Ông đã lấy mẹ của Ngô Nhật Khánh – 1 trong 12 loạn sứ quân, con cháu của Ngô Quyền làm vợ rồi phong hoàng hậu, đồng thời gả con gái là công chúa Phất Kim cho Nhật Khánh; cho em gái của Nhật Khánh lấy con mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn.
Đinh Tiên Hoàng (924 - 979) tên húy Đinh Bộ Lĩnh là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh trong lịch sử phong kiến. Ông sớm mồ côi cha. Thuở bé, ông theo mẹ vào động bên cạnh đền thờ sơn thần sinh sống.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua lúc còn nhỏ chơi cùng với lũ trẻ chăn trâu ngoài đồng, lũ trẻ tự biết kiến thức không bằng vua nên cùng nhau tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, vua bắt chúng khoanh tay làm kiệu để khiêng và lấy hoa lau đi hai bên để rước như là nghi vệ thiên tử.
Ngày rỗi sang đánh trẻ con thôn khác, đến đâu chúng đều sợ phục, rủ nhau hàng ngày đến kiếm củi thổi cơm để phục dịch. Bà mẹ thấy thế mừng lắm, mổ lợn của nhà cho chúng ăn. Phụ lão bảo nhau rằng đứa trẻ này khí độ như thế, tất sẽ làm nên việc, bọn chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối không kịp”.
Dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế
Năm 944, khi Đinh Bộ Lĩnh tròn 20 tuổi, vua Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha chiếm ngôi và xưng là Bình Vương. Lúc bấy giờ con trai Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập chạy về Nam Sách (Hải Dương) tạo nên cuộc tranh chấp ngôi báu giữa nhà Ngô và ngoại tộc.
Tranh vẽ tuổi thơ của Đinh Bộ Lĩnh.
Kết quả, Dương Tam Kha bại trận, Ngô Xương Ngập cùng em trai là Ngô Xương Văn nắm lại quyền lực. Do cả hai cùng nắm quyền nên triều đình ngày càng trở nên rối ren, các sứ quân cát cứ bắt đầu hình thành và nổi dậy.
Trước tình hình đó, Đinh Bộ Lĩnh đã tập hợp lực lượng để trở thành thủ lĩnh, lấy động Hoa Lư làm căn cứ ban đầu, thực hiện sự nghiệp thống nhất đất nước. Lúc này triều đình nhà Ngô đang rệu rã đã cho quân đến đánh dẹp. Đinh Bộ Lĩnh liền cho con mình là Đinh Liễn đến triều đình Cổ Loa làm con tin để hòa hoãn.
Biết được ý định tạm hòa hoãn để xây dựng lực lượng, hai vương nhà họ Ngô đã cho quân tiến đánh động Hoa Lư nhưng bị chống trả quyết liệt, liền treo Đinh Liễn lên cây dọa giết. Đinh Bộ Lĩnh đanh thép nói: “Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao”, sau đó sai hơn chục người cầm cung nỏ nhằm bắn vào Đinh Liễn khiến hai vương nhà Ngô phải cho quân rút lui. Đinh Liễn thoát chết.
Nhờ đó, thế lực của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng lớn mạnh với nhiều tướng lĩnh tài ba và các tráng đinh từ vùng Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa ngày nay.
Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh và chết. Hơn 10 năm sau, Ngô Xương Văn đem quân đi đánh các thế lực chống đối và chết trận. Không còn chính quyền trung ương, đất nước càng thêm rối loạn rồi bị chia rẽ sâu sắc bởi sự nổi lên của 12 sứ quân. Cùng lúc đó, triều đình phương Bắc nhăm nhe khôi phục ách đô hộ. Vì thế, Đinh Bộ Lĩnh đã đứng lên dẹp loạn.
Động Hoa Lư - căn cứ đầu tiên của Đinh Bộ Lĩnh.
Suốt hai năm, Đinh Bộ Lĩnh thuyết phục, vận động, liên kết, hàng phục và dùng sức mạnh quân sự để đánh dẹp các thế lực cát cứ. Cuối cùng ông đã lần lượt thu phục các sứ quân, chấm dứt tình trạng phân chia cát cứ, thống nhất đất nước, được gọi là Vạn Thắng Vương. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và cho định đô ở Hoa Lư.
Lấy mẹ của kẻ địch làm vợ, gả con gái cho kẻ địch
Lên ngôi sau khi dép “loạn 12 sứ quân”, vua Đinh Tiên Hoàng luôn tìm cách khống chế tầm ảnh hưởng của các sứ quân và hậu duệ của họ, trong đó có cả biện pháp dùng hôn nhân. Cụ thể, ông đã lấy mẹ của Ngô Nhật Khánh – 1 trong 12 loạn sứ quân, con cháu của Ngô Quyền làm vợ rồi phong hoàng hậu, đồng thời gả con gái là công chúa Phất Kim cho Nhật Khánh; cho em gái của Nhật Khánh lấy con mình là Nam Việt Vương Đinh Liễn.
Dã sử không ghi mẹ của Ngô Nhật Khánh tên là gì, chỉ ghi là Ngô phu nhân. Có thuyết cho rằng bà sinh với Đinh Tiên Hoàng một hoàng tử là Đinh Hạng Lang.
Tượng vua Đinh Tiên Hoàng.
Về phía Ngô Nhật Khánh, tuy được đưa vào các mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ với nhà Đinh nhưng lúc nào cũng nuôi chí phục thù, mong dựng lại cơ đồ nhà Ngô... Hắn tìm mọi cách để chống lại vua Đinh, liên hệ với vua Chiêm Thành để mưu đồ phản nghịch.
Thậm chí, trước khi chạy vào theo Chiêm Thành, Ngô Nhật Khánh xẻo má vợ để làm nhục. Nhưng trong cuộc hành quân của quân Chiêm định đánh Đại Cồ Việt, Ngô Nhật Khánh đã bị chết đuối.
Sau biến cố đau lòng trên, Ngô phu nhân chẳng còn lòng dạ nào ở lại hoàng cung nữa. Dã sử chép, sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, bà lập một ngôi chùa ở ngoại thành Hoa Lư để tu hành, ngôi chùa có tên là Đàm Lư nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Bà Ngô.
Sai lầm khiến con trai trưởng sát hại con út
Đinh Tiên Hoàng có ba người con trai là Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Đầu năm 978, Đinh Tiên Hoàng lập con nhỏ Hạng Lang làm hoàng thái tử, phong con thứ là Toàn làm Vệ vương. Việc này gây mâu thuẫn trong nội tộc khi Đinh Liễn – con trai trưởng từng trải qua nhiều gian khổ với vua lại không được lập làm hoàng thái tử”.
Mùa xuân năm 979, Đinh Liễn giết Hạng Lang. Nhân cơ hội đó, các thế lực muốn chiếm đoạt ngai vàng tìm cách lật đổ vương triều Đinh. Đến tháng 10, cháu của Đỗ Cảnh Thạc – người đứng đầu một sứ quân từng bị Đinh Tiên Hoàng tiêu diệt, đã giết vua Đinh Tiên Hoàng ở sân cung đình và giết luôn cả Đinh Liễn. Vua được an tang ở Sơn Lăng trên núi Mã Yên thuộc Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.