thường, làm nghề nho y lâu năm ở vùng đất Vĩnh Long. Cụ Thường có 3 người con trai, sau khi 2 con đầu mất, cụ dẫn người con trai út tên là Phạm Hữu Nghĩa (cha của bà Mỹ Não) xuống ghe, treo bảng Tình Nghĩa Đường và rong ghe xuôi xuống rừng U Minh hành nghề chữa bệnh, bán tạp hóa. Cụ Thường dặn các con cháu, nếu muốn tìm nhau thì cứ tìm đến Tình Nghĩa Đường.
Cụ Thường mất, con trai nối nghiệp cha làm thầy thuốc đông y, sống trên ghe Tình Nghĩa Đường, xuôi về vùng Năm Căn (Cà Mau). Cuộc sống nay đây mai đó trên sông nước, cụ Nghĩa và vợ đã mất hai con, chỉ còn 1 người con gái là bà Mỹ Não. Đến năm 1965, họ có thêm con trai, đặt tên là Phạm Hữu An.
Ông An năm nay đã 59 tuổi.
Vào lúc ông An 5 tuổi, đã có chuyện xảy ra trong nhà khiến bà Mỹ Não dặn em tan học đừng về nhà mà hãy ra bến xe ở tạm, cha biết cha đánh nên tạm thời lánh đi. Thế nhưng sau đó, ông An đã mất tích, cả nhà đi tìm mà không có tung tích gì.
Bất ngờ 20 năm sau, ông An tìm về Tình Nghĩa Đường, cùng vợ và con gái 5 tuổi. Cụ Nghĩa đã ngã ngất đi khi nhận ra con. Cụ mua mảnh đất làm nhà cho gia đình ông An ở, còn đặt tên cháu là Phạm Ngọc Tâm. Bà Mỹ Não cũng hướng dẫn các em làm ăn, sinh sống tại quê hương. Cụ Nghĩa muốn truyền nghề đông y cho con trai nhưng không kịp…
Chỉ khoảng 2 năm sau, ông An bí mật đưa vợ và con gái đi mất, không để lại 1 lời nhắn. Chẳng ai hiểu lý do vì sao ông An lại làm như vậy? Bà Mỹ Não vẫn luôn tự trách bản thân, là vì mình mà em phải bỏ nhà đi tới tận 2 lần. Hành động này đã khiến cụ Nghĩa quá đau buồn, lâm bệnh nặng rồi mất.
“Ngày cha mất, cha dặn tôi có điều kiện cứ đi tìm em, mà tôi tìm hoài nhưng không thấy em đâu. Giờ chỉ mong tìm được em, cho em về với cội nguồn, cho cha tôi yên lòng nhắm mắt”, bà Mỹ Não nghẹn ngào chia sẻ.
Đứa trẻ ngày ấy đã trở về trong vòng tay chị…
Bà Mỹ Não hiện vẫn sống tại mảnh đất cha ông để lại, làm kinh doanh trong ngành quảng cáo. Bà lập nhóm thiện nguyện, cùng các nhà hảo tâm xây cầu tặng bà con. Việc xây cầu giúp người dân đi lại thuận tiện, nhưng mục đích thứ hai còn là vì bà muốn đi nhiều nơi, hỏi nhiều chỗ để tìm em.
Bà Mỹ Não xem ông An là đứa em nhỏ bất hạnh, bởi gần 60 năm cuộc đời ông chỉ được sống với gia đình có vài năm ngắn ngủi. Và sau 52 năm với 2 lần thất lạc, ông An đã trở về trong vòng tay người chị thân thương.
Giây phút đoàn tụ, cả hai nghẹn ngào trong nước mắt.
Lúc bấy giờ ông An mới trải lòng để giải tỏa nỗi trăn trở bao lâu nay của chị. "Lúc đó khổ, em cần tình thương của gia đình. Hồi đó em hiểu lầm chị, hiểu lầm cha. Chứ em biết cha nghèo như vậy em không đi đâu. Em ở trong nhà để cha, chị lo cho em bữa ăn là được rồi", ông An nghẹn ngào.
Được biết, sau khi bỏ nhà đi lần thứ 2, ông An đã đưa vợ và con gái về U Minh Thượng (Kiên Giang) rồi đi khắp nơi sinh sống. Đến năm 2016, gia đình ông tới đảo Phú Quốc, vợ bị bệnh mất năm 2020. Sau này ông có nhận bố mẹ nuôi và đổi tên thành Châu Ngọc An.
Gia đình bà Mỹ Não và ông An đã được hội ngộ.
Trong giây phút nghẹn ngào, ông An rơi nước mắt nói với chị: "Em sợ bị đòn roi nên em bỏ đi, em biết mình có lỗi rồi. Cha mất 6 tháng sau em mới biết. Em sợ người đời nói, em mặc cảm đủ điều nên không dám về".
Bà Mỹ Não vội ôm em thì thầm: "Cha mẹ tha thứ cho em hết. Trước lúc ra đi cha mẹ có dặn là ráng tìm cho được em và nếu có điều kiện như thế nào cố gắng dìu dắt em. Em là đứa nhỏ bất hạnh, không có gì đáng để buồn hết. Bằng tất cả tình thương, chị tìm em suốt mấy mươi năm. Cả cuộc đời chị tìm em rồi, An ơi!".
Và thế là người đàn ông 59 tuổi bỏ nhà đi biền biệt bao năm, nay đã trở về khóc trong vòng tay chị.
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly