Xưa nay, gia đình bà Bình chỉ ăn một bữa tối, nói là bữa cho sang, thực tế chỉ có rau hoặc 1-2 bìa đậu với cháo loãng.
Ở thôn Nội Lễ, xã An Viên (Tiên Lữ, Hưng Yên), người dân quá đỗi quen thuộc với cảnh sáng sáng xuất hiện 3 người “tí hon” đứng dưới gốc đa… gom rác. “Họ không phải người từ thiên hạ đến đâu. Họ là người trong làng và có hoàn cảnh đặc biệt lắm. Cả 3 đều nhỏ xíu: bà Bình (56 tuổi) với cậu con trai tên Công (20 tuổi) cao chưa đầy 80cm, còn ông Lâm (44 tuổi) – em trai bà Bình cao 1,1m”, chị Lan – một người hàng xóm cho hay.
Hai chị em “tí hon” và tháng ngày bị kỳ thị
Hướng ánh mắt về phía di ảnh bố mẹ trên bàn thờ gia tiên, bà Bình thở dài: “Bố mẹ tôi là người bình thường. Sau đó bố tôi tham gia chiến tranh bị nhiễm chất độc da cam, di truyền và ảnh hưởng đến sức khỏe của hai chị em tôi.
Tôi nhớ năm Lâm lên 3, bố tôi đột ngột qua đời. Mẹ tôi vì quá đau đớn và thương nhớ chồng nên lâm trọng bệnh rồi cũng bỏ chị em tôi ở lại cõi này. Khi ấy bố mẹ để lại cho chúng tôi 3 sào ruộng nhưng tôi chẳng biết phải xoay sở như thế nào vì sức khỏe yếu ớt, không thể cấy cày như người bình thường”.
Bà Bình năm nay đã gần 60 tuổi, mái tóc bắt đầu nhuộm hai thứ màu.
Đến tuổi trưởng thành, hai chị em bà Bình vẫn chỉ như đứa trẻ 5 tuổi, thậm chí sức khỏe càng yếu đi. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, bà vẫn phải dắt díu em trai lang thang khắp nơi xin việc làm. Hễ đến đâu, người ta cũng dè bỉu, nhìn bằng ánh mắt thương hại và lắc đầu từ chối.
“Chỗ nào dán giấy tuyển dụng, chị em tôi đều đến xin nhưng không được nhận. Họ nhìn chúng tôi từ trên xuống dưới bằng ánh mắt kỳ thị rồi nói “Ở đây không tuyển diễn viên… xiếc”. Cuối cùng chúng tôi đành nuốt nước mắt dắt nhau đi ăn xin”, bà Bình nhớ lại.
Cứ thế, hai chị em “tí hon” sống vật vã qua ngày: ăn cơm nguội, uống nước lã và mặc quần áo cũ người ta cho.
Ông Lâm (44 tuổi) và chỉ cao 1.1m.
Năm 20 tuổi, nhìn đám bạn trong xóm lần lượt lên xe hoa về nhà chồng, bà Bình cũng ước ao được vận áo dài, đội khăn voan trắng. Nhưng nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn và ngoại hình xấu xí, người phụ nữ ấy đành tự thức tỉnh.
Những tưởng, tâm hồn của bà Bình sẽ trống trải và cô đơn mãi mãi, nhưng ngờ đâu tình yêu bất chợt… đến. Bà nhớ như in cái ngày được gã trai bảnh bao ở xã bên ngỏ lời yêu bằng lời lẽ ngọt ngào. Rồi bà đồng ý mà không biết rằng, tấn bi kịch cuộc đời đang chờ đợi ở phía trước.
“Biết tin tôi có bầu, hắn hiện nguyên hình là tên sở khanh. Hắn lặn mất tăm, dù tôi đã cố gắng liên lạc. Năm 2000, tôi hạnh phúc đón con trai đầu lòng và đặt tên là Thành Công. Tôi hy vọng sau này thằng bé sẽ có một tương lai xán lạn, không phải sống vất vơ như tôi và cậu của nó”, bà Bình tâm sự.
Bà Bình và cậu con trai tên Thành Công.
Mối tình ngang trái và ước mơ có chút tiền sửa sang ngôi nhà gói cũ
Có thêm đứa con, bà Bình “tí hon” vất vả hơn gấp nhiều lần. Bà không những phải lo cho em trai mà còn chạy từng bữa sữa cho con. Bà chua xót kể: “Tôi không có sữa, cũng chẳng có tiền mua sữa bột. Nhiều đêm thằng nhỏ quấy khóc vì đói, tôi đành nhờ Lâm gõ cửa từng nhà đang nuôi con nhỏ trong làng để xin sữa. Đến khi nó lớn, tôi nấu cháo lấy nước cho uống”.
Bà vừa dứt lời liền cất chất giọng đặc sệt Hưng Yên gọi Thành Công: “Chuẩn bị cơm nước đi nhé, sắp trưa rồi”. Sau đó bà bỗng trầm ngâm một hồi lâu.
“Biết mình mang thai, tôi luôn ước con có chiều cao như người bình thường. Và lúc nó chào đời, tôi đã vỡ òa hạnh phúc khi nhìn thấy chân tay không “dị dạng”. Thế nhưng tháng ngày trôi qua, đôi chân của nó cứ ngắn tủn một mẩu.
Lúc này tôi chắc chắn con mang gen di truyền của bên ngoại. Nhiều đêm tôi nằm khóc thương con nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn, đành chấp nhận số phận đã an bài”, người mẹ nghèo rưng rưng.
Hồi đi học, Thành Công thường xuyên bị bạn bè trêu chọc là người lùn, đồ vô dụng…
Được mẹ chuẩn bị trước tinh thần nên Thành Công đón nhận sự mỉa mai, đùa cợt của người đời rất nhẹ nhàng. Công kể hồi đi học thường xuyên bị bạn bè trêu chọc là người lùn, đồ vô dụng… “Em mặc kệ những lời nói đó. Em thấy mình được sinh ra trên đời, được làm con của mẹ là điều may mắn lắm rồi”. Công nói.
Gia đình khó khăn, Công học hết lớp 9 rồi cùng mẹ và cậu lang thang khắp nơi nhặt ve chai, ai cho gì ăn nấy.
Vài năm trở lại đây, sức khỏe của bà Bình dần yêu, đôi chân không thể đi khắp gom đồng nát. Vì thế bà thường quanh quẩn ở khu vực đền An giúp khách thập phương hóa vàng. “Đền cách nhà khá xa, tôi đều phải đi bộ ra đó, trực người ta làm lễ xong thì xin nắm xôi, miếng thịt để ăn. Sau đó tôi ở lại dọn dẹp đến tối về nhà. Có hôm đền vắng người, tôi uống nước lã cầm bụng”, bà Bình chia sẻ.
Hiện ông Lâm và Thành Công lang thang khắp nơi nhặt ve chai, ai cho gì ăn nấy.
Xưa nay, gia đình bà Bình chỉ ăn một bữa tối, nói là bữa cho sang, thực tế chỉ có rau hoặc 1-2 bìa đậu với cháo loãng. Hiện tại, gia đình bà Bình sống chủ yếu dựa vào số tiền 180.000 đồng/tháng được chính quyền xã trợ cấp theo diện người tàn tật.
Nhắc đến ước mơ, bà Bình nói: “Ở tuổi này, tôi chẳng dám ước mơ gì cao sang, chỉ ước được xã trợ cấp cho chút vốn liếng sửa lại mái nhà. Nhà cũ, ngói hở, mỗi lần mưa xuống 3 người phải trú sát vào góc tường cho đỡ ướt”.