Với giá bán "đắt cắt cổ", chỉ những người giàu sang mới dám dùng, nhưng ít ai ngờ đây là những thứ mọc hoang.
Chồi hoa bia, loại rau đắt nhất hành tinh
Chồi hoa bia được mệnh danh là loại rau đắt nhất hành tinh với mức giá 1.000 euro (khoảng 25,5 triệu VND) cho một kg.
Sở dĩ có loại rau này có giá "đắt cắt cổ" là bởi nó rất khan hiếm. Được biết, chồi hoa bia chỉ đâm chồi 1 lần vào mùa xuân, khoảng giữa tháng 3 và tháng 4. Thời gian sống của loại rau này không lâu, nhanh chóng lụi tàn, vì thế nếu không kịp thời thu hoạch kịp thời thì sẽ bị qua mùa vụ. Theo các chủ vườn, tùy vào thời tiết để thu hoạch hoa chồi bia hợp lý trong vòng 14 ngày từ khi hoa chồi bia đâm chồi.
Ngoài ra, hoa chồi bia không phát triển một cách hàng lối, nên người trồng hoàn toàn phải thu hoạch bằng tay và phải rất vất vả mới tìm được những chồi non trong các tán lá. Kích thước của hoa chồi bia rất bé nên phải nhặt hàng nghìn chồi mới mong đầy được chiếc túi.
Do loại rau này khan hiếm và kén chọn môi trường sống nên hoa chồi bia chỉ có thể trồng ở Anh, Bỉ. Thông tin bất ngờ là trước đây hoa chồi bia mọc hoang ở nhiều nơi tại châu Âu từ ven sông đến tận trong rừng. Thậm chí, có thời gian nó còn được xem là đồ bỏ đi. Qua thời gian, thứ bỏ đi này đã trở thành loại rau đắt đỏ. Và do nó mang lại giá trị kinh tế cao nên người dân mang về trồng.
Thoạt nhìn, hoa chồi bia có dáng gần giống với ngọn măng tây, khi ăn sống, nhiều người nói rằng nó không có mùi vị gì đặc biệt nhưng khi nấu chín, hầu hết các đầu bếp nhà hàng đều khẳng định loại rau này có hương vị riêng.
Ớt Aji Charapitahơn nửa tỷ/cân
Ớt được biết đến là loại gia vị quen thuộc của các gia đình, rất dễ trồng và bán ở các chợ với giá rất rẻ. Thế nhưng, có một loại ớt có giá cực kỳ đắt đỏ, bằng cả nửa căn chung cư bình thường ở Việt Nam, đó là ớt Aji Charapita.
Ớt Aji Charapita có nguồn gốc từ Peru, đa phần mọc hoang dại, những năm gần đây nó mang lại giá trị kinh tế cao nên được người dân mang về trồng với mục đích thương mại.
Về hình dạng, giống ớt này bé như hạt đậu. Khi ăn sống, ớt Aji Charapita có vị hoa quả tươi ngon giúp món salad hoặc các loại sốt có hương vị mới lạ hơn hẳn. Thế nhưng, chúng hầu hết được sử dụng ở dạng bột để làm gia vị trong các món ăn khác nhau.
Dù vẫn còn xa lạ ở hầu hết các nước phương Tây, nhưng ớt Aji Charapita được cho là loại gia vị được tìm kiếm rất nhiều với những người nghiện ớt và đầu bếp nổi tiếng ở các nhà hàng 5 sao.
Thật không hề đơn giản để mua được loại ớt Aji Charapita vì 2 lý do. Thứ nhất, loại ớt này rất hiếm gặp ngoài tự nhiên, chỉ dân bản địa, thổ dân hay đi rừng ở Peru mới có cơ hội hái được, hoặc có thể mua hạt giống qua hệ thống bán hàng trực tuyến rồi tự mang về trồng. Thứ 2, ngay cả khi tìm được người bán, giá của nó cũng khiến bạn e ngại.
Vì số lượng rất ít, ngày nay loại quả này được một số nước Châu Âu, Nam Mỹ trồng trong nhà kính áp dụng công nghệ cao với mục đích thương mại.
Được mệnh danh là “bà hoàng của các loại ớt”, ớt Aji Charapita có giá thấp nhất là 25.000USD (gần 560 triệu đồng)/kg - một mức giá gần như không tưởng cho loại gia vị rất quen thuộc trong cuộc sống. Tùy từng thời điểm, nó sẽ được bán với giá cao hơn.
Loại nấm được ví như kim cương
Cách đây vài năm, trong một phiên hội chợ tại New York (Mỹ), một cây nấm truffle nặng khoảng 2kg được đưa ra đấu giá. Thương gia Đài Loan đã mua cây nấm này với giá 61,250 USD (khoảng 1,4 tỷ). Nhiều đại gia tỏ ra tiếc nuối khi không được sở hữu cây nấm đặc biệt này và cho rằng giá này vẫn còn khá rẻ cho những chiếc nấm có kích cỡ to như vậy. Trong tất cả các loài nấm, Truffle chính là loại quý hiếm và đắt đỏ bậc nhất vì chúng gần như không thể gieo trồng, chỉ mọc dại tại một số vùng nhất định ở châu Âu.
Vì có giá siêu đắt và cực kỳ quý hiếm nên nấm truffle chỉ xuất hiện ở những nhà hàng thượng hàng trên thế giới và bạn phải chi trả rất nhiều cho các món ăn chỉ có vài miếng nấm ít ỏi. Vậy món ăn này thực sự có gì mà đắt đỏ đến vậy?.
Nấm truffle hay còn gọi là nấm cục, không mọc trên mặt đất mà ẩn mình sâu trong lòng đất, hoặc ký sinh trong rễ cây sồi, hạt dẻ, thông, hồ đào... Nhiều chuyên gia cho rằng, có lẽ chính vì thế nên loại nấm này kết tinh tất cả những gì tinh hoa nhất từ yếu tố đất và trở nên đặc biệt.
Kích thước và hình dáng của nấm truffle không đồng nhất, thịt nấm lồi lõi thất thường, khoảng một nắm tay em bé. Nếu không quan sát kỹ, nhiều người sẽ nghĩ đó là một cục đất đá.
Có khoảng 63 loại nấm truffle khác nhau trên toàn thế giới, tuy nhiên loại có giá trị cao nhất là truffle trắng của Italy. Mùa thu hoạch chúng rơi vào tháng 10 đến cuối tháng 12. Tùy tùy loại mà nấm truffles sẽ có các mức giá khác, giao động từ vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng cho một kg.
Săn tìm nấm truffle là một công việc cần có kỹ năng và kiến thức được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Thậm chí, người ta còn dùng cả chó nghiệp vụ đánh hơi để tìm kiếm. Ngoài ra, nấm truffle rất kén đất và không thể trồng được, chủ yếu nó mọc dại ở một số khu vực có thổ nhưỡng phù hợp ở châu Âu. Chính vì điều này mà việc tìm nấm truffle thường hay được ví von như đào vàng, đào kho báu.