“Nhân lúc mẹ tôi mang bầu bị nghén nặng, lại thêm bệnh sốt xuất huyết phải sang một ngôi nhà khác dưỡng thai, cô ta đã lén lút qua lại với ba tôi", chị Kim Chi nói.
Giúp đỡ người khác trong lúc họ gặp khó khăn là một nghĩa cử cao đẹp song trên thực tế có nhiều trường hợp kẻ được giúp đỡ đã “lấy oán báo ân”, đẩy người cưu mang mình vào hoàn cảnh không ai ngờ, điển hình như câu chuyện dưới đây.
Nhớ lại câu chuyện buồn của gia đình, chị Kim Chi (SN 1973) kể: “Mẹ tôi tên Lơ, quê ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Sau khi mẹ kết hôn với ba và sinh ra chúng tôi, cả gia đình đã chuyển vào Định Quán (Đồng Nai) lập nghiệp. Ba mẹ mua một căn nhà rất lớn để an cư.
Tôi nhớ hồi đó mẹ tốt tính lắm! Khi thấy người phụ nữ dắt theo 2 con nhỏ đến Định Quán tìm việc không có chỗ ăn chỗ ở, mẹ đã rủ lòng thương đưa họ về nhà nương nhờ. Bà bảo không cam lòng khi nhìn 2 đứa trẻ không cha phải lang thang, ngủ trong rẫy. Ba tôi cũng gật đầu đồng ý vì dù sao nhà rộng ở không hết, giúp đỡ người ta lúc hoạn nạn coi như làm phước”.
Những tưởng hành động cưu mang của bà Lơ sẽ được người ta nhớ ơn suốt kiếp. Nào ngờ, người phụ nữ 2 con kia đã nhẫn tâm “đâm sau lưng”, đẩy bà và các con của bà sang một trang đời mới đầy bi kịch.
Chị Kim Chi buồn tủi nhớ lại chuyện ngày xưa của cha mẹ.
“Nhân lúc mẹ tôi mang bầu bị nghén nặng, lại thêm bệnh sốt xuất huyết phải sang một ngôi nhà khác dưỡng thai, cô ta đã lén lút qua lại với ba tôi. Dân làng đồn ra đồn vào song mẹ tôi không tin.
Khi bà khỏe lại, trở về nhà thì “gạo đã nấu thành cơm”, cô ta đã có con với ba tôi. Từ đó mẹ con tôi phải chịu cảnh chung chồng chung cha”, chị Kim Chi nhớ lại.
Sống chung một nhà với nhau, bà Lơ nhẫn nhịn chịu cảnh đêm đêm chồng ngủ cùng vợ nhỏ và con riêng. Có bữa bà khóc cả đêm rồi ân hận vì đã cưu mang 3 mẹ con “tiểu tam”. Bà không ngờ tấm lòng thương người của bà lại nhận kết cục như thế này.
Chị Kim Chi nói: “Chung sống hơn 1 năm, mẹ tôi và cô ta thường xuyên xảy ra cãi vã. Cuối cùng ba tôi quyết định dẫn theo vợ nhỏ và các con rời khỏi nhà, bỏ mặc 4 mẹ con tôi. Mẹ tôi bị phản bội nhưng chưa bao giờ hết yêu thương chồng, luôn hi vọng một ngày nào đó ba tôi nhận ra lỗi lầm của mình và quay trở về”.
Bị chồng ruồng bỏ, bà Lơ và 3 đứa con cứ nương tựa vào nhau. Bà làm đủ thứ nghề để có tiền nuôi nấng các con lớn khôn. Sau đó vài năm, mẹ chồng bà lên Đồng Nai tìm và ngỏ ý đưa 4 mẹ con bà về Đồng Tháp sống. Bà đồng ý vì vẫn le lói hi vọng chồng quay trở về.
Tấm ảnh duy nhất của bà Lơ mà chị Kim Chi có được.
Đến nơi, bà Lơ lần nữa đớn đau khi hay tin mấy năm qua chồng và vợ nhỏ sống ở quê. Bà không ngờ rằng chồng dẫn người lạ về sinh sống như vợ chồng mà bên nội lại chấp nhận. Bà quyết định gửi con cho mẹ chồng chăm sóc để lên thành phố kiến tiền. Bà đi từ bữa đó và không bao giờ trở về.
“Hồi ấy, tôi còn quá nhỏ để thấu hiểu hết nỗi cay đắng của mẹ. Khi lớn lên và lập gia đình, tôi mới cảm nhận hết tủi nhục, nỗi đớn đau ấy.
Ngày mẹ đi tôi cũng không biết mẹ sẽ đi mãi mãi. Đến năm 15 tuổi, tôi đi ở đợ cho người ta, thấy cảnh tụi trẻ có đủ cha đủ mẹ mới thấy hối hận vì sao ngày xưa không đi tìm mẹ. Tôi nhớ mẹ nhưng chẳng biết mẹ ở đâu để đến gặp”, chị Kim Chi trải lòng.
Nhắc đến chuyện có giận mẹ hay trách cha không, người phụ nữ 49 tuổi mỉm cười bảo phận làm con không có quyền oán than bậc cha mẹ. Hiện cha chị vẫn sống cùng vợ nhỏ. Chị thi thoảng liên lạc nhưng ít có dịp về thăm. “Em út của tôi đã qua đời. Còn tôi miệt mài đi tìm mẹ nhưng bặt vô âm tín. Tôi về quê của mẹ, nghe người ta bảo mẹ sống ở Bình Dương, Bình Phước. Tôi cũng đi tìm. Đến giờ tôi chỉ mong gặp mẹ để được báo hiếu tuổi già. Cả cuộc đời bà đã quá khổ, giờ là lúc được các con các cháu chăm sóc, phụng dưỡng. Vậy mà...
Nếu bà còn sống, giờ khoảng 74-75 tuổi. Tôi mong ai đó biết bà ở đâu hãy chỉ giúp tôi. Tôi rất mong được gặp và gọi hai tiếng “Mẹ ơi!””, chị Kim Chi bật khóc.
Không được sống – ở bên mẹ như những người khác, vì thế chị Kim Chi luôn khát khao một ngày được gặp lại bà Lơ. Hi vọng rằng, trong tương lai gần nếu ai đó biết được thông tin của bà sẽ liên lạc với chị để hai mẹ con có cơ hội đoàn viên sau hàng chục năm thất lạc.