Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam và cái chết gây tranh cãi khiến người đời xót xa

K.T - Ngày 29/11/2020 12:10 PM (GMT+7)

Nói về cuộc đời và sự nghiệp của Lý Nam Đế, sử gia Ngô Sĩ Liên nhận định: “Tiền Lý Nam Đế dấy binh trừ bạo, đáng là thuận đạo trời, thế mà cuối cùng đến nỗi bại vong là vì trời chưa muốn cho nước ta được bình trị chăng?".

Lý Nam Đế (503 – 548) tên húy Lý Bí hoặc Lý Bôn là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lý và nước Vạn Xuân. Ông là 1 trong 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Theo sách sử, ông là người Thái Bình nhưng vẫn chưa xác định được chắc chắn vì thời đó nơi này còn là biển.

Sinh ra đã mang bản mệnh đế vương

Lý Bí là con của một hào trưởng nhưng sớm mồ côi cha mẹ nên được một thiền sư đưa về chùa nuôi dạy. Vì thế ông trở thành người học rộng, hiểu sâu, thiên tư lỗi lạc, có tài văn võ. Thậm chí có tương truyền rằng, ông sinh ra đã mang bản mệnh đế vương.

Theo dã sử, khi gần sinh Lý Bí, mẹ đẻ của ông có việc gấp phải đi. Lúc ngang qua chùa ấp Quang Lang thì gặp mưa dông, trời lại sắp tối, bà bèn vào chùa xin trú qua đêm. Đến giờ Thìn, xuất hiện ánh hào quang rồi rồng vàng giáng xuống, bà trở dạ sinh con trai, đặt tên là Lý Bí.

Thuở nhỏ, Lý Bí tỏ ra thông minh, hiểu biết. Năm ông lên 5 tuổi, cha mất. Hai năm sau, mẹ cũng qua đời. Ông chuyển đến sống cùng chú ruột. Một hôm, có vị thiền sư đi qua, thấy cậu bé khôi ngô, tuấn tú bèn xin đem về chùa nuôi dạy.

Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam và cái chết gây tranh cãi khiến người đời xót xa - 1

Chân dung vị vua đầu tiên của Việt Nam.

Hơn 10 năm làm tiểu ở chùa, Lý Bí tích cực học tập trở thành người học rộng, hiểu sâu và văn võ toàn tài. Nhờ thế ông được suy tôn làm thủ lĩnh địa phương rồi được thứ sử Tiêu Tư nhà Lương (triều đình phương Bắc) mời ra làm quan. Nhưng ông bất bình với sự cai trị tàn ác nên bỏ mũ áo, mưu việc dấy binh.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: "Vua bấy giờ làm chức Giám quân ở châu Cửu Đức (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), nhân liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc tù trưởng ở Chu Diên (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay) phục tài đức của vua, bèn dẫn đầu đem quân theo về. Thứ sử Giao châu là Lâm Vũ Hầu Tiêu Tư biết việc, đem của đến hối lộ cho vua, rồi chạy về Quảng Châu. Vua ra chiếm giữ châu thành (tức là Long Biên)".

Năm 542, nhà Lương cho quân sang xâm chiếm, Lý Bí lãnh đạo quân tướng đánh đuổi khiến chúng "10 phần chết đến 6-7 phần, quân tan rã mà về". Năm 543 vua Lâm Ấp (tiền thân của nhà nước Chămpa) đưa quân xâm lấn lãnh thổ bị quân tướng của Lý Nam Đế đánh tan.

Toàn bộ đất Giao Châu (gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của Việt Nam ngày nay và một phần đất Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc) đều thuộc quyền kiểm soát của nhà tiền Lý. "Năm 544, mùa xuân, tháng Giêng, vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu, đóng đô ở Long Biên, dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội", Đại Việt sử ký toàn thư ghi.

Triều đình nhà Tiền Lý có hai ban văn và võ. Tướng Phạm Tu đứng đầu hàng quan võ, Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn. Triệu Quang Phục làm Đại tướng dưới thời Lý Nam Đế. Sách 54 vị hoàng đế Việt Nam viết: "Lý Bí - Lý Nam Đế là hoàng đế đầu tiên của nước ta. Ông lập một triều đình riêng là sự khẳng định chủ quyền độc lập, bền vững muôn đời của dân tộc ta. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, người Việt tự xây dựng cho mình một cơ cấu nhà nước mới theo chế độ tập quyền trung ương".

Cái chết gây tranh cãi

Sau thất bại ban đầu, nhà Lương bắt đầu tiến hành đàn áp quy mô lớn. Vua Lương sai Trần Bá Tiên - một viên tướng khét tiếng tàn bạo và dày dặn kinh nghiệm lĩnh quân đánh Vạn Xuân.

Trước thế tấn công ồ ạt của quân Lương, quân Lý Nam Đế thất bại trong hai trận lớn ở Chu Diên và cửa sông Tô Lịch, phải rút về Gia Ninh (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) rồi lại về hồ Điển Triệt. Sau đó lợi dụng địa thế sông hồ lớn, dễ phòng thủ, Lý Nam Đế huy động hơn hai vạn quân, thuyền bè đóng kín mặt hồ.

Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam và cái chết gây tranh cãi khiến người đời xót xa - 2

Nhà tưởng niệm vua Lý Nam Đế ở Thái Bình.

Lúc này quân Lương e sợ, không dám tấn công. Trần Bá Tiên ra lệnh tướng sĩ nhân lúc quân Lý Nam Đế còn hoang mang sau vài trận thua liên tiếp để đánh. Tướng sĩ dưới quyền không ai dám lên tiếng chống lại.

Nửa đêm, nước dâng cao bất ngờ, tràn đổ vào hồ. Trần Bá Tiên lệnh quân lính lợi dụng thế nước tiến vào Điển Triệt. Quân Vạn Xuân không phòng bị lại vừa mới được tập hợp, còn lỏng lẻo nên nhanh chóng tan vỡ. Hoàng đế Lý Nam Đế lui giữ ở trong động Khuất Lão (thuộc tỉnh Phú Thọ). Ông ủy thác tả tướng Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá Tiên.

Năm 548, sau khi lên ngôi 5 năm, Lý Bí mắc bệnh nặng, qua đời. Theo sách Việt Nam văn minh sử cương dẫn một số nguồn tài liệu cổ, Lý Nam Đế ở lâu ngày trong động, vì nhiễm lam chướng nên bị mù hai mắt. Vì vậy đời sau đến ngày giỗ thường phải xướng tên các đồ lễ để vua nghe thấy. Lại cũng theo tài liệu này, có thuyết cho rằng không phải Lý Nam Đế ốm chết mà vua bị người Lạo làm phản giết hại.

Nói về cuộc đời và sự nghiệp của Lý Nam Đế, sử gia Ngô Sĩ Liên nhận định: “Tiền Lý Nam Đế dấy binh trừ bạo, đáng là thuận đạo trời, thế mà cuối cùng đến nỗi bại vong là vì trời chưa muốn cho nước ta được bình trị chăng? Than ôi! Không chỉ vì gặp phải Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh, mà còn gặp lúc nước sông đột ngột dâng lên trợ thế cho giặc, há chẳng phải cũng do trời hay sao?”.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhận xét: "Nam Đế nhà Lý dù không địch nổi quân Lương, việc lớn tuy không thành nhưng đã biết nhân thời cơ mà vùng dậy, tự làm chủ nước mình, đủ để tạo thanh thế và mở đường cho nhà Đinh, nhà Lý sau này. Việc làm của Lý Nam Đế há chẳng phải là hay lắm đó sao".

Hoàng hậu đầu tiên của Việt Nam: Cúng chồng xong liền hóa thành đống mộ khiến ai cũng kinh sợ
Trở thành vợ Lý Bí, bà Đỗ Thị Khương đã phò tá, phụ giúp chồng rất nhiều trong việc chiêu binh mãi mã, xây dựng đồn lũy và lập căn cứ chống quân Lương...
K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thâm cung bí sử