Có nhiều trường hợp nghiện điện thoại, facebook nhập viện trong tình trạng rất nặng phải điều trị dài ngày, nguyên nhân do gia đình phát hiện và đưa đến viện muộn.
10 ngày 5 bệnh nhân nhập viện do nghiện điện thoại
Trong những ngày qua, nhiều trường hợp nghiện điện thoại, nghiện facebook phải nhập viện tâm thần điều trị, các bác sĩ cho biết đa số các bệnh nhân này đều còn rất trẻ và khi nhập viện đã ở giai đoạn nặng, nên sẽ mất thời gian dài điều trị.
PGS.TS.BS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) cho hay, liên tiếp trong vòng 10 ngày qua khoa tiếp nhận 5 trường hợp nhập viện do mắc các chứng rối loạn tâm thần vì nghiện điện thoại.
Điều đáng nói các bệnh nhân này còn rất trẻ, trường hợp nhiều tuổi nhất mới chỉ 27 tuổi.
Rất nhiều người trẻ nhập viện tâm thần do nghiện facebook, điện thoại.
Còn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, TS.BS Tô Thanh Phương – PGĐ bệnh viện thông tin, hiện tại khoa Cấp tính nữ đang điều trị cho 3 trường hợp mắc chứng trầm cảm do nghiện facebook, điện thoại.
Trong đó có những trường hợp rất nặng, bố mẹ phải cưỡng chế bằng cách đánh thuốc mê, sau đó cho vào viện điều trị. Khi nhập viện, bệnh nhân không hợp tác trong điều trị, khiến gia đình và bác sĩ gặp nhiều khó khăn.
Ngoài trường hợp trên, TS Phương cho biết thêm, có những trường hợp nhỏ tuổi nhưng đã nghiện mạng xã hội facebook. Điển hình là trường hợp một bé trai mới 11 tuổi (ở Hà Nội), bố mẹ phải đưa vào viện để “cai nghiện” facebook.
Học sinh, sinh viên là đối tượng sử dụng facebook và dễ bị nghiện.
Theo TS Phương, bé trai này được bố mẹ mua và sử dụng điện thoại từ khá sớm, cách đây 2 năm khi cháu bé mới 9 tuổi đã tham facebook khá sành sỏi.
Gia đình ngỡ cháu thích công nghệ nên đăng ký cho cháu học các lớp văn hóa hè ở Hà Nội thay vì về quê. Không ngờ cháu trốn học liên tục, giả ốm để về nhà nằm ôm điện thoại.
Mẹ bé trai này chia sẻ, hàng năm khi nghỉ hè gia đình đều cho cháu về quê ở Nghệ An chơi với ông bà hai tháng, nhưng năm nay dù khuyên bảo thế nào cháu vẫn không chịu về quê mà nhất quyết ở lại thành phố vì sợ về quê thì không có Internet chơi điện thoại.
Có những trường hợp đang học cấp 1 đã nghiện facebook phải nhập viện tâm thần.
Sau kỳ nghỉ hè, bé trai này bắt đầu thay đổi tính tình, hay nổi cáu, thường xuyên đánh bạn ở lớp. Qúa lo lắng nên bố mẹ đã đưa đi khám bác sĩ, sau đó cắt internet, cấm dùng điện thoại…
Bất ngờ khi cách ly điện thoại và mạng xã hội 2 ngày, bé trai này lên cơn co giật, nhất xỉu gia đình phải nhanh chóng đưa vào viện điều trị.
Những dấu hiệu nào cần đi khám
TS Phương cho rằng, việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng lo lắng, bất an gia tăng, bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống…lâu dần sẽ sinh ra bệnh.
Hiện nghiện facebook chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Để kiểm tra bản thân, hoặc con em có bị nghiện, lệ thuộc facebook hay không nên chú ý đến một biểu hiện dưới đây:
- Đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook nhưng không thành công. Cảm thấy có sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều
- Bạn, con em bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng Facebook.
- Sử dụng Facebook rất nhiều, đến nỗi làm tác động tiêu cực đến công việc, học tập.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị chứng nghiện facebook. Nếu nhận thấy mình có nguy cơ, bác sĩ cảnh báo nên dừng sử dụng facebook, có thể cần sự can thiệp về tâm lý.
Tâm lý được xem là liệu pháp nhận thức giúp người bệnh tự ý thức được vấn đề của mình.