Thạc sĩ Lê Việt Sơn – trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai khá bất ngờ vì từ trước đến nay trong y văn chưa có một điều nào ghi tác dụng của hành tím có thể làm mù mắt.
Cần khám cho các bệnh nhân
Theo thông tin từ Sở Y tế Sóc Trăng thì đúng là hiện nay khu vực thị xã Vĩnh Châu có số người mù cao hơn khu vực khác nhưng họ cho rằng không phải do hành tím.
Người dân lo lắng nguy cơ mù lòa do hành tím và thuốc bảo quản.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Lê Việt Sơn – trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai cho biết khi nghe thông tin người dân làm hành tím có thể gây mù mắt thạc sĩ Sơn khá bất ngờ vì từ trước đến nay trong y văn chưa có một điều nào ghi tác dụng của hành tím có thể làm mù mắt.Khi bóc hành tím, người ta có cảm giác cay mắt và chảy nước mắt đó là theo phản xạ của mắt nhưng phản xạ này không thể lâu dài vì khi mắt không chịu nổi nữa họ sẽ không thể làm được.
Thạc sĩ Sơn dự đoán có thể mù mắt do các bệnh thiên đầu thống và bệnh đục thủy tinh thể. Hiện nay ở các tỉnh khác tỷ lệ người dân bị mù mắt do hai nguyên nhân này đang rất nhiều. Tuy nhiên với tỉnh Sóc Trăng, bác sĩ Sơn cho rằng nên làm một cuộc điều tra tổng thể.
Theo bác sĩ Sơn cần có các chương trình khám mắt cho bà con để dự đoán và tìm nguyên nhân gây mù mắt để đưa ra các chương trình phòng chống mù lòa cho người dân. Việc khám mắt này không tốn kém và không mất nhiều thời gian. Nếu địa phương hay các tổ chức từ thiện tổ chức được các đoàn bác sĩ chuyên ngành nhãn khoa về khám cho bà con là điều cần thiết và thực tế nhất.
Để nghiên cứu một vấn đề, thạc sĩ Sơn cho rằng cần rất nhiều thời gian có thể lên đến vài năm để đưa ra kết luận cuối cùng nguyên nhân vì đâu.
Nói đến chất bảo quản hành bằng đất sét và thuốc trừ sâu Mipcin mà bà con xem đây là nguyên nhân khiến họ bị ảnh hưởng bởi thị lực, thạc sĩ Sơn cho biết nếu là thuốc trừ sâu trong bảo quản thì tác động đến người ăn nhiều hơn là tác động qua không khí bay vào đường mắt.
Còn một bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương cho rằng bây giờ kết luận mù do hành tím hay do viêm mắt là rất khó mà cần có nghiên cứu cụ thể. So sánh số người ở vùng này so với vùng khác có tỷ lệ mù lòa như thế nào. Nếu đúng là tỷ lệ mù lòa ở vùng này cao thì thử làm nghiên cứu đối chứng giữa việc trồng hành của bà con nơi đây với bà con địa phương khác.
Vị bác sĩ này khẳng định để đưa ra kết luận cho việc người dân bị mù do hành hay do bệnh cần khám cho bệnh nhân. Có thể đưa bệnh nhân đi khám các chuyên khoa mắt để tìm nguyên nhân gây mù lòa do thiên đầu thống hay do đục thủy tinh thể và các bệnh lý khác.
Trong y văn nhãn khoa, chưa có một thông tin nào nói đến việc hành có thể gây mù lòa. Việc bóc hành có hăng lên mắt cũng thể. Ở góc độ nào đó, vị bác sĩ này cho rằng ngành y địa phương cần có những nghiên cứu và kết luận cụ thể tìm ra nguyên nhân để có cách phòng ngừa mù lòa trong cộng đồng.
Chưa biết nguyên nhân vì sao
Trao đổi với chúng tôi, đại diện của phòng y tế thị xã Vĩnh Châu cho biết thực sự ở đây người dân bị mù cao hơn địa phương khác thật. Còn thông tin người dân dùng thuốc trừ sâu trong bảo quản hành, vị đại diện này cho rằng không đúng. Ngày xưa người dân có sử dụng thuốc Mipcin để bảo quản hành nhưng nay họ không dùng. Một số ít hành để làm giống mới được trộn phấn hoa (gồm đất sét và thuốc trừ sâu) để bảo quản hành.
Nếu đối với bệnh Thiên đầu thống, những người trên 35 tuổi (tuổi càng cao, khả năng bị càng lớn); những người ruột thịt của bệnh; bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân); những bệnh nhân có bệnh toàn thân (như: đái tháo đường, cao huyết áp ...); những người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn thiên đầu thống.
Đối với bệnh đục thủy tinh thể, GS Đỗ Như Hơn – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết đây là một căn bệnh rất phổ biến tại Việt Nam. Căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam. Hiện cả nước có đến 251.700 người mù cả hai mắt do đục thể thủy tinh thể và mỗi năm cả nước có thêm khoảng 170.000 trường hợp cần được điều trị do căn bệnh này.
Đáng nói, đa phần người bệnh đều rất chủ quan, cho rằng thị lực giảm chỉ là dấu hiệu của tuổi già nên không đi khám bệnh, không chữa trị. Và rất nhiều người trong số đó (35%) không biết mình bị đục thủy tinh thể hoặc nếu biết, cũng cho rằng đó là bệnh không thể điều trị khỏi. PGS Hơn nhấn mạnh “Cần phải khẳng định, đục thủy tinh thể có khả năng chữa khỏi. Nếu phát hiện sớm, việc điều trị vô cùng đơn giản bằng kỹ thuật mổ Phaco, thị lực của bệnh nhân phục hồi tốt”.