Hệ Cambridge ở trường công và các trường quốc tế: Những trường đại học nào ở Việt Nam chấp nhận chứng chỉ A Level?

H.A - Ngày 07/07/2023 16:18 PM (GMT+7)

Học chương trình Cambridge cùng với chương trình Việt Nam mục đích chính là song ngữ, với mục tiêu học tiếng Anh học thuật cho các môn khoa học và học các môn khoa học bằng tiếng Anh.

Hệ Cambridge ở trường công và các trường quốc tế: Những trường đại học nào ở Việt Nam chấp nhận chứng chỉ A Level? - 1

Chương trình tiếng Anh Cambridge triển khai ở Việt Nam thế nào?

Chia sẻ với PV, Thạc sĩ giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho biết: Hiện nay trong hệ thống trường công lập, có một hệ chương trình quốc tế được đặt trong trường công. Đó là chương trình tiếng Anh tích hợp ở TP.HCMchương trình song bằng ở Hà Nội.

Chương trình tiếng Anh tích hợp bắt đầu sớm hơn. Tên gọi chính thức của nó là “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”. Tiền thân của chương trình này là chương trình tiếng Anh Cambridge do tổ chức EMG Education mua bản quyền của Cambridge International Examinations (CIE) và triển khai tại các trường công lập ở một số tỉnh thành từ năm 2010, học phí 150 USD/tháng.

Ở bậc tiểu học, học sinh hiện nay học 8 tiết 1 tuần với giáo viên nước ngoài (4 tiếng Anh, 2 Toán, 2 Khoa học). Lên trung học, học sinh học 15 tiết bằng tiếng Anh mỗi tuần, và dự thi IGCSE cuối lớp 11. Chương trình không học tiếp lên A level. Đến nay chương trình tích hợp đã phát triển trong một mạng lưới các trường ở TP.HCM, bao gồm cả những trường nổi tiếng như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa…

Ở Hà Nội, có một chương trình quốc tế khác được triển khai trong trường công. Đó là chương trình song bằng, dạy các môn của chương trình Cambridge cho học sinh công lập. Năm 2017, chương trình được thí điểm dạy ở 2 trường chuyên là Amsterdam và Chu Văn An cho bậc phổ thông trung học với hình thức song bằng tú tài (thí điểm đào tạo chương trình song bằng). Học sinh học 5 môn A level.

Sau đó, năm 2018 chương trình được mở rộng sang cấp trung học cơ sở ở 7 trường khác nhau: Chu Văn An, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên, Thanh Xuân và hệ trung học cơ sở của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Chương trình song bằng học 15 tiết tiếng Anh/tuần.

- Bậc THCS học 4 môn: Toán, Vật lý, Tiếng Anh (như ngôn ngữ thứ hai) và Công nghệ thông tin (ICT), cuối lớp 9 thi chứng chỉ IGCSE (sớm hơn 1 năm so với chuẩn Cambridge).

- Bậc THPT học sinh học 5 môn hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Kinh tế và tiếng Anh học thuật, cuối lớp 12 thi chứng chỉ tú tài A level. Học phí cấp trung học cơ sở khoảng 50 triệu/năm học 9 tháng (5,6 triệu/tháng), và trung học phổ thông khoảng 70 triệu/năm học 9 tháng (7,5 triệu/tháng). Tuy nhiên, năm 2021 chương trình được công bố sẽ ngừng “thí điểm” sau 3 năm thực hiện ở cấp THCS vì lý do đơn vị đối tác tổ chức chương trình gặp khó khăn khi sắp xếp giáo viên trong thời gian dịch bệnh.

Khi học sinh trường công học thêm 1 trong 2 chương trình nói trên, về bản chất không khác gì nhiều so với các trường song ngữ. Cambridge là một chương trình rất thích hợp cho thiết kế chương trình song ngữ, vì nó không bó buộc số môn học và số chứng chỉ thi. Tùy quỹ thời gian của mỗi trường mà có thể dạy 1-5 môn Cambridge.

Hệ Cambridge ở trường công và các trường quốc tế: Những trường đại học nào ở Việt Nam chấp nhận chứng chỉ A Level? - 2

Các trường quốc tế hoàn toàn thường dạy từ 7 đến 11 môn IGCSE và 3-5 môn A level cho học sinh. Mỗi môn Cambridge chuẩn thường cần học trong khoảng 5-7 giờ mỗi tuần cho môn nặng, và 3-5 giờ cho môn có nội dung nhẹ hơn.

Các trường tư thục song ngữ Cambridge có khá nhiều, thường dạy 20 - 22 tiết chương trình Việt Nam mỗi tuần và 15 - 20 tiết chương trình Cambridge. Ở Hà Nội có các trường Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Newton, Wellspring, Vinschool, Horizon, JIS, VAS, …, còn ở TP.HCM có các trường VAS, Vinschool, Horizon, Emasi, Royal School…

Điểm cộng của việc học hệ Cambridge

"Học chương trình Cambridge cùng với chương trình Việt Nam mục đích chính là song ngữ, với mục tiêu học tiếng Anh học thuật cho các môn khoa học và học các môn khoa học bằng tiếng Anh. Chương trình này cũng cho phép lấy chứng chỉ quốc tế cho một hoặc một số môn tùy khả năng và quỹ thời gian của người học.

Hầu hết học sinh học chương trình Cambridge theo hình thức bổ sung chương trình Việt Nam, tức là vẫn lấy bằng cấp của chương trình Bộ GD&ĐT Việt Nam, cộng thêm các chứng chỉ Cambridge. Rất nhiều trường đại học lớn của Việt Nam đã chấp nhận những chứng chỉ như IGCSE (tốt nghiệp trung học) và A level (Tú tài toàn phần) của chương trình Cambridge nên quyền lợi của người học được đảm bảo ở cả trong và ngoài nước", Thạc sĩ giáo dục Bùi Khánh Nguyên chia sẻ.

Những trường nào chấp nhận chứng chỉ A Level?

Chương trình A Level kéo dài 2 năm. Trong năm đầu tiên, học sinh sẽ được học chương trình AS-level - nửa đầu của chương trình A Level. Vào năm 2, học sinh sẽ tiếp tục học A2-level và hoàn tất chương trình học. Điểm số A Level chính là kết quả tổng hợp của 2 năm học.

Bằng A Level quốc tế được dùng để xét tuyển đầu vào tại các trường đại học và các khóa đào tạo chuyên môn trên toàn thế giới dành cho những học sinh trong độ tuổi 17 - 18.

Ở Việt Nam, học sinh có thể đăng ký thi A Level tự do. Học sinh tự ôn thi tại nhà hoặc các trung tâm giáo dục hỗ trợ ngoài giờ, sau đó đăng ký thi lấy bằng A Level tại British Council (Hội đồng Anh) - đối tác chính thức của Hội đồng thi Cambridge Assessment International Education (CAIE)

Lệ phí thi A Level có sự khác biệt đối với từng môn thi, dao động từ khoảng 8-14 triệu đồng/môn.

Kỳ thi AS/A Level được tổ chức bởi Hội đồng khảo thí Cambridge Assessment International Education (CAIE) diễn ra trong tháng 6 và tháng 11 hàng năm. Các bài thi sẽ được chấm điểm tại Anh và kết quả thi sẽ được công bố vào tháng 8 và tháng 1.

Đối với các thí sinh theo chương trình A Level khoa học và bài bản tại các trường được cấp phép bởi Cambridge, nhà trường sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thi và gửi bài thi tới Hội đồng khảo thí quốc tế Cambridge ngay sau khi kết thúc kỳ thi. Kết quả sẽ được CAIE trả về trường và thông báo tới từng Học sinh.

Hội đồng chấm thi A Level sử dụng hệ thống thang điểm thống nhất Percentage Uniform Mark (PUM) được quy đổi từ điểm bài thi thực thế (raw marks) so với phổ điểm mà Cambridge đưa ra cho mỗi bậc điểm (grade) ở từng kỳ thi… 

Hệ Cambridge ở trường công và các trường quốc tế: Những trường đại học nào ở Việt Nam chấp nhận chứng chỉ A Level? - 3

Kết thúc lớp 11, học sinh sẽ thi Tú Tài Nâng cao AS Level. Với tối thiểu 4 điểm ở bậc AS (Tú tài nâng cao năm 1), học sinh sẽ được xét tuyển vào dự bị đại học hoặc vào thẳng năm nhất của rất nhiều trường đại học tại Úc, Canada, New Zealand…

Kết thúc lớp 12, học sinh sẽ thi và nhận Chứng chỉ Tú tài Nâng cao A Level. Chứng chỉ này là tấm vé vàng đưa các em đến với tất cả các trường đại học tại Anh và hơn 50 Quốc gia, gia tăng cơ hội học bổng ở các trường Top đầu như thế giới như Đại học Harvard; Đại học Oxford; Đại học Cambridge…

Tại Việt Nam, chứng chỉ A Level đã được các trường đại học hàng đầu công nhận và ưu tiên xét tuyển như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Ngoại thương, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP HCM, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM, Đại học RMIT, Đại học Anh Quốc BUV, Đại học VinUni…

Chương trình Quốc tế Cambridge được thiết kế bởi Hội đồng khảo thí Quốc tế Cambridge (CAIE) dành cho học sinh từ 5 đến 19 tuổi. Chương trình được xây dựng gồm 4 lộ trình xuyên suốt từ Tiểu học đến hết THPT và Tú tài nâng cao.

- Chương trình Tiểu học Quốc tế Cambridge (Cambridge Primary) tập trung phát triển kỹ năng và cung cấp kiến thức cho học sinh thông qua 10 môn học gồm: Toán, Ngôn ngữ Anh, Khoa học, Nghệ thuật và Thiết kế, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Viễn cảnh toàn cầu Cambridge, Khoa học công nghệ, Kiến thức số.

Thông thường, các trường sẽ chọn 3 hoặc 5 môn trong số các môn cho CAIE cung cấp ở trên để đưa vào giảng dạy trong chương trình Tiểu học Quốc tế Cambridge. 3 môn cơ bản được lựa chọn thường là Toán, Khoa học và Ngôn ngữ Anh.

- Chương trình THCS Quốc tế Cambridge được thiết kế dành cho học sinh từ 11 - 14 tuổi (Lớp 6 đến lớp 8) với 10 môn học: Toán, Tiếng Anh, Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, Khoa học, Viễn cảnh toàn cầu, Nghệ thuật & Thiết kế, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Tin học, Năng lực Công nghệ số.

Chương trình THPT Quốc tế Cambridge dành cho học sinh từ 14 đến 16 tuổi (tương ứng với lớp 9 và lớp 10 tại Việt Nam). CAIE cung cấp hơn 70 môn học, chia làm 6 nhóm cơ bản để các trường thành viên tự do lựa chọn: Ngôn ngữ; Ngôn ngữ và Văn học Anh, Toán học, Khoa học, Khoa học xã hội và nhân văn, Sáng tạo, Kỹ thuật và Nghề.

Chương trình Tú tài nâng cao Quốc tế Cambridge (Cambridge AS & A Level) được thiết kế dành cho học sinh từ 16 – 19 tuổi trước khi vào Đại học. Chương trình này tương ứng với hai năm học cuối cấp lớp 11 và 12 tại Việt Nam.

Kết thúc lớp 11, học sinh sẽ thi Tú Tài Nâng cao AS Level. Kết thúc lớp 12, học sinh sẽ thi và nhận Chứng chỉ Tú tài Nâng cao A Level.

Những điều bạn cần biết về IELTS khi có dự định du học trong năm 2023, không có IELTS có đi du học được không?
IELTS chính là tấm vé thông hành giúp mở ra cơ hội sự nghiệp và học tập mang tính quốc tế. Nhiều bạn trẻ có ý định học tập và làm việc ở nước ngoài chắc chắn sẽ cần biết quy định về điểm IELTS.

Bí quyết tuyển sinh

Theo H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết tuyển sinh