Nhiều người tỏ ra khá e dè đối với loại mít này bởi không rõ mục đích của người bán là gì và có ảnh hưởng tới sức khỏe con người hay không?
Từ trước đến nay, mít là loại quả được rất nhiều chị em yêu thích, có thể ăn luôn khi chín hoặc làm chè, sấy hay làm xôi mít. Nếu như mít quê chỉ có 1 mùa trong năm thì chị em có thể mua mít Thái quanh năm với giá chỉ từ 25-60.000 đồng/kg, cả quả, cắt miếng hoặc tách múi.
Tuy nhiên, đối với mít Thái, người tiêu dùng thường thấy mỗi quả mít đều bị cắt một miếng bằng lòng bàn tay và được che lại bằng một loại bột màu trắng. Nhiều người khá e dè, thậm chí không dám mua loại mít này vì cho rằng mít bị cắt đầu và bôi thuốc thúc chín, không tốt cho sức khỏe.
Mít Thái được bày bán quanh năm với giá chỉ từ 25.000 đồng/kg.
Với vai trò là một người nông dân, vừa trồng mít Thái vừa phân phối cây giống với hơn 10 năm gắn bó với các loại giống cây trồng, anh Trần Văn Thanh Dũng, trú tại ấp Long Vinh, xã Long Thới (Chợ Lách, Bến Tre) cho biết, cách vạt đầu như vậy thực chất là để kiểm tra chất lượng quả mít để định giá mít thuộc loại 1, loại 2 hay loại 3.
“Khi thu mua, thương lái sẽ cắt một góc vuông trên đầu, gần với cuống quả mít để kiểm tra độ già của quả mít, kiểm tra độ to và dày của múi mít, kiểm tra màu sắc và bên trong quả mít có bị xơ đen hay không. Bởi vì, mít Thái là giống mít cho năng suất và chất lượng cao nhưng lại rất dễ bị xơ đen”, anh Dũng cho hay.
Thực chất, mít được cắt vạt đầu là để kiểm tra chất lượng có đạt tiêu chuẩn để xuất bán hay không.
Khi mít Thái bị xơ đen sẽ bị lép múi, sượng, nhanh hỏng và không có vị ngọt thơm đặc trưng nên chuyển sang hàng loại với giá trị thấp. Hơn nữa, khi vạt đầu thấy mít vẫn non, thương lái cũng sẽ không mua.
Về chất trắng bôi vào chỗ vạt đầu, ông Dũng khẳng định đó là vôi tôi (hay còn gọi là vôi ăn trầu) được bôi để ngăn việc xâm nhập của vi khuẩn qua vết cắt.
Dẫn chứng từ bản thân mình, ông Dũng cho biết, gia đình ông vẫn đang xuất khẩu mít sang Trung Quốc. Quả mít từ lúc hái đến khi qua đến Trung Quốc là tầm 7 ngày, chưa kể đến các khâu phân phối khác nên thúc chín là chuyện bất hợp lý, trái chín sẽ không thể bán kịp. Vì thế, không có chuyện người dân bơm thuốc thúc chín.
Những nhà vườn trồng mít với số lượng lớn, mỗi lần xuất đi cả nghìn quả mít và cũng phải vạt đầu.
“Nhiều người không hiểu lại cho rằng mít bị cắt đầu, bôi chất trắng là thuốc để thúc chín. Tuy nhiên, thông tin là con dao hai lưỡi, có thể thúc đẩy sự phát triển hoặc vùi dập tất cả. Người nông dân đã rất vất vả và khổ cực để làm ra sản phẩm rồi nên người truyền đạt thông tin phải rõ ràng, tránh nhầm lẫn, gây thiệt hại cho người trồng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đối với những nhà vườn sản xuất uy tín thì ngay cả khâu thu mua cũng đều được kiểm soát chặt chẽ đến khi đưa vào chế biến, xuất khẩu hay vào trong các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch.
Tuy nhiên, cũng không ít người vì lợi nhuận mà sử dụng các loại hóa chất để bơm hay bôi vào cuống mít nhằm thúc mít chín chỉ trong 1 ngày. Không rõ họ dùng thuốc gì, có độc hay không, từ đó gây nên tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
Chính vì vậy, để tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua mít cũng như các loại trái cây ở những địa chỉ uy tín và có địa chỉ rõ ràng.