Từng đoàn quân "trùng trùng như sóng" tiến về Hà Nội, khắp nơi tràn ngập hoa và cờ đỏ sao vàng, quang cảnh như chỉ có trong giấc mơ...
Trong ký ức của chiến sỹ công an Phạm Gia Đốc, thời khắc tiến về Thủ đô ấy không bao giờ ông quên. 60 năm đã qua nhưng với ông, không khí thiêng liêng của ngày thu lịch sử năm 1954 là kỷ niệm ấn tượng nhất cuộc đời ông…
Bí mật may cờ, làm khẩu hiệu...
Chúng tôi đến gặp ông Phạm Gia Đốc, 88 tuổi ở 27 Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội trong một buổi chiều thu, khi Hà Nội đang tràn ngập không khí kỷ niệm 60 ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014). ông Đốc cho biết, ông chính là người Đội trưởng Công an đầu tiên tại Hà Nội (thuộc sở Công an Bắc Bộ), phụ trách một đội gần 10 người. ông cho hay, nhiệm vụ của các chiến sỹ công an ngày ấy là bảo vệ ngày giải phóng Thủ đô được an toàn, giữ gìn an ninh của thành phố và tìm ra bọn Việt gian được cài lại.
Ông Phạm Gia Đốc, Đội trưởng Công an đầu tiên tại Hà Nội.
Ông Phạm Gia Đốc cho biết, ngày 10/10/1954, các chiến sỹ công an, bộ đội mới tiếp quản Thủ đô nhưng ông và các đồng đội của mình đã được phái về Hà Nội từ ngày mùng 6 để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, quân Pháp bị hất cẳng tại Mường Thanh, về các tỉnh vệ tinh quanh Hà Nội như Hoà Bình, Nam Định, Bắc Giang... các chiến sỹ công an Hà Nội như ông Phạm Gia Đốc đã anh dũng chiến đấu với địch, thu hẹp vùng tạm chiếm của Pháp. Quân Pháp phải co cụm, chạy dần về Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nội. Đội công an của ông Đốc cũng tiến về Hà Nội theo đường rút của địch.
Ông Đốc nhớ lại: "Trước ngày 10/10/1954 các đội trật tự đã vào Hà Nội trước để bảo vệ an ninh của Thủ đô. Đội trinh sát của tôi cũng vào trước mùng 10, nhiệm vụ chủ yếu là giữ được ổn định tính mạng, vật chất của nhân dân, cùng với các đoàn thể vận động bà con Hà Nội chuẩn bị cho ngày giải phóng Thủ đô. Tuy đều là những thông tin mật nhưng hầu hết toàn dân Hà Nội đều rất hoan hỷ để chờ ngày giải phóng Thủ đô. ở trong thành phố, lúc ấy quân Pháp vẫn đi tuần tra, thiết quân luật với nhân dân nhưng không khí đã rất "nóng". Bề ngoài, nhân dân vẫn sản xuất lao động bình thường nhưng bên trong mỗi ngôi nhà không khí sục sôi, các chiến sỹ công an cũng rất vui mừng, cảm nhận ngày chiến thắng đến rất gần nhưng vẫn "nén" trong lòng để bảo đảm an toàn cho nhân dân Hà Nội...".
Trong ký ức của ông Phạm Gia Đốc, những ngày thu năm 1954 ấy thật đặc biệt. Dù vẫn bị quân Pháp thiết quân luật nhưng lòng dân Hà Nội vẫn âm ỷ sục sôi, người người nhà nhà bàn tán về ngày chiến thắng và bí mật may cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, băng - rôn chờ ngày toàn thắng. Nhiều mẹ già đã thức thâu đêm để cắt, khâu nên lá cờ đỏ sao vàng. Nhiều em bé, học sinh đã cùng nhau làm nên những khẩu hiệu ngày chiến thắng ý nghĩa. Nhân dân chuẩn bị cả tinh thần và vật chất để chào đón bộ đội về Thủ đô.
Cũng theo ông Phạm Gia Đốc, từ ngày 20/7/1954 sau khi hiệp định Giơ Ne Vơ được chính thức ký kết, lần đầu tiên trong lịch sử, Pháp và các nước lớn phải thừa nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia thì khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô, bộ đội vào đến đâu quân Pháp trao trả lại toàn bộ nhà máy, công sở, chính quyền trong êm đẹp. Tuy nhiên, lực lượng công an vẫn phải cảnh giác với những đối tượng manh động vào thời khắc lịch sử ấy. Ngày 8/10/1954, nhiều tiểu đoàn bộ đội hành quân tới Cầu Đuống là 8h sáng. Đến trưa 8/10, ở tất cả các vị trí quan trọng của Hà Nội đã có quân ta án ngữ.
Những ký ức gọi thành tên...
5h sáng 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa hết, cả Thành phố náo nhiệt hẳn lên. Nhà thờ mở cửa chào đón ngày mới: Ngày giải phóng Thủ đô. Phố xá tô điểm thêm bằng cờ, biểu ngữ, trang trí thêm cổng chào. Mọi người mặc bộ quần áo đẹp nhất, đường phố sạch sẽ tinh tươm đón đoàn quân chiến thắng trở về. 8h sáng, các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu "Chiến sỹ Điện Biên Phủ" cài trên ngực áo trở về trong lòng nhân dân Hà Nội giữa một rừng cờ hoa trong sự đón mừng nồng nhiệt của đồng bào.
Nhân dân Hà Nội chào đón bộ đội tiếp quản Thủ đô.
Ông Đốc hồi tưởng lại: "Sáng 10/10, "đại quân" ta vào tiếp quản thành phố trong rừng cờ hoa và biển người. Tôi vui quá, vì được chứng kiến cảnh quân ta về Thủ đô với đội ngũ "trùng trùng điệp điệp" như vậy. Cảm giác như cả Hà Nội đang trong một ngày hội lớn. Sau đó, tôi phải quay về với anh em đang âm thầm canh gác những nơi Pháp vừa rút hết. Anh em công an còn được lệnh đứng sát với nhân dân Thủ đô để đón bộ đội, đồng thời cũng bí mật bảo vệ an toàn cho người dân Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, nhân dân ta hào hứng kéo lá cờ đỏ sao vàng lên treo và cùng hát vang bài hát "Tiến về Hà Nội" của nhạc sỹ Văn Cao đến đó. Bộ đội tiến vào nội thành là quân Pháp rút hết. Cảm giác được chứng kiến Hà Nội đổi thay trong giờ phút ấy rất xúc động. Đó là những ký ức gọi thành tên của tôi...".
Trước, trong và sau ngày thu lịch sử 10/10/1954, các cán bộ công an thành phố Hà Nội đều được giao một trọng trách đó là giữ bí mật về buổi lễ chào mừng chiến thắng, đồng thời bảo đảm cho người dân Thủ đô có được cuộc sống yên bình. ông Phạm Gia Đốc cho biết, ngày đó, công an Hà Nội cũng có thêm một nhiệm vụ mới, đó là cảnh giác, phát hiện Việt gian còn được cài cắm lại trong hàng ngũ của ta nên mọi thông tin đều rất cẩn trọng và bí mật. Vì thế trong thời gian đó, tất cả những chiến sỹ công an đều không được liên lạc với gia đình, kể cả những chiến sỹ có gia đình ngay ở nội thành Hà Nội cũng được ở tập trung tại doanh trại, tránh việc thông tin bị lọt ra ngoài.
Ông Phạm Gia Đốc cho biết, buổi chiều 10/10/1954 là Lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Trời thu Hà Nội xanh ngắt, điểm một sắc cờ đỏ thắm tựa bông hoa, trên sân vận động Manzin (nay là sân Cột Cờ), các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Đứng sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Xung quanh sân vận động, nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt đứng vòng trong vòng ngoài chật ních cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Ai cũng muốn có mặt trong Lễ chào cờ lịch sử hôm ấy.
Đúng 15h chiều, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, toàn thành phố hướng về Thành Hoàng Diệu. Đứng chủ thể lễ chào cờ là Tướng Vương Thừa Vũ và bác sỹ Trần Duy Hưng, đoàn quân nhạc do Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy cử Quốc thiều, mọi người kính cẩn nhìn lên lá Quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột Cờ cao ngất. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội bước ra trước máy phóng thanh trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Buổi lễ ngày 10/10/1954 thành công tốt đẹp và là hồi ức đẹp của toàn dân Thủ đô và chiến sỹ công an, bộ đội của Hà Nội lúc bấy giờ.
Vui mừng vì là công dân của thành phố hoà bình Ông Phạm Gia Đốc cho biết, cảm giác đầu tiên khi đặt chân về Hà Nội khi ấy là Thủ đô không khác nhiều so với 9 năm trước. Có hai con đường thay đổi là Lê Thái Tổ và Phùng Hưng được người Pháp xây dựng khang trang hơn. Sau một thời gian dài xa cách làm nhiệm vụ cách mạng, nhiều chiến sỹ công an, bộ đội gặp lại người thân vui mừng đến khóc. Bởi họ gặp lại nhau sau khi Hà Nội đã yên bình, khi đã là công dân của một thành phố hoà bình - nơi đã sạch bóng giặc thù. |