PSG.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định ý kiến "đánh nhau là năng động" của Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân là hoàn toàn sai và cho rằng đánh nhau không phải năng động mà là manh động.
“Nói thế là thiếu trách nhiệm”
Trước đó, xung quanh sự việc nữ sinh THPT Bùi Thị Xuân (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đánh nhau, bà Phạm Thị Ngọc Tâm - hiệu trưởng trường này cho rằng: “Đây là lứa tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được”.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về quan điểm này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cho rằng bà hiệu trưởng trường Bùi Thị Xuân này nói vậy hoàn toàn sai. Trên cương vị một người đứng đầu, lãnh đạo trường học mà phát biểu như vậy là thiếu trách nhiệm.
“Là hiệu trưởng mà nói như vậy thì cần phê bình. Tại sao lại xem việc đánh nhau là năng động, trong khi con người sống với nhau cần thương yêu nhau, đùm bọc còn chưa đủ.
Nhất là ở nước ta nữ sinh thì phải dịu dàng, khiêm nhường chứ sao lại ra đường túm tóc, đánh đấm nhau, điều này vô cùng không đúng.
Nói theo ý của bà hiệu trưởng thì các nước trên thế giới đánh nhau, chiến tranh là các nước năng động à, quan điểm này tôi phản đối” PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh TL
Sau khi vụ đánh nhau được bàn luận xôn xao trên các trang báo, bà Phạm Thị Ngọc Tâm đã lên tiếng, lãnh đạo Trường THPT Bùi Thị Xuân đã có buổi làm việc với nữ sinh N và phụ huynh của em này. Theo em N, nguyên nhân dẫn đến việc nữ sinh này bị đánh có thể xuất phát từ một mâu thuẫn trước đó.
Đồng thời cho biết đầu vào của học sinh nhà trường thấp nên nhận thức của học sinh có phần hạn chế.
Trước thông tin bà Tâm cung cấp, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ một lần nữa phản đối và lên án hành động này:
“Với một số người dân trình độ tri thức của họ còn hạn chế thì có thể đồng tình với hành động đánh nhau của nữ sinh. Nhưng, bà hiệu trưởng trước hết là người thầy trực tiếp dạy dỗ các em mà nói như vậy lại càng sai.
Thay vì việc xử lý vụ việc, răn đe các em thì bà hiệu trưởng nói vậy giống như khuyến khích học sinh trong trường đánh nhau để năng động, và việc đánh nhau không hề sai. Tôi cũng khẳng định rằng, không có bất kì phụ huynh học sinh nào lại yên tâm cho con em mình theo học ở một ngôi trường như vậy
Đúng là Bộ Giáo dục và đào tạo cổ vũ các em học sinh năng động nhưng không phải năng động theo kiểu “giang hồ” như vậy”.
Nữ sinh bị đánh trước cổng trường. Ảnh: VNN
Cần xử lý theo kiểu “có học”
Cho ý kiến về việc xử lý tình trạng các em học sinh đánh nhau, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Để giải quyết những vụ việc học sinh mâu thuẫn thế này, việc cần làm trước hết là gọi các em lên nói chuyện để tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc đánh nhau
Giải thích cho các em hiểu, người với người phải yêu thương nhau, không nên có những hành động làm tổn hại tinh thần và thể xác. Phân tích cặn kẽ để tự các em nhận ra việc mình đã làm là sai trái, không hề tốt cho bản thân và bạn bè. Để các em hứa hẹn sẽ không tái phạm việc làm này vào lần sau”.
Đối với những trường hơp học sinh vi phạm nghiêm trọng, ông Nhĩ cho hay: “Trong hoàn cảnh này thì phải thông báo với bố mẹ của học sinh. Bắt các em xin lỗi người bị hại, thầy cô và đối với chính bố mẹ của mình. Thậm chí nếu sai phạm lớn hơn thì cần xử lý nghiêm khắc như kỷ luật, ghi vào học bạ để răn đe, làm gương cho các bạn khác tránh phạm sai lầm”.
Vụ việc xảy ra vào khoảng gần 10 giờ sáng ngày hôm qua 18/2, sau tiết học thứ 3. Khi nữ sinh N vừa ra khỏi cổng trường thì bất ngờ bị một nhóm khoảng 5 – 6 nữ sinh một trường khác trên địa bàn thành phố Huế vây lại đánh hội đồng. Qúa hoảng sợ nên nữ sinh kia đã ngã bệt xuống giữa đường nhưng vẫn bị nhóm nữ sinh xúm vào giật tóc và đấm đá túi bụi. Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo Trường THPT Bùi Thị Xuân phối hợp với cơ quan công an xác minh, truy tìm thủ phạm đã đánh hội đồng nữ sinh Nguyễn Thị T. N. |