Chuyện tổ chức đám cưới và đám tang cùng lúc tưởng là chuyện hiếm nhưng hóa ra không phải hy hữu.
Đám cưới là đại hỷ, còn đám tang là đại sầu. Không ai muốn 2 chuyện lớn này xảy ra cùng lúc, bởi lựa chọn khi ấy sẽ vô cùng khó khăn. Ấy vậy mà mới đây, chuyện hy hữu này lại xảy ra tại một vùng quê thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Mẹ của chú rể chẳng may qua đời ngay trước ngày cưới của con trai, cuối cùng gia đình đã đưa ra quyết định bất ngờ.
Theo trang Sohu News đưa tin, gia đình chú rể tại Thiểm Tây có các thành viên đều đi làm ăn xa. Trước ngày đám cưới của con trai, mẹ của chú rể đã xin nghỉ làm từ sớm để về nhà dọn dẹp, chuẩn bị cho ngày đại hỷ. Nào ngờ, tai nạn không may đã xảy ra. Trong lúc mẹ chú rể trèo lên mái nhà để quét dọn lá, bà đã sơ ý ngã xuống dưới. Nhìn thấy thi thể mẹ, chú rể không khỏi suy sụp và đau đớn, nhất là khi đám cưới của anh đã sát ngày.
Lúc này, chú rể không chỉ đau buồn trước sự ra đi đột ngột của mẹ mà còn phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Ngày cưới đã đến gần, anh không thể thay đổi kế hoạch được nữa. Tuy nhiên, đám tang của mẹ cũng không thể hoãn lại. Mà theo phong tục địa phương, sau khi tổ chức tang lễ thì gia đình phải 3 năm sau mới được tổ chức hỷ sự. Cuối cùng, sau một hồi phân vân suy nghĩ, chú rể và gia đình đã quyết định tổ chức đám cưới và đám tang cùng một ngày.
Cô dâu và gia đình cũng rất bàng hoàng khi biết tin này. Tuy nhiên, cô dâu là người hiểu chuyện nên rất thông cảm và đồng tình với quyết định của chồng mình, muốn cùng anh làm tròn đạo hiếu.
Trong ngày cưới, cô dâu chú rể không mặc trang phục cưới mà chỉ đeo tấm khăn đỏ, trong nhà không trang hoàng quá nhiều, cũng không tổ chức tiệc cưới rình rang. Sau khi chú rể đón dâu về nhà, cặp đôi tiến hành các nghi lễ đám cưới như thông thường, sau khi xong xuôi liền quay sang quan tài của mẹ chồng để vái lạy. Cuối cùng, đám tang của người mẹ chồng cũng được tổ chức xong xuôi dưới sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm.
Khi câu chuyện này được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng xứ Trung đã tỏ ra rất bất ngờ và choáng váng. Họ không hiểu tại sao gia đình chú rể lại quyết định tổ chức đám cưới và đám tang cùng ngày, còn đặt câu hỏi họ không sợ xui xẻo hay sao, rồi khi nhớ về ngày cưới thì lại nghĩ đến sự ra đi của mẹ.
Sau đó, người dân sống cùng làng với chú rể này đã tiết lộ rằng đây thực ra không phải chuyện hiếm, đã từng xảy ra tại khu vực này. Đây là cách để tưởng nhớ tới người đã khuất, hoàn toàn không phải chuyện cấm kỵ.
Trước đây, vào năm 2015, một sự việc tương tự cũng từng xảy ra tại huyện Sơn Dương, thuộc thành phố Thương Lạc, tỉnh Thiểm Tây. Một chàng trai tên He Bo, 20 tuổi, đã mất bố chỉ 1 ngày trước đám cưới. Bố anh He Bo bị bệnh ung thư phổi, luôn muốn nhìn thấy con trai lập gia thất trước lúc ra đi, nào ngờ đến cuối cùng vẫn không trụ được. Gia đình đã thống nhất sẽ tổ chức đám cưới và đám tang cùng một ngày. Anh He Bo vừa phải khoác lên người bộ lễ phục cưới, vừa phải đội khăn tang trong một ngày. Sau khi đón vợ về nhà và làm lễ thành hôn, anh He Bo cùng vợ tiếp tục lo chu toàn đám tang cho bố để làm tròn đạo hiếu.