Hoàng tử cuối cùng của Lịch sử phong kiến Việt Nam và cuộc đời bi thương không ai ngờ

K.T - Ngày 01/11/2020 06:30 AM (GMT+7)

Hoàng tử cuối cùng của triều nhà Nguyễn không lấy vợ cũng không có con, luôn day dứt vì cuộc sống lưu vong.

Nguyễn Phúc Bảo Long (1936-2007) là vị hoàng tử cuối cùng của chế độ quân chủ trong Lịch sử Việt Nam. Ông là đích trưởng tử của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu. Ông có một em trai là Bảo Thăng và 3 cô em gái: Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung. Tất cả đều sinh sống ở Pháp.

Hoàng tử thông minh và sáng dạ nhưng liên tục lái xe gây tai nạn

Bảo Long lớn lên trong khung cảnh gia đình không nói tiếng Việt trong một thời gian dài. Do đó sau ngày vua Bảo Đại thoái vị, ông cùng các em theo mẹ là Hoàng hậu Nam Phương về cung An Định sinh sống, học tại trường Đồng Khánh và phải cố gắng học tiếng Việt.

Thỉnh thoảng Bảo Long bị các cô giáo ở trường phạt quỳ úp mặt vào tường và ngoan ngoãn chấp hành. Nhiều hôm đi đón con, Hoàng hậu Nam Phương thấy con bị phạt rất đau lòng nhưng cố quay mặt đi để cho con thi hành xong giờ phạt. Ngoài giờ học, Bảo Long cùng chơi với học trò thường dân, hát Tiến quân ca, tập đánh trận.

Hoàng tử cuối cùng của Lịch sử phong kiến Việt Nam và cuộc đời bi thương không ai ngờ - 1

Hoàng tử Bảo Long (bìa trái) và các chị em của mình.

Năm 1947, chiến tranh Pháp – Việt nổ ra, Nam Phương đem các con đến Thorenz tại Cannes, thuộc vùng biển Côte d’Azur, Pháp sinh sống. Tại đây, Bảo Long được chăm chút chuyện học hành ở một ngôi trường đứng đắn, kỷ luật rất nghiêm khắc; chăm sóc theo tiêu chuẩn của một ông hoàng: Mỗi sáng được tắm nước nóng, trong khi các bạn cùng lớp tắm nước lạnh; bữa tối được chia nhiều thức ăn hơn...

Thời gian đầu, các thầy cô giáo và bạn học lúng túng không biết xưng hô thế nào cho phải với tước vị cao quý của Bảo Long. Cuối cùng thầy hiệu trưởng chọn tên Philippe (nguồn gốc Hy Lạp “hyppos”, có nghĩa là ngựa) bởi ông vốn mê cưỡi ngựa.

Hoàng tử Bảo Long thông minh, sáng dạ nên có kết quả học tập vô cùng tốt. Theo đó, ông giỏi văn chương, ngôn ngữ; còn toán và các môn khoa học tự nhiên ở mức bình thường nhưng nhiều lần đứng hàng đầu trong bảng tổng xếp hạng. 

Lên 17 tuổi, Hoàng tử Bảo Long đỗ tú tài triết học nhưng luôn luôn có cảnh binh đi kèm. Ông từng kể: "Tôi phải sống ngăn cách với thế giới xung quanh, có cảnh binh bảo vệ, mặc dù ở Cannes là cả một thế giới ăn chơi, có ô tô sang trọng, có máy bay riêng, có gia nhân đầy tớ. Tóm lại tôi không biểu sao người ta lại bắt tôi sống trong ký túc xá trường trung học, kỷ luật khắt khe, thiếu thốn mọi thứ. Sau này tôi mới hiểu, chính mẹ tôi muốn tránh cho tôi khỏi bị nuông chiều quá, tránh cuộc sống phóng đãng như cha tôi, một lối sống đã gây cho bà nhiều đau khổ”.

Hoàng tử cuối cùng của Lịch sử phong kiến Việt Nam và cuộc đời bi thương không ai ngờ - 2

Nam phương Hoàng hậu và hoàng tử Bảo Long.

Mặc dù được "bao bọc" nhưng vị hoàng tử vẫn được cha nuông chiều bằng việc tặng một chiếc ô tô vừa dài vừa đẹp, nổi tiếng thanh lịch làm quà sinh nhật. Ông liền cầm lái dù chưa có bằng rồi đâm phải một chiếc xe đi ngược chiều. Sau đó mỗi lần cầm lái chiếc xe tốc độ cao, ông phải cố kiềm chế để xe đi với tốc độ trung bình. Đám cảnh sát hò hét hết hơi để chạy theo, nhiều khi phải mượn chiếc xe của cha ông mới đuổi kịp. Theo ghi chép, trong 2 năm, ông gây ra 12 vụ tai nạn.

Bỏ chính trị, lập thân từ quân đội đến chuyện muốn tìm đến... cái chết

Sau khi đỗ tú tài, Hoàng tử Bảo Long ghi tên học dự thính cả hai trường một lúc: trường Hành chính và trường Luật. Tuy nhiên ông lại đột ngột từ bỏ cuộc sống nhung lụa để xin đứng vào hàng ngũ chiến đấu. Ông cho cha biết ý định từ bỏ vai trò kế vị ngôi báu và muốn trở về nước, theo học trường võ bị Đà Lạt mới thành lập để trở thành sĩ quan quân đội quốc gia. 

Bất ngờ trước ý định của con trai, cựu hoàng Bảo Đại ban đầu chối từ nhưng thấy con tha thiết theo đuổi binh nghiệp hơn là làm chính trị nên đồng ý. Cựu hoàng cho Hoàng tử Bảo Long vào học trường võ bị ở Pháp - nơi có tiếng và an toàn hơn. 

Tại ngôi trường đó, Bảo Long bình thản chịu đựng cuộc sống khắc khổ trong quân ngủ, sống chan hòa với 27 người bạn trong phòng. Cuối năm 1956, sau hai năm học ông đã chọn một trường học để thực hành và đến khi kết thúc, ông chỉ nghĩ đến... cái chết. Một cái chết nhanh chóng và có thể là vẻ vang. Thay vì tự tử ông xin chuyển sang đội quân lê dương để đi chiến đấu ở Algérie. Ông nghĩ đó là cách chắc chắn nhất để không bao giờ phải nghĩ lại nữa và tự kết liễu đời mình nhanh nhất.

Hoàng tử cuối cùng của Lịch sử phong kiến Việt Nam và cuộc đời bi thương không ai ngờ - 3

Tại ngôi trường đó, Bảo Long bình thản chịu đựng cuộc sống khắc khổ trong quân ngủ.

Phải gần 3 tháng sau, ông mới nhận được công văn chấp thuận của Bộ chiến tranh. Khi biết quyết định của con, Cựu hoàng Bảo Đại cũng như Nam Phương tôn trọng ý nguyện của ông, không tìm cách làm thay đổi sự lựa chọn của ông, tránh không gợi vấn đề và giữ im lặng, không bộc lộ cơn xúc động trước mặt ông.

10 năm – khoảng thời gian phục vụ ở Algérie đã để lại trong vị hoàng tử dư vị cay đắng, cảm giác ghê tởm. Đạo quân ông đã lầm lạc phục vụ suốt mười năm, không để lại cho ông một kỷ niệm nào tốt đẹp. Ông đã mất thăng bằng về tinh thần và không tìm được chút hơi ấm tình người nào cả.

Sống ẩn dật đến cuối đời, không vợ không con

Rời quân đội, Hoàng tử Bảo Long làm việc trong một chi nhánh ngân hàng có hội sở giao dịch khá to đẹp trên đại lộ Opéra. Do ông là người có tài, có kinh nghiệm dày dạn trong việc làm cho tiền của Hoàng hậu Nam Phương sinh sôi, vì thế được phụ trách công việc đầu tư tiền của khách hàng ra nước ngoài, đem lại lợi ích cho họ.

Hoàng tử cuối cùng của Lịch sử phong kiến Việt Nam và cuộc đời bi thương không ai ngờ - 4

Khi về già, Bảo Long vẫn còn những giữ được nhiều nét đẹp trên gương mặt mình.

Hoàng tử Bảo Long sống trong một căn hộ đẹp ở đường Marais. Ông không lập gia đình, cũng không có con cái. Ông luôn luôn day dứt vì cuộc sống lưu vong. Ông còn xảy ra tranh chấp kiện tụng giữa cha trong việc chia báu vật khiến tâm trạng lúc nào cũng u uất, buồn phiền.

Trong đám tang Cựu hoàng Bảo Đại, Bảo Long đứng ở bên linh cữu. Nhưng khi tang lễ kết thúc, trong lúc tiếng đàn ống lớn của nhà thờ vang lên, ông không đi theo cùng đoàn tang như truyền thống đòi hỏi. Ông gần như không muốn mọi người nhìn thấy, kín đáo bước ra khỏi nhà thờ bằng một cửa ngách. Cộng đồng người dân ở Paris không biết gì mấy về một ông hoàng bí ẩn, giữ kẽ.

Cuối tháng 7/2007, Hoàng tử Bảo Long qua đời, lễ an táng được tổ chức vào ngày 2/8/2007, chỉ bao gồm những người thân thích của gia đình.

Công chúa nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam và nỗi oan giết chồng là hoàng đế vì ghen tuông
Công chúa Ngọc Hân là cái tên vô cùng quen thuộc đối với độc giả Việt Nam nhưng ít ai biết rằng bà có một nỗi oan giết chồng.
K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h